11/20/08

Gartner: 85% công ty dùng phần mềm nguồn mở.

17 Nov 2008 11:45

Theo một nghiên cứu được tiến hành gần đây của hãng Gartner (một công ty hàng đầu về tư vấn và nghiên cứu thị trường IT), 85% công ty được điều tra đã dùng phần mềm nguồn mở (PMNM) và phần lớn trong số 15% còn lại dự kiến sẽ dùng trong năm tới.

Tuy nhiên, chỉ có 31% có quy chế chính thức về đánh giá và mua sắm PMNM. Gartner đã tiến hành điều tra 274 công ty trên khắp các châu Á/Thái Bình dương, châu Âu và Bắc Mỹ trong các tháng 5 và 6/2008 và công bố kết quả hôm 17/11/08.

Các công ty được điều tra đều thống nhất nêu rõ chi phí phần mềm thấp là lý do hàng đầu để họ chấp nhận PMNM, ngoài ra cũng có lý do muốn được bảo vệ chống lại việc bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp phần mềm duy nhất. Các lý do khác là thời gian tiếp cận thị trường nhanh và tránh được các quy chế, thủ tục mua sắm phức tạp.

Tuy nhiên, theo Gartner, việc thiếu quy chế chính thức về mua sắm, trang bị PMNM có thể làm cho công ty xâm phạm vào các tài sản tri thức. Cuộc điều tra cũng cho thấy các vấn đề quản lý là nguyên nhân hàng đầu trong các rào cản chấp nhận PMNM.

Phần mềm tự do không có nghĩa là không mất chi phí,” Laurie Wurster, giám đốc nghiên cứu của Gartner nói. “Các công ty cần phải có quy chế về mua sắm, trang bị PMNM, quy định rõ ứng dụng nào thì dùng PMNM và chỉ rõ các rủi ro về bản quyền tài sản trí tuệ hoặc các rủi ro liên quan đến việc hỗ trợ khi dùng PMNM. Một khi đã có quy chế, cần phải có các quy trình quản lý để triển khai quy chế đó.”

...

Trong danh sách các quy trình nghiệp vụ ứng dụng PMNM của Gartner, dịch vụ khách hàng xếp đầu tiên, sau đó là tích hợp hệ thống trong tổ chức, tài chính, quản lý và phân tích kinh doanh.

Nguồn: http://news.zdnet.co.uk/software/0,1000000121,39554840,00.htm

11/12/08

Các trường học của Nga chính thức dùng phần mềm nguồn mở



Các trường học của Nga chính thức chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở.

30/10/2008

Sau nhiều thông báo sớm và các dự án thử nghiệm thành công, tại hội chợ Công nghệ Thông tin quốc tế InfoKom 2008 bộ trưởng Viễn thông Nga Igor Schegolev đã chính thức tuyên bố từ năm 2009 các trường học của Nga sẽ chuyển sang dùng Linux.

Theo ông Shegolev, đến cuối năm 2008 sẽ có 1500 trường dùng bộ phần mềm nguồn mở PSPO. Bộ Linux này do công ty ALT của Nga xây dựng gồm 4 phiên bản (Lite, Junior, Master, Terminal) và bộ Linux khoa học NauLinux dựa trên bản Scientific Linux 5.1 tiếng Nga. Bản Alt School 4.0 Lite dùng giao diện đồ họa nhẹ XCFE có thể chạy trên các máy có 256 MB RAM trở xuống. Các bản khác dùng giao diện đồ họa KDE.

62.000 trường khác sẽ được cung cấp hai bản Linux trong năm 2009 để lựa chọn, giám đốc marketing của ALT Linux Ilya Mashkin cho biết. Đến năm 2010, các trường sẽ kết thúc việc lựa chọn. Sau hai năm đó, các bản Linux giáo dục quốc gia vẫn sẽ miễn phí, nhưng các phần mềm bản quyền thì các trường phải tự mua.

ALT Linux phát triển từ bản Linux Mandriva tiếng Nga. Công ty ALT có tổng cộng 150 nhà lập trình.

11/9/08

Điểm qua vài bản Linux mới công bố 10-2008

Hai ba năm nay, tôi đã thử qua những hệ Linux hàng đầu theo xếp hạng của site Distrowach. Có thể nhận xét vắn tắt như sau (theo quan điểm của một người dùng văn phòng bình thường):





  1. Mandriva: là hệ dễ dùng nhất, thân thiện với người dùng nhất. Hệ này nổi bật ở Control Center có hướng dẫn từng bước (wizard) cho nhiều động tác cấu hình. Do dùng chung Control Center nên có thể chuyển đổi qua lại giữa Mandriva KDE và Mandriva Gnome tương đối dễ dàng. Quá trình cài đặt cũng đơn giản và dễ thực hiện. Giao diện đẹp, font màn hình sắc nét. Thậm chí các màn hình khởi động, màn hình desktop và screensaver cũng được liên tục cải tiến qua từng version. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây tất cả các trường học của Nga đã quyết định dùng các bản Linux Nga hóa trên nền Mandriva.




  2. K/Ubuntu: hệ này được quảng cáo tốt và luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng cũng như tin tức trên báo chí. Tuy nhiên, mức độ thân thiện với người dùng kém Mandriva. Nhiều động tác cấu hình, cài đặt phải tìm kiếm hướng dẫn, hỗ trợ từ Internet và khó làm. Bù lại, do được đầu tư tốt, quảng cáo tốt nên hệ có những ưu điểm như các server phần mềm nhanh, site hỗ trợ tốt, đội ngũ người dùng đông. Giá như Ubuntu có được những ưu điểm nói trên của Mandriva thì thật là hoàn hảo.




  3. OpenSUSE: đây là sản phẩm của một công ty lâu đời, rất mạnh trên thị trường khách hàng doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên cách cài đặt, cấu hình phức tạp, đòi hỏi có hiểu biết khá về chuyên môn. Nếu định nghiên cứu tìm hiểu kỹ về Linux thì hệ này là một công cụ tốt: chỉ cần tìm hiểu hết các mục trong các huớng dẫn cấu hình. Màn hình xấu.




  4. PCLinuxOS: đây là hệ phát triển trên nền Mandriva theo hướng thân thiện người dùng hơn nữa. Nhược điểm lớn nhất là không có công ty kinh doanh hậu thuẫn mà dựa hoàn toàn vào lao động tình nguyện. Do đó tiến độ xây dựng các phiên bản mới và cập nhật các phiên bản cũ rất chậm. Mặc dù vậy, do tính dễ dùng nên PCLinuxOS vẫn luôn nằm trong topten của Distrowach trong khoảng vài năm nay.




Gần đây, các phiên bản mới của các hệ Linux nói trên liên tiếp ra đời: Mandriva 2009.0 ngày 9/10/2008, Ubuntu 8.10 ngày 30/10/2008. Định kỳ 6 tháng một phiên bản do Ubuntu khởi xướng đã trở thành chuẩn. Dưới đây nêu vài nhận xét ban đầu về các phiên bản mới đó:




  1. Tích hợp các bộ phần mềm nguồn mở:


Mandriva tích hợp các bộ phần mềm nguồn mở mới nhất: KDE 4.1, GNOME 2.24, OpenOffice 3, Firefox 3, nhân Linux 2.6.27, X.Org 7.4, …. Riêng K/Ubuntu không hiểu vì sao vẫn dùng OpenOffice 2.4.


Một số phần mềm đã có trong KDE3, nay đã được chuyển đầy đủ sang KDE4 với nhiều tính năng bổ xung rất tốt (vd: Kontact). Đặc biệt, phần mềm Okular xem được các dạng file pdf, CHM, ps, odt dưới dạng chỉ đọc nhưng có các chức năng review: ghi chú, đánh dấu, khoanh tròn và tô màu được. Đây là những tính năng rất cần mà trước đây KPDF không có. Ngoài ra, Okular cho phép copy được một phần hay toàn bộ text của file PDF dán sang trình soạn thảo khác để soạn.


OpenOffice 3.0 khởi động nhanh hơn bản 2.4 nhiều. Những tính năng mới được đánh giá cao là: hiển thị các note sang bên lề trang (như Word), có thể cross-reference các heading của văn bản, mở và soạn được các file của Microsoft Office 2007 (docx, xlsx, pptx), đã có solver trong bảng tính, hỗ trợ thêm nhiều VBA macro, thêm nhiều option cho việc xuất file PDF. Đặc biệt, OpenOffice hiện cũng theo mô hình của Firefox: có một kho các extension các tính năng bổ xung để người dùng có thể chọn và cài đặt. OpenOffice 3.0 cũng đã được Việt hóa toàn bộ, kể cả một phần trợ giúp, có thể download về tại đây.


Một số trình tiện ích hệ thống được cải tiến, bổ xung khá hay. Ví dụ trình System Activity (mở bằng Ctrl+Esc) giờ cho phép tắt (kill) cả các processe thuộc quyền root bằng giao diện đồ họa. Trình Sweepper dùng xóa các thông tin cá nhân trong hệ thống và trong trình duyệt.


Tuy nhiên vì KDE4 là môi trường đồ họa mới nên một số phần mềm (Amarok, …) chưa hoàn thiện được như Amarok chạy trên KDE3. Một số phần mềm (ghi đĩa K3b, …) thậm chí còn chưa có phiên bản chạy trên KDE4 nhưng khi cài K3b cũ vẫn chạy tốt.




  1. Tiếng Việt:


Mandriva KDE cài bộ x-unikey-0.92 gõ được tiếng Việt trong web nhưng không gõ được trong OpenOffice 3 (một số ký tự có dấu bị mất, paragraph bị tự động đánh số).


Rất may là Mandriva KDE và GNOME đều dùng được bộ gõ scim. Chế độ gõ vi-telex đã được cải tiến: bỏ dấu cuối từ, xóa dấu bằng phím z, nhận biết được từ tiếng Anh, gõ tiếng Việt hoa trong OpenOffice Calc không bị lỗi xóa ngược sang trái. Nhìn chung, gõ tiếng Việt trong Mandriva bằng scim rất ổn trừ một điều hơi không quen là khi đang gõ các từ có dấu bị bôi đen và điền các địa chỉ có sẵn trong Gmail vào các trường To, Cc hơi khó (gõ vài từ đầu, địa chỉ hiện lên nhưng kích chuột vào thì không điền được địa chỉ, dùng phím mũi tên chọn địa chỉ rồi Enter thì OK).


Cách cài vắn tắt: mở Control Center, vào mục System, nhấn tiếp vào Manage localization for your system. Trong bảng hiện lên, chọn language là English (American) rồi nhấn Next. Trong màn hình tiếp theo nhấn Other Countries rồi chọn Input Method là SCIM. Chương trình sẽ tự cài một số phần mềm.


Sau đó nhấn tổ hợp phím Alt + F2, gõ từ scim vào ô trắng rồi Enter để chạy scim lần đầu. Nhấn phím phải chuột vào biểu tượng scim trên panel, chọn SCIM Setup. Trong màn hình Setup, chọn các mục Share the same input method và vi-telex (trước đó nhấn Disable All).


Khởi động lại máy, scim sẽ tự chạy. Chuyển đổi giữa bàn phím tiếng Anh và tiếng Việt bằng tổ hợp phím Ctrl + Space. Chú ý là chỉ chuyển đổi được khi con trỏ chuột đang nằm trong một trường nhập liệu (OpenOffice, thanh địa chỉ, thanh tìm kiếm của Firefox, v.v...).


Kubuntu 8.10 cài x-unikey-0.92 gõ tốt tiếng Việt trên web và trong OpenOffice 2.4. Khi cài bản OpenOffice 3 vẫn gõ được tiếng Việt không bị lỗi như ở Mandriva KDE. Kubuntu 8.10 không dùng được scim (hoặc phải chỉnh thế nào đó tôi không rõ).


Ubuntu 8.10 cài bộ gõ xvnkb-0.3-4ubuntu810 giới thiệu ở đây không gõ được. Cài scim theo hướng dẫn ở đây thì gõ tốt như với Mandriva.





  1. Giao diện:




Mandriva là hệ chăm chút đến giao diện nhất, kể cả các chi tiết nhỏ. Mỗi bản Mandriva mới đều được thay màn hình khởi động (splash screen), màn hình nền (desktop) và theme riêng. Mandriva KDE có một bộ ảnh màn hình nền khá đẹp, phù hợp cho nhiều cỡ màn hình. KDE4 có chế độ tự động thay màn hình nền theo kiểu slide.


K/Ubuntu có màn hình khởi động xấu, không thay đổi từ trước đến nay. Màn hình nền của Ubuntu 8.10 xấu kỳ dị (tất nhiên là có thể thay được). Kubuntu dùng bộ theme Oxygen mới nhất của KDE4 khá đẹp nhưng các cửa sổ không có viền nên hay bị lẫn khi chồng lên nhau.


Đặc biệt Mandriva thể hiện font màn hình rất sắc nét, trơn và đẹp. Do đó có thể chọn bất kỳ font nào tùy thích. K/Ubuntu chỉ có font FreeSans là được, các font khác bị gai, xấu.


KDE4 cũng nổi hơn hẳn so với KDE3 ở giao diện đẹp. KDE4 có các widget màn hình có thể tùy biến được. Trong đó hay nhất là widget Folder View cho hiển thị nội dung một folder tùy chọn lên màn hình desktop. Tuy nhiên hiện tại, số widget còn ít không bằng số các applet của KDE3. KDE4 đẹp hơn nhưng cũng nặng hơn nên bản netbook của Mandriva dùng GNOME.


Mandriva và Ubuntu đều có bản server. Bản Ubuntu server không có giao diện đồ họa, hoàn toàn dùng dòng lệnh (tất nhiên nếu muốn có thể cài thêm KDE hoặc GNOME). Mandriva server thì có đầy đủ giao diện đồ họa giống như kiểu REDHAT hoặc OpenSUSE.





  1. Cấu hình và chỉnh sửa các phần của hệ thống




Trong Mandriva KDE có hai nơi để cấu hình, hiệu chỉnh các thiết lập chung: Control Center (cấu hình chung cho mọi user, cần có quyền Admin) và System Settings (các thiết lập riêng của từng user). Mandriva GNOME cũng dùng Control Center này nhưng phần thiết lập riêng thì rải rác và không mạnh bằng System Settings (vd: Appearance của GNOME đơn giản hơn).


Control Center là điểm mạnh nhất, thân thiện nhất của Mandriva từ các phiên bản trước. Rất nhiều việc mà trong K/Ubuntu ta không biết làm như thế nào, phải đi tìm hướng dẫn trên Internet rồi cấu hình bằng tay thì trong Control Center có sẵn và hướng dẫn theo từng bước (wizard). Một vài ví dụ:





  • Setup card màn hình, card mạng, wireless, máy in, scanner và UPS.




  • Cài đặt font, nhập toàn bộ font, thư mục My Document và các setting từ Windows sang Mandriva




  • Thiết lập cách đăng nhập mạng LDAP, Active Directory, Windows NT.




  • Bật tắt các dịch vụ hệ thống (system services).




  • Quản lý các partition của ổ cứng (xóa, resize, mount, format, …).




  • Thiết lập các mức securities, thiết lập tường lửa, thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em truy cập Internet (parental control).




  • Thay đổi boot menu.




Nhược điểm của Control Center của Mandriva 2009 so với 2008 là bỏ sót phần printer setting (phải cài gói system-config-printer) và cài thử máy in HP 1020 không thấy nhắc cài firmware như trong Mandriva 2008 (phải cài bằng tay).





  1. Các kho phần mềm và trình quản lý cài đặt phần mềm.




Phần này thì K/Ubuntu hơn hẳn. Các kho phần mềm của K/Ubuntu nhiều phần mềm hơn, nhanh hơn và hiện có một số kho mirror tại Việt nam có tốc độ download lớn (của FPT, OpenLab, …tốc độ khoảng 200-300KB/s).


Trình quản lý cài đặt phần mềm của K/Ubuntu có một đặc điểm rất hay là cho phép search được cả trong phần mô tả (description) do đó dễ tìm phần mềm. Trình quản lý của Mandriva chỉ tìm được theo tên nên nếu không biết một cụm từ trong tên là không tìm được.


Mandriva hiện quản lý kho phần mềm theo một danh sách các mirror site trên toàn cầu, không chọn từng site riêng biệt. Nếu khi tải từ một site về bị lỗi kết nối hoặc không tìm thấy, ta apply lại lần sau nó sẽ tự chuyển sang site khác (chưa tự động chuyển). Tuy nhiên quá trình add các danh sách mirror này khá chậm và hay trục trặc (xem thêm cách khác ở site easyurpmi) .


Trong K/Ubuntu, các phần mềm thừa, không dùng đến có thể gỡ bỏ bằng lệnh sudo apt-get autoremove. Trong Mandriva, trình quản lý phần mềm tự động soát và hiện bảng thông báo các phần mềm thừa để gỡ bỏ qua giao diện đồ họa. Nhưng hiện nay, cơ chế này làm việc chưa chính xác: nó thông báo thừa phần lớn các file cơ bản của KDE4 và nếu gỡ đi là hỏng phải cài lại từ đầu.


Mandriva còn có trình Packages Stats liệt kê các phần mềm không dùng đến từ bao nhiêu ngày để có thể gỡ bỏ nếu muốn.





  1. Multimedia




Các định dạng multimedia phổ biến hiện nay (mp3, wma, real audio, …) vẫn là nguồn đóng do đó mặc định không cài sẵn trên các hệ Linux chính quy. Nhưng cả trong Mandriva và K/Ubuntu phiên bản này đều có cơ chế tự động nhận biết các codecs, plug-in chưa có và tự động cài.


Mandriva thực hiện việc này qua phần mềm Codeina của hãng Fluendo S.A. Khi chạy một file multimedia chưa có codec, chương trình này sẽ tự động hiện lên cho người dùng chọn: tải về và cài free codec hoặc mua codec của Fluendo.


Trong các phiên bản Linux trước, nghe, xem phim trong Firefox thường phải cài thêm mplayerplug-in dựa trên trình Mplayer là trình hỗ trợ nhiều codec nhất hiện nay nhưng giao diện trong Firefox hơi xấu và quá trình cache lâu. Firefox3 trong các bản Linux này có sẵn totem plugin dựa trên trình Totem có giao diện khá hơn. Totem dùng GStreamer hỗ trợ hầu hết các codec và chạy file theo kiểu streaming – thời gian thực, không mất thời gian chờ cache. Nếu muốn có thể cài Elisa, một Media Center dựa trên GStreamer có rất nhiều tính năng hay.





  1. Tương thích phần cứng




Như đã nói trong một post trước, ở các phiên bản cũ Mandriva có vẻ tương thích phần cứng tốt hơn K/Ubuntu. Đến phiên bản này, khi cài trên máy notebook Dell 700m, Mandriva thì không có vấn đề gì nhưng Ubuntu thì gặp trục trặc khi Restart và Shutdown: nhiều lần không tắt được phần mềm sound ALSA, phải tắt cưỡng bức bằng nút power và sau đó phải bật sound lại.





  1. Kết luận




Qua so sánh đại thể như trên, hệ nào cũng có cái hay cái dở. Tuy nhiên nhìn về tổng thể dùng Mandriva vẫn hay hơn theo cá nhân tôi.


So sánh chi tiết hơn hai bộ phần mềm này có thể xem tại đây.