5/25/09

KDE hay GNOME?

KDE và GNOME là hai môi trường đồ họa (graphic desktop environnent) phổ biến nhất của Linux nhưng cũng không phải là duy nhất. Ngoài ra còn có Xfce, Lxde, e17, ... khoảng một tá nữa. Thời mới làm quen với Linux, KDE gây được cảm tình hơn GNOME vì dạng giao diện gần Windows, có System Settings giống với Control Panel và màu xanh tươi mát của nó (hồi đó chưa biết cách tùy biến màn hình, cũng chưa biết bật Control Center của GNOME). Nhìn cái giao diện của Ubuntu 6.10 xấu tệ.

Vì vậy để tránh những phức tạp chưa cần thiết, nếu mới làm quen với Linux nên chọn KDE.

Sau này khi công lực thâm hậu rồi thì KDE hay GNOME chỉ còn là sở thích. Vì nói chung các phần mềm ứng dụng viết cho KDE vẫn cài chạy được trên GNOME và ngược lại.

Ví dụ đang dùng Ubuntu nhưng hay ghi đĩa CD thì nên cài k3b (viết cho KDE) có nhiều tính năng hay hơn là trình ghi đĩa brasero mặc định của GNOME. Ngược lại, trình System Monitor cùa GNOME nhiều thông tin hơn System Monitor của KDE v.v...

Cái hay của thế giới nguồn mở là khả năng tự do lựa chọn chỉ sau vài cú nhấp chuột. Những phần mềm cài sẵn theo một hệ Linux chưa chắc đã phải là cái hay nhất đối với từng người. Để chơi nhạc, Amarok, Songbird, SMplayer, VLC, .... ? thử cũng đủ mê mải rồi.

Đến hiện nay, GNOME (ví dụ Ubuntu) nên dùng để làm việc vì chạy nhanh, nhạy hơn so với KDE4, giao diện nguyên thủy tương đối chân phương giống như một anh công chức nghiêm chỉnh vậy. KDE nhất là KDE4 màu sắc điệu đà, rực rỡ nhưng chậm hơn, kém nhạy hơn, đòi hỏi cấu hình máy cao hơn. Tính năng thì cũng một chín một mười, KDE4 mới sinh nên còn chưa đủ độ chín.

Trước đây cứ phải tải về Ubuntu, Kubuntu, Mandriva KDE, Mandriva GNOME, ... rồi chia nhiều partition cài lần lượt từng bộ. Thực ra thì không cần phải thế.

Với Ubuntu, cài xong mở Synaptic cài thêm kubuntu-desktop (khoảng hơn 300MB) thậm chí cả xubuntu-desktop. Hoặc ngược lại cài Kubuntu xong, cài thêm ubuntu-desktop, v.v... Khi cài như vậy, không chỉ KDE, GNOME mà cả một số phần mềm ứng dụng phổ biến của môi trường đó cũng được cài. Ví dụ khi cài ubuntu-desktop thì trình thư điện tử Evolution cũng kèm theo. Nếu muốn cài riêng GNOME có thể dùng lệnh sudo apt-get install --no-install-recommends ubuntu-desktop.

Với Mandriva cài xong mở Install & Remove Software, chọn Meta Packages ở danh sách góc trên, bên trái màn hình, chọn tiếp Graphic Desktop thì sẽ có cả KDE3, KDE4, GNOME, Xfce, Enlightenment, Lxde, Ede để chọn. Mỗi gói có chữ task đằng trước, ví dụ task-gnome. Trong đó nếu chọn task-gnome-minimal thì chỉ cài tối thiểu GNOME, chọn task-gnome là cài đầy đủ các phần mềm kèm theo.

Cài xong logout ra, trong màn hình Login, nhấn vào biểu tượng bút chì (Mandriva) hoặc Options -> Select Session (Ubuntu) chọn GNOME, KDE, ... tùy ý. Sau đó nhập username, password là đăng nhập được vào môi trường đã chọn. Trong menu chương trình sẽ có thêm nhiều chương trình của các môi trường khác nhau. Ví dụ cài cả KDE và GNOME thì có cả KMail và Evolution. Nếu không thích, gỡ bỏ cả hai rồi cài Thunderbird (trình email chống spam tốt nhất hiện nay).

Cài như vậy, trên cùng một partition sẽ có cả ba bộ Ubuntu, Kubuntu và Xubuntu, thích login vào bộ nào cũng được.

Tóm lại cuối cùng ta sẽ có thế này:

  • Khi khởi động máy lên, xuất hiện boot menu có vài ba hệ Linux khác nhau để chọn (mỗi bộ mất khoảng 5GB, cách cài đã nói trong một post trước).

  • Chọn một hệ để khởi động vào, tới màn hình Login lại có vài ba lựa chọn môi trường đồ họa nữa. Thích chân phương đứng đắn thì chọn GNOME (nguyên bản), thích màu mè thì KDE4, thích nhanh, nhẹ (nhưng cũng không kém đẹp) hoặc máy cấu hình yếu thì chọn Xfce, Lxde, v.v...


Nhưng cái trò đó cũng chỉ để tìm hiểu khi còn đang khám phá, và cũng nên cẩn thận không dễ bị "tẩu hỏa nhập ma": cái nào cũng thích, cũng hay, loay hoay giữa đàn mỹ nữ không biết nên thiên vị cô nào. Nếu còn thích một bộ hơn bộ khác vì quen hơn, dễ dùng hơn là tu luyện chưa thành chính quả.

Khi công lực đã đạt đến hỏa hầu nhất định thì bộ Linux nào cũng không quan trọng nữa (nếu căn cứ trên nhu cầu sử dụng thông thường). Tất cả đều na ná giống nhau, có thể tùy biến, bổ xung cái mình thích. Vì về cơ bản các bộ phận để lắp ráp nên chúng đều là một: nhân Linux, môi trường đồ họa, các trình ứng dụng,.... Cài một bộ mới không khó khăn gì và mất thêm đôi chút thì giờ tìm hiểu những điểm khác biệt. Trong vài ba bộ phổ biến nhất, bộ nào cũng có cái hay, cái dở, xêm xêm như nhau.

Khi đã giang hồ hoa lá chán rồi thì sẽ dừng lại ở một nơi mà yên hưởng tuổi già. Lúc đó Linux chỉ còn là công cụ, không còn là đối tượng khám phá nữa. Tuy nhiên, nếu máu giang hồ chưa dứt thì vẫn còn cả thế giới nguồn mở mênh mông. Linux chỉ là một góc và là góc dễ khai phá nhất mà thôi.

5/17/09

Ổ cứng online Dropbox

Bạn đang soạn dở một văn bản ở nhà trên Ubuntu, nhấn nút Save của chương trình soạn văn bản, tắt máy rồi đi làm. Đến cơ quan, mở máy để bàn của cơ quan, vào Windows, đã có sẵn văn bản đang soạn dở để làm việc tiếp.

Giữa chừng, Windows treo, khởi động lại máy vào Mandriva đã cài sẵn lại vẫn có văn bản đó với nội dung vừa save trên Windows!

Buổi chiều, mang notebook Mac đến chỗ khách hàng, mở nguyên văn bản đã soạn buổi sáng trên máy để bàn của cơ quan ra cho khách xem!

Không cần ổ USB cóp đi cóp lại, không cần upload, download mất thì giờ, với bất kỳ hệ điều hành nào, máy nào cũng có văn bản vừa save vài phút trước miễn là có Internet. Đó là Dropbox.

Cách cài:

1- Vào trang www.getdropbox.com, tải một phần mềm nhỏ về cài. Trên trang đó có sẵn phần mềm cho Mac, Windows, Fedora và Ubuntu. Phần mềm dành cho Mandriva (nautilus-dropbox-0.6.1-2.i386.rpm) tải về tại đây. Với openSUSE, trong ô tìm kiếm của Firefox, chọn openSUSE Softwares rồi gõ từ "dropbox" để tìm.

2- Khi cài xong, nhấn cặp phím Alt+F2 mở màn hình Run command. Gõ từ "dropbox" vào đó rồi Enter. Phần mềm dropbox bắt đầu được tải về máy. Quá trình cài đặt sẽ hỏi bạn có account Dropbox chưa, nếu chưa thì tạo account mới, nếu đã có thì khai username và password vào. Màn hình cuối quá trình cài cho chọn nơi để thư mục Dropbox theo ý muốn, mặc định là thư mục Home của bạn. Khi tạo account mới, Dropbox cấp cho bạn 2GB miễn phí trên máy chủ Internet của nó.

3- Mở thư mục Home ra ta sẽ thấy thư mục con Dropbox. Thư mục này luôn luôn được tự động đồng bộ với thư mục trên máy chủ Internet của Dropbox. Ví dụ: ở nhà tạo một file mới trong trình soạn văn bản, save nó vào thư mục Dropbox, lập tức file đó sẽ được tự động tải lên Internet. Khi đến cơ quan, file đó lại tự động được tải từ Internet xuống thư mục Dropbox ở máy cơ quan. Tóm lại các thư mục Dropbox của bạn đã cài với cùng một account dù trên máy nào, hệ điều hành nào cũng luôn luôn giống nhau (sau thời gian tự đồng bộ xong).

4-Dùng được thư mục Dropbox như mọi thư mục khác ở ổ cứng trên máy. Mặc dù phần mềm viết cho Gnome với trình duyệt file Nautilus nhưng cũng cài và dùng được trên các bản Linux KDE4 với trình duyệt file Dolphin. Điểm khác biệt là trong Nautilus thì biểu tượng thư mục Dropbox có thêm hình tròn với dấu chữ v cho biết quá trình đồng bộ đã xong, trong Dolphin thì không có dấu hiệu đó. Dropbox tự khởi động và có biểu tượng trên System Tray.

5- Nếu trên máy chưa cài Dropbox, vẫn có thể vào site www.getdropbox.com, nhập username và password để tải file về. Trên site Dropbox có thể tạo thư mục share với những người khác.

Cần chú ý là dự án này đang ở dạng beta nên có thể có lỗi. Xem thêm forum của nó xem có ai nói gì không. Trước đây cũng đã có dự án gmailfs định làm như kiểu này, dùng hộp thư của Gmail để lưu file nhưng cài đặt khó khăn, lâu nay không hiểu có phát triển tiếp được không. Bước đầu dùng Dropbox thấy cài đặt đơn giản, sử dụng đơn giản và rất tiện lợi.

5/15/09

Điện toán đám mây (cloud computing)

Định viết một bài về ổ cứng ảo, nghĩ lan man sang cái này.

Có một quy luật triết học nói rằng mọi sự trên đời phát triển theo vòng xoáy trôn ốc. Sự việc phát triển đến một mức nào đó thì lặp lại những cái trước đó nhưng ở một trình độ cao hơn. Điều đó cũng đúng với máy tính.
Thời kỳ bình minh của điện toán, mọi thứ xoay quanh vài cái mainframe (bây giờ dịch là siêu máy tính). Tất cả mọi thứ: bộ xử lý, bộ nhớ, ổ cứng, phần mềm đều nằm trên đó. Xung quanh mỗi mainframe có hàng chục cái gọi là terminal chỉ gồm màn hình, bàn phím (chưa có cả chuột). Mỗi user dùng bàn phím màn hình đó truy cập vào mainframe, chạy các phần mềm trên đó cho công việc của mình, dùng chung bộ xử lý, bộ nhớ, phần mềm, ... và mọi thứ khác từ một nơi cấp phát tập trung.
Bây giờ mọi thứ có vẻ sắp quay về thời kỳ đó. Internet đã tạo nên một cái mainframe khổng lồ gồm hàng ngàn máy chủ kết nối với nhau chứa đựng sức mạnh xử lý, bộ nhớ, ổ cứng và phần mềm. Các máy tính cá nhân rồi ra sẽ chỉ còn dùng để chạy trình duyệt, cài phần mềm tối thiểu và ổ cứng cũng tối thiểu. Nối máy vào Internet, mở trình duyệt ra là có thể soạn văn bản, bảng tính (bằng Google Docs và Zoho Writer chẳng hạn), soạn xong lưu ngay vào ổ cứng máy chủ, yên tâm rằng mọi việc quét virus, sao lưu, bảo trì cho phần mềm luôn luôn sẵn sàng có người khác lo. Mua bán cũng qua trình duyệt, thậm chí ngồi nhà làm việc qua trình duyệt luôn. Còn mỗi một cái phải quan tâm là Bookmarks (hoặc Favorites).
Hiện tại thì tốc độ Internet còn chập chờn và chưa đủ nhanh, điểm kết nối còn chưa đủ rộng, phần mềm trên Internet cũng chưa có tính năng bằng phần mềm cài trên máy để bàn. Nhưng cứ theo đà này, máy tính cá nhân rồi sẽ teo lại chỉ còn là bàn phím, màn hình, chuột với một cái case bé xíu lắp ngay sau lưng màn hình là đủ để chạy trình duyệt web. Giống cái terminal ngày xưa nhưng hiện đại hơn. Các nhà sản xuất phần mềm sẽ không còn bán các bộ phần mềm đóng gói cho từng cá nhân mà cài lên máy chủ Internet rồi bán dịch vụ sử dụng cho người dùng. Game online là một dạng dịch vụ như thế.

Một xu hướng rõ ràng là không cưỡng lại được, chỉ có điều nó đến nhanh hay chậm mà thôi.

Nhưng lúc đó, dân tin học làm gì? Máy tính chỉ còn như cái TV, ít hỏng và cũng chẳng cần cài đặt. Phần mềm "tây" đầy trên Internet, mua thẻ rồi dùng như học ngoại ngữ online bây giờ, học sử dụng cũng qua web. Cái thị trường rộng lớn mà vố số "kỹ sư tin học" với trình độ cao nhất là biết cài Windows, MS Office hiện đang lĩnh lương sống được sẽ không còn nữa.

Nghĩ cho cùng nó cũng giống như chuyện sát nhập tỉnh, thừa ra khối thứ từ lãnh đạo đến ôtô. Đáng lo không?

Nhưng có nhanh chắc cũng phải 10-20 năm nữa. Khi nào thấy Internet wifi cao tốc miễn phí khắp hang cùng ngõ hẻm lo cũng vừa.

Vài thứ về Ubuntu, Kubuntu

1- Làm việc với hai màn hình


Trong Ubuntu đã có chương trình randr (giao diện dòng lệnh) để chỉnh độ phân giải màn hình khi kết nối máy tính vào thêm một màn hình ngoài. Cài thêm giao diện đồ họa (front end) của nó là grandr (có sẵn trong kho phần mềm, tìm và cài bằng Synaptic), chương trình này xuất hiện trong menu System -> Administration -> Multiple Screens.

Dùng chương trình này có thể cắm notebook đã bật sẵn vào màn hình ngoài, bật và chỉnh độ phân giải màn hình ngoài mà không cần khởi động lại hệ điều hành.

Cách làm trên cũng đúng cho mọi hệ Linux Gnome. Tuy nhiên có điều lạ là openSUSE Gnome không có sẵn phần mềm này trong kho phần mềm của nó.

Các hệ Linux KDE cũng có phần mềm tương tự là KRandR và thường được cài sẵn.

2- Perfectbuntu đầy đủ hơn ubuntu-restricted-extra.


Khi cài xong Ubuntu, phải cài thêm vài thứ tập hợp trong gói ubuntu-restricted-extra (multimedia codecs, font Windows, Java, Flash plugin, DVD playback). Theo hướng dẫn tại đây, còn có thể cài một lần cho xong ngoài những thứ vừa nêu, nhiều thứ cần thiết khác bằng một chương trình dưới dạng script là Perfectbuntu.

Tải file về theo cách hướng dẫn ở cuối trang nói trên hoặc tải file perfectbuntu tại đâytại đây. Mở Terminal tại thư mục có chứa file rồi chạy lệnh sudo perfectbuntu.

Chương trình sẽ nêu ra lần lượt các câu hỏi để bạn tự quyết định. Khi hỏi xong, nó sẽ add các kho phần mềm cần thiết, tải các gói phần mềm đã chọn về cài. Vì là mã script nên bạn có thể xem và sửa nội dung Perfectbuntu dễ dàng. Chương trình dùng cho Ubuntu từ 8.04 đến 9.04 cả 32 lẫn 64bit. Tôi chưa thử nhưng có lẽ cũng dùng được cho cả Kubuntu.

3- Tinh chỉnh Ubuntu bằng Ubuntu Tweak


Ubuntu Tweak là một bộ công cụ "điều khiển" Ubuntu rất có ích, bổ xung nhưng cái mà Ubuntu không có, gồm các mục:

Computer: một số thông tin hệ thống

Applications: cài đặt một số phần mềm chọn lọc, sửa danh mục các kho phần mềm, dọn dẹp làm sạch một số thứ liên quan đến các gói phần mềm đã cài.

Startup: quản lý các chương trình tự khởi động

Desktop: chỉnh trang màn hình Desktop.

Personal: chỉnh nhiều thứ theo ý người dùng.

System: chỉnh một số thứ thuộc về hệ thống.

Tải về và xem thêm thông tin tại đây.

4- Kho driver card màn hình cập nhật


Trong một post trước tôi có dịch một bài viết nói về tình trạng driver màn hình Intel hiện nay. Nếu bạn thật sự cần những driver màn hình mới nhất (Intel, NVIDIA, ATI, ...) hãy xem dự án này (cho cả Ubuntu và Debian). Kho các driver màn hình dành cho Ubuntu, Kubuntu có tại đây.

Nhấn vàoSystem > Administration > Software Sources, nhấn tiếp vào tab"Third-party Software" rồi copy và paste hai kho sau:
deb http://ppa.launchpad.net/xorg-edgers/ppa/ubuntu jaunty main
deb-src http://ppa.launchpad.net/xorg-edgers/ppa/ubuntu jaunty main
Nhấn vào link này copy toàn bộ khối ký tự từ  BEGIN PGP PUBLIC KEY BLOCK đến hết, paste vào một file text. Nhấn vào tab Authentication, nhấn tiếp vào Import Key file rồi tìm đến file vừa tạo để nhập key vào.

Nhấn tiếp vào nút Reload để cập nhật danh sách phần mềm, đóng màn hình lại. Nhấn vào menuSystem > Administration > Synaptic Package Manager rồi nhấn nút Mark All Upgrade để cài driver màn hình mới nhất.

5- Nautilus scripts


Trình quản lý file Nautilus có nhiều script mở rộng các tính năng tập hợp tại đây. Có thể tải file này về, giải nén thành thư mục nautilus-scripts rồi copy toàn bộ thư mục đó vào thư mục ẩn /home/<username>/.gnome. Đóng Nautilus lại rồi mở ra, nhấn phím phải chuột vào một thư mục hay file, trong menu con (service menu) xuất hiện sẽ có rất nhiều lệnh có ích. Không thích lệnh nào có thể mở thư mục nói trên xóa bớt đi.

6- Service menu của Dolphin


Tải tại đây hai file:

kde4-servicemenu-extract-and-compress_1.4.4~jaunty~ppa1_all.deb

kubuntu-servicemenu-rootactions_2.4.3~jaunty~ppa1_all.deb

và cài để có các lệnh bổ xung vào service menu của Dolphin (trong Kubuntu 9.04)

5/4/09

Ubuntu 9.04 và card màn hình Intel

2 May 2009, 11:31


Ubuntu 9.04 and Intel graphics


by Dr. Oliver Diedrich


Lược dịch Zxc232

Đối với người dùng Linux không cần đến tốc độ 3D cực cao, card màn hình Intel là giải pháp ưu thế, ít nhất là vì công ty phát triển driver dưới dạng nguồn mở trong khuôn khổ dự án X.org. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển các driver card màn hình Intel đang ở tình trạng lộn xộn (do chưa theo kịp tiến bộ công nghệ -ND)


Trong release note của Ubuntu 9.04 công nhận rằng driver Intel bị giảm tốc độ ("performance regressions") thậm chí một số loại chíp card màn hình Intel còn làm cho X Server bị treo. Cách khắc phục tạm (workaround) xem tại đây.

Vấn đề trên có nhiều triệu chứng khác nhau. Một số người dùng Ubuntu báo cáo rằng video Flash chạy ở chế độ toàn màn hình bị giật, game 3D chạy rất chậm, nếu kích hoạt các hiệu ứng 3D thì màn hình khó sử dụng và trong trường hợp xấu nhất, khi di chuyển cửa sổ chậm đến mức máy tính hầu như treo. Chúng tôi cũng quan sát thấy một số hiệu ứng đó khi test các card màn hình Intel.

Các driver đồ họa Intel hiện vẫn đang được phát triển. Trong nhân Linux version 2.6.28 (dùng trong Ubuntu), trình quản lý thực hiện đồ họa (Graphics Execution Manager - GEM) được chuyển vào trong nhân. Điều đó nghe có vẻ đơn giản và tăng hiệu quả quản lý bộ nhớ màn hình của X Server nhưng yêu cầu driver đồ họa phải thay đổi.

Trong phiên bản nhân Linux mới nhất version 2.6.29 (Mandriva 2009.1 dùng nhân này -ND), chức năng điều khiển card màn hình Intel được chuyển giao cho kernel (kernel-based mode setting - KMS). Thay cho X Server, nhân Linux sẽ thiết lập cấu hình đồ họa, tạo nên hiệu quả lớn với driver đồ họa. Theo nhà phát triển Keith Packard của Intel, khoảng một nửa mã driver đồ họa Intel chịu trách nhiệm thiết lập cấu hình.

Ngoài ra, X.org cũng đưa vào một hệ thống gia tốc 3D mới Direct Rendering Infrastructure 2 (DRI2)  thay cho các hệ thống gia tốc 3D cũ. Intel cũng đang phát triển một hệ thống gia tốc 2D mới có tên là UXA tận dụng các ưu điểm của GEM. UXA sẽ thay cho EXA và kiến trúc XFree86 cũ (XXA).

Như Packard đã tính toán một cách đầy hy vọng, GEM hay không GEM (điều khiển đồ họa bằng kernel hay bằng driver), bốn cách gia tốc 2D khác nhau (không gia tốc, XAA, EXA, UXA) và ba cách gia tốc 3D (không gia tốc, DRI, DRI2) tạo nên 48 tổ hợp lý thuyết mà driver cần đáp ứng. Ngoài ra còn một khó khăn khác: driver cần phải kiểm soát được một dải rộng các bộ xử lý đồ họa của Intel và các version khác nhau của cùng một bộ xử lý. Tất cả những điều đó làm cho việc test thử một cách có hệ thống gần như là điều không thể.

Mục đích cuối cùng của tất cả các phát triển trên là dùng GEM, kernel đặt cấu hình đồ hoạ, DRI2 và UXA để giảm nhẹ vai trò của driver và tăng tốc đồ hoạ. Các vấn đề nảy sinh là ở quá trình chuyển tiếp công nghệ: kernel trước đời 2.6.29 (không có KMS hoặc không có cả KMS và GEM), vẫn còn đang được dùng trong hầu hết các bản Linux hiện tại.

Ubuntu 9.04 rơi vào đúng giai đoạn chuyển tiếp sống còn đó. GEM có, KMS không, EXA và DRI bị disable, UXA và DRI2 vẫn còn đang loạng choạng và hình như không có ai biết rõ tổ hợp nào trong các công nghệ nói trên chạy nhanh nhất và ổn định nhất với bộ xử lý màn hình nào. Danh sách dài những kinh nghiệm mâu thuẫn nhau có trong Ubuntu's UXA testing cho thấy không có nhiều hy vọng là sẽ có câu trả lời sớm. Vì vậy mà lời khuyên trong Ubuntu release notes khá mơ hồ: "Một số người dùng thấy có thể tăng tốc độ bằng cách..." hoặc "cải thiện được đáng kể tốc độ trong một số trường hợp..." hoặc "có thể không may gặp những vấn đề nghiêm trọng về ổn định hệ thống...". Người dùng gặp những vấn đề đó không có cách nào khác ngoài cách thử các lời khuyên khác nhau và hy vọng sẽ tăng được tốc độ màn hình mà không có hiệu ứng phụ quá đáng nào. Cũng có cả một mục Hướng dẫn sửa lỗi đưa ra vài thủ thuật.

Điều đáng buồn là sự cố trên lại xảy ra với Intel. Trong nhiều năm ròng, người dùng Linux không cần tốc độ đồ họa 3D cao đã được khuyên dùng card màn hình Intel vì Intel là một công ty mẫu mực đã phát triển các driver màn hình nguồn mở cho Linux trong khuôn khổ dự án X.org. Hai nhà sản xuất card màn hình lớn khác là Nvidia và AMD chỉ cung cấp driver Linux nguồn đóng.

Thêm vào đó, từ khi giới thiệu nền tảng Centrino đầu năm 2003, Intel đã không ngừng tăng thị phần trong thị trường card màn hình laptop, gần một nửa số laptop hiện nay dùng card màn hình có bộ vi xử lý Intel. Với máy PC để bàn có card màn hình Intel onboard, trong trường hợp cần bạn có thể cắm thêm card màn hình rời AMD hoặc NVIDIA, nhưng với laptop thì bạn phải chung sống với card màn hình onboard.

Hy vọng duy nhất hiện nay là các nhà phát triển phần mềm nhanh chóng sửa được các vấn đề trên và Ubuntu sẽ được cập nhật khi đã sửa xong. Nếu không tiếng tăm của Ubuntu có thể bị ảnh hưởng.

Lời người dịch: đúng là gần đây khi thử K/Ubuntu 9.04, Mandriva 2009.1, có gặp một số trục trặc về màn hình. Té ra là do  driver màn hình Intel chưa theo kịp tiến bộ công nghệ. Vậy tốt nhất với laptop là cứ dùng các phiên bản Linux cũ, với PC thì tùy. Tôi dùng Ubuntu 9.04 cho các ứng dụng văn phòng (card onboard của Intel) thì không thấy có vấn đề gì.

5/2/09

Mandriva 2009.1 (Spring)

Ngày 29/4/2009, Mandriva chính thức công bố phiên bản Mandriva 2009.1 (Mandriva 2009 Spring) cũng theo chu kỳ 6 tháng một bản. Các đặc điểm mới chính (so với bản 2009.0):

1- Cập nhật các gói phần mềm mới nhất: KDE 4.2.2, GNOME 2.26, X.Org Server 1.6, Linux kernel 2.6.29, Xfce 4.6, OpenOffice 3.0.1 (để so sánh với Ubuntu 9.04: KDE 4.2, GNOME 2.26, X.Org Server 1.6, Linux kernel 2.6.28, Xfce 4.6, OpenOffice 3.0)

2- Có thêm bản dùng môi trường đồ họa nhẹ và nhanh LXDE (Lightweight X11 Desktop Environment) hỗ trợ các netbook của Acer, Asus, Classmate PC, MSI, Lenovo và Samsung (chi tiết). Màn hình LXDE như sau:

mandriva_spring2009_lxde3- Thiết kế mới công cụ quản trị an ninh (msec), quản lý mạng. Thời gian khởi động nhanh hơn 25%. Dùng Syslinux 3.75 gồm một công cụ phát hiện phần cứng mới (Hardware Detection Tool) .

Chi tiết những điểm mới xem ở đây. Một số lỗi đã biết nêu ở đây.


Phần trên là theo quảng cáo của Mandriva. Căn cứ vào quảng cáo thì phiên bản này chủ yếu là phiên bản bảo trì (maintenance version): cập nhật các phần mềm mới, sửa chữa đôi chút, không có gì thay đổi lớn. Vì vậy các ưu điểm mới sẽ tập trung vào phần mềm. Ví dụ KDE 4.2.2 nhuyễn hơn và có một số tính năng mới so với KDE 4.0, OpenOffice 3.0.1 cũng có một số cải tiến so với 3.0 v.v...

Dưới đây liệt kê một số nhận xét ban đầu:

Mandriva không nổi tiếng như Ubuntu. Có lẽ vì vậy mà đến hôm nay vẫn chưa được cập nhật vào site của FPT. Tôi tải về từ một site của Séc, khá nhanh.


Bản Mandriva 2009.1 Gnome cài tốt trên notebook Dell Inspiron 700m (khá cũ và yếu: Pentium M 1.6GHz, 485 MB RAM). Tuy nhiên, khi cắm thêm màn hình LCD ngoài, không khởi động lại được. Phải khởi động xong mới cắm màn hình ngoài và màn hình này cũng chỉ dặt được độ phân giải 1024x768 (đúng ra 1280x1024). Lỗi này giống Ubuntu, nhưng Ubuntu khá hơn: khi khởi động còn tự nhận màn hình ngoài được.


Trên bản Gnome này cũng cài được scim-unikey-0.2 nhưng cách cài hơi phức tạp hơn Mandriva 2009.0.

Font chữ hiển thị trên màn hình hơi gai, không đẹp như cùng font trên Mandriva 2009.0 KDE4 và Ubuntu 9.04.

Bản Mandriva 2009.1 KDE không khởi động được trên máy Dell nói trên và trên một máy để bản khác. Vì vậy chưa thể nhận xét được.


Tóm lại có vẻ như cái Hardware Detection Tool mới có vấn đề. Xưa nay, Mandriva vẫn có tiếng là tương thích phần cứng tốt và qua sử dụng cũng thấy vậy. Đây là lần đầu có những trục trặc như trên.


Có điểm này cũng cần lưu ý: nếu dùng bản One (một đĩa CD) thì do không đủ chỗ trên đĩa, sau khi cài xong, mở Control Center nhấn vào Setup printer sẽ phải tải về khoảng 280MB phần mềm cần thiết cho in ấn nữa.