1/31/07

Một số vấn đề về font và bộ gõ

Đây là một số message tôi đã post ở diễn đàn X-unikey với nick tranhd. Copy lại vào đây để tiện tham khảo:
1- Lỗi chữ hoa tiếng Việt trong Calc
Tôi cài x-unikey-0.9.2.deb trên Kubuntu 6.10 và gõ tốt trên các ứng dụng. Tuy nhiên trong OOo Calc gặp lỗi sau: khi gõ trong một ô, nếu gõ chữ Đ (đ hoa) thì con trỏ giật sang trái xóa hết các ký tự đã gõ trước đó. Chữ đ thường không sao.
Tôi đã thử bản x-unikey 1.0.4 bản cho debian testing tại http://labang.sourceforge.net/unikey/debian/testing/ cũng vẫn gặp lỗi tương tự.
X-unikey gõ trong Calc không chỉ gặp lỗi với chữ Đ. Tất cả các chữ tiếng Việt hoa có dấu khác (Ê, Ơ, ...) khi giữ phím Shift để gõ đều bị lỗi tương tự.

Cách khắc phục tạm: nhấn Caps Lock rồi gõ.

Tuy nhiên nếu Caps Lock đang bật mà nhấn Shift để gõ chữ thường cũng gặp lỗi như trên.

Tóm lại là lỗi với phím Shift.
2- Convert font ABC
OpenOffice Writer khi mở các file doc dùng font ABC (.VnTime,...) bị lỗi chữ ư. Tôi đã tìm không thấy chương trình nào trong linux cho phép convert (từ file doc hoặc từ clipboard) font như kiểu unikey trong win. Xin hỏi các tác giả x-unikey có dự định làm việc đó trong tương lai không? Tôi nghĩ rất cần cho việc chuyển hẳn sang dùng linux.

Để tìm một giải pháp cho việc xem và đọc các văn bản dùng font ABC (.VnTime,...) trong Kubuntu 6.10 (KDE), tôi đã cài AbiWord:
1- AbiWord xem tốt các văn bản nói trên không bị lỗi chữ "ư " như OpenOffice và KWord (có lẽ vì AbiWord viết trong Gnome).
2- Tuy nhiên khi gõ bằng x-unikey thì phải gõ thật chậm, con trỏ rất hay bị giật sang trái, xóa chữ và loạn chữ.
3- Ngay cả khi gõ unicode trong AbiWord cũng bị lỗi như trên mặc dù mức độ có ít hơn.
Tôi đã dùng cách sau đây để tạm thời convert font trong Kubuntu 6.10:
- Install wine (wine là chương trình dùng chạy các chương trình Windows trong Linux).
- Chạy winecfg trong terminal để cấu hình wine theo WinXP
- Dùng wine cài Unikey 3.63 dành cho Windows: trong terminal chạy lệnh wine Uk363Setup.exe (đây là file cài unikey for Windows download từ site unikey.org). Quá trình cài giống như cài trên Windows, cuối quá trình chọn option cho tạo một shortcut trên Desktop.
- Download và cài AbiWord
- Nhấn vào shortcut của Unikey để chạy unikey
- Mở file dùng font .VnTime, .VnArial,.. (font ABC) cần convert bằng AbiWord.
- Đánh dấu chọn vùng cần convert rồi copy
- Nhấn chuột phải vào biểu tượng unikey trên panel, chọn Chuyển mã nhanh. Unikey sẽ chuyển mã trong cliboard và báo thành công.
- Quay lại văn bản trong AbiWord, nhấn lệnh Paste để dán nội dung đã chuyển mã trong cliboard đè lên phần văn bản đã chọn.
- Save lại kết quả. Xong.
Chú ý:
1- bộ Unikey for Windows tuy dùng chuyển mã được trong Kubuntu nhưng không dùng gõ được. Để gõ tiếng Việt vẫn phải dùng x-unikey.
2- Phải dùng AbiWord để chuyển mã vì AbiWord không bị lỗi chữ "ư". Nếu dùng OpenOffice cũng chuyển được nhưng các chữ "ư" vẫn bị mất.
3- Đây chỉ là giải pháp tạm trong khi chờ đợi.
Chi tiết xem thêm ở diễn đàn x-unikey

1/28/07

Một địa chỉ rất có ích cho những người thích vọc Kubuntu

Tại trang này có hướng dẫn chi tiết cách cài một số chương trình vào Ubuntu và Kubuntu (cần có kết nối Internet để download chương trình). Tuy nhiên cần lưu ý là cách cài này toàn sử dụng giao diện dòng lệnh, đòi hỏi có những hiểu biết nhất định về cài chương trình Linux (sẽ trình bày vấn đề này trong lần cập nhật tới của các tài liệu đã công bố).

1/25/07

Một lỗ hổng bảo mật của Kubuntu và cách khắc phục

Trong một bài báo về bảo mật của Kubuntu đã dịch đăng trên blog này có nói đến hai đặc điểm: a/Tường lửa mặc định trong nhân linux và b/Người quản trị hệ thống root mặc định bị disabled. Do đó mà người dùng hoặc virus đều khó ảnh hưởng đến các file hệ thống.

Tuy nhiên, Kubuntu lại có một lỗ hổng bảo mật liên quan đến user root: Trong chế độ khởi động Recovery Mode, chương trình tự đăng nhập dưới tên root không có password, tức là mặc định root không có password (xem mục Quên password trong tài liệu Sử dụng Kubuntu).

Khi đó, bất kỳ người nào:
1- Không cần biết bất kỳ username và mật khẩu nào cũng đăng nhập được như root và toàn quyền hành động trên hệ thống.
2- Chỉ cần biết một username nào đó là có thể thay đổi được password của username. Do đó có thể truy cập mọi dữ liệu của username đó và khóa không cho username đó truy cập vào máy (vì đã bị đổi password).

Để khắc phục, làm như sau:
1- Khởi động máy ở chế độ Recovery Mode (chọn trong boot menu khi khởi động).
2- Tại dấu nhắc hệ thống, gõ lệnh passwd root, sau đó tạo mật khẩu cho root (xem mục Quên password trong tài liệu Sử dụng Kubuntu đã nói ở trên). Khởi động lại máy (chạy lệnh poweroff để tắt máy hoặc nhấn nút reset).

Lần sau, khi khởi động máy ở Recovery Mode, sẽ được nhắc:
"Give root password for maintenance or type Control-D to continue"
(Nếu nhập password của root thì vào chế độ bảo trì máy. Nếu gõ Control-D, máy sẽ tiếp tục khởi động vào chế độ đồ họa).
Khi đã vào chế độ bảo trì máy, muốn khởi động đồ họa thì gõ lệnh: init2

Chú ý là password của root đã khai mới ở trên chỉ có giá trị trong chế độ Recovery Mode hoặc đăng nhập như root nếu ta enabled root. Khi đăng nhập với tên người cài đặt máy, mỗi lần làm các thao tác yêu cầu root password thì lại phải nhập password của người cài máy.

Lỗi này khá lạ, mặc dù khắc phục dễ dàng. Tôi sẽ thông báo cho Kubuntu.org xem họ bảo sao.

1/14/07

Những lỗi và nhược điểm đã gặp ở Kubuntu 6.10

Xem tại đây (những bài dài tôi dùng Google Doc dễ đọc hơn và blog đỡ nặng):
http://docs.google.com/View?docid=dgf245vn_3c8tch2

Các sản phẩm tốt nhất năm 2006 do ban biên tập tạp chí Linux Journal bình chọn (Editors' Choice 2006)

Xem tại đây (bản lược dịch):
http://docs.google.com/View?docid=dgf245vn_2cqchps

Linux có cần tường lửa và phần mềm antivirus không?

Bản dịch, xem tại đây:
http://docs.google.com/View?docid=dgf245vn_1drm26w

Blog này dành cho ai?

Blog dành cho những người sử dụng máy tính muốn có một phần mềm miễn phí thay thế Windows+MS Office. Đó là bộ Linux Kubuntu.
Mục đích của blog là giúp những người biết sử dụng máy tính bình thường có thể tự cài đặt và sử dụng Kubuntu cho những công việc văn phòng.
Một cách vắn tắt, Kubuntu hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu máy tính văn phòng hiện nay, dễ sử dụng, không phải thay đổi thói quen, không phải học mới nhiều, giao diện có phần đẹp hơn cả WindowsXP (nhất là trên màn hình LCD). Bạn có thể cài Kubuntu trong vòng 1 giờ và 1 giờ tìm hiểu nữa là sử dụng được ngay. Các dữ liệu cũ vẫn sử dụng lại được.
Dùng Kubuntu hầu như không phải lo lắng về virus, về các phần mềm gián điệp.
Ðiểm quan trọng hơn: Kubuntu là hệ điều hành mã nguồn mở, miễn phí hoàn toàn. Bạn không phải mang mặc cảm trộm cắp gì của Bill Gate, có thể đàng hoàng xách laptop đi khắp thế giới mà không sợ bị kiểm tra.
Lý do chi tiết để chọn Kubuntu sẽ được nói kỹ trong tài liệu nêu đưới đây.
Vì vậy tôi cố gắng soạn tài liệu "Cài đặt và sử dụng Kubuntu 6.10" ở dạng chi tiết và dễ hiểu nhất. Bạn cứ tuần tự làm theo đúng từng bước trong hướng dẫn đó. Ngoài ra, để giảm nhẹ công việc lúc đầu bỡ ngỡ, tôi thu thập sẵn một số file bổ xung cần thiết (LinuxB.zip 31MB).
Xin chú ý: các tài liệu và phần mềm đã đưa lên sẽ được liên tục bổ xung, sửa lỗi. Vì vậy con số trong tên các file là số phiên bản của file, không phải của Kubuntu. Bản Kubuntu nói đến ở đây là Kubuntu Edgy 6.10.
Hiện nay file "Su dung Kubuntu" đã có bản mới là 1.01.
Theo tinh thần mã nguồn mở, bạn có thể tùy ý sao chép, sửa đổi và công bố lại các file nói trên nhưng phải ghi chú rõ các phần bạn đã sửa đổi, bổ xung.
Xin cám ơn các lời nhận xét, động viên mà tôi đã nhận được trên các diễn đàn.

UPDATE: từ 1/2008, các vấn đề được đề cập ở đây sẽ mở rộng ra ngoài Kubuntu. Các nội dung chính gồm:

1- Vấn đề phần mềm nguồn mở: ứng dụng phần mềm nguồn mở ở khắp nơi, nhằm có được cái nhìn tổng quan hơn về khả năng của phần mềm nguồn mở và xu hướng phát triển hiện nay.

2- Các loại phần mềm Linux chạy trên máy chủ và khả năng ứng dụng.

3- Các hệ Linux khác ngoài Kubuntu và phần mềm ứng dụng trên máy để bàn

Tất cả vẫn theo một quan điểm nhất quán là chia sẻ với những người hầu như chưa có kinh nghiệm gì về Linux và phần mềm nguồn mở như bản thân tác giả, khuyến khích mọi người cùng khám phá một chân trời mới.

ZXC