1/31/08

Kubuntu 7.10: Lỗi cài máy in HP 1020 và một số loại khác

Máy in HP 1020 có một lỗi: nếu tắt điện máy in thì sau đó bật điện lại không in được nữa.

Cách khắc phục:

1- Mở terminal (KMenu -> System -> Konsole). Chạy lệnh getweb 1020 . Lệnh này sẽ tải file sihp1020.img từ Internet về thư mục Home. Tìm file đó và Copy.

2- KMenu -> Run Command, chạy lệnh kdesu konqueror . Trong Konqueror, mở thư mục /usr/share/foo2zjs/firmware rồi Paste file sihp1020.img vào đó.

3- Nhấn nút chuột phải vào thư mục firmware, chọn Propeties -> Permissions. Đặt mục Others thành Can View & Modify Content. Kích chuột chọn mục Apply changes to all subfolders .... rồi OK.

4- Quay lại terminal, chạy lệnh sau (copy lệnh rồi paste vào terminal):
arm2hpdl /usr/share/foo2zjs/firmware/sihp1020.img > /usr/share/foo2zjs/firmware/sihp1020.dl
5- Tắt máy in rồi bật lại sẽ vẫn in được bình thường.

Cách làm trên có lẽ cũng đúng cho những máy in dùng driver foo2zjs: HP 1000, 1005, 1018, 1020, 1022; Samsung CLP-300, 600, CLX-3160, v.v....Danh sách máy in có trong thư mục /usr/share/ppd/foo2zj. Khi cài các máy in này, mở thư mục đó để tìm driver. Lệnh getweb ứng với từng loại xem tại http://foo2zjs.rkkda.com/

Tin ứng dụng phần mềm nguồn mở 2008 (1)

CẢNH SÁT PHÁP CHUYỂN SANG HỆ ĐIỀU HÀNH NGUỒN MỞ.
Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), lực lượng cảnh sát bán quân sự Pháp (100.000 người) đã quyết định chuyển từ Microsoft Windows sang hệ điều hành nguồn mở Linux Ubuntu trên 70.000 máy tính trong toàn hệ thống theo một lộ trình từ nay đến hết năm 2014. Như vậy, cảnh sát Pháp hiện là đơn vị hành chính nhà nước lớn nhất thế giới chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở.

Ba lý do chính để chuyển sang dùng Linux là: a/ đa dạng hóa nhà cung cấp, tránh bị phụ thuộc vào một công ty duy
nhất, b/ giúp lực lượng cảnh sát làm chủ được hệ điều hành và c/ giảm chi phí.

Từ năm 2005, cảnh sát Pháp đã chuyển sang dùng OpenOffice nguồn mở, năm 2006 dùng bộ duyệt Internet Firefox và phần mềm thư điện tử Thunderbird nguồn mở và đến nay là hệ điều hành Linux Ubuntu. Mỗi năm sẽ tiết kiệm được 10,3 triệu USD tiền bản quyền cho các máy mới.

Cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên ở Pháp chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở là Quốc hội Pháp, năm 2007. (nguồn: http://news.yahoo.com/s/afp/20080130/tc_afp/franceinternetpolice ).

23.000 MÁY TÍNH LINUX TẠO NÊN MỘT CUỘC CÁCH MẠNG GIÁO DỤC TẠI PHILIPPINE.
Mặc dù Microsoft tiến hành một chiến dịch bảo vệ bản quyền quyết liệt, bán Windows 20USD và Office 30USD, đào tạo giáo viên miễn phí, ngành giáo dục Philippine vẫn quyết định chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở. Hiện có 13.000 máy cài hệ điều hành Linux Fedora. Một hợp đồng 10.000 máy cài Linux Ubuntu đã được giao tháng 12/2007.
(nguồn: http://www.computerworld.com.au/index.php/id;1163450117;pp;1 )

Vài kho sách on-line về Linux

http://www.linuxtopia.orghttp://www.techotopia.com

1/29/08

Theo dõi trạng thái kết nối mạng trong Kubuntu 7.10

Khi cài Kubuntu, biểu tượng của Network Manager sẽ hiện lên trên panel. Nhưng để theo dõi trạng thái kết nối mạng LAN hoặc Internet thì phải dùng Knetstats, KNemo (hoặc một vài phần mềm khác).
1- Mở Add/Remove Programs. Gõ vào ô Search cụm từ "network monitor". Trên màn hình sẽ xuất hiện 5 phần mềm khác nhau. Chọn cài KNetStats hoặc KNemo

2- Mở thư mục /home/<username>/.kde/Autostart bằng Konqueror (trước đó phải vào View - Show Hidden Files để nhìn thấy thư mục ẩn .kde). Nhấn nút chuột phải, chọn Create New - Link to Application (mở thư mục bằng Dolphin không có lệnh này) rồi tạo link cho Knetstats tự khởi động. Nếu dùng KNemo thì không phải tạo link này

3- Khởi động lại máy. Các biểu tượng của các card mạng LAN, wifi (giống như trong Windows) sẽ xuất hiện trên panel. Nhấn nút phải chuột để cấu hình KNetStats, nhấn nút trái chuột vào từng biểu tượng để xem thông tin chi tiết (tốc độ download, upload, địa chỉ IP, MAC, biểu đồ tốc độ, v.v....). Card nào đang hoạt động sẽ nhấp nháy. Card nào không hoạt động sẽ có dấu chéo.

Các phần mềm trên chỉ theo dõi trạng thái mạng. Muốn cấu hình kết nối mạng phải vào System Settings - Network Settings. Có thể cài thêm các phần mềm khác về mạng: gõ từ "network" vào ô Search của Add/Remove Program. Ví dụ phần mềm Wifi-rada dùng tìm các mạng wifi và cấu hình kết nối.

1/28/08

Ảo hóa môi trường máy tính (Virtualization)

Ảo hóa môi trường máy tính hiện đang là một chủ đề “hot” vì những lợi ích to lớn mà nó mang lại.

Ảo hóa cũng là chủ đề nóng trong thế giới nguồn mở. Các hệ Linux máy chủ hàng đầu hiện nay như Red Hat, Suse đều tích hợp sẵn phần mềm ảo hóa và có nhiều ứng dụng thực tiễn (xem bài "Tình hình ứng dụng nguồn mở 2007).

Bài viết này tập hợp các thông tin trên Internet cố dựng một bức tranh chung về chủ đề đó. Các link trong bài dẫn đến các nguồn tin. Tải file "Ao hoa moi truong may tinh.pdf" tại kho Mediafire

1/23/08

Theo dõi thông tin về phần mềm nguồn mở trên Internet

Mọi thông tin về phần mềm nguồn mở đều có trên Internet: từ mã nguồn (bắt buộc phải công bố công khai cho mọi người tải về) cho đến những hướng dẫn cài đặt tỷ mỷ từng bước một, các diễn đàn để trao đổi và hỏi han.

Vì vậy điều kiện đầu tiên để tìm hiểu nghiên cứu phần mềm nguồn mở là phải biết cách tìm kiếm, theo dõi thông tin trên Internet và phải thường xuyên theo dõi thông tin mới. Cách tìm kiếm phần mềm đã giới thiệu trong các tài liệu và post trên blog này.

Để theo dõi thông tin tổng hợp từ các nguồn khác nhau, có thể dùng các tiện ích My Yahoo, iGoogle,... Ví dụ với My Yahoo:


    1. Khi đã có một account Yahoo, đăng nhập rồi nhấn vào My Yahoo.

    2. Trong trang My Yahoo, nhấn nút Add Page để tạo trang mới My New Page. Nhấn vào chữ My New Page để đổi tên trang thành Linux chẳng hạn.

    3. Trong trang mới nhấn vào Personalize this page rồi nhấn tiếp Add Modules.

    4. Gõ các từ khóa "linux opensource" vào ô Search rồi nhấn Search. Trong danh sách kết quả, xem trước nội dung, chọn add các module cần theo dõi tin vào trang mới tạo.

    5. Các thông tin đã chọn được bố trí trong một trang và thay đổi hàng ngày.


    Đối với iGoogle cách làm cũng tương tự.

    Sửa lỗi không vào được màn hình đồ họa 2

    Khi chỉnh độ phân giải màn hình, thay driver của card màn hình,... có thể gặp các lỗi sau:

    1- Khi khởi động lại, không vào được màn hình đồ họa.

    2- Màn hình có độ phân giải quá lớn hoặc quá bé.

    Trong một post trước đã trình bày một vài cách sửa các lỗi nói trên. Nhưng cách này có lẽ hay hơn:

    1- Khởi động ở chế độ Recovery Mode

    2- Tại dấu nhắc lệnh, gõ dpkg-reconfigure xserver-xorg -phigh rồi Enter.

    3- Gõ tiếp reboot rồi Enter.

    1/21/08

    Tình hình ứng dụng phần mềm nguồn mở trên thế giới năm 2007

    Nhìn ra bên ngoài một chút để khỏi cãi nhau theo kiểu "thày bói xem voi".


    TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG PHẦN MỀM NGUỒN MỞ NĂM 2007


    zxc232



    Mục đích của các thông tin đưa ra dưới đây nhằm tạo niềm tin trong việc sử dụng phần mềm nguồn mở, xóa “mù chữ” cho những người xưa nay chỉ biết đến phần mềm nguồn đóng. Cần phải biết phần mềm nguồn mở đang được sử dụng như thế nào để thấy được khả năng của nó, đặc biệt là khả năng của các phần mềm máy chủ nguồn mở.

    Những thông tin này không nhằm mục đích quảng cáo, hỗ trợ cho riêng một loại sản phẩm nào. Tất cả do người dùng lựa chọn, quyết định.

    Các nguồn tin chính của các thông tin dưới đây cho trong các link có gạch chân. Hãy nhấn vào đó để xem thông tin gốc trên Internet. Nguồn tin tổng hợp xem tại đây. Phần lớn các tin này là trong năm 2007.

    Audi là một trong những hãng chế tạo ôtô Đức nổi tiếng thế giới hiện đang chạy hệ thống mô phỏng tai nạn (130 máy chủ) và hệ thống tính toán khí động học (80 máy chủ) dùng hệ điều hành Novell SUSE Linux Enterprise Server.

    Trung tâm dữ liệu của hãng chế tạo ôtô BMW hiện đang chạy hệ điều hành Novell SUSE Linux Enterprise, phần mềm ảo hóa nguồn mở Xen trên các máy chủ x86 có bộ xử lý lõi kép trang bị công nghệ ảo hóa của Intel.

    Peugeot Citroen là hãng chế tạo ôtô lớn thứ hai châu Âu đã quyết định trang bị 2.500 máy chủ SUSE Linux Enterprise Server và 20.000 máy tính cá nhân dùng SUSE Linux Enterprise Desktop.

    Hãng đóng tàu Samsung Heavy Industries (SHI), một trong những hãng đóng tàu lớn trên thế giới với doanh số hàng năm khoảng 4 tỷ USD đã chọn hệ điều hành RTLinuxPro cho các người máy đóng tàu do hãng chế tạo và một số loại hiện đang dùng trong đóng tàu. Người máy hàn tự động Spider có thể tự di chuyển để hàn trên các vách đứng của tàu thủy, người máy đi ống tự động đi chính xác các tuyến ống. Hiện đang nghiên cứu chế tạo người máy giá đỡ song song sáu trục kiểu Stewar-Gough.

    Một số ngân hàng hàng đầu thế giới như Credit Suisse, Deutsche Bank, HSBC,... đều đang sử dụng hỗn hợp Linux – Windows (mixed-source environement) trong hệ thống của mình.

    Một ví dụ gần đây là tháng 3/2007, HSBC – một trong những tổ chức ngân hàng – tài chính lớn nhất thế giới – đã quyết định chuẩn hóa hệ Linux của mình theo một hệ SUSE Linux. Hệ thống máy tính toàn cầu của HSBC dùng Active Directory của Microsoft và theo một nguồn tin (không nhớ link) có khoảng 4000 máy chủ Linux.

    Tháng 5/2007, sàn chứng khoán NewYork (The New York Stock Exchange -NYSE) đã đầu tư mới 200 máy chủ HP's ProLiant DL585 và 400 máy chủ ProLiant BL685c blades, tất cả đều chạy Linux. Mục tiêu là để có được tính linh hoạt (flexibility), chi phí thấp và nhất là độc lập về công nghệ, không bị phụ thuộc vào một công nghệ độc quyền nào. Trước đó, NYSE dùng máy chủ mainframe của IBM chạy hệ điều hành AIX.

    Sàn chứng khoán Tokyo mới đây cũng đã quyết định dùng Linux trong hệ thống thông tin thế hệ mới của họ.

    Google, hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm Internet hàng đầu thế giới với hơn 1 tỷ trang web được đánh chỉ mục và 20 triệu lệnh tìm kiếm trong một ngày hiện đang sử dụng 6000 máy chủ chạy RedHat Linux. Nhiều ứng dụng lớn của Google như Google Earth, Picasa, ...đều có phiên bản chạy trên Linux.

    PayPal, hãng thanh toán trực tuyến qua mạng, xử lý 1.571$/giây bằng 17 loại tiền khác nhau trên khoảng 4.000 máy chủ chạy RedHat Linux.

    Hãng mobile phone Virgin Mobile của Anh mới đây đã quyết định chuyển hệ thống nhắn tin SMS sang dùng phần mềm nguồn mở trên nền LAMP: Linux, Apache (máy chủ Web), MySQL (cơ sở dữ liệu) và PHP/Python/Perl (ngôn ngữ lập trình). Hệ thống này xử lý hàng nghìn lệnh trong một giây và 500GB cơ sở dữ liệu.

    Công ty dầu Kuwait (Kuwait Oil Company), một trong những công ty khai thác dầu lớn nhất thế giới mới đây đã quyết định trang bị hệ thống máy chủ đôi (cluster) cao tốc của Sun Microsystems dùng Linux để chạy phần mềm mô phỏng các bồn chứa. Hệ thống mới đã rút ngắn thời gian chạy một bài toán mô phỏng từ 5 tuần trước đây trên hệ thống cũ xuống 3 ngày giúp lãnh đạo công ty có thể ra quyết định nhanh hơn. Dự kiến hệ thống này sẽ mở rộng đến 256 cặp máy chủ trong giai đoạn 2.

    Công ty sản xuất phần mềm y tế McKesson Provider Technologies đã quyết định chuyển phần lớn các phần mềm y tế của mình từ chạy trên máy chủ cỡ lớn (mainframe) dùng Unix sang chạy trên nền Linux nhằm giảm bớt chi phí cho các bệnh viện và cơ sở y tế. Mọi loại phần mềm từ lập hóa đơn thuốc, quản lý nhân sự, quản lý bệnh nhân, lập y lệnh, lập lịch giải phẫu đều chuyển sang chạy trên RedHat Linux. Khách hàng của công ty là khoảng 2.500 bệnh viện, phần lớn ở Mỹ. Chi phí IT sẽ giảm được khoảng 60% so với trước. Các phần mềm sẽ chạy trên các máy chủ RedHat Linux. Các máy trạm vẫn dùng Microsoft Windows.

    Bộ Kinh tế – Tài chính Italia đã quyết định chọn RedHat Linux để chạy các ứng dụng quan trọng (mission-critical applications) của bộ. Trong đó có những ứng dụng như tạo và in bảng lương cho hơn 1,5 triệu công chức.

    Chính phủ Baren sẽ làm việc với IBM và đối tác để xây dựng hạ tầng chính phủ điện tử trên nền Linux. Mong muốn của chính phủ là: “Vương quốc đứng ở tuyến đầu của công nghệ phát triển [về tin học] và cung cấp cho người dân tính linh hoạt và khả năng truy cập các dịch vụ công của chính phủ...”.

    Công ty dịch vụ và sản xuất phần mềm chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới Misys quyết định nguồn mở hóa bộ giải pháp Misys Connect của công ty cho cộng đồng nguồn mở. Misys có hơn 1.200 khách hàng là các tổ chức ngân hàng – tài chính, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới. Trong chăm sóc sức khỏe, Misys dẫn đầu thị trường, phục vụ cho hơn 110.000 bác sỹ trong 18.000 cơ sở y tế trong hơn 120 nước.

    Năm 2009, tất cả các máy tính tại các trường học của Nga sẽ chạy Linux. Quyết định này được đưa ra sau khi Nga gia nhập WTO và vấn đề bảo vệ bản quyền trở nên quan trọng (tin từ BBC).

    Cảnh sát quốc gia Thụy điển sẽ xây dựng toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin của mình dựa trên các sản phẩm nguồn mở: Linux, MySQL và JBOSS. Ước tính sẽ tiết kiệm được 50% kinh phí so với dùng sản phẩm nguồn đóng.

    Bộ Năng lượng Mỹ quyết định thiết lập 8 siêu máy tính Linux tại các phòng thí nghiệm vũ khí quốc gia thuộc Cục an ninh hạt nhân quốc gia: Lawrence Livermore National Laboratory, Los Alamos National Laboratory và Sandia National Laboratories. Nhiệm vụ của các máy tính đó là đảm bảo an toàn, an ninh và độ tin cậy của hệ thống ngăn chặn hạt nhân quốc gia mà không phải thử hạt nhân. Các siêu máy tính đó gồm 12.096 bộ vi xử lý và 96,8 TeraByte bộ nhớ.

    Bộ Giáo dục Pháp đã quyết định chọn các sản phẩm nguồn mở trang bị cho tất cả các cơ quan quản lý giáo dục dưới quyền gồm 2.500 máy chủ tại 30 địa điểm.

    Khoảng 560.000 sinh viên và hàng nghìn cán bộ, giáo viên trong 33 trường đại học Đức sẽ chuyển sang dùng hệ SUSE Linux (trên máy chủ và máy trạm). Đó là kết quả hợp đồng mới đây giữa chính quyền bang North Rhine Westphalia với công ty phần mềm Novell. Các hợp đồng tương tự cũng đã được ký với các bang Thuringia và Bavaria (28/8/2007).

    Hãng hàng không Singapor Airline đã quyết định trang bị mỗi ghế một máy tính chạy RedHat Linux (kể cả hạng economy) trên các máy bay đời mới của hãng.

    Trung tâm vũ khí Hải quân Mỹ đã quyết định chọn hệ điều hành Linux thời gian thực RedHawk để chạy các chương trình mô phỏng tên lửa.

    Tại Motorola, 60% mẫu điện thoại di động được thiết kế bằng các phần mềm Linux.

    Cuối năm 2006, Hội đồng quận Carmarthenshire, Anh đã quyết định xây dựng một hệ thống email nguồn mở lớn nhất ở Anh, phục vụ cho hơn 40.000 học sinh từ tiểu học tới trung học.

    Wind River cho biết hệ điều hành Wind River Platform for Network Equipment phiên bản Linux của hãng đã được hãng hàng không vũ trụ Honeywell chọn dùng cho một chương trình của NASA. Hợp đồng này đánh dấu lần đầu tiên Linux được lựa chọn cho một chương trình không gian vũ trụ, dùng xử lý các dữ liệu khoa học và thí nghiệm trên trạm không gian ST8.

    Phần mềm máy chủ thư điện tử và cộng tác nhóm nguồn mở Zimbra đã được viện nghiên cứu y học Price of Wale chọn dùng thay cho Microsoft Exchange hoặc IMB Lotus Note.

    59% các công ty Đức hiện đang dùng phần mềm nguồn mở. Đó là kết quả một cuộc điều tra mới đây đối với những người chịu trách nhiệm mua sắm tin học trong các công ty Đức, Mỹ/Canađa và Anh. Tỷ lệ tương ứng là 48% đối với các công ty Anh và 38% - các công ty Mỹ/Canađa.

    Intuit Inc., công ty hàng đầu về các phần mềm quản lý tài chính – kế toán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuyên bố đã đưa phần mềm máy chủ quản lý kinh doanh – kế toán QuickBooks Enterprise Solutions sang chạy được trên các máy chủ Linux.

    Hải quân Mỹ chính thức công nhận phần mềm nguồn mở như một phần then chốt của chương trình công nghệ của Hải quân và đặt lộ trình ứng dụng.

    Chính phủ Brazin đang triển khai chương trình “Máy tính cho mọi người”. Ba công ty Brazin mỗi tháng sẽ giao 10.000 máy cài hệ điều hành Linux XP Desktop. Hiện đã có 50.000 máy được giao.

    Quân đội Thụy điển đã quyết định chuyển toàn bộ máy chủ đang chạy Window NT sang RedHat Enterprise Linux. Hiện đang có khoảng 200 máy chủ chạy RedHat Enterprise Linux.

    Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Pháp quyết định chuyển 200 máy chủ đang chạy Windows NT sang Linux Mandriva Corporate Server 4.0.

    100.000 sinh viên các trường vùng San Diego, California sẽ chuyển sang dùng SUSE Linux Enterprise Desktop theo một quyết định của cơ quan quản lý giáo dục vùng.


    Thị trường Linux Trung quốc tăng trưởng 30% trong quý 1/2007 theo một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường CCID.


    Bang Tamil Nadu, Ấn độ với dân số bằng với dân số nước Anh đang triển khai 32.600 máy tính để bàn dùng Linux và đào tạo 30.000 công chức sử dụng. 43 máy chủ phần mềm nguồn mở cũng được dùng để chạy các ứng dụng then chốt của chính quyền bang.


    Chính phủ Hàn quốc đã chỉ định thành phố Gwangju là thành phố phần mềm nguồn mở. Gwangju là thành phố 1,4 triệu dân, lớn thứ năm ở Hàn quốc sẽ ứng dụng, phát triển phần mềm nguồn mở theo một kế hoạch 3 giai đoạn trị giá 45,7 triệu USD từ 2006 đến 2010.


    Mạng Internet vệ tinh lớn nhất của Ôxtralia dùng các bộ dẫn đường Linux. Mạng này có nhiệm vụ cung cấp kết nối Internet cho một vùng nông thôn 800.000 km2.


    Chính phủ Hà lan đã đặt thời hạn từ tháng 4/2008, các cơ quan chính phủ bắt đầu chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở. Các trường hợp còn dùng phần mềm nguồn đóng phải có luận chứng được duyệt.


    OxygenOffice - phiên bản OpenOffice tăng cường

    Bộ OxygenOffice Professional (trước kia gọi là OpenOffice Premium) là một phiên bản tăng cường (enhanced) của OpenOffice. Các phần tăng cường gồm:
    1- Hơn 3.400 ảnh chụp và hình vẽ tổ chức thành gallery, dễ dàng chọn và chèn vào các file OxygenOffice.
    2- Một số bản mẫu (template) và hồ sơ mẫu (sample document).
    3- Trên 90 font.
    4- OOoWikipedia : một công cụ search Wikipedia từ trong OxygenOffice.
    5- Phần trợ giúp tăng cường: menu help nhiều hơn, sổ tay sử dụng (Use's Manual), các thủ thuật sử dụng (tip) nhiều hơn OpenOffice.
    6- Có thêm các gradient, màu và các phần tử trang trí có ích khác
    7- Có thể chạy các macro VBA của Excel trong OxygenOffice Calc. Tính năng này (đang phát triển,chưa xong) rất có ích cho việc chuyển đổi từ Excel sang Calc.
    8- Có thể mở các file của Microsoft Office 2007 (theo định dạng Open XML: docx, ...), Works, WordPerfect.

    Tải về tại đây. Lưu ý là kích thước file cài lớn gấp đôi OpenOffice. Có thể tải riêng một số phần tăng cường trên rồi cài vào OpenOffice.

    1/18/08

    Một số lỗi khi dùng GDebi cài phần mềm deb

    GDebi là phần mềm dùng cài đặt các file deb không nằm trong các kho phần mềm của Kubuntu (Ví dụ: x-unikey). Đây là phiên bản đầu chuyển từ Gnome sang KDE nên có thể chưa hoàn chỉnh và gặp một số lỗi sau:
    1- Sau khi nhấn nút Install Package, màn hình GDebi mờ đi, đèn ổ cứng sáng liên tục một lúc lâu rồi màn hình GDebi tắt, không kết thúc quá trình cài đặt như thông thường. Phần mềm không cài được. Khi đó nếu vào Adept Manager, search được tên phần mềm định cài với trạng thái (status) là BROKEN thì có thể nhấn phím phải chuột, chọn Request Install để cài lại. Nếu không search được tên phần mềm thì phải mở terminal, cài bằng lệnh sudo apt-get install <path/tên phần mềm> hoặc sudo dpkg -i <path/tên phần mềm> như đã nói trong một post trước.
    2- Sau khi nhấn nút Install Package, trên màn hình GDebi báo lỗi: Couldn't find package (không tìm thấy gói phần mềm). Khi đó, có trường hợp copy gói định cài ra Desktop thì lại cài được. Nếu vẫn tiếp tục báo lỗi như trên thì phải dùng lệnh sudo dpkg -i <path/tên phần mềm> .
    Hy vọng lỗi này sẽ chóng được sửa.

    Chú ý khi cài chung Windows và Kubuntu trên một máy

    Khi cài Kubuntu 7.10 lên máy đã cài WinXP, Kubuntu sẽ:

    1- Tự động nhận biết WinXP và tạo một boot menu để lựa chọn WinXP hay Kubuntu khi khởi động. File cấu hình của boot menu có đường dẫn /boot/grub/menu.lst . Nếu muốn có thể vào KMenu - Run Command chạy lệnh kdesu kate /boot/grub/menu.lst để điều chỉnh một số thông số cấu hình khởi động theo ý muốn.

    2- Tự động nhận biết các phân vùng (partition) của Windows, kể cả NTFS hay FAT. Các phân vùng đó sẽ được tự động gắn kết (mount) vào các thư mục con trong thư mục /media của Kubuntu ở chế độ đọc - viết, dùng bình thường như thư mục HOME của Kubuntu. Do đó, nếu muốn có thể dùng chung thư mục My Documents của Windows như thư mục HOME của Kubuntu. Mọi văn bản, dữ liệu ghi vào My Documents sẽ dùng được khi khởi động vào bất kỳ hệ điều hành nào.

    3- Tuy nhiên cần chú ý: khi khởi động vào WinXP làm việc xong phải shutdown hoặc restart đúng quy tắc (dùng các nút lệnh). Nếu bị mất điện đột ngột hoặc tắt máy cưỡng bức bằng cách dùng tay nhấn và giữ nút Power hoặc nút Restart trên vỏ máy (khi máy bị treo) thì phân vùng Windows sẽ bị đánh dấu là "unclean shutdown" và khi khởi động vào Kubuntu sẽ không mount được (vào /media/<tên phân vùng> sẽ không thấy có nội dung). Khi đó phải khởi động lại WinXP, rồi restart mềm (nhấn chuột vào nút Restart) lại để vào Kubuntu. Trong quá trình restart đó, khi shutdown WinXP bình thường, phân vùng Win sẽ được đánh dấu lại là "clean shutdown" , Kubuntu mới mount được nó.

    4- Có thể cài lại Kubuntu nhiều lần và nếu làm đúng cách như đã hướng dẫn thì không bao giờ ảnh hưởng đến Windows. Tuy nhiên, nếu cài lại Windows thì sẽ bị mất boot menu không vào được Kubuntu nữa và phải cài lại Kubuntu. Có lẽ cũng có cách để sau khi cài lại Win, khôi phục lại boot menu nhưng tôi chưa biết.

    Ngoài ra, từ Windows nếu muốn đọc-ghi phân vùng Linux thì cài phần mềm "Ext2 Installable File System for Windows", download từ http://www.fs-driver.org/index.html

    1/16/08

    Phần mềm quản lý dự án OpenProj 1.0

    Ngày 10-1-2008, công ty Projity (www.projity.com) đã chính thức công bố phiên bản 1.0 của phần mềm nguồn mở quản lý dự án OpenProj. Tải về tại địa chỉ http://sourceforge.net/projects/openproj/files/ .

    Trong một post trước đã giới thiệu sơ bộ về phần mềm này. Nhìn chung, với trình độ và nhu cầu quản lý dự án hiện tại, OpenProj có thể thay thế được cho MS Project. Trong trường hợp một dự án lớn, có một đội quản lý dự án làm việc chung, ở rải rác nhiều nơi thì công ty cung cấp dịch vụ Project-ON-Demand quản lý dự án qua Internet.

    Phần mềm này chạy trên nền Java (platform-independent, không phụ thuộc hệ điều hành), do đó có thể tải bản openproj-1.0.zip về, giải nén ra một thư mục, không cần cài. Nếu chạy từ Windows thì nhấn vào file openproj.bat, chạy từ Linux thì chạy file openproj.sh (trước đó cần đổi thuộc tính file này thành executable). Khi chạy trên Windows thì hiển thị font tiếng Việt unicode tốt, trong Linux font tiếng Việt hơi xấu do không đúng font. Cần tìm hiểu thêm xem font dùng trong Windows là font gì rồi cài sang Linux thì chắc sẽ hiển thi tiếng Việt tốt.

    Cũng có các bản cài cho các hệ điều hành (deb cho các hệ Linux Debian, rpm - hệ Linux RedHat, msi - Windows) nhưng vẫn là chạy trên nền Java. Sau khi cài vào Kubuntu, menu OpenProj sẽ xuất hiện trong KMenu - Office.

    Phần mềm này là sản phẩm của một công ty nên phát triển tương đối nhanh, chứng tỏ có đầu tư thích đáng. Bản beta 2 ra đời tháng 8/2007 đến nay đã có bản chính thức 1.0. Như đã nói trong post trước, đã thử mở một file dự án rất lớn của MS Project có 3.200 task (3MB) thì file mở trơn tru, nhanh, đầy đủ thông tin (IPDesktop không mở được file này). Ngay trong tuần đầu công bố bản beta đã có 200.000 lần download.

    Nhược điểm lớn hiện nay là mở được file mpp nhưng không lưu được thành file mpp. Với tất cả thông tin trên, rất có thể là trong những phiên bản sau sẽ có nhiều cải tiến.

    1/13/08

    KDE4 chính thức phát hành

    KDE (K Desktop Environment) một trong hai môi trường đồ họa nổi tiếng nhất cho các hệ điều hành Unix, Linux đã chính thức phát hành phiên bản 4 ngày hôm nay (11/1/2008). Đây là phiên bản được thế giới Linux háo hức chờ đón vì có nhiều tính năng mới, giao diện đẹp và bước tiến nhảy vọt so với các phiên bản 3.x.x trước đó.

    KDE là môi trường chính của Kubuntu (K Ubuntu). KDE4 sẽ có trong phiên bản Kubuntu 8.04 ra đời vào tháng 4/2008 tới đây. Dùng Ubuntu có cái thú là định kỳ đều đặn 6 tháng một lần sẽ có một phiên bản mới (7.04, 7.10, 8.04, 8.10, ... số đầu là năm, số sau là tháng).

    Ngay từ bây giờ, người dùng Kubuntu 7.10 (KDE 3.5.8) có thể cài KDE4 (để xem trước) như sau;

    1- Trong terminal, chạy lệnh sudo apt-get remove kdelibs5 kde4base-data kde4libs-data để gỡ các gói KDE4 cũ (nếu có).

    2- Vào menu KMenu - Systems - Adept Manager mở chương trình Adept Manager. Trong đó vào tiếp menu Adept - Manage Repositories mở màn hình quản lý các kho phần mềm (Software Sources).

    3- Trong màn hình Software Sources , chuyển đến tab Third-party Software rồi nhấn nút Add.

    4- Copy dòng sau đây:

    deb http://ppa.launchpad.net/kubuntu-members-kde4/ubuntu gutsy main

    5- Quay lại màn hình Add APT Repositorry , nhấn chuột vào ô trắng rồi nhấn Ctrl + V để dán nội dung đã copy vào đó. Nhấn tiếp lần lượt các nút OK, Close, Reload trong các màn hình tiếp theo.

    6- Trong Adept Manager, tìm và chọn cài (request install) kde4-core (tải về khoảng 100MB). Cũng có thể cài thêm kde4 (các phần mềm ứng dụng chính thức của KDE, 135MB).

    7- Sau khi cài xong, khởi động lại máy. Tại màn hình nhập password, nhấn chuột vào hình chữ nhật trắng góc dưới bên phải, chọn Type of session - KDE4 rồi nhập pass, Enter để đăng nhập.

    Nhận xét sơ bộ: giao diện đẹp và khác hẳn KDE 3.x.x. Tuy nhiên do giao diện mới nên cũng phải mất thì giờ đôi chút để làm quen và các máy cấu hình yếu chạy sẽ chậm (giống như chuyển từ WinXP sang Vista). Ngoài ra, một số ứng dụng chuẩn trên KDE cũng được cải tiến và có nhiều tính năng mới.

    CHÚ Ý: cách cài đặt trên chỉ để tham khảo, tìm hiểu cho biết, không dùng làm việc được (vd: bộ gõ x-unikey không có tác dụng). Hãy chờ đến Kubuntu 8.04 tích hợp KDE4 một cách chính thức.

    1/11/08

    Chú ý khi cài Kubuntu 7.10

    1- Khi boot máy bằng đĩa cài Kubuntu, trong menu xuất hiện nên chọn chế độ Check CD for defects (kiểm tra lỗi đĩa CD). Phải làm điều này trước khi cài vì:
    a- Nếu đĩa bị lỗi ở những file thiết yếu, máy có thể không boot lên được tới màn hình đồ họa, ta lại tưởng là phần cứng có vấn đề tương thích với Kubuntu. (Nếu đĩa tốt 100% mà không boot được tới màn hình đồ họa mới là có vấn đề tương thích phần cứng).

    b- Nếu đĩa bị lỗi ở những file khác, đặt đến lúc copy file đó vào máy sẽ bị báo lỗi. Kubuntu có cái dở là không thay được đĩa khác hoặc lau đĩa rồi thay vào cài tiếp như Windows mà phải cài lại từ đầu.

    2- Trước khi cài nên rút hết dây mạng, dây modem ra khỏi máy. Nếu để dây, Kubuntu sẽ hiểu là có đường ra Internet, đến gần hết quá trình cài sẽ có một giai đoạn tìm các bản cập nhật về securities trên Internet rất lâu (vì thực tế lúc đó chưa nối ra Internet được). Quá trình cài khi đạt 78% là có thể yên tâm các file cần thiết đã được copy hết vào máy.

    3- Thỉnh thoảng cũng gặp trường hợp không tương thích với màn hình ĐNA. Khi boot lần đầu, màn hình bị đặt ở độ phân giải thấp, chữ rất to, các nút lệnh bị khuất không cài được. Nếu boot lại chọn chế độ cài Safe graphic mà vẫn không được thì phải đổi màn hình khác.

    Chú ý khi cài x-unikey vào Kubuntu 7.10

    Các bước sau đây đã thực hiện trơn tru không gặp vấn đề gì:

    1- Cài x-unikey ngay sau khi cài xong Kubuntu 7.10, chưa update hay cài phần mềm gì khác (không bắt buộc).

    2- Tải bản x-unikey-0.92.i386.ubuntu.deb từ site www.unikey.org về (bản 1.0.4 có lỗi khi gõ đã nói trong một post trước. Bản 1.0.2 chưa thử). Bản 0.9.2 này đã dùng nhiều không bị lỗi (trừ lỗi trong OpenOffice Calc là lỗi chung của x-unikey cho đến thời điểm này).

    3- Copy file nói trên ra Desktop (nếu để trong thư mục Home sẽ bị báo lỗi không tìm thấy file).

    4- Nhấn đúp vào file, màn hình GDebi sẽ xuất hiện. Tiếp tục cài cho đến hết.

    ( Nếu vẫn bị báo lỗi không tìm thấy file, xem post "Một lỗi cài đặt hay gặp" ở dưới đây)

        1/8/08

        Kế thừa Opera blog

        Để tránh lỗi hiển thị font tiếng Việt của blog Opera khi duyệt bằng Internet Explorer và sử dụng được một số tính năng mà Opera không có, tôi quyết định chuyển blog http://my.opera.com/zxc232 sang Wordpress kể từ hôm nay.

        Địa chỉ của blog này là http://zxc232.wordpress.com

        Các comment cũ vẫn để lại trên site Opea.

        Tên của blog mới là "Phần mềm nguồn mở" vì nó sẽ đề cập đến những vấn đề rộng hơn là chỉ có KUBUNTU trong blog cũ.

        1/3/08

        Lựa chọn, đánh giá phần mềm

        Lựa chọn, đánh giá phần mềm dùng trong một tổ chức (Enterprise software evaluations) là cả một dịch vụ chuyên nghiệp bài bản có các quy trình, tiêu chuẩn, công cụ đánh giá rất chặt chẽ.
        Ví dụ về một công ty cung cấp dịch vụ đó có thể xem tại http://www.technologyevaluation.com/, trong đó:

        • Lý thuyết về cách chọn phần mềm: xem tại đây

        • Các bước tuần tự online để đánh giá và chọn phần mềm xem tại đây

        • Các mẫu tiêu chuẩn để đánh giá một bộ phần mềm tải về tại đây. Trong đó, bộ phần mềm ERP có hơn 3500 tiêu chuẩn, phần mềm quản lý nhân sự 856 tiêu chuẩn, phần mềm kế toán - tài chính 1388 tiêu chuẩn.

        • Chọn phần mềm nguồn mở tại đây


        Nên xem qua để biết chúng ta "ngây ngô" đến mức độ nào.

        Phần mềm xử lý ảnh GIMP và GIMPshop

        GIMP (GNU Image Manipulation Program) là chương trình xử lý ảnh nguồn mở miễn phí nổi tiếng được coi là ngang ngửa với Photoshop đối với người dùng cá nhân (www.gimp.org ). GIMP có các bản chạy trên Windows, Linux, Unix và Mac OS X.
        Khi xử lý ảnh thương mại, nhược điểm lớn nhất của GIMP là chưa hỗ trợ hệ màu CMYK và Pantone (hiện đang xây dựng phần hỗ trợ CMYK). Một nhược điểm nữa của GIMP là giao diện khác xa Photoshop.
        Để khắc phục nhược điểm thứ hai, phần mềm GIMPshop dựa trên GIMP có giao diện giống Photoshop đến mức tối đa. GIMPshop cũng có các bản cho Windows, Mac OS X và Linux tải về tại http://plasticbugs.com/?page_id=294 . Một số hướng dẫn cài đặt có tại http://thegimpshop.net/pages/index.php
        Để xem các ý kiến so sánh GIMP và Photoshop, search " GIMP vs. Photoshop". Tôi không có đủ khả năng trong lĩnh vực xử lý ảnh nên chỉ giới thiệu để mọi người tham khảo.