3/26/07

Phần mềm Quản lý dự án

Nếu như OpenOffice ngang ngửa với MS Office về tính năng thì hiện chưa có phần mềm quản lý dự án nào trong Linux sánh được với MS Project. Tuy nhiên, cũng như với WinWord mà hiện đa số người dùng chỉ cần đến và dùng được một phần nhỏ tính năng của nó, bạn có thể sử dụng các phần mềm quản lý dự án dưới đây khi mà trình độ quản lý dự án của bạn chưa được "như tây".
Tôi chưa tìm hiểu và sử dụng kỹ được các phần mềm này nên những nhận xét dưới đây chỉ có tính sơ bộ, nhưng cũng giới thiệu để các bạn cùng tìm hiểu.

1- KPlato: đây là phần mềm quản lý dự án nằm trong bộ KOffice, chạy trong môi trường KDE nên giao diện rõ ràng và đẹp khi chạy trên Kubuntu. Phần mềm này có thể cài bằng Adept Manager (gõ kplato vào ô Search). Ưu điểm: có hệ thống đánh số WBS, tích hợp chặt với các ứng dụng KDE khác (có thể chọn người thực hiện trong Kontact và gửi mail qua KMail). Nhược điểm: cách cập nhật tiến độ hơi khó hiểu,..., không đọc được các file dự án của MS Project (mpp).

2- GanttProject: phần mềm này chạy trên java, do đó trước hết phải cài JRE vào máy. Site chính là www.ganttproject.org.Ưu điểm: đọc được file MS Project, cách cập nhật tiến độ đơn giản (% thực hiện), thời gian hiển thị điều chỉnh được (ngày, tuần, tháng,...), có thể điều chỉnh thời gian của task bằng cách kéo rê chuột, có đường găng,.. Nhược điểm: giao diện không đẹp, không có WBS, không tích hợp với các ứng dụng khác.
Lưu ý khi chỉnh GanttProject:
1- Vào KMenu - System Settings - Appearance - GTK Style and Fonts - GTK Fonts, chọn font là Arial hoặc Times New Roman.
2- Trong GanttProject vào menu Edit - Settings - Appearance, chọn GTK+
Chỉnh như vậy màn hình sẽ hiển thị tốt tiếng Việt.

Ngoài ra còn có một phần mềm miễn phí khác là OpenWorkbench (www.openworkbench.org) có tham vọng thay thế MS Project nên có nhiều tính năng mạnh. Nhưng hiện nay, OpenWorkbench chỉ chạy trên Windows.

3/24/07

Lưu ý khi cài phần mềm bằng Adept Manager

Khi cài phần mềm bổ xung vào Kubuntu bằng Adept Manager, phần mềm và các gói liên quan được tự động download về và cài. Nếu đang trong quá trình cài (đã download xong), bạn thấy màn hình đứng yên tức là quá trình cài yêu cầu thông tin bổ xung. Nhấn vào nút Show Details (ở bên phải thanh trạng thái cài đặt). Một màn hình chi tiết sẽ mở ra cho thấy ví dụ phần mềm đang chờ bạn trả lời đồng ý với các điều kiện bản quyền của nó hoặc chọn một mục nào đó chẳng hạn. Trong màn hình này phải dùng phím Tab di chuyển đến các vị trí, dùng Space để chọn các option, Enter để chấp nhận, không dùng chuột được.Trường hợp này sẽ gặp khi cài java, egroupware,... tức là những phần mềm đòi hỏi tương tác khi cài.

3/17/07

Tin về ứng dụng Linux

1- Quốc hội Pháp đang bắt đầu một cuộc cách mạng của riêng mình: chuyển tử
Windows sang phần mềm nguồn mở. Khi Quốc hội họp vào tháng 6/2007 tới, các
nghị sỹ sẽ làm việc trên 1154 máy tính chạy Ubuntu Linux. (13-3-2007)
(Nguồn: http://desktoplinux.com/news/NS6755477184.html )

2- Ba công ty Brazin đang tiến hành khai triển các máy tính chạy Linux cho
chương trình "Máy tính dành cho mọi người" của chính phủ Brazin. Dự kiến hàng
tháng sẽ giao 10,000 máy, 50,000 máy đã được giao. Công ty không nói rõ
tổng số máy sẽ giao là bao nhiêu. (13-2-2007)
(nguồn: http://www.desktoplinux.com/news/NS8553667891.html )

3- Tại triển lãm Giải pháp Linux Paris 30-1-2007, Hãng chế tạo ôtô lớn thứ hai
châu Âu Peugeot Citroen đã ký với công ty phần mềm Novell hợp đồng khai triển
20,000 bộ Novell SUSE Linux cho máy tính cá nhân và 2,500 bộ phần mềm SUSE
Linux Enterprise dành cho máy chủ.
(nguồn: http://www.desktoplinux.com/news/NS9524633069.html )

4- Hãng tin Bloomberg báo cáo rằng Linux đã chính thức thắng trên 14,000 máy
tính của chính quyền bang Munich, Ðức sau một quá trình xem xét dài trong đó
Microsoft đã giảm giá và đích thân Tổng Giám đốc Microsoft Steve Balmer đi
vận động. (14-6-2004)
(nguồn: http://www.desktoplinux.com/news/NS7137390752.html )

3/7/07

Sửa lỗi không vào được màn hình đồ họa

Khi chỉnh sửa các thiết lập màn hình trong System Settings (độ phân giải, card và driver màn hình, loại màn hình,...) có thể gặp những trường hợp các thiết lập mới không đúng, do đó khi khởi động lại, Kubuntu không vào màn hình đồ họa được mà chỉ dứng lại ở màn hình text đen trắng. Một cách khôi phục lại thiết lập cũ như sau:
1- Khởi động lại máy vào chế độ Recovery (chọn trong menu khởi động).
2- Tại dấu nhắc lệnh, gõ cd /etc/X11rồi Enter
3- Gõ lệnh rm xorg.conf rồi Enter.
4- Gõ lệnh mv xorg.conf.1 xorg.conf hoặc mv xorg.conf.bak xorg.conf rồi Enter. (Trong cả 3 lệnh trên, giữa các cụm từ có dấu cách)
5- Khởi động lại máy ở chế độ bình thường.
Nói chung, không nên thay đổi các thiết lập màn hình. Khi chạy Kubuntu đã tự tìm thiết lập phù hợp nhất với nó rồi.Lưu ý: Các màn hình Đông Nam Á thường bị nhấp nháy nhẹ khi chạy Kubuntu. Tôi chưa tìm được cách khắc phục.

Chọn hệ Linux nào?

Hiện có đến hàng trăm hệ Linux khác nhau. Chọn hệ Linux nào để dùng hoặc chỉ để thử cho biết? Tôi chia sẻ một vài lý do lựa chọn dưới đây:

Chọn hệ Linux nào ?


Nếu bạn vào trang web này sẽ thấy liệt kê khoảng 350 hệ Linux khác nhau (mà chắc là còn nhiều nữa, ví dụ trong danh sách đó thiếu hẳn một số hệ Linux do người Việt nam xây dựng). Các nguyên tắc của phần mềm mã nguồn mở cho phép mọi người (trong đó có bạn nếu bạn thích):





  1. Tự xây dựng lấy một hệ Linux từ đầu theo một thiết kế, một ý tưởng riêng, “lắp ghép” từ các gói phần mềm có sẵn và các gói phần mềm do bạn viết hoặc sửa đổi. Có hẳn một site hướng dẫn chi tiết, tỷ mỷ cách “chế tạo” một hệ Linux như vậy: http://www.linuxfromscratch.org/




  2. Xây dựng một hệ Linux dựa trên một hệ có sẵn. Theo cách này, Debian là thế hệ “cha”, Ubuntu là đời “con” xây dựng trên nền Debian. Tiếp sau đó có khoảng 25 hệ “cháu” dựng trên nền Ubuntu và không có gì ngăn cản các thế hệ “chắt” tiếp tục ra đời.




Nói một cách hình ảnh, thế giới Linux giống như bộ đồ chơi Lego mà từ những miếng ghép bạn có thể tùy ý lắp ra vô số những hình khác nhau. Nó còn linh hoạt hơn cả bộ Lego vì bạn có thể tự chế tạo ra các miếng ghép hoặc đẽo gọt sửa các miếng có sẵn theo ý mình.


Nhưng nếu bạn chỉ muốn đi tìm một hệ Linux để dùng cho cá nhân hoặc cơ quan bạn, thay thế cho những đồ “chùa” quen thuộc đang chịu sự tấn công của virus, spyware hoặc đơn giản là bạn chỉ muốn thử xem Linux là gì thì chọn hệ nào?


Tôi nêu ra dưới đây những tiêu chí chọn lựa cá nhân để bạn tham khảo:





  1. Hệ được chọn phải là một hệ “nổi tiếng” theo nghĩa được cộng đồng Linux đánh giá cao và phổ biến. Nói thế không phải ta chạy theo mốt. Hệ Windows bạn đang dùng có một lợi thế không gì sánh kịp: sách vở tài liệu tiếng Anh, tiếng Việt bày bán khắp nơi và đầy dẫy trên Internet. Nếu lười đọc sách thì bao giờ cũng tìm được người trong cơ quan, trong gia đình có thể giải đáp những điều bạn gặp phải. Hệ Linux nổi tiếng thì sách tiếng Việt còn thiếu nhưng sách tiếng Anh và các diễn đàn tiếng Anh, tiếng Việt trên Internet sẽ không thiếu. Bạn có thể tìm kiếm, hỏi các điều chưa biết trên các diễn đàn, luôn luôn có người sẵn sàng giúp bạn.


    Muốn biết hệ nào nổi tiếng đến đâu, dành được những giải thưởng gì thì vào trang web của nó, nếu có là được khoe ngay. Bạn cũng có thể xem tại đây để thấy mức độ phổ biến dựa trên số lần truy cập trang web. Bạn cũng có thể vào các diễn đàn Linux tiếng Anh và tiếng Việt, có rất nhiều câu hỏi dạng “Nên chọn hệ Linux nào?”.




  2. Những hệ Linux nổi tiếng thì tính năng, nhất là với người mới học và chỉ có mục đích sử dụng như bạn, đều xấp xỉ như nhau. Vì vậy đừng có quá chú ý vào xem hệ nào “tốt” hơn. Tốt nhất với bạn là hệ nào có tài liệu hướng dẫn tiếng Việt tỷ mỷ, dễ hiểu hoặc tối thiểu là có một người thân am hiểu về nó, có thể sẵn sàng hướng dẫn giúp đỡ.




  3. Hệ được chọn phải “thân thiện, dễ sử dụng”. Đây là tiêu chí rất quan trọng đối với người sử dụng bình thường hoặc mới học. Nói một cách đơn giản, mọi thứ trong hệ đó phải được giải quyết trên màn hình đồ họa, trực quan, dễ hiểu giống như Windows. Riêng khoản này thì các hệ Linux còn phải phấn đấu mới theo kịp Windows, tuy nhiên so với vài năm trước đây, các hệ Linux hiện nay đã có những bước tiến rất dài theo hướng này và có lẽ trong một tương lai gần, một số hệ Linux sẽ dễ sử dụng như Windows. Trước đây, Windows đã chiến thắng DOS, Unix, Mac,... chính là nhờ tính dễ sử dụng của nó (và nhờ tài kinh doanh của Bill Gate nữa).




  4. Hệ được chọn phải là hệ có mô hình phát triển vững chắc đảm bảo tuổi thọ lâu dài của nó. Đây là một tiêu chí rất quan trọng. Mô hình phát triển các hệ Linux hiện nay (và của phần mềm nguồn mở nói chung) đại loại gồm có:


    - Sản phẩm do một người hoặc một nhóm người phát triển hoàn toàn dựa trên sở thích cá nhân, không kinh doanh, kiếm tiền gì trên đó. Mô hình này áp dụng tốt cho các gói phần mềm nguồn mở vì khối lượng công việc nhỏ, nhân lực và thời gian yêu cầu ít thì có thể duy trì lâu dài được. Còn đối với cả một hệ Linux thì mô hình này là mô hình yếu nhất, dễ chết yểu nhất (tất nhiên nếu nó thực sự hay thì luôn luôn sẽ có người kế thừa phát triển tiếp khi các bậc tiền bối đã chán, nhưng quá trình đó thiếu chắc chắn).


    - Sản phẩm do một công ty kinh doanh trên tinh thần mã nguồn mở: có thể download về dùng miễn phí, sửa đổi, phân phối lại tùy thích. Công ty chỉ bán dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng có nhu cầu hoặc bán kèm các sản phẩm phụ trợ, giá trị gia tăng đi kèm. Công ty Canonical Ltd. đang kinh doanh Ubuntu theo mô hình này. Công ty tài trợ cho việc phát triển Ubuntu và một số dự án khác, cung cấp đĩa CD Ubuntu miễn phí cho người dùng toàn cầu (đăng ký tại đây) và bán dịch vụ hỗ trợ Ubuntu. Mô hình này có ưu điểm là có tổ chức chặt chẽ, có tài trợ để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, thu hút được nhiều người dùng, từ đó mới hy vọng bán được dịch vụ. Mặt yếu là nhiều rủi ro về kinh doanh, doanh số dịch vụ bán ra có thể không đủ để có lãi hoặc lãi thấp. Tuy nhiên mặt yếu này không ảnh hưởng đến sản phẩm và người dùng vì một khi sản phẩm đã nổi tiếng và phổ biến, công ty này kinh doanh không thành công sẽ có nhà đầu tư, công ty khác sẵn sàng tiếp bước với cách làm khác (ở nước ngoài).


    - Sản phẩm do một công ty kinh doanh phần mềm công bố cho sử dụng tự do, miễn phí song song với sản phẩm chính thống có thu phí của họ. Fedora, OpenSUSE và OpenOffice thuộc dạng này. Mô hình này có tính bền vững cao, có lợi nhuận kinh doanh hỗ trợ nên duy trì được lâu dài. Công ty công bố những sản phẩm miễn phí này thực chất là nhờ cộng đồng người dùng test thử các tính năng mới trước khi đưa vào sản phẩm kinh doanh và đồng thời tạo nên một cộng đồng người dùng đông đảo hỗ trợ gián tiếp cho việc quảng bá và hỗ trợ sản phẩm thương mại. Vì vậy chu kỳ xuất hiện một phiên bản mới rất ngắn. Nhược điểm là hệ miễn phí có thể không ổn định, có nhiều lỗi do bản chất là sản phẩm test.


    - Sản phẩm thương mại do một công ty bán ra. Về nguyên tắc, đây là loại sản phẩm tốt nhất, có hỗ trợ đầy đủ, gắn liền với sự sống còn của công ty. Loại sản phẩm này vừa tận dụng được thế mạnh của phần mềm mã nguồn mở (chi phí thấp, cộng đồng phát triển đông,...), vừa kết hợp được tính tổ chức, mục đích kinh doanh, nguồn tài chính của công ty. RedHat, SUSE, .... và nhiều sản phẩm khác đang đi theo hướng này. Tuy nhiên do không miễn phí nên mức độ phổ biến của những sản phẩm này không cao. RedHat là một ví dụ.




  5. Vì tất cả những lý do trên, tôi chọn Kubuntu với ý đồ sử dụng lâu dài:






  • Kubuntu là hệ Ubuntu dùng giao diện KDE, một trong những hệ Linux phổ biến nhất hiện nay. Lúc đầu tôi cũng thử Ubuntu (dùng giao diện Gnome) nhưng sau chuyển sang Kubuntu vì giao diện đẹp hơn và thân thiện hơn (mặc dù giao diện đẹp có nghĩa là nặng hơn, chậm hơn nếu máy không đủ mạnh). Trong mạng LAN dùng máy chủ WinNT, Kubuntu kết nối mạng qua fstab tin cậy hơn, Ubuntu thì hơi phập phù. Mạng Win2003 thì tôi chưa thử nên không biết thế nào.




  • Kubuntu thân thiện, dễ dùng. Giao diện của nó dễ học, giống Windows. Kubuntu và Ubuntu chỉ cần 1 đĩa CD để cài nên download các phiên bản mới từ Internet về cũng đơn giản hơn.




  • Mô hình phát triển của nó tương đối chắc: có sự tài trợ của tỷ phú Nam Phi, có công ty kinh doanh chuyên nghiệp, có quỹ hỗ trợ phát triển. Mô hình này không chắc bằng OpenSUSE nhưng cũng đủ tin cậy. Công ty Canonical cam kết sẽ giữ cho Ubuntu và Kubuntu miễn phí và chỉ có một bản nên sẽ không bị rắc rối như RedHat (đang miễn phí chuyển thành có phí, có nhiều bản khác nhau,...).






  1. Hiện nay đang có những dự án hệ điều hành Linux tiếng Việt của nhiều nhóm, tổ chức người Việt khác nhau (Hacao Linux, Thiên Minh,...). Về mặt tinh thần, tôi rất ủng hộ những dự án đó nhưng để dùng lâu dài thì tôi rất ngại gặp phải một hệ Vietkey Linux nữa. Các dự án Linux Việt đều có một nhược điểm chung là mô hình phát triển thiếu chắc chắn. Nếu bạn muốn thử Linux cho biết thì nên thử Hacao. Đây là một hệ Linux chạy từ CD (không phải cài vào ổ cứng) khá nhanh (nhanh hơn hẳn Ubuntu), được Việt hóa khá nhiều (mặc dù các từ tin học tiếng Việt thì còn phải bàn nhiều), các chức năng sử dụng chính khá tốt. Có thể bỏ đĩa CD vào và thử thoải mái mà không ghi gì vào ổ cứng.




3/3/07

Mức độ phổ biến của một hệ Linux

Site www.distrowatch.com là site chuyên theo dõi các hệ điều hành Linux hiện có. Tại địa chỉ này, có xếp hạng mức độ phổ biến của các hệ Linux dựa trên số lần truy cập trung bình trong một ngày vào trang chủ của hệ đó. Hai hệ Ubuntu và OpenSUSE luôn chiếm hai vị trí đầu bảng tính theo 1, 3, 6 và 12 tháng gần đây.