7/27/09

Ảnh màn hình này có gì lạ?

Cái màn hình này hơi khác thường.Nếu bạn không nhận ra thì xem tiếp phần dưới

session-gimp-word



Thanh tiêu đề trên cùng cho biết đây là màn hình trình duyệt web Mozilla Firefox. Nhìn cái màu nâu là biết Firefox đang chạy trên Ubuntu.

Bên trong trình duyệt có hai cửa sổ: một cửa sổ của Microsoft Word và một của GIMP, trình xử lý ảnh nguồn mở chạy trên Linux (tương tự Photoshop). Một ứng dụng Windows và một ứng dụng Linux cùng chạy và lại chạy trong trình duyệt web!

Màn hình nền thì giống màn hình nền của một bản Linux nào đó. Nhưng cũng lại nằm trong trình duyệt web!

Đây là một công nghệ mới của hãng Ulteo (ulteo.com) gọi là Open Virtual Desktop (OVD) technology. Đại thể thì công nghệ đó thế này:

  • Trong mạng có các máy chủ ứng dụng (application server) Windows và Linux riêng biệt. Trên mỗi máy chủ đó chạy các ứng dụng cần thiết (MS Office và GIMP như trong ví dụ trên) trên nền Windows server hoặc Linux server.

  • Dùng một máy chủ Linux chạy OVD Session Manager kết nối với các máy chủ ứng dụng nói trên.

  • Các máy trạm dùng trình duyệt web truy cập vào máy OVD Session Manager để khởi tạo một phiên làm việc (session). Trên trình duyệt sẽ xuất hiện màn hình desktop của một máy trạm ảo (virtual desktop) có tất cả các ứng dụng Windows và Linux đang chạy trên các máy chủ ứng dụng. Khi chạy MS Word thì màn hình Word mở ra, Word thực tế chạy trên máy chủ, thông qua Terminal Service của Windows server để cấp giao diện Word đến trình duyệt. Máy chủ OVD Session Manager làm nhiệm vụ đầu mối trung gian để các máy trạm giao tiếp với các máy chủ ứng dụng.

  • Như vậy các máy trạm chỉ cần cài trình duyệt, không cần cài ứng dụng. Máy trạm có thể cài bất cứ hệ điều hành nào (Windows, Mac, Linux, ...) miễn là có một trình duyệt web hỗ trợ java.

  • Tóm lại cũng tương tự khi dùng trình duyệt web để soạn văn bản bằng Google Docs hoặc Zoho Writer từ các máy chủ Internet. Điểm khác biệt là các máy chủ ở đây nằm trong mạng LAN (và cả WAN). Tức là một dạng điện toán đám mây, phần mềm như dịch vụ (SaaS) nhưng ở trong mạng LAN (WAN). Chắc cũng dùng được cả trên Internet.


ulteo-scheme-web

Nhận xét sơ bộ (chưa thử) thì công nghệ này có mấy ưu điểm:

  • Web-base hóa ứng dụng đã có nhưng thực tế lại không phải sửa ứng dụng. Điều này rất tiện cho các đơn vị đã có các ứng dụng Windows, nay muốn chuyển desktop sạng dùng Linux.

  • Không rõ chế độ bán giấy phép sử dụng các phần mềm bản quyền cho trường hợp này tính thế nào. Nếu vẫn tính là cài cho một máy (chủ) thì người dùng lợi to.

  • Các máy trạm chỉ cần chạy được trình duyệt có hỗ trợ Java. Máy cũ và yếu chắc là vẫn xử lý ảnh được vì GIMP (hoặc Photoshop) chạy trên máy chủ.

  • Sướng nhất là các phòng tin học. Khỏi lo cài cắm ứng dụng, quét virus, backup dữ liệu trên máy trạm, chỉ tập trung chăm sóc mấy cái máy chủ. Tuy nhiên như đã nói trong bài "Điện toán đám mây",  điều này có thể dẫn đến thất nghiệp, giảm biên vô khối "cử nhân tin học" đang làm nhiệm vụ chăm sóc cả đống máy trạm.

7/24/09

Netbook Việt nam chạy Linux song ngữ (Hacao Netbook)

Site DesktopLinux.com vừa có bài giới thiệu Hacao Netbook. Tôi dịch lại để ủng hộ hàng nội và Hacao Linux. Trước đây có lần thử qua Hacao, ấn tượng nhất là chạy rất nhanh (bản thân Puppy vốn đã nhẹ chạy nhanh rồi). Lâu nay tưởng dự án Hacao tiêu rồi không ngờ vẫn sống và lại gắn được với netbook. Hacao netbook giá 5.5 triệu không phải là đắt nhưng hãng gốc Axioo hơi vô danh không rõ chất lượng, tuổi thọ thế nào. Để lúc nào rỗi điểm qua bản Hacao Linux 2009.


Công ty công nghệ Linux Việt nam Hacao vừa cho ra đời netbook chạy phiên bản Hacao Linux 2009 CE song ngữ (Anh/Việt). Hacao Netbook dùng chip Atom của Intel, có màn hình 10 inch và ổ cứng 160GB.

Được giới thiệu tại triển lãm Vietnam Computer Electronics World Expo 2009, Hacao netbook là một phiên bản của Pico netbook do hãng Axioo, Singapore chế tạo. Pico netbook lại là phiên bản có sửa đổi, không có Bluetooth của MSI Wind netbook.






Hacao Classmate PC
(Click for details)

Năm 2007, Hacao đã tung ra phiên bản Việt nam hóa của Intel Classmate PC, mini-laptop dành cho giáo dục, là netbook sớm nhất trên thị trường. Hacao Classmate PC (xem ảnh bên phải) dùng chip Celeron 900MHz, màn hình 7 inch, chạy Hacao Linux, được chính phủ Việt nam đồng ý cho dùng trong nhà trường, theo công ty cho biết.


Hacao Netbook có đối tượng rộng hơn, gồm cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hacao cho biết tương đối ít thông tin chi tiết về netbook, nhưng có thể cho rằng nó không khác nhiều Pico netbook, dùng chip Intel Atom 1,6GHz có lẽ là model N270, 1GB RAM và có WiFi, Ethernet và camera.


Hacao Netbook
Một tính năng tiêu chuẩn của Axioo Pico không liệt kê dưới đây là có ba cổng USB, một đầu đọc flash card và một moden quay số. Điểm khác biệt lớn nhất là giá: Pico netbook cài Windows có giá trên 500USD trong khi Hacao netbook chỉ có 240USD.

Các tính năng chính của Hacao netbook:


  • Processor -- Intel Atom 1.6GHz

  • Memory -- 1GB DDR2

  • Display -- 10-inch WXGA screen; VGA port

  • Storage -- 160GB SATA hard disk drive

  • Networking -- 10/100 Ethernet

  • WiFi -- Type not specified

  • Camera -- 1.3-megapixel

  • Weight -- 2.6 lbs. (1.2 kg)

  • Operating system -- Hacao Linux 2009 CE


Hacao Linux 2009 CE



Hacao Linux 2009 CE là bản update lớn của Hacao 4.21 Pro. Cũng như Hacao Linux 2.01 ra đời năm 2006, Hacao Linux 2009 CE dựa trên Puppy Linux, nhưng có tổng dung lượng file 321MB, và nhiều tính năng hơn.



Màn hình chính của Hacao Linux 2009 CE
(Click to enlarge)



Bổ xung chính là tích hợp đầy đủ hơn hai ngôn ngữ, chỉ một cú nhấn chuột là chuyển giữa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh. Trong cả hai bản Việt và Anh, hỗ trợ toàn phần unicode trong các ứng dụng OpenOffice (có kiểm tra chính tả), Skype, Yahoo Chat, Gimp, Wine và Stardict.




Menu cấu hình của Hacao Linux 2009 CE
(Click to enlarge)


Một nét đặc trưng khác của Hacao Linux 2009 CE là dễ kết nối với mạng Windows, cải thiện hỗ trợ WiFi và các tính năng tăng cường cho duyệt web, chat, thoại có hình.




Các màn hình OpenOffice của Hacao Linux 2009 CE
(Click to enlarge)

Availability


Hacao Netbook hiện có bán với giá $240 U.S. Nhiều thông tin hơn xem tại Hacao web page. Về netbook Axioo Pico xem tại  đây.

Bản cài đặt Hacao Linux 2009 CE có thể download tại các site mirror của Puppy Linux (username là "puppy", password là "linux")  tại đây. Thông tin về bản linux này (có các ảnh màn hình -ND) xem tại đây.

-- Eric Brown

7/22/09

Điểm tin PMNM (22/7/2009)

Microsoft liên tiếp nguồn mở hóa một số phần mềm


Thứ hai, 20/7 vừa qua, Microsoft đã nguồn mở hóa 20 000 dòng mã lệnh của ba Linux driver thiết bị của hãng cho cộng đồng phát triển nhân Linux. Các driver này sẽ được tích hợp vào Linux kernel 2.6.32 giúp cho Linux OS chạy nhanh hơn trong máy ảo Hyper-V Server 2008 hoặc Windows Server 2008 R2 Hyper-V. Các driver này được nguồn mở hóa theo giấy phép GPL2 và đây là lần đầu Microsoft dùng giấy phép này.

Sam Ramji, giám đốc chiến lược công nghệ nguồn mở của Microsoft gọi hành động trên là cam kết quan trọng nhất chưa từng có của công ty đối với Linux và phần mềm nguồn mở.

Động thái này tạo nên hy vọng là các công ty khác cũng theo gương Microsoft nguồn mở hóa các driver của họ.

Tiếp theo, thứ ba 21/7, Microsoft lại nguồn mở hóa tiếp Live Services Plug-in cho phần mềm quản lý giảng dạy nguồn mở Moodle. Moodle dùng tổ chức các website học online trên Internet và hiện có khoảng 30 triệu người dùng.

Adobe nguồn mở hóa các công cụ phát triển ứng dụng cho Flash.


Adobe đang lập kế hoạch để nguồn mở hóa hai sản phẩm : OSMF (Open Source Media Framework) và Text Layout Framework. OSMF cho phép xây dựng các trình chơi multimedia (media player) trên nền Flash. Các cá nhân cũng có thể bổ xung các tính năng mới vào Flash Player. Text Layout Framework cho phép người dùng "làm mọi thứ mình muốn với text để cho nó thực sự cool hơn trên nền Flash".

Đây được đánh giá là một đòn tấn công của Adobe nhằm giành ưu thế cho Flash trước đối thủ cạnh tranh là Microsoft Silverlight.

Trước đây, Adobe đã nguồn mở hóa một số công nghệ Flash: Flex và bộ dịch, máy ảo Tamarin.

Bang Connecticut xây dựng hệ thống thông  tin y tế dựa trên một phần nguồn mở.


Công ty dịch vụ y tế Hartford Healthcare tuyên bố sẽ tổ hợp công nghệ kết nối nguồn mở của Misys với hệ thống lưu trữ hồ sơ y tế Allscripts để tạo nên hệ thống Transforming Healthcare In Connecticut Communities (THICC), một hệ thống kết nối các bệnh viện, phòng khám và các cơ sở y tế khác trong toàn bang Connecticut.

THICC được kết nối vào hệ thống Thông tin Y tế Quốc gia, xây dựng trên nền phần mềm của Sun.

Các module điều khiển tàu vũ trụ Apollo 11 được nguồn mở hóa


Các phần mềm đã giúp con người đổ bộ lên Mặt trăng đã được trao cho cộng đồng nguồn mở để kỷ niệm 40 năm sứ mệnh Apollo 11.

Apollo 11 command module is released to open source



Chương trình Apollo 11 gồm có hai tàu vũ trụ: module chỉ huy ( Command Module (CM)) dùng đưa ba nhà du hành vũ trụ lên mặt trăng rồi quay về và module mặt trăng ( Lunar Module (LM), dùng chở hai nhà du hành vũ trụ đổ bộ xuống mặt trăng.

Trên mỗi con tàu trên có một máy tính  Apollo guidance computer (AGC) . Phần mềm khác với ngày nay được ghi trên băng đục lỗ và bìa đục lỗ.

Các nhà lập trình của dự án AGC ảo scan các băng và bìa đục lỗ được lưu tại bảo tàng MIT rồi tạo nên một phần mềm mô phỏng AGC, phần mềm này có thể chạy trên Linux. Windows XP và Mac OS.

Mã nguồn hiện được đặt tại Google Code. Nó tái tạo lại bảng điều khiển mà các nhà du hành vũ trụ đã dùng để bay và hạ cánh xuống mặt trăng.

//

7/21/09

Thống kê về phần mềm Mail Server

Một dự án thực hiện năm 2007 điều tra  400'000 máy chủ mail trên toàn mạng và cho kết quả như sau:

pinged_in_piechart

Theo biểu đồ trên, 4 mail server nguồn mở (Sendmail, Postfix, Exim và qmail) chiếm khoảng 30% thị trường, trong đó Sendmail, một mail server lâu đời nhất vẫn còn chiếm thị phần lớn nhất là 12,3%. Postini,  MXLogic và Concentric Hosting là các dịch vụ bảo vệ và giá trị gia tăng chắn ở lớp ngoài nên không biết đằng sau nó chạy mail server gì.

Một nghiên cứu khác trên gần 60'000 máy chủ mail cho kết quả như sau:

Sendmail (24%)

Postfix (20%)

qmail (17%)


Exim (13%)

IMail (2%)





Other MTA (5%)

Theo kết quả này thì Sendmail+Postfix+qmail+Exim chiếm tới 74% thị trường.

Còn ai có số liệu nào khác, nhất là ở Việt nam thì cho xin. Thank in advance.

Chọn lựa


7/20/09

Máy chủ Linux có độ sẵn sàng cao (High Availability Server)

High Availability có nghĩa là "Độ sẵn sàng cao", những máy chủ, thiết bị loại này luôn luôn sẵn sàng phục vụ, người sử dụng không cảm thấy nó bị trục trặc, hỏng hóc gây gián đoạn. Để đảm bảo được điều đó, tối thiểu có một cặp máy, thiết bị chạy song song, liên tục liên lạc với nhau, cái chính hỏng, cái phụ sẽ lập tức biết và tự động thay thế. Một ví dụ đơn giản nhất là một số máy chủ có hai bộ nguồn, tự động thay thế nóng cho nhau.

Đối với các máy chủ phần mềm (Mail server, File server, web server, database server,...) vấn đề phức tạp hơn thiết bị phần cứng một chút vì để thay thế tự động được cho nhau, dữ liệu giữa hai máy chủ phải được liên tục đồng bộ đến từng lần ghi dữ liệu dù nhỏ nhất vào ổ cứng.

Phần mềm DRBD (Distributed Replicated Block Device) đảm nhận việc đồng bộ này. Khi được cài đặt trên hai hay nhiều máy chủ trong một nhóm (cluster), drbd thực hiện việc liên tục đồng bộ giữa các partition ổ cứng được chỉ định thông qua mạng. Một lệnh ghi ổ cứng trên máy chủ chính chỉ được coi là hoàn thành khi lệnh ghi đó cũng được thực hiện xong ở các máy chủ khác trong cùng cluster. Nói cách khác, drbd thực hiện việc tạo các nhóm ổ cứng RAID-1 qua mạng, còn gọi là net-raid.

Heartbeat đảm nhận các công việc còn lại (trước năm 2007). Heartbeat chạy thường trú (daemon) trên các máy trong một cluster, thông tin liên tục cho máy phụ biết về trạng thái dịch vụ cần high availability trên máy chính (tôi còn sống và đang làm việc!). Một khi dịch vụ đó "chết", heartbeat lập tức khởi động các dịch vụ thay thế trên máy phụ để chuyển máy đó thành máy chính. Việc thay thế này thực hiện được vì partition ổ cứng trên hai máy đã được drbd đồng bộ như nói ở trên.

Khi một cặp máy chủ Mail server, File server, Web server sẵn sàng cao chạy, nếu máy chính bị shutdown, hỏng card mạng, phần mềm mail server, ... bị treo, v.v... máy chính sẽ bị loại ra ngoài hệ thống, máy phụ lập tức khởi động dịch vụ thay thế và được chuyển thành máy chính.  Quá trình đó hoàn toàn tự động và trong suốt với người dùng. Người dùng chỉ cảm thấy bị gián đoạn lúc máy phụ đang khởi động dịch vụ.

DRBD và Heartbeat đều là phần mềm nguồn mở chạy trên các máy chủ Linux (trong các kho phần mềm của RedHat, SUSE, Ubuntu, CentOS, ... đều có sẵn hai phần mềm này). Dự án Linux HighAvailability (Linux-HA) đã được ứng dụng ổn định trong thực tiễn từ năm 1999 cho những phần mềm quan trọng (The Linux-HA project has been in production in mission-critical applications since about 1999) tại hàng nghìn site trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số ví dụ thành công (success stories) xem ở đây.

Cách giải thích như trên chỉ là cách nói đơn giản nhất về khái niệm high availability trong thế giới nguồn mở. Đi sâu vào đương nhiên còn nhiều chi tiết hơn (drbd có thể thực hiện ba kiểu mirror, cluster có thể gồm nhiều máy và tất cả các máy đều là chính, v.v...). Nguồn mở có cái hay là nếu bạn định tìm hiểu hãy đăng ký vào trường đại học Internet, thụ giáo giáo sư Gúc, lấy hai cái máy để bàn có nối mạng ở cơ quan, tải phần mềm về thử luôn. Điều kiện để được nhập học: chỉ số IQ trên trung bình + khả năng đọc tiếng Anh tốt+ lòng say mê, không ngại khó. Bù lại khi tốt nghiệp bạn sẽ hiểu sâu thêm khá nhiều điều. Sau khoảng 2 tháng qua nhiều thử nghiệm, cuối cùng tôi dừng lại ở một cặp cluster Ubuntu Server 8.04, drbd, heartbeat, Zimbra mail server chẳng kém gì Win Server 2003, Exchange, Outlook. Cài được chỉ là một bước, quản trị được, tinh chỉnh (fine tuning), khắc phục sự cố còn cả một quãng đường dài. Linux desktop tạm coi là đủ và cày mãi cũng chán. Đi thám hiểm vùng đất mới! Một lý do nữa: cặp mail server đang dùng do công ty tin học hàng đầu VN cài chán quá!

Nếu không đủ ba điều kiện nhập học trên, tốt nhất là nấp sau lưng Bill Gate, lén kiếm ba bộ đĩa crack trên về và theo cái wizard của nó. Tôi rất ủng hộ wizard cho máy để bàn (như Mandriva) nhưng với máy chủ thì ... ta sẽ bàn vấn đề này trong một post sau.

7/19/09

Hệ điều hành Google Chrome, một bước tiến dần đến điện toán đám mây

Ngày 7/7/2009, Google công bố trên blog chính thức của hãng về kế hoạch xây dựng hệ điều hành nguồn mở Google Chrome OS trước mắt dành cho netbook vào cuối năm 2010. Tin này lập tức gây nên một trận động đất trên các phương tiện truyền thông vì đây là lần đầu tiên một người khổng lồ tin học công khai lấn sân của Microsoft trong lĩnh vực hệ điều hành. Mới có 3 hôm nhưng gúc cụm từ "Chrome OS" cho 21 triệu kết quả!

Ngoài khía cạnh kinh doanh nói trên, đây là một bước nữa tiến dần đến thời đại điện toán đám mây đã được trình bày trong một post trước. Dưới đây điểm qua vài nét, tất cả đều xoay quanh việc vào Internet không chỉ để "lướt web" mà để kết nối vào một rừng máy chủ, làm việc thật sự.

Theo công bố trong blog nói trên, Google Chrome OS là một hệ điều hành nguồn mở, nhẹ (lightweigh) sẽ có mặt trên các netbook vào nửa sau năm 2010 và sau này là trên các máy PC. Ba đặc điểm chính là nhanh, đơn giản và an toàn (Speed, simplicity and security).

Đơn giản bởi vì nền tảng chạy ứng dụng đã chuyển chỗ. Cho đến hiện nay, các ứng dụng chạy trên nền hệ điều hành của máy trạm. Vì vậy, hệ điều hành càng ngày càng phức tạp để có thể cung cấp được nhiều dịch vụ cho các ứng dụng. Trong tương lai, các ứng dụng chạy trên các máy chủ Internet và giao diện với người dùng qua trình duyệt (web-based), hệ điều hành trên máy trạm chỉ còn cần chủ yếu để chạy trình duyệt và các công nghệ bên dưới nó. Phần ứng dụng chạy trên máy trạm là chạy trên nền web. Những giao diện đẹp và nặng nề hiện nay cũng không còn cần thiết nữa vì giao diện của ứng dụng sẽ được cung cấp từ Internet. Giao diện của hệ điều hành bây giờ sẽ là trình duyệt web. Google Chrome OS không phải để cài các bộ Office nặng nề, những bộ Office đó đã có sẵn trên Internet (Google Docs, Zoho Office, Thinkfree Office, v.v...). Điều đó cũng sẽ đúng cho các ứng dụng khác: Chỉnh sửa ảnh, Quản lý dự án, Kế toán, v.v..

Cũng vì đơn giản nên tất nhiên là sẽ nhanh. Thời gian khởi động và tắt hệ điều hành chỉ còn vài giây như bật tắt Tivi.

Với một công dụng mới như vậy, đương nhiên hệ điều hành cần phải được thiết kế lại từ đầu. Google nói rằng khi thiết kế mới, họ sẽ chú ý đến kiến trúc an ninh nền tảng bên dưới. Ta có thể hy vọng rằng trước mắt, số lượng khổng lồ các malware chạy trên Windows sẽ không còn đất dụng võ. Còn về lâu dài, cái gì con người làm ra, con người cũng phá được. Nhưng có lẽ sẽ khó hơn và không tồi tệ như đại dịch virus hiện nay.

Google nói rằng họ lắng nghe và đáp ứng ý kiến người dùng. Người dùng muốn:

  • Bật máy tính lên là có email ngay, không phải chờ khởi động lâu: Điều này dĩ nhiên vì với hệ điều hành khởi động chỉ có vài giây, giao diện là trình duyệt lại đặt trang chủ là Gmail chẳng hạn thì không khó khăn gì.

  • Máy tính lúc nào cũng chạy nhanh như lúc mới mua: Điều này cũng hiển nhiên vì mọi thứ đều lưu trên máy chủ Internet, hầu như chẳng có dữ liệu gì lưu lại trên ổ cứng. Ổ sẽ không bị phân mảnh, không có hàng đống file rác, không có các registries ngày càng phình to, tìm kiếm mất thì giờ. Chỉ còn cache trình duyệt tự động xóa sau mỗi lần tắt máy và một số nội dung offline.

  • Dữ liệu có thể truy cập được từ bất cứ đâu, không phải lo lắng mất máy tính, hỏng ổ cứng hoặc quên backup: Dữ liệu lưu trên các máy chủ Internet đáp ứng yêu cầu đó.

  • Không mất thì giờ cấu hình máy và cập nhật phần mềm.


Thực ra ý tưởng hệ điều hành web không phải mới. Trong post này có giới thiệu một sản phẩm của Asus đi theo hướng đó dùng công nghệ Splashtop. Google gây được tiếng vang lớn vì cái tầm vóc khổng lồ của họ.

Nhưng Google Chrome OS không thể thành công riêng lẻ. Nó chỉ là một khâu trong điện toán đám mây. Thành công của nó còn phụ thuộc vào:

  • Hạ tầng Internet: các công nghệ truyền dẫn mới tốc độ cao, các điểm truy cập Internet nhanh, ổn định, giá rẻ hoặc miễn phí có ở khắp nơi.

  • Các công nghệ nền và công cụ để phát triển ứng dụng web nhanh, dễ. Số lượng các ứng dụng web lớn và có tính năng đủ đáp ứng người dùng thay thế được cho các ứng dụng chạy trên PC hiện tại.

  • Thói quen và niềm tin của người dùng khi "dựa" toàn bộ vào Internet. Ví dụ: soạn văn bản là nghĩ ngay tới Zoho Writer.


Với hiện trạng của ba yếu tố trên, Chrome OS chưa thể thành công trong một vài năm tới.

7/18/09

Vài thủ thuật hay

Tình cờ tìm được vài thủ thuật hay tại site http://tips4Linux.com.

Xem thông số RAM


Chạy lệnh sau trong terminal: sudo dmidecode -t memory sẽ cho biết nhiều thông số về RAM. Tương tự, thay memory bằng bios, processor, system, v.v.... Để biết chi tiết về lệnh này gõ man demidecode.

Hoặc gõ một lần sudo dmidecode | more để xem toàn bộ các thông số bios. Với Mandriva, không cần sudo nhưng trước đó phải chuyển sang user root bằng lệnh su.

Lệnh lshw cũng liệt kê các thông số phần cứng. Ví dụ lshw -c memory liệt kê tất cả các loại ram trong máy (bios firmware, cache của bộ xử lý, RAM).

Kiểm tra trạng thái pin của laptop


a/ Thông số pin

Lệnh: grep -F : /proc/acpi/battery/BAT0/info
Kết quả tương tự như sau:

present:                              yes
design capacity:                2200 mAh
last full capacity:               2200 mAh
battery technology:           rechargeable
design voltage:                  14800 mV
design capacity warning:   66 mAh
design capacity low:           66 mAh
capacity granularity 1:       10 mAh
capacity granularity 2:       2134 mAh
model number:                    Bat 4Cell
serial number:                     236
battery type:                      Lion
OEM info:

b/Trạng thái pin:

user@laptop:~$ acpi -t
Battery 0: Full, 100%
Thermal 0: ok, 44.5 degrees C
user@laptop:~$ acpi -V
Battery 0: Full, 100%
AC Adapter 0: on-line
Thermal 0: ok, 41.5 degrees C
Cooling 0: Processor 0 of 10
Cooling 1: Processor 0 of 10

Khôi phục boot menu sau khi cài lại Windows


Khi trên máy đã cài Windows, cài thêm Linux thì Linux sẽ tạo boot menu để chọn khởi động vào Windows hay Linux. Nếu sau đó phải cài lại Windows, boot menu sẽ mất và chỉ còn khởi động thẳng vào Windows mà không vào Linux được nữa. Để khôi phục lại boot menu làm như sau:

  1. Boot máy bằng đĩa cài Linux vào chế độ LiveCD.

  2. Khi đã khởi động xong Linux, mở terminal rồi chạy lệnh su để chuyển sang user root (Mandriva), Ubuntu thì không cần.

  3. Chạy lệnh grub (Mandriva) hoặc sudo grub (Ubuntu).

  4. Tại dấu nhắc grub> gõ lệnh find /boot/grub/stage1
    rồi Enter

  5. Danh sách các partition có cài Linux xuất hiện. Nếu chỉ có một bản Linux: (hd0,x), x=1,2, ..., nếu có nhiều bản: (hd0,2), (hd0,4), ... Chú ý là trong danh sách không có các partition không cài Linux.

  6. Gõ tiếp lệnh root  (hd0,x) trong đó x=1, 2, ... rồi Enter

  7. setup (hd0) (Enter)

  8. quit (Enter)

  9. Khởi động lại máy, lấy đĩa CD ra để boot bằng ổ cứng. Xong.

7/7/09

Peazip - một trình nén và giải nén hay

Hay bởi vì peazip không chỉ nén và giải nén được vô số loại file mà còn có nhiều tính năng khác.

peazip1Nén và giải nén được các loại file:

Giải nén được các loại file:

ACE, ARJ, CAB, CHM, COMPOUND (MSI, DOC, XLS, PPT), CPIO, ISO, Java (JAR, EAR, WAR), Linux (DEB, PET/PUP, RPM, SLP), LHA/LZH, LZMA, Mac (DMG/HFS), NSIS, Open Office files, PAK/PK3/PK4, RAR, SMZIP, U3P, UDF, VHD, WIM, XAR, XPI, XZ, Z/TZ


Tổng cộng hỗ trợ 87 kiểu file nén khác nhau.

Tạo được file nén tự giải (self-extracting).

Tạo và giải nén nhiều file cùng một lúc.

Có các bản cài (installable) chạy được trên Windows 32, 64 bit và trên Linux. Có cả bản không cần cài (portable) để chạy trên usb, ... Giao diện trong mọi trường hợp trên đều giống nhau.

Có một số tính năng xử lý file (hình dưới)

  • peazip2Chia một file lớn thành nhiều phần hoặc nối các phần đã chia thành một file (Splite/Join files).

  • So sánh các file với nhau (Compare files)

  • Tạo số kiểm tra file (Checksum/hash files)

  • Xóa vĩnh viễn file, không undelete, recovery được (Secure delete)


Bảo mật file nén bằng password, mã hóa nội dung file bằng password hoặc bằng cả password và key file (có chức năng tạo password ngẫu nhiên).

Trang chủ và download tại đây. Có tài liệu hướng dẫn sử dụng chi tiết (pdf).

Nhược điểm:

Khi cài xong, nhấn phím phải chuột vào một file nén, các menu cũ (Extract Here, Extract To...) bị mất, thay vào là các lệnh của Peazip. Khi nhấn phím phải chuột vào một file nén của Linux dạng tar.gz hoặc tar.bz rồi chọn Extract here (Peazip) thì không giải nén hết ngay: đầu tiên giải nén thành file tar, sau đó phải Extract here lần nữa mới thành các file gốc.

Lâu ngày không dùng Winzip, không nhớ các tính năng để so sánh. Tuy nhiên có một ưu điểm: Peazip là phần mềm nguồn mở nên cài vô tư lên Windows, không cần crack như Winzip.