2/26/08

Vài hệ Linux đặc chủng

1- Máy tính treo vào chùm chìa khóa: PCLinuxOS MiniMe 2008

Tôi cài bản PCLinuxOS MiniMe 2008 (300MB) từ Widows vào ồ USB flash theo hướng dẫn ở đây. Quá trình cài đơn giản, nhanh, trơn tru không gặp vấn đề gì. (Xem thêm ở đây).

Sau khi cài, reboot lại máy, nhấn Del để vào Bios Setup và chọn ổ đầu tiên khởi động là USB ZIP. Máy sẽ boot từ MiniMe. Từ đó trở đi, bạn có một "máy tính treo vào chùm chìa khóa".

PCLinuxOS là hệ Linux dựa trên nền Mandriva mới nổi lên gần đây. Trên site distrowatch.com, nó đứng hàng đầu trên cả Ubuntu về mức độ quan tâm (số hit). MiniMe là phiên bản tối giản dành cho user có trình độ nhất định tự cài thêm các phần mềm ứng dụng khác vào.

Uu diem:

- Tất cả các dữ liệu, settings, thay đổi khi làm việc được lưu lại trong ổ USB flash, không ảnh hưởng đến ổ cứng và các phần mềm đã cài trên ổ cứng.

- Giao diện rất đẹp, có các hiệu ứng trong suốt giống Vista, hỗ trợ 3D Desktop kể cả Compiz-Fusion nhưng đừng thử nếu card màn hình không đủ mạnh.

- PCLinuxOS chú trọng tính dễ sử dụng: giao diện giống Windows, phân loại phần mềm trong menu chính rất rõ ràng (nếu cài OpenOffice, nó sẽ chia Writer vào mục Wordprocessor, Calc vào mục Spreadsheat,...), Control Panel có khá nhiều mục cấu hình chi tiết (nhiều hơn cả Ubuntu)- đây là điểm hay nhất cho người mới sử dụng Linux và có lẽ cũng là ưu điểm nổi bật nhất của PCLinuxOS.

- Bản MiniMe chạy khá nhanh, nhanh hơn cả bản Kubuntu chạy từ ổ cứng, có lẽ vì chạy từ USB.

- Trong kho phần mềm đã có sẵn bộ gõ tiếng Việt x-unikey, chỉ việc Search, Mark for Installation rồi Apply để cài.

- Khi khởi động, MiniMe sẽ tự động tìm các partition trên ổ cứng của máy mà nó chạy nhờ rồi mount vào các thư mục nằm trong /mnt. Do đó trong mục cài font của Control Panel có lệnh Get Windows Fonts tự động cài toàn bộ font của Windows trên máy (nếu có Windows).

Nhược điểm:

- Phải tự cài bổ xung các phần mềm ứng dụng, vì đây là bộ tối thiểu

- x-unikey khi cài xong phải bổ xung hai lệnh: export XMODIFIERS="@im=unikey" và export GTK_IM_MODULE="xim" vào file /home/<username>/.bash_profile. Khi gõ tiếng Việt trong web (Gmail, Google Docs, forum, blog, ...) thì tốt nhưng trong các ứng dụng cài trên ổ USB (OpenOffice, KOffice, Kwrite ...)thì gặp lỗi với dấu "nặng": chữ "cộng" sẽ thành "côngj". Nếu không khắc phục được lỗi này thì PCLinuxOS sẽ bị loại ra ngoài tầm tay của người dùng Việt. Ngoài ra, bộ x-unikey trong kho là 1.0.2 nên cũng như trong Kubuntu, đang gõ thỉnh thoảng lại không gõ được dấu, phải Ctrl+Shift tắt tiếng Việt đi rồi bật lại mới gõ tiếp được. Có lẽ cài bản x-unikey 0.9.2 sẽ không bị lỗi này.

- Phần mềm trong kho ít hơn hẳn Ubuntu: chỉ khoảng 7500 so với 23000. Không có cách phân loại kho phần mềm theo độ tin cậy như Ubuntu.

- Khi cắm USB vào một laptop Dell 700m thì bị treo trong lúc đang khởi động. Máy ngừng ở lúc đang "Probing SCSI devices" có thể do không nhận được phần cứng vì không có sẵn driver. Nói chung, Linux chạy trên laptop thường vẫn gặp những vấn đề về hỗ trợ phần cứng. Cũng gặp trường hợp máy để bàn cũ không khởi động được từ USB.

2- Linux + Google (gOS)

gOS là hệ Linux dựa trên Ubuntu. Mặc dù cũng có các ứng dụng cài sẵn như OpenOffice nhưng mục đích của gOS là tích hợp sẵn các ứng dụng web 2.0, đặc biệt là các ứng dụng của Google: Gmail, Google Docs, Google Calendar, Google Maps, v.v... tất cả 13 ứng dụng.

Môi trường đồ họa của gOS không phải là GNOME hay KDE mà là Enlightenment có yêu cầu bộ nhớ thấp. Vì vậy gOS có thể chạy trên các máy cấu hình thấp như Pentium II 350 MHz, 196MB Ram. Nhưng cấu hình tối thiểu thường là Pentium III 1 GHz, 256MB RAM.

3- Linux kỹ thuật (CAELinux - Computer Aided Engineering Linux)

CAELinux là hệ Linux chuyên về tính toán, thiết kế kỹ thuật dựa trên hệ Linux gốc là PCLinuxOS. Trong CAELinux có các phần mềm chuyên dụng sau:

1- Salome_Meca_2007.1: phần mềm tính toán mô hình phần tử hữu hạn 3D đa môi trường có CAD 3D để lập mô hình.

2- Code Aster v9.1: phần mềm tính toán phần tử hữu hạn đa môi trường (rắn, thủy, khí).

3- Impact: phần mềm tính toán động lực học phần tử hữu hạn.

4- OpenFOAM v1.4.1 : phần mềm tính thủy động lực bằng máy tính (Computational fluid dynamics - CFD).

5- Code-Saturne: phần mềm giải bài toánCFD và quá trình cháy 3D

6- Dynela: phần mềm động lực học phi tuyến

7- Octave: lập trình toán học tương thích với MATLAB.

8- và nhiều phần mềm khác.

4- Trộn Linux vào Windows: andLinux

andLinux là một hệ Linux dựa trên Ubuntu dùng để chạy các ứng dụng Linux từ trong Windows 2000, XP, Vista. Khi đã cài andLinux vào Windows, trong Windows sẽ xuất hiện các icon và menu để gọi các phần mềm Linux. Ví dụ ta có thể chạy cùng lúc cả Firefox for Windows và Firefox for Linux.

Hệ điều hành chính vẫn là Windows. andLinux dùng để chạy các ứng dụng Linux mà Windows không có hoặc người dùng không thích mua bản quyền.

Và còn nhiều nữa với những ý tưởng khó hình dung nổi. Hiện trên site DistroWatch.com có danh sách khoảng 350 hệ Linux.

2/23/08

Một vài phần mềm đáng lưu ý

1- Các phần mềm bỏ túi (portable)

Với dung lượng ổ USB ngày càng lớn và giá ngày càng hạ, một khuynh hướng tiện lợi hiện nay là các phần mềm portable: cài sẵn phần mềm trên ổ USB, cắm nhờ vào một máy tính để chạy và lưu dữ liệu trên USB, không đụng gì tới ổ cứng của máy tính.

Một số hệ Linux hiện nay (Pendrivelinux, Ubuntu, PCLinuxOS,....) có thể cài sẵn trên một ổ USB với đầy đủ các ứng dụng cần thiết (trình duyệt, email, OpenOffice,...) và các dữ liệu cá nhân. Bạn chỉ cần bỏ túi ổ USB đó là đi đâu cũng có thể làm việc nếu "nhờ" một máy tính có cổng USB (thậm chí không cần reboot máy), không cần mang theo cả cái laptop cồng kềnh. Dữ liệu của phiên làm việc "nhờ" lưu lại trên USB (kể cả cache trình duyệt, các file tạm, ...) do đó đảm bảo bí mật riêng tư của bạn. Các settings cũng lưu lại trên USB, không ảnh hưởng gì đến các phần mềm cùng tên trên máy dùng nhờ. Xem hướng dẫn chi tiết tại site www.pendrivelinux.com.

Nếu không cần đến cả một bộ Linux, bạn có thể chọn cài riêng một số ứng dụng cần thiết vào USB. Site portableapps.com sẽ hướng dẫn bạn. Ví dụ chỉ cần có Firefox portable để làm việc hoàn toàn trên Internet: mở Gmail, soạn văn bản, bảng tính bằng Google Docs and Spreadsheats, Zoho hoặc Thinkfree. Đầy đủ hơn là bộ PortableApps Suite (Standard Edition) for Windows gồm: ClamWin Portable (antivirus), Mozilla Firefox - Portable Edition (web browser), Gaim Portable (instant messaging), OpenOffice.org Portable (office suite), Sudoku Portable (puzzle game), Mozilla Sunbird - Portable Edition (calendar/task manager) and Mozilla Thunderbird - Portable Edition (email client), tổng dung lượng có 90MB, chạy tốt trên một ổ USB 512MB. Không một thông tin nào lưu lại trên máy dùng nhờ và không gây thay đổi gì tới máy đó.

2- Zero Touch Linux (ZTL)


Các phần mềm máy chủ Linux thực sự là thế mạnh của Linux trước Windows do lịch sử lâu đời, độ tin cậy và ổn định của chúng. Tuy nhiên, nhược điểm cơ bản là khó cài đặt và cấu hình (dùng giao diện dòng lệnh), có khá nhiều phương án khác nhau để lựa chọn. (Xem các hướng dẫn cài từng bước trên howtoforge.com).

Mới đây đã xuất hiện bộ Zero Touch Linux 1.0 của hãng Comodo dùng cài đặt và quản lý bằng giao diện Web các phần mềm máy chủ trên nền hệ điều hành Linux CentOS Enterprise-class. Các phần mềm máy chủ trong bộ này gồm: Web, Mail, DNS, Domain Controler, File Server, Printer Server, Database, DHCP, Proxy servers, Firewall servers. Theo quảng cáo trên site, bạn không cần có kiến thức gì đặc biệt để sử dụng. Đây là bộ phần mềm miễn phí nhưng không phải nguồn mở (các phần mềm thành phần trong đó thì là nguồn mở).

CentOS (the Community ENTerprise Operating System) là hệ điều hành nguồn mở dựa trên mã nguồn của RedHat và tương thích 100% với RedHat. Xem giới thiệu tại đây.

2/22/08

Microsoft mở cửa cho cộng đồng nguồn mở

(Lược dịch. Bản tiếng Anh đọc tại đây. Các đoạn in nghiêng là lời người dịch)
by Glenn Chapman Thu Feb 21, 3:47 PM ET
Như tôi đã viết trong một post hôm 10/2/08 “Microsoft đang chuyển sang phần mềm nguồn mở!” Đọc tin dưới đây, bạn sẽ thấy điều đó đang ngày càng hiện thực. Microsoft vừa mới thực hiện một bước ngoặt "Thay đổi chiến lược" như chính hãng nói vậy. Cộng đồng những người yêu mến Linux nên cảm thấy lo lắng! Nếu một ngày nào đó, Microsoft quyết định công bố bản Windows Community Edition nguồn mở trên site của mình thì đó có lẽ là ngày cáo chung của Linux trên lĩnh vực máy để bàn. Phần mềm nguồn mở bấy giờ sẽ là phần mềm chạy trên Windows, theo các công nghệ của Microsoft với một sức mạnh không gì ngăn nổi của một thị phần hơn 90% trên desktop và một đội ngũ cực lớn những lập trình viên đã thành thạo Windows. Tất nhiên, người hưởng lợi lớn nhất vẫn là người sử dụng.
Microsoft không tự nguyện mở hóa. Họ làm điều đó dưới áp lực của các luật chống độc quyền của châu Âu, các phán quyết chống lại Microsoft gần đây của tòa án châu Âu, trước sức phát triển ngày càng mạnh của trào lưu nguồn mở và cả với đầu óc kinh doanh siêu đẳng trước một cơ hội mới, một mô hình kinh doanh mới.
Liệu kịch bản Internet Explorer đè bẹp Netscape có lặp lại không? Chúng ta hãy cùng chờ xem.


SAN FRANCISCO (AFP) - Theo hãng thông tấn Pháp AFP, hôm thứ ba (19/2/08) Microsoft tuyên bố rằng sẽ tăng cường tính mở các phần mềm của mình để làm dịu bớt các quy định chống độc quyền và làm vui lòng các doanh nghiệp đang hướng về những hệ thống máy tính đa dạng hơn.

Microsoft nói họ đang thực hiện những thay đổi rộng lớn đối với các công nghệ và thực tiễn kinh doanh của hãng để các phần mềm của họ tương tác dễ dàng hơn với các đối tác, khách hàng và các đối thủ cạnh tranh.

“Những bước đi này là bước đi quan trọng và là một sự thay đổi có ý nghĩa trong cách chúng tôi chia sẻ thông tin về các sản phẩm và công nghệ của chúng tôi,” Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer nói. “Mục đích của chúng tôi là thúc đẩy sự tương tác, cơ hội và sự lựa chọn lớn hơn cho các khách hàng và các nhà phát triển phần mềm bằng cách làm cho các sản phẩm của chúng tôi có tính mở hơn và chia sẻ nhiều thông tin hơn về các công nghệ của Microsoft.”

Các nguyên tắc mới được tuyên bố của Microsoft áp dụng cho tất cả các phần mềm bán chạy nhất của hãng và thỏa mãn khuôn khổ bằng phát minh, sáng chế mà các tòa án châu Âu yêu cầu, Brad Smith, luật sư trưởng của Microsoft, cho biết.

“Microsoft đang thực hiện những bước đi cần thiết để đảm bảo rằng hãng tuân thủ đầy đủ luật châu Âu,” Smith nói trong cuộc họp báo “Việc tuyên bố về tính tương tác tạo nên một bối cảnh pháp lý thay đổi đối với Microsoft và ngành công nghiệp phần mềm.”
Các nhà luật pháp châu Âu phản ứng lại tin nói trên bằng một tuyên bố hoài nghi rằng họ ghi nhận ý định của Microsoft cải thiện tính tương thích phần mềm của hãng với các sản phẩm cạnh tranh nhưng vẫn bày tỏ quan tâm về việc chống độc quyền.
Ủy ban châu Âu nói rằng “tuyên bố này không liên quan gì đến vấn đề Microsoft có thỏa mãn hay không các luật chống độc quyền châu Âu trong lĩnh vực này trước đây”.
Ủy ban này từ lâu đã lên án Microsoft lạm dụng sức mạnh khống chế thị trường bằng cách làm cho các phần mềm của hãng không tương thích với các sản phẩm cạnh tranh.
Năm 2004, Cộng đồng châu Âu đã phạt Microsoft gần 500 triệu ơrô (741 triệu đôla) vì đã lạm dụng sức mạnh khống chế thị trường.
Một cuộc điều tra mới của Ủy ban châu Âu đang xem xét tính tương tác của một loạt các phần mềm của Microsoft, kể cả bộ Microsoft Office, với các sản phẩm cạnh tranh.

Tổng giám đốc Microsoft, Ballmer, nói trong cuộc họp báo rằng hãng đang hậu thuẫn những tuyên bố của mình bằng hành động: công bố lên Internet hơn 30.000 trang thông tin về các giao thức của các phần mềm trước đây được giữ bí mật cho bất kỳ ai muốn xem.


“Bước đi hôm nay chắc chắn khác về cả mặt chất lượng lẫn số lượng so với bất kỳ bước đi nào trước đây mà hãng đã từng thực hiện,” Ballmer nói. “Chúng tôi thực hiện các điều hãng đã cam kết không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những hành động theo đúng hoàn toàn các nguyên tắc đã công bố.”


Microsoft nói họ sẽ công bố thêm hàng nghìn trang thông tin về các giao thức phần mềm trên website của hãng trong những tuần tới.


Các giao thức này, trước đây chỉ mua được bằng tiền, sẽ chỉ cho các nhà lập trình làm thế nào để phần mềm của họ có thể thông tin và trao đổi dữ liệu với các phần mềm phổ biến của Microsoft như Outlook.


.........


Microsoft nói các nguyên tắc mới của hãng bao gồm đảm bảo kết nối mở, hỗ trợ trao đổi dữ liệu, tạo thuận lợi gắn kết chặt chẽ hơn với cộng đồng nguồn mở.


Cộng đồng này có thể tự do tùy biến để phần mềm của họ làm việc với các phần mềm của Microsoft, nhưng nếu họ bán phần mềm của họ thì Microsoft sẽ thu phí, theo Ballmer cho biết.


“Theo một nghĩa nào đó thì chúng tôi đang mở hóa nhưng chúng tôi vẫn giữ quyền sở hữu các tài sản tri thức đáng giá,” Ballmer nói. “Thông điệp rõ ràng là các bằng phát minh sáng chế sẽ chỉ có được nếu trả phí phù hợp.”



Thông cáo báo chí của Microsoft về bước thay đổi chiến lược này xem tại đây. Một số dư luận ban đầu xem tại đây. Trong bước đi này, Microsoft mới chỉ công khai hóa các giao thức (protocol) của các phần mềm để các phần mềm khác có thể giao tiếp, trao đổi dữ liệu dễ dàng với các phần mềm của hãng. Nếu trước đây, một phần mềm email client (KMail, Thunderbird,...) muốn kết nối đầy đủ với Exchange phải mua các thông tin về giao thức của Exchange (như Zimbra đã làm) thì nay không cần nữa. Thunderbird hiện chỉ có thể lấy email từ Exchange qua giao thức POP, không đọc mail trực tiếp trong Exchange như Outlook được.
Như vậy là Microsoft đã mở hóa một số thông tin kỹ thuật. Tiếp theo, họ có nguồn mở hóa - công khai mã nguồn của các phần mềm không?

Một tập đoàn ngân hàng Mỹ chuyển sang Linux

Bank group takes Linux migration a step at a time


By Tina Gasperson on February 20, 2008 (9:00:02 PM)

Tập đoàn ngân hàng Metropolitan ( Metropolitan Bank Group) là một tổ hợp ngân hàng lớn ở Illinois gồm 10 ngân hàng và 3 tỷ USD tài sản. Khi tập đoàn phát triển, giám đốc Tin học Tom Johnson phải tìm cách giảm chi phí và tăng hiệu quả tin học trước sự phát triển nhanh của tập đoàn. Giải pháp được chọn là chuyển từ Windows sang Linux.

Vì tập đoàn phát triển bằng cách sáp nhập các ngân hàng khác, Johnson thấy các nhân viên tin học của mình mất rất nhiều thời gian kết nối các văn phòng ở xa vào mạng của tập đoàn và hỗ trợ kỹ thuật, giải quyết sự cố. Quản lý các mạng ở xa bằng Windows thì đắt tiền nên Johnson quyết định chuyển từ Windows sang Novell và SUSE Linux. "Chúng tôi thích ý tưởng có một tổ chức mở," Johnson nói, "và một hạ tầng mạng có thể hỗ trợ mọi thứ"

Khi Metropolitan bắt đầu chuyển sang Linux, Johnson cho biết ông thấy độ tin cậy và hiệu quả tăng ngay lập tức mà chi phí lại thấp. "Có lẽ chức năng quản lý từ xa của ZENworks mang lại sự bùng nổ lớn nhất. Đội ngũ nhân viên tin học ngồi tại chỗ đáp ứng tốt hơn với các yêu cầu hỗ trợ của user." (ZENworks là bộ phần mềm quản lý hệ thống máy tính của Novell)

Hiện nay, hạ tầng tin học của Metropolitan đã hoàn toàn dùng Linux và đang tiếp tục chuyển các phần mềm ứng dụng sang Linux, kể cả một hệ thống gán nhãn tin học (IT ticketing system) chuyển từ Windows và SQL Server sang MySQL, tiết kiệm cho tập đoàn trên 17.000 USD một năm.

Johnson cho biết thách thức lớn nhất khi chuyển các phần mềm máy chủ là "quản lý được các rủi ro khi khai triển một nền tảng nguồn mở như Linux." Vấn đề lớn nhất với một ngân hàng có các tác nghiệp sống còn khi chuyển đổi là vấn đề hỗ trợ. "Nhưng Novell đã đáp ứng tốt và không có gì phải lo lắng nữa."

2/21/08

Photoshop CS/CS2 đã chạy được trên Linux - Cám ơn Google!

(Bài đăng trên Linux Magazine Online. Chú thích in nghiêng là của người dịch)

Feb 20, 2008
Google đã dùng Wine để chạy Picasa trên Linux; nay nhà tìm kiếm khổng lồ này đã thuê các kỹ sư của Codeweavers cải tiến Wine hỗ trợ cài Photoshop CS và CS2 trên Linux. (Codeweavers là công ty viết phần mềm CrossOver thương mại dùng làm nền chạy các ứng dụng Windows trên Mac và Linux, tương tự như Wine).
Phiên bản Wine 0.9.54 công bố cuối tháng 1/2008 đã hỗ trợ để Photoshop từ phiên bản 5 đến CS2, Photoshop Elements 4 và 5 chạy được trên Wine. Ngoài ra, các ứng dụng như Flash 8 hiện cũng chạy được trên Wine.
(Photoshop là một trong 3 ứng dụng mà người dùng Linux mong muốn có trên Linux nhất theo kết quả một cuộc điều tra năm 2007 của tổ chức Linux Foundation. Hai phần mềm kia là Dreamweaver và AutoCAD.

Nếu không cần đến các tính năng cao cấp của Photoshop, có thể thử các phần mềm sau:

  • Gimp, Gimpshop, Cinepaint, Krita

  • Phần mềm thương mại Pixel.


Cách cài Wine và cài phần mềm Windows trên Wine đã nêu trong tài liệu Hướng dẫn dùng Kubuntu.)

2/20/08

Linux, opensource trong một vài danh sách TOP

1- TOP 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới

Trong danh sách TOP500 siêu máy tính (supercomputer) mạnh nhất thế giới tháng 11/2007, 85% chạy Linux (426 máy), 6,8% chạy hệ điều hành hỗn hợp (34 máy), 6% chạy Unix (30 máy) và 1,2% chạy Windows (6 máy).
Trong cũng danh sách này vào tháng 6/2007, Linux chiếm 77,8% và chỉ có 2 máy chạy Windows.
Các máy tính trong danh sách được xếp hạng căn cứ vào kết quả phép thử Linpack (Linpack benchmark) giải một hệ phương trình tuyến tính lớn.
Siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay (đứng số 1 trong danh sách trên) là BlueGene/L System do công ty máy tính IBM và Cục An ninh hạt nhân Quốc gia thuộc bộ Năng lượng Mỹ cùng xây dựng. Siêu máy tính này có cấu hình: gồm 212'992 bộ vi xử lý PowerPC 400 700MHz, năng lực tính toán: 478,2 tỷ tỷ phép toán dấu phẩy động trong một giây (teraFLOPS), bộ nhớ RAM 73'728 GB, chạy hệ điều hành hỗn hợp CNK (Compute Node Kernel)/SLES9 (SUSE Linux Enterprise System 9). CNK là một phần nhân Linux rất nhỏ chỉ có 5000 dòng lệnh.

2- TOP 100 công ty lớn nhất nước Mỹ


Trong danh sách Fortune 500 năm 2007 các công ty lớn nhất nước Mỹ xếp theo doanh thu, ta hãy xét TOP100 công ty thuộc danh sách đó.

Công ty số 1 trong danh sách là Wal-Mart, hệ thống bán lẻ hàng đầu Mỹ vừa mua Linux tháng 1/2007 theo thông báo ở dây.
Các công ty số 14,15 và 49 là những công ty rất hăng hái trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở theo những thông tin chi tiết ở đây ở đây.
Công ty số 28 đang xây dựng hệ điều hành Linux cho quân đội Mỹ
Các công ty số 13 và 22 nói rằng họ tiết kiệm được hàng triệu đô la nhờ dùng Linux.
Nếu ta chọn ngẫu nhiên một công ty trong danh sách đó, ví dụ công ty thứ 17 Home Depot, rồi hỏi cụ Gúc "Home Depot linux", ta sẽ được cái link nói thế này: "The Home Depot are firmly embracing Linux and JavaPOS as viable platforms for their store operations.".


Search thử công ty số 9 "Bank of America linux" ta sẽ được cái tin này " Bank of America has embarked on a global grid computing project linking computer nodes across three of its key trading centers—New York, Chicago and London ....Almost all of the individual compute nodes are blade servers running Linux, because of its favorable cost-to-performance ratio".

Search thử ... mà thôi có lẽ thế cũng đủ rồi. Có thể xem thêm ở đây.

3- TOP tổ chức lớn nhất Việt nam

Đảng Cộng sản VN quyết định như thế này. Còn đây là ngành giáo dục.
Tập đoàn kinh tế Vinashin chủ trương :"Trong hệ thống tin học của Tập đoàn, dùng phối hợp cả phần mềm nguồn mở và phần mềm nguồn đóng một cách hợp lý nhắm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí".
Công ty tin học hàng đầu Việt nam FPT thì có một hệ điều hành nguồn mở FOOD và một lô sản phẩm nguồn mở khác do công ty con FPT Open Solutions xây dựng.

Cám ơn một comment trong mục Giới thiệu đã gợi ý cho tôi viết bài này. Lời khuyên:"Gúc bẩy lần trước khi gõ bàn phím".

2/15/08

Giới thiệu một số danh sách phần mềm ứng dụng nguồn mở (1)

Lượm lặt linh tinh một số thông tin về phần mềm ứng dụng nguồn mở.

Trong Wikipedia có mục "List of open source softwares". Trong đó liệt kê khá nhiều loại phần mềm: CAD, sinh học, điện tử, toán, tài chính, v.v... Tất nhiên cái tên của mục hơi quá tham vọng và sẽ không thể nào liệt kê đủ được, nhưng xem danh sách đó cũng có được khái niệm về phạm vi phần mềm nguồn mở và nếu chịu khó tìm cũng có nhiều thông tin có ích.

Ví dụ lần theo mục "Heathcare software" sẽ dẫn tới trang "List of Heathcare software" liệt kê 18 loại phần mềm y học với khoảng 120 phần mềm. Trong đó có từ phần mềm quản lý bệnh viện, xử lý ảnh xét nghiệm, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho đến các hệ điều hành nguồn mở chuyên dụng cho y học.

Phần bên dưới trang List of open source software có nhiều địa chỉ các nguồn thông tin khác trên Internet về danh sách các phần mềm nguồn mở. Một vài ví dụ:

"Thư mục phần mềm tự do - Free Software Directory" là một dự án chung của "Tổ chức phần mềm tự do- Free Software Foundation" và "Tổ chức khoa học, giáo dục, văn hóa Liên hợp quốc - UNESCO".

Site "Bảng các phần mềm Linux tương đương/thay thế/tương tự với các phần mềm Windows - The table of equivalents / replacements / analogs of Windows software in Linux. là một site tương đối hay, có nhiều phần mềm và cập nhật (mới nhất 25/11/2007).

Hai site có nhiều phần mềm nguồn mở nhất là loại site quản lý các dự án nguồn mở (hosting to Open Source software development projects): SourceForge.net và Freshmeat.net. Site SourceForge.net hiện có khoảng 170.000 dự án với 1.700.000 user đăng ký. Site Freashmeat.net có 44.000 dự án với 400.000 user đăng ký. Tại các site này có thể tải mã nguồn, chương trình cài đặt, theo dõi tình hình phát triển của dự án, tiếp xúc với các tác giả,... Dự án ở đây có từ những dự án nguồn mở lớn nhất (hệ điều hành, nhân Linux,...) cho đến những dự án nhỏ nhất (thư viện, công cụ,...).

Tất cả các phần mềm nguồn mở theo nguyên tắc phải công bố công khai cả mã nguồn và chương trình cài đặt, chạy trên Internet và cho download tự do về dùng. Hầu hết các lĩnh vực ứng dụng đều có phần mềm nguồn mở. Do đó khi cần một phần mềm nào, việc đầu tiên là Search theo keyword, sau đó cài đặt thử để chọn ra cái phù hợp (cùng một mục đích ứng dụng thường có nhiều phần mềm khác nhau). Chi tiết cách tìm phần mềm và các cách cài đặt đã trình bày  trong tài liệu "Hướng dẫn sử dụng Kubuntu" công bố trên blog này.

2/11/08

Microsoft đang chuyển sang phần mềm nguồn mở!!!

Đây không phải là một câu chuyện "cá tháng 4". Cộng đồng nguồn mở coi Microsoft như một kẻ thù truyền kiếp và ngược lại, những tín đồ của Microsoft giáo (nhất là ở Việt nam nơi thiếu thông tin) nhìn nguồn mở với con mắt đầy nghi kỵ, ngờ vực. Bạn hãy tự suy nghĩ và kết luận dựa trên những thông tin sau đây:

Ngày 2/11/2006, Microsoft và Novell đã công bố ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác rộng rãi "về tính tương tác và hỗ trợ Windows và Linux". Novell là một hãng phần mềm nguồn mở nổi tiếng với sản phẩm chính là bộ Novell SUSE Linux Enterprise. Theo thỏa thuận này :"Microsoft will officially recommend SUSE Linux Enterprise for customers who want Windows and Linux solutions. Additionally, Microsoft will distribute coupons for SUSE Linux Enterprise Server maintenance and support - Microsoft sẽ chính thức khuyến nghị SUSE Linux Enterprise cho những khách hàng muốn có giải pháp [hỗn hợp] Windows và Linux. Ngoài ra, Microsoft sẽ phân phối các phiếu hỗ trợ và bảo trì SUSE Linux Enterprise Server". Nói một cách ngắn gọn là hai hãng sẽ hợp tác để SUSE và Windows tương tác với nhau tốt hơn trong môi trường hỗn hợp và Microsoft sẽ bán SUSE Linux, không còn coi Linux như một căn bệnh ung thư nữa.

Thỏa thuận trên gây tranh cãi sôi nổi trong cộng đồng nguồn mở nhưng hiệu quả kinh tế của nó thì khỏi phải bàn. Ngày 22/1/2007, Microsoft và Novell cùng ra thông cáo báo chí cho biết Wal-Mart Stores Inc.- hãng bán lẻ lớn nhất thế giới và là hãng đứng đầu danh sách Fortune 500 các công ty Mỹ hàng đầu thế giới năm 2007- đã mua SUSE Linux Enterprise Server từ Microsoft " Under the agreement, Microsoft will deliver SUSE® Linux Enterprise Server subscription certificates to Wal-Mart for use in Wal-Mart’s IT infrastructure". Ngày 13/3/2007, HSBC-một trong những tổ hợp ngân hàng-tài chính lớn nhất thế giới đã quyết định chuẩn hóa hạ tầng Linux của mình bằng cách mua SUSE Linux Enterprise Server cũng từ Microsoft "Under the agreement, Microsoft will deliver to HSBC certificates for three-year priority support subscriptions to SUSE® Linux Enterprise Server from Novell". Tổng kết một năm ký thỏa thuận, liên danh Microsoft - Novell đã có được 30 khách hàng mới. Gần đây nhất, ngày 30/1/2008, Microsoft bán hơn 1000 giấy phép ưu tiên hỗ trợ SUSE cho hãng chế tạo ôtô Renault: "Under the agreement, Microsoft will deliver to Renault more than 1,000 certificates for priority support subscriptions to SUSE Linux Enterprise Server from Novell". Các thông tin trong hai mục nói trên lấy từ site www.microsoft.com.

Nhân tiện nếu kích vào link Fortune 500, trong danh sách Top 100 chịu khó search sẽ thấy không ít khách hàng, nhà sản xuất, nhà phân phối Linux. Điều đó chắc cũng làm cho Microsoft phải suy nghĩ.

Ngày 20/12/2007, Microsoft đã ký thỏa thuận với tổ chức PFIF (the Protocol Freedom Information Foundation) đồng ý trao các tài liệu kỹ thuật về thủ tục cần thiết để tương tác với các máy chủ nhóm Windows (thực ra, việc này là miễn cưỡng). PFIF sẽ đứng làm trung gian trao các tài liệu đó cho các dự án Phần mềm Tự do. Nhờ việc tiết lộ các tài liệu kỹ thuật này, một trong những nhóm nguồn mở hàng đầu - SAMBA - có thể xây dựng phần mềm của họ tương tác tốt hơn với Windows trong các dịch vụ chia sẻ file và in ấn qua mạng.

Theo một thông tin mới đây, trả lời câu hỏi:" Microsoft định làm gì với phần mềm nguồn mở?" Sam Ramji, giám đốc chiến lược công nghệ nền của Microsoft đã tiết lộ :"Mục tiêu của chúng tôi là Phần mềm nguồn mở chạy trên nền Windows". Ví dụ: "WAMP" (Windows, Apache, MySQL, PHP/Python/Perl) thay cho LAMP (Linux, Apache, MySQL, PHP/Python/Perl).

Vào trang chủ của Microsoft, search cụm từ "open source" bạn sẽ tìm thấy trang www.microsoft.com/opensource là nơi tập trung mọi thông tin liên quan đến Microsoft và opensource. Trên trang này, MS tuyên bố rằng:
"Microsoft tập trung vào hỗ trợ khách hàng và các đối tác thành công trong một thế giới công nghệ đa dạng. Điều đó được bắt đầu bằng việc [Microsoft] tham gia và đóng góp vào vô số những cách phát triển và triển khai phần mềm, kể cả phương pháp và các ứng dụng nguồn mở.... Microsoft đang liên tục tăng số sản phẩm nguồn mở."
Các sản phẩm nguồn mở của Microsoft được kể ra gồm hàng chục nghìn dòng mã và script trên các trang MSDNTechNet, các sản phẩm nguồn mở như IronPython (ngôn ngữ lập trình Python chạy trên nền .NET), ASP.NET AJAX, ( các thành phần web-client chạy trên nền ASP.NET), SharePoint Learning Kit (công cụ học xây dựng ứng dụng Windows SharePoint Services) and WiX on CodePlex (WiX - công cụ xây dựng ứng dụng Windows từ mã nguồn XML. CodePlex là website chính thức miễn phí của Microsoft dành cho cộng đồng lưu trữ các dự án nguồn mở dùng bất kỳ công nghệ nào, site này khai trương năm 2006 tương tự như các site SourceForge.net và Freshmeat.net).

Microsoft còn có riêng một đội ngũ phát triển nguồn mở tập hợp trong Open Source Software Lab, có cổng thông tin là Port 25.

Microsoft coi nguồn mở như một "phương pháp phát triển phần mềm - software development method" và vì thế chiến lược nguồn mở của Microsoft là " The Microsoft open source strategy is focused on helping customers and partners be successful in today's heterogeneous technology world. This includes increasing opportunities for business partners regardless of the underlying development model. In addition, it includes increasing opportunities for developers to learn and create by combining community-oriented open source with traditional commercial approaches to software development"

Microsoft còn xây dựng một giấy phép "Chia sẻ mã nguồn" (Shared Source License), một tiến bộ so với việc khăng khăng giữ kín mã nguồn trước đây đệ trình tổ chức "Sáng kiến Nguồn mở" (Open Source Initiative) để được công nhận.

Như vậy, với khả năng kinh doanh siêu đẳng, Microsoft chấp nhận Linux ở những nơi không cưỡng lại được (thị trường máy chủ) và đang đi bán Linux Server; tận dụng phong trào nguồn mở: cung cấp tài liệu để cải tiến phần mềm nguồn mở và hỗ trợ cộng đồng nguồn mở để .... sử dụng công nghệ Microsoft và chạy được trên Windows. Tóm lại, mèo trắng, mèo đen gì cũng được miễn là bắt được chuột trong ngôi nhà ở Redmond.

Nếu bạn cần phần mềm nguồn mở cho mạng hỗn hợp Win - Lin, hãy hỏi mua ở Microsoft. Và biết đâu trong tương lai, ta có thể tải bản Windows open source về dùng!!!!. Nên nhớ cách đây không lâu, Novell còn làm bá chủ thị trường hệ điều hành mạng với bộ Novell Netware và Java, Solaris, SPARC còn là công nghệ độc quyền của Sun Microsystems.

Nếu nhìn lại lịch sử thì Microsoft luôn là người đi sau. Họ không phải là người viết ra DOS, giao diện đô họa kiểu Windows là sáng kiến của Apple, phần mềm soạn văn bản WordPerfect và bảng tính Lotus 1-2-3 ra đời trước Word, Excel, trình duyệt web đầu tiên là Netscape, hệ điều hành mạng Novell Netware có trước WinNT, v.v.... Nhưng Microsoft lại có khả năng bắt chước và kiếm tiền cực giỏi trên những cái mà những người khai sáng thất bại về mặt kinh doanh. Năm 2001, trả lời phỏng vấn báo Chicago Sun-Times, Tổng giám đốc Steve Balmer của Microsoft còn gọi Linux là một căn bệnh ung thư, còn bây giờ ta hãy chờ xem.

2/8/08

Vụ chuyển hướng sang Linux lớn nhất từ trước tới nay

Bài dưới đây đăng trên tạp chí The Registry. Bạn có thể nhấn vào đây để xem nguyên bản và các comments. Có thể nhấn vào các link The Washinton Post và Defense News trong bài để biết thêm chi tiết.


Quân đội Mỹ chống lại Windows để xem xét Linux


Vụ chuyển hướng sang Linux lớn nhất cho đến nay.


By Austin ModineMore by this author


Published Tuesday 5th February 2008 20:53 GMT


Qua nhiều thông cáo báo chí trong hai tuần vừa qua, quân đội Mỹ đã biểu lộ tình yêu của họ đối với phần mềm nguồn mở. Quân đội cuối cùng đã có ý định chuyển chương trình vũ khí mới khoảng 200 tỷ USD từ hạ tầng Windows sang hạ tầng Linux.



Nhưng hiện quân đội đã đang chế tạo nhiều những loại vũ khí, phương tiện vận chuyển và thiết bị mới điều khiển bằng Linux trước khi hoàn thiện mạng phần mềm kết nối chúng với hạ tầng Windows hiện có – và như vậy đã đặt chiếc xe trước con ngựa.

Khi quân đội bắt đầu phát triển phần cứng thế hệ mới (gọi là Hệ thống Chiến tranh tương lai – Future Combat Systems, viết tắt FCS), họ nhờ Boeing và SAIC xây dựng một hệ điều hành mới thay cho các phần mềm đã có trong hệ Blue Force Tracking hiện tại.

Blue Force là một hệ thống theo dõi bằng vệ tinh chạy trên nền Windows do công ty cạnh tranh với Boeing là Northrop Grumman thiết kế. Nó đã được dùng trong cuộc chiến tranh Afghanistan năm 2002 và sau này trong cuộc chiến tranh Iraq. Hiện nay cả hai dự án FCS và Blue Force đều đang được tài trợ đồng thời. Trong năm 2008, quân đội sẽ chi 3,1 tỷ USD cho FCS và 624 triệu USD cho Blue Force.

Và trong khi cả hai dự án đều được quân đội bảo trợ, Boeing và Northrop Grumman có vẻ không chia sẻ cảm tình với nhau: FCS chạy trên nền Linux.

Theo báo The Washington Post , “Boeing và bộ Quốc phòng nói rằng họ không dùng phần mềm nguồn đóng của Microsoft vì họ không muốn bị lệ thuộc vào một công ty. Vì thế họ sẽ xây dựng một hệ điều hành Linux dựa trên những mã nguồn đã được công bố công khai”.

Điều đó có thể là một vấn đề lớn cho lữ đoàn đầu tiên các chiến xa thuộc hệ FCS dựa trên Linux dự kiến sẽ ra đời vào năm 2015. Các hệ thống Linux có khả năng tương tác giới hạn với các hệ Windows. Và vấn đề tương tác không phải là vấn đề để mà giải quyết trong những khu vực tác chiến.

Theo tờ Tin tức Quốc phòng ( Defense News )báo online của quân đội Mỹ, họ sẽ thử khắc phục tạm bằng cách dùng hệ điều hành Red Hat Enterprise Linux.

“Red Hat 5 sẽ kết nối Linux với Microsoft và cho phép các lực lượng FCS kết nối với các đơn vị chiến đấu khác,” một sỹ quan quân đội đã nói như vậy với tờ Tin tức Quốc phòng “Đó chỉ là giải pháp tạm thời vì về lâu dài, tất cả các mạng Quốc phòng sẽ dùng Linux.”

Với mục tiêu dài hạn chuyển từ Windows sang Linux, quân đội có vẻ như vẫn chưa biết chắc sẽ phải làm gì. Vì vậy họ đưa 70 nhà lập trình, kỹ sư và các chuyên gia tin học khác đến Washington để vắt đầu vắt óc trong bốn hội nghị thượng đỉnh “Chỉ huy chiến đấu”.

Hai hội nghị đầu đã diễn ra vào tháng 9 và tháng 10/2007 và hai hội nghị sau sẽ diễn ra vào tháng 2 và tháng 4/2008. Vẫn theo tờ Tin tức Quốc phòng, bộ Quốc phòng nói đã có những “tiến bộ” trong việc vạch ra thời biểu cho sự tích hợp [hệ thống Linux].

2/4/08

Lượm lặt về các phiên bản Linux

Năm ngoái, tôi có dịch lại một bản liệt kê 26 phiên bản Linux dựa trên Ubuntu. Nay nếu vào đây xem thì không dịch nổi nữa vì con số đã lên tới 42.  Trong đó có những bản dành riêng cho quản lý doanh nghiệp, cho multimedia, cho giáo dục, cho người theo đạo Thiên chúa hoặc đạo Hồi,.....Tuy nhiên vẫn còn thiếu bộ Ubuntu Ultimate, 1,6GB ghi vào đĩa DVD. Đây là dạng bản full của Ubuntu với cả hai giao diện Gnome và KDE, toàn bộ các ứng dụng. Nếu có được đĩa này mà cài để tìm hiểu thì thôi rồi.

Theo nguyên tắc của phần mềm nguồn mở, bạn có thể lấy hẳn một bộ Linux nào đó, thêm thắt, sửa đổi ít nhiều rồi công bố (thậm chí bản) đó là bản Linux Nguyễn văn A chẳng hạn cũng  không ai kiện cáo gì, miễn là bạn tuân thủ các quy định của giấy phép nguồn mở.

Hiện tại, còn một dự án nguồn mở đang ở dạng alpha có ý đồ xây dựng hẳn một hệ điều hành dựa trên kiến trúc NT của Microsoft, thay cho Windows XP để chạy các ứng dụng của Windows, dùng được các driver của Windows. Kiến trúc NT phát triển từ Windows NT4, đến NT5 (Windows 2000, XP, 2003) rồi NT6 (Vista). Đó là hệ điều hành ReactOS. Hệ này không gọi là Linux vì nó không dùng nhân Linux, kiến trúc Linux. Nó có tham vọng khắc phục được các nhược điểm của cả hai hệ Windows và Linux, nhưng có thành công hay không thì phải chờ thời gian trả lời.

Các thông tin trên cũng cho thấy một lý do tại sao phần mềm nguồn mở lôi cuốn giới lập trình như vậy: nó cho phép tự do sáng tạo, miễn là bạn có đủ khả năng.

2/2/08

KUBUNTU GUTSY 7.10: Cài đặt máy in CANON LASER LBP5300, LBP3500, LBP3300, LBP5000, LBP3210, LBP3000, LBP2900, LBP3200, LBP1120/1210

Một số loại máy in Canon LBP dùng một driver riêng của Canon, Canon Advanced Printing Technology - CAPT driver, cách cài hơi khó hơn bình thường. Tôi chia sẻ cách cài trong file "Cai dat may in Canon LBP.pdf" tại kho dữ liệu Mediafire.

Mong nhận được ý kiến và góp ý sửa chữa của mọi người.