4/27/08

Ubuntu 8.04, những nhận xét ban đầu (update 1/5/08)

Ngày 24/4/08, bản Ubuntu 8.04 chính thức ra đời theo đúng kỳ hạn đã định là 6 tháng một phiên bản mới. Tên mã của 8.04 là Hardy Heron - con diệc gan dạ, hình con diệc xuất hiện trên màn hình nền mặc định của Ubuntu, hơi giống con hạc trên các bàn thờ.

Đây là bản LTS (Long Time Support - hỗ trợ dài hạn) thứ hai của giòng Ubuntu, bản Desktop hỗ trợ cập nhật các bản vá an ninh và sửa lỗi trong 3 năm - đến năm 2011, bản Server hỗ trợ 5 năm đến 2013. Được chọn là bản LTS có nghĩa là sẽ tương đối ổn định và tin cậy, những bản không phải LTS chỉ được hỗ trợ 1,5 năm. Riêng Kubuntu do còn giao thời giữa KDE3 và KDE4 nên không phải là bản LTS.

Một điểm nổi bật của Ubuntu 8.04 là chế độ cài trong Windows. Khi đang chạy Windows, đưa đĩa cài Ubuntu vào ổ CD sẽ xuất hiện một màn hình cài đặt cho phép cài Ubuntu như một ứng dụng (nhưng không phải là ứng dụng Windows) vào một thư mục Windows, không phải qua các bước tạo partition như trước đây. Sau khi cài xong, khởi động lại máy sẽ xuất hiện boot menu để chọn khởi động vào Windows hay Ubuntu. Cách cài này với người đã thạo Linux thì không có ý nghĩa gì, thậm chí còn dở vì tốc độ chậm hơn là cài lên partition mới. Tuy nhiên với người mới học Linux thì rất tiện vì không sợ nhầm lẫn mất Windows, không phải học các khái niệm mới về partition Linux. Biện pháp này được xem là có tính đột phá để phổ biến Ubuntu đến những người dùng lần đầu. Tất nhiên vẫn có thể boot máy từ đĩa cài Ubuntu để tạo partition mới rồi cài như các hệ Linux khác.

Về hình thức, bản 8.04 không có thay đổi gì nhiều so với bản 7.10. Chất lượng chủ yếu tốt hơn là ở các phiên bản mới của các gói phần mềm thành phần: nhân Linux và server đồ họa Xorg mới hỗ trợ nhiều phần cứng hơn, chỉnh sửa màn hình linh hoạt hơn, OpenOffice là bản mới nhất 2.4, thay đổi một vài trình ứng dụng, kết nối vào mạng Windows Active Directory bằng trình Likewise v.v...

Tuy nhiên với người dùng lại có một số trục trặc:

1- Bản Firefox mặc định là Firefox 3 beta5. Hầu hết các extension của Firefox 2 hiện chưa chạy được trên Firefox 3. Gỡ Firefox3, cài Firefox2 cũng không cài được các extension. Nếu bạn đã quen dùng extension thì đây là điều vô cùng khó chịu.

Update: mở thư mục /home/<username>/.mozilla xoá toàn bộ nội dung, chạy lại Firefox2.

2- Bộ gõ tiếng Việt xvnkb-0.3 đã sửa lỗi mount CD và dùng tốt trong 7.10 không dùng được trong 8.04. Khi gõ tiếng Việt trong OpenOffice, con trỏ giật sang trái xóa luôn ký tự đã gõ trước đó. Bộ gõ x-unikey thì xưa nay vẫn không gõ được trong OpenOffice. Cài bản scim-vietiti-upd.deb tại đây thì gõ được tiếng Việt bằng scim nhưng không tắt được màn hình xem trước Preedit: khi gõ xuất hiện một màn hình con hiển thị các ký tự đang gõ, khi xong một từ nhấn space, màn hình đó mới tắt và từ định gõ mới xuất hiện đúng vị trí. Cách làm này tiện cho gõ các chữ tượng hình, nhưng mới dùng cho tiếng Việt thì hơi khó chịu. Các phiên bản Ubuntu trước đều tắt được màn hình này.

Update: xem bài So sánh nhanh ....

3- Khi cài lên máy notebook Dell Inspiron 700m, cả Ubuntu và Kubuntu đều nhận đúng card wifi nhưng không kết nối được. Phiên bản trước (7.10) thì kết nối tốt. Điều này gây một cảm giác xấu và bất an: phiên bản mới có thể hỗ trợ nhiều phần cứng hơn, hỗ trợ tốt hơn một số phần cứng nhưng cũng có thể lại kém hơn với một vài phần cứng cũ.

Update: đổi chế độ mã hoá của ADSL modem từ WEP sang WPA Pre-shared key thì kết nối được.

4- Kubuntu 8.04 có hai bản: một bản chính thức dùng KDE3 và bản remix dùng KDE4. KDE4 đẹp hơn, nhiều hiệu ứng đồ họa hơn và một số phần mềm ứng dụng tốt hơn nhưng lại chưa đủ độ chín (tương tự Firefox3).

Tất cả những điều trên làm ta không thể cài và dùng ngay Ubuntu được. Bản Ubuntu này không gây được ấn tượng tốt như khi chuyển từ Ubuntu 6.10 lên 7.04 và 7.10. Tất nhiên đây chỉ là những nhận xét rất sơ bộ ban đầu.

4/25/08

52 triệu học sinh Brazin sẽ dùng Linux

Bộ Giáo dục Brazin đang cài đặt hệ điều hành Linux riêng của mình vào các phòng máy tính dành cho 52 triệu học sinh tiểu học (primary school). Hệ điều hành “Linux Educacional 2.0” dựa trên nền hệ Linux Debian, dùng giao diện KDE 3.5, các bộ phần mềm KDE-Edu, KDE-Games và một số công cụ được phát triển bởi dự án.
Một phòng máy tính tiêu chuẩn gồm một máy chủ và 7 máy trạm, mỗi máy trạm có hai bộ bàn phím, màn hình và chuột, tổng cộng là 15 vị trí sử dụng. Những phòng máy ở nông thôn nơi thiếu điện, một máy chủ sẽ có 7 bộ bàn phím, màn hình và chuột (không có máy trạm). Ngoài ra còn có một màn hình TV khổ lớn dành cho những nhu cầu riêng của trẻ. Trong năm nay sẽ thiết lập 29.000 phòng máy phục vụ cho 32 triệu học sinh và sang năm (2009) là 53.000 phòng cho khoảng 52 triệu học sinh.
Bộ Giáo dục cũng sẽ dùng Linux trong những “máy chiếu tích hợp” là một thiết bị gồm cả máy chiếu, CPU, các nội dung cài sẵn và đầu DVD. Với loại máy chiếu + máy tính này, các nội dung số không bị giới hạn trong phạm vi phòng máy tính mà giáo viên có thể dùng nó để giảng dạy trong các phòng học thông thường.
Một dự án khác của bộ Giáo dục Brazin, “mỗi học sinh một máy tính”, dự kiến cho ra đời khoảng 150.000 máy tính giáo dục giá rẻ (Classmate PC) cũng chạy Linux với giao diện KDE.

(Thông tin tổng hợp từ :


http://www.desktoplinux.com/news/NS9272932512.html


http://aseigo.blogspot.com/2008/04/deploying-kde-to-52-million-young.html


http://www.linux-watch.com/news/NS9016897370.html )


Phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (ERP) nguồn mở đang tăng trưởng

InfoWorld - Technology Information for Business Intelligence


Phần mềm Quản lý doanh nghiệp (ERP) nguồn mở đang tăng trưởng.


Phần mềm nguồn mở đang tạo nên một xung lực mới trong thị trường phần mềm Quản lý doanh nghiệp do tính linh hoạt và giá thành thấp.


By Robert Lemos, IDG News Service (Zxc232 lược dịch)


April 22, 2008


Phần mềm nguồn mở có thể tìm thấy chỗ đứng của mình trong những hệ thống ứng dụng tối quan trọng (mission-critical) không? Dựa trên xung lực của thị trường phần mềm Quản trị Doanh nghiệp nguồn mở (Open-source Enterprise Resource Planning - ERP), phần mềm nguồn mở bắt đầu nhìn ra con đường của mình, đặc biệt là các lãnh đạo IT của các tổ chức trung bình và nhỏ.


Trong khi các hệ ERP là trái tim và linh hồn của doanh nghiệp hiện đại, chúng cũng là nỗi kinh hoàng về IT trong thập kỷ vừa qua. Phần mềm ERP đòi hỏi một quá trình chỉnh sửa lâu dài và tốn kém để phù hợp với các quy trình nghiệp vụ đặc thù của từng ngành, từng công ty. Danh sách các hạng mục chậm trễ, các triển khai tốn kém luôn ám ảnh các lãnh đạo IT khi cố gắng nâng cấp các hoạt động của công ty. Mới đây, công ty vận chuyển hành lý khổng lổ Waste Management đã kiện ra tòa đòi hãng phần mềm SAP bồi thường 100 triệu USD do triển khai ERP thất bại.


Vấn đề bắt đầu từ thập kỷ 90: năm 1997, hãng Nestle USA bắt đầu một dự án ERP kéo dài 6 năm, tốn 200 triệu USD. Ban đầu công ty có ý định dùng số tiền đó để triển khai một hệ thống trên tất cả các văn phòng toàn cầu.


Khi triển khai xong, công ty mới thấy mình bị khóa chặt vào trong các hợp đồng giấy phép sử dụng và bảo trì tốn kém trong một thị trường hầu như không có cạnh tranh bị thống trị bởi hai hãng phần mềm ERP chính, Oracle và SAP.


Phần mềm nguồn mở bắt đầu vào cuộc. Được phổ biến do sự tăng trưởng của hệ điều hành Linux, phần mềm nguồn mở cho phép bất kỳ ai xem, kiểm tra mã nguồn và chỉnh sửa phần mềm theo ý mình. Các hệ ERP yêu cầu chỉnh sửa rất nhiều (lúc triển khai ban đầu và cả sau này khi doanh nghiệp thay đổi, phát triển - ND) do đó phần mềm nguồn mở có vẻ là phương án lý tưởng. Các công ty cũng đánh giá cao khả năng kiểm soát được mã nguồn của các phần mềm tối quan trọng đối với họ.


Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chi phí thấp của các hệ ERP nguồn mở cũng là một yếu tố quan trọng. Đó là trường hợp của công ty thực phẩm đông lạnh Cedarlane. Dùng phần mềm ERP nguồn mở của hãng xTuple đã tiết kiệm cho công ty “vài trăm nghìn đô la”, giám đốc IT Daniel Baroco cho biết.


.........


Hiệu quả hiện nay là rõ ràng, Baroco nói. Công ty đã tăng trưởng từ 40 triệu lên 600 triệu USD doanh thu và khối lượng công việc giấy tờ cần thiết để thực hiện các hợp đồng giảm xuống đáng kể. Năm 2004, trung bình phải xuất 1000 hóa đơn một ngày, đôi khi một đơn hàng có đến 3 hóa đơn. Hiện nay, chỉ còn 400 hóa đơn và lại theo dõi được lượng hao hụt thực phẩm, một điều không có vào năm 2004.


“Tôi thực sự đã được đào tạo lại về nguồn mở thời kỳ đó,” Baroco nói. “Tôi trở thành người hâm mộ nguồn mở vì thế.”


Tổng giám đốc xTuple, Ned Lilly, nói rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Cedarlane là viễn cảnh tốt nhất cho áp dụng phần mềm ERP nguồn mở. “Triển vọng tốt nhất đối với chúng tôi là các công ty $20 triệu đến $50 triệu doanh thu đang còn dùng chỉ phần mềm kế toán QuickBooks”. Lilly nói.


Lilly không mong sẽ chuyển được các khách hàng truyền thống đang dùng Oracle hoặc SAP nhưng với các công ty nhỏ hơn, lo lắng về chi phí và quá trình triển khai cũ phức tạp thì giải pháp nguồn mở là một sự lựa chọn rõ ràng.


Tại thị trường châu Âu và châu Á, khách hàng hiểu biết hơn về phần mềm nguồn mở và theo đuổi những hệ thống kinh doanh không phụ thuộc vào một nhà cung cấp, Tổng giám đốc Don Klaiss của hãng phần mềm ERP nguồn mở Compiere cho biết.


“Có những vùng trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ Latinh, khuynh hướng ủng hộ nguồn mở là rất mạnh,” Klaiss nói. “Khách hàng rất mệt mỏi vì phải trả phí bản quyền và phí bảo trì cao.”


Một mặt phần mềm nguồn mở có những đặc điểm phù hợp với ERP, mặt khác các thất bại của các phần mềm ERP nguồn đóng quá ầm ỹ cũng làm tăng nhu cầu về ERP nguồn mở, Matt Aslett nhà phân tích phần mềm doanh nghiệp thuộc nhóm 451 cho biết.


Doanh số phần mềm ERP nguồn mở đang tăng vọt. Công ty Compiere năm 2007 tăng 300% và dự kiến cũng tăng như vậy năm 2008. xTuple dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Một hãng phần mềm ERP nguồn mở khác, Openbravo, dự kiến doanh số sẽ tăng gấp 3 năm nay và nhân sự sẽ phải tăng gấp đôi.


Cộng đồng nguồn mở tập hợp xung quanh một sản phẩm làm tăng khối lượng công việc thực hiện được lên nhiều lần. Ví dụ, các đối tác và khách hàng của Openbravo hiện đang bản địa hóa sản phẩm của hãng cho 50 nước khác nhau.


Những con số tăng trưởng đó cũng không phải toàn vẹn, nhà phân tích Aslett phát biểu: “ ERP là một trong những lĩnh vực cuối cùng của hạ tầng tin học doanh nghiệp mà phần mềm nguồn mở còn xâm nhập tương đối ít nên các hãng viết phần mềm ERP nguồn mở có thể hy vọng doanh số sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên cần nhớ rằng, các hãng đó xuất phát từ con số không trong khi doanh số của các hãng phần mềm nguồn đóng nổi tiếng đã lên tới hàng tỷ đô la”.


Tuy nhiên, giám đốc Mitja của Openbravo tin rằng các hãng phần mềm ERP nguồn mở đang bán một thứ mà các hãng ERP nguồn đóng không thể bán được: các khách hàng có thể tự do kiểm soát những hệ thống tối quan trọng của mình không phụ thuộc vào công ty tin học bên ngoài.





4/23/08

Mandriva Linux 2008 Spring (2008.1) (Updated 24/4)

Mandriva S.A là một công ty Pháp chuyên về Linux và phần mềm nguồn mở. Trước đây (từ 1998), công ty có tên là MandrakeSoft với sản phẩm là bộ Linux Mandrake, một thời "tề danh" với RedHat thủa RedHat còn miễn phí. Do tranh chấp pháp lý về tên "Mandrake", công ty đổi tên như hiện nay.

Sản phẩm của công ty tương đối đa dạng: Mandriva Flash (Linux cài sẵn trên một ổ USB 4GB), Mandriva Linux One 2008 (Linux cho máy để bàn), Mandriva Linux Corporate Desktop (Linux cho máy để bàn của doanh nghiệp), Mandriva Corporate Server 4 (hệ điều hành máy chủ), ....Hiện có khoảng 100 khách hàng là các tổ chức (doanh nghiệp, giáo dục, quản lý hành chính,...) và sản phẩm được bán trên 140 nước (theo website của hãng).

Phiên bản Linux mới nhất được công bố 10/4/2008 là Mandriva Linux 2008 Spring. Đây là một bản Linux đáng để thử. Dưới đây là vài nhận xét sơ bộ:

Đường lối chung của Mandriva là "dễ sử dụng", do đó Mandriva đặc biệt thân thiện với người dùng. Sau khi khởi động máy từ đĩa CD, quá trình cài đặt nhanh, đơn giản. Boot menu có thể chỉnh sửa được ngay khi đang cài. Màn hình quản lý các partition trực quan, dễ dùng.

Phần cấu hình, cài đặt khá đủ và đều là dưới dạng hướng dẫn từng bước (wizard). Đây là ưu điểm lớn nhất của bộ Linux này. (PCLinuxOS xây dựng trên nền Mandriva thừa hưởng đặc điểm này và có bổ xung thêm một số, đẩy mức độ thân thiện với người dùng lên hơn nữa). Khi cấu hình thiếu phần mềm gì, phần mềm đó sẽ được tự động tải về và cài (ví dụ chia sẻ file sẽ cài thêm Samba server, cài máy in sẽ tự cài driver, nếu có, v.v....). PCLinuxOS thì cả x-unikey cũng được cài tự động khi chọn tiếng Việt.

Đặc biệt kết hợp chặt chẽ với Windows đã có trên ổ cứng: có boot menu cho Windows, tự nhận và mount các partition Windows ở chế độ ghi được, chỉ nhấn một nút là cài lại toàn bộ font Windows vào Mandriva, có cả hướng dẫn import từ Windows sang Mandriva: My Documents, bookmarks và wallpaper.

Trong kho phần mềm của Mandriva có sẵn bộ gõ tiếng Việt x-unikey-1.0.4 nên cài đặt đơn giản. Tuy nhiên sau đó cần bổ xung ba dòng sau vào file /home/<username>/.bash_profile:

export LANG=vi_VN.UTF-8
export XMODIFIERS=@im=unikey
export GTK_IM_MODULE=xim

Các phần mềm ứng dụng chính cũng như các bộ Linux khác: Firefox, OpenOffice, KMail, ... nhưng phần mềm tiện ích không nhiều bằng PCLinuxOS (tất nhiên người dùng có thể tham khảo PCLinuxOS rồi tự cài thêm). Cách bố trí menu chính cũng không rõ bằng PCLinuxOS. Các phần mềm phụ trợ cần thiết để chơi nhạc, xem phim, duyệt web,.. dù không phải nguồn mở cũng được cài sẵn, không mất thì giờ cài sau như K(Ubuntu).

Công ty này tương đối lớn nên kho phần mềm nhiều và nhanh (hơn PCLinuxOS nhưng chưa bằng Ubuntu). Số lượng phần mềm trong kho cũng kém Ubuntu. Có phần mềm kiểm soát và thông báo nếu có các bản cập nhật (nhưng không tự động tải về trước như Ubuntu).

Giao diện (mới thử bản KDE) sáng và đẹp. Có thể cài các hiệu ứng 3D dễ dàng. Hiện dùng KDE3 nhưng có thể cài thêm KDE4 dễ dàng (cài task-kde4 trong kho phần mềm). Trong chế độ không 3D, có vẻ chạy nhanh và nhẹ hơn Kubuntu.

Tương thích phần cứng cũng khá tốt. Đã cài thử trên một số máy, chưa bị hiện tượng không nhận được phần cứng hoặc trục trặc gì lớn.

Nhìn chung dễ dùng hơn Ubuntu và kém PCLinuxOS một chút. PCLinuxOS dựng trên nền Mandriva nên chắc sau đây ít lâu sẽ có bản PCLinuxOS 2008.

Tuy nhiên hình như hơi có vấn đề với in ấn tiếng Việt (chưa kiểm nghiệm kỹ). Thỉnh thoảng in tiếng Việt bằng font Times New Roman bị lỗi.

4/15/08

Thư giãn: chơi Linux được gì, mất gì?

Chưa nói đến những ý nghĩa lớn lao tầm vĩ mô, đối với một người ham mê tin học có đầu óc loại trung bình khá trở lên, "chơi" Linux là một cuộc chơi đầy hào hứng, liên tục đổi mới, liên tục khám phá mà lại đơn giản, rẻ tiền.

Chỉ cần ở trình độ trung bình, sau một thời gian "chơi" nguồn mở, bạn sẽ nhìn những người đang ngoan ngoãn đi theo Bill Gate với tâm trạng đầy thương cảm. Tại sao những "phi công trẻ" đầy sức sống như vậy lại cam chịu lẩn lút hoặc mất tiền để "lái máy bay bà già" Windows, chờ dài cổ mấy năm mới được ban phát một điều mới, nhất cử nhất động phải theo khuôn phép dotNet, Visual Basic, luôn luôn nơm nớp sợ sida, virus, spyware, ngay từ phút đầu tiên đã phải "mặc áo mưa" Norton Antivirus, ... trong khi có vô số các "em" Linux trẻ trung (vd: PCLinuxOS mới bắt đầu năm 2003), xinh đẹp (hãy thử Compiz, Berill, Metisse,...) và hiện đại, đầy cá tính, phong phú (gần 400 hệ Linux và hàng chục nghìn phần mềm nguồn mở) vây quanh? Nếu khó tính, không ưng em nào, bạn có thể tự lắp cho mình một em hoặc "phẫu thuật thẩm mỹ" một em có sẵn.

Tha hồ chọn lựa, không mất tiền, không sợ công an văn hóa sờ gáy vì vi phạm bản quyền, không sợ bệnh tật phải mặc áo mưa, liên tục khám phá, liên tục đổi mới, tay nghề lên trông thấy, từ một ngôi làng quen thuộc bước ra cả một thế giới mới rộng lớn, bạn còn mong gì hơn thế?

Dân xứ Nghệ với đầy lòng tự hào về tinh thần, trình độ học hành, tính cục bộ địa phương đã thành truyền thuyết mà sau đây vài năm không đẻ ra được một bộ Linux chứa đầy "Nghệ ngữ" và đặc thù xứ Nghệ thì .... chẳng còn gì mà nói nữa.

Với một ổ cứng phổ thông bây giờ, chia ra thành 5-6 partition mỗi cái khoảng 4GB, một đường ADSL và một ổ ghi CDROM, bạn có thể cài cùng lúc 5-6 hệ Linux (và Windows) rồi tha hồ mà vọc. Down một bản Linux 700MB ngay với kết nối wifi chỉ mất khoảng tiếng rưỡi là có cái để nghịch rồi. Linux có chu kỳ xuất các phiên bản mới tương đối nhanh (6 tháng hoặc ít hơn) và với gần 400 hệ Linux hiện có với nhiều ý tưởng rất mới lạ, chỉ sợ không có sức tìm hiểu. Khi đã nắm vững một hệ, việc tìm hiểu hệ khác không có khó khăn gì nhiều vì về cơ bản các hệ Linux đều chung phần lõi (kernel) và chung môi trường đồ họa (KDE, GNOME, ...), chỉ khác nhau về quan điểm thiết kế và các tiện ích đi kèm.

Ngay với một hệ Linux, khám phá kho phần mềm nguồn mở miễn phí tràn ngập trên Internet cũng là niềm say mê bất tận. Mỗi một mục tiêu ứng dụng đều có vài phần mềm khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, cạnh tranh với nhau, chỉ cần tải về cài, tha hồ mà thử.

Ban đầu thì khó (cũng như khi mới học Windows), khi đã quen rồi thì chỉ là thời gian. Người chơi trung bình cũng học được khá nhiều điều. Ví dụ với máy in, bạn sẽ biết rằng hiện có nhiều protocol in khác nhau, do đó có nhiều dự án viết driver, một số loại máy in phải tải firmware về máy mỗi khi khởi động, v.v... Kiến thức chung sẽ khá hơn là chỉ việc đút cái đĩa driver Windows có sẵn vào cài. Bạn có thể tự mình cài cả một hệ máy chủ phức tạp theo những hướng dẫn từng bước có sẵn trên Internet với rất nhiều những kiến thức liên quan cũng có sẵn trên Internet. Trình độ của bạn sẽ cơ bản, chắc chắn hơn là cài máy móc môt bộ Windows server.

Một điều mọi người hay thắc mắc khi tìm hiểu về phần mềm nguồn mở: "Bọn nó được gì khi mất thời gian, công sức vào những việc không công như vậy?" Nếu là cao thủ thì khỏi phải bàn. Bạn sẽ có một sân chơi quốc tế để thể hiện tài năng khi công việc kiếm cơm mà cơ quan giao cho không cho phép bạn làm điều đó. Đây có lẽ là một trong những lý do tại sao dân lập trình nguồn mở lại lao vào những dự án không công đến như vậy. Lợi ích: một chỗ thể hiện tài năng, một nhóm những người cùng ham mê, một nơi có người chỉ bảo, hướng dẫn, một lớp học không mất tiền. Cao hơn nữa, nếu bạn cho rằng "như thế này không đúng", chẳng có gì ngăn cản bạn, không phải xin phép sếp hay công ty, bạn hãy chứng tỏ "làm như thế này mới hay", dựng riêng một hệ Linux hay phần mềm với đội ngũ "nhân viên" toàn các cao thủ "quốc tế" khác trên nền thành quả của những người khác mà chẳng có ai có quyển kiện tụng đòi ăn chia hoặc hưởng bản quyền. Khi đã thành danh, bạn có thể chìa những kết quả đó ra với công ty cũ hoặc mới để được hưởng những cái xứng đáng hơn.

Mất gì? Mất thời gian, công sức. Những ngày nghỉ, giờ nghỉ, thay vì có "bà già Windows" lo cơm ngon, canh ngọt ở nhà, bạn phải dẫn các em Linux đi chơi, chịu tất cả những cái nhõng nhẽo, thất thường của tuổi mới lớn (khi gõ những dòng này, thỉnh thoảng tôi phải Ctrl+Shift hai lần để gõ tiếp tiếng Việt vì lỗi của x-unikey-1.0.4). Nguy hiểm nữa nếu bạn dẫn em diễu qua mặt sếp, nhất là những sếp đại thụ về tin học. Tuổi già, có vợ có con, nhìn lũ trẻ nhởn nhơ vừa thèm vừa tức, bạn chết là cái chắc trừ khi gặp ông sếp chịu chơi.

Nếu bạn lại muốn vận động dùng Linux ở cơ quan thì bạn đúng là một Đông Ki sốt thời hiện đại. Bill Gate là một giáo chủ đầy quyền năng có hàng trăm triệu tín đồ sùng đạo (và lười thay đổi), là ông trùm ma túy quốc tế đã thành công gây nghiện cho cả thế giới (cai nghiện là điệp vụ bất khả thi, cái đấy ai cũng biết). Dấn thân vô chống lại ổng, sứt đầu mẻ trán là cái chắc. Chỉ cần một trong những tín đồ của ổng, có quyền có chức có quan hệ, bĩu môi một cái là bạn thân bại, danh liệt.

Rất ít người trong đám tín đồ ấy biết rằng chính giáo phái của mình cũng đang nao núng trước sức tấn công đầy ma lực của các nàng Linux trẻ trung và đang có những bước tiến để cải lão hoàn đồng, phẫu thuật thẩm mỹ cho bà lão của mình như một số post trong blog này đã viết.

Tương lai chắc chắn thuộc về bạn!!!

4/11/08

Phần mềm và thiết bị mạng router nguồn mở của Vyatta

Vyatta là hãng chuyên về phần mềm và thiết bị router nguồn mở. Phần mềm router nguồn mở Vyatta có các đặc điểm chính sau:

  1. Tích hợp cả ba chức năng: router (dẫn đường), firewall (tường lửa) và VPN (mạng riêng ảo).

  2. Có tỷ số giá/tốc độ tốt hơn các router 2821 và 7200 của Cisco. (Xem tại đây)

  3. Là một giải pháp dẫn đường nguồn mở tin cậy và an toàn.

  4. Có thể mở rộng mạng mà không cần nâng cấp phần cứng.

  5. Hỗ trợ mạng 10GB/s.

  6. Cân bằng tải cho các kết nối của mạng WAN

  7. Hỗ trợ các chuẩn ảo hóa VRRP, IPSec VPN Clusterring, do đó có tính sẵn sàng cao (high avaibility).

  8. ... (xem thêm tại site của hãng).


Phần mềm router Vyatta có 3 dạng sử dụng: Community Edition (miễn phí), Professional Subscription (747USD/năm) và Enterprise Subscription (997USD/năm), rẻ hơn 75% so với Cisco. Phí tính cho hai dạng sau là phí hỗ trợ và đào tạo. Sau khi tải phần mềm về, cài nó lên một máy tính PC và cấu hình thành router. Tất nhiên là có thể tải mã nguồn về nhào nặn theo ý muốn (nếu đủ khả năng).

Ngoài phần mềm, Vyatta còn bán các router cài sẵn phần mềm (gọi là appliance) của hãng với giá bằng 1/4 của Cisco.

Xem thêm giới thiệu về open source router tại đây (tiếng Việt) và tại đây (tiếng Anh). Ngoài ra còn nhiều nguồn tin khác (hỏi cụ Gúc) trên Internet.

Bản thân Cisco cũng đưa ra một môi trường phát triển dựa trên Linux gọi là Cisco Application eXtensions Platform (AXP) dành cho các công ty khác phát triển các ứng dụng mở rộng cho router.

4/10/08

Giới thiệu chung về phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (ERP) nguồn mở.

Bộ phần mềm Quản lý Doanh nghiệp ERP là gì


Một doanh nghiệp thường bao gồm nhiều bộ phận khác nhau hoạt động cho một mục tiêu chung: chế tạo, bán hàng, marketing, mua sắm vật tư, kế hoạch, quản lý kho, vận chuyển, phân phối, bảo trì,...

Thay cho các phần mềm riêng lẻ của từng bộ phận, bộ phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning - ERP, cũng còn gọi là Enterprise Management System) tích hợp tất cả các hoạt động nghiệp vụ của các bộ phận trên trong một hệ thống phần mềm chung chạy trên mạng. Mỗi bộ phận có mođun phần mềm nghiệp vụ riêng của mình nhưng trao đổi được dữ liệu cho nhau, thực hiện các quy trình nghiệp vụ theo các dòng công việc chung từ bộ phận nọ sang bộ phận kia như một thể thống nhất trên mạng máy tính.

Các chức năng chính của bộ phần mềm ERP:

  • Quản lý Khách hàng và đơn đặt hàng (Customer and Order Management).

  • Quản lý Mua sắm (Purchasing Control).

  • Lập Kế hoạch sản xuất (Production Schedule).

  • Lập và quản lý danh mục thành phẩm, bán thành phẩm (Ingredient List)

  • Quản lý Kho (Inventory Management).

  • Giao tiếp với hệ thống bảo trì, bảo hành (Interface with CMMS system)

  • Báo cáo và Phân tích (Reporting and Analysis)

  • Tích hợp với hệ thống Kế toán (Integration with Accounting System)

  • Quản lý tiền lương (Payroll)

  • Quản lý Nhân sự (Human Resources)


ERP lớn và phức tạp như vậy nên cũng khó đưa vào ứng dụng nhất. Khi ứng dụng, yêu cầu lớn nhất và phức tạp nhất là customize phần mềm theo đặc thù hoạt động của doanh nghiệp. Tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp luôn luôn thay đổi và do đó hệ ERP cũng phải thay đổi theo liên tục. Nếu dùng các hệ ERP lớn, hiện đại và tinh vi như Oracle E-Business Suite hoặc SAP thì việc thay đổi đó phải do các công ty chuyên ngành đảm nhiệm, khách hàng không làm chủ, kiểm soát được phần mềm. Các phần mềm này cũng lớn và đắt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó với tới được.

Vì vậy, trong một bài báo gần đây, tạp chí CIO dành cho các giám đốc thông tin cho rằng trong 3-5 năm tới đây, công nghệ phần mềm ERP nguồn mở sẽ là một trong những công nghệ mới nổi đáng chú ý nhất. Một bài báo khác của tạp chí ComputerWorld cũng cho biết các doanh nghiệp vừa có xu hướng chuyển sang dùng các hệ ERP nguồn mở.

Lý do? Khách hàng có thể làm chủ công nghệ và chủ động tùy biến theo ý mình, phù hợp với các đặc thù của doanh nghiệp và đáp ứng được các thay đổi, phát triển liên tục của doanh nghiệp.

Danh sách các bộ ERP cả nguồn mở và nguồn đóng có thể tham khảo tại đây. Dưới đây, ta xem qua một vài phần mềm nguồn mở ERP (Google search "open source erp") để có khái niệm. Những phần mềm giới thiệu dưới đây chỉ để tham khảo. Người dùng phải tự tìm hiểu, dùng thử, lựa chọn theo danh sách giới thiệu ở trên hoặc search trên Internet.

Openbravo


Openbravo là bộ phần mềm ERP nguồn mở dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có hai phiên bản: bản nguồn mở miễn phí (Community Edition) và bản thương mại (Network Edition, 10.000 ơrô một năm). Bản miễn phí có các công nghệ mới nhất nhưng không tin cậy, ổn định bằng bản thương mại và không có hỗ trợ chính thức của hãng.

Các chức năng chính như sau:



1- Quản lý dữ liệu tập trung (Master Data Management)

Dữ liệu sản phẩm, các bộ phận, danh mục vật tư, khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên, v.v...

Mọi dữ liệu của công ty được quản lý tập trung, đảm bảo không thừa, không thiếu, không trùng lắp và cung cấp cho đúng người, đúng lúc cần thiết.

2- Quản lý mua sắm (Procurement Management)

Đơn giá, đơn hàng, phiếu nhận, hóa đơn, kế hoạch mua sắm và thanh toán, v.v.....

Openbravo xử lý toàn bộ thông tin của quá trình mua sắm một cách tập trung, thống nhất. Mỗi hồ sơ trong quá trình đó chứa các dữ liệu của hồ sơ trước, tránh nhầm lẫn do nhập dữ liệu nhiều lần. Do đó có thể lần theo từng hồ sơ theo thứ tự thời gian của quy trình mua sắm (phiếu đặt mua, phiếu nhận hàng, hóa đơn, thanh toán) và biết được tình trạng hiện tại (chờ giao hàng, đã nhận, đã xuất hóa đơn, v.v...). Bộ phận kế toán sẽ luôn có số liệu cập nhật và tin cậy.

3- Quản lý kho (Warehouse Management)

Các kho và khu vực trong kho, các lô hàng, serial number, nhãn, phiếu nhập và xuất kho, lưu chuyển giữa các kho,....


4- Quản lý dự án và dịch vụ (Project and Service Management)


Các dự án, các giai đoạn của dự án, các công việc, nguồn tài nguyên, ngân sách, chi phí, .....


5- Quản lý sản xuất (Production Management)


Bố trí chung nhà máy, các kế hoạch sản xuất, danh mục vật tư, báo cáo tiến độ, chi phí sản xuất, sự cố, v.v....


6- Quản lý bán hàng và khách hàng (Sales Management and Customer Relationship Management - CRM)


Biểu giá, lãi suất, đơn hàng, khối lượng, chiết khấu, vận chuyển, xuất hóa đơn, hoa hồng, .....


7- Quản lý tài chính (Financial Management)


Các tài khoản, ngân sách, thuế, tài khoản phải thu, phải trả, bảng cân đối, tài sản cố định, .....


8- Quản lý tình hình doanh nghiệp (Business Intelligence)


Các báo cáo chi tiết và tổng hợp, phân tích tình hình chung, các thông tin hỗ trợ quyết định cho lãnh đạo...

Compiere




1- Quản lý tình hình doanh nghiệp (Performance Management & Reporting)

Compiere có 4 dạng báo cáo khác nhau: báo cáo truy vấn, báo cáo tiêu chuẩn (dạng in ấn), báo cáo tài chính và báo cáo tình hình tài khoản. Có thể thiết lập và lấy báo cáo từ nhiều sơ đồ kế toán khác nhau. Có thể thiết lập các giai đoạn báo cáo khác nhau. Các số liệu báo cáo đều dựa trên một kho dữ liệu chung.

2- Quản lý mua sắm (Purchasing)

Các công đoạn của quá trình mua sắm đều được quản lý và tự động hóa ở mức tối đa có thể.

3- Quản lý vật tư (Materials Management)

Quản lý sản phẩm, biểu giá, phiếu nhập kho, xuất kho, vận chuyển, chi phí vật tư cho sản xuất, ....


4- Quản lý sản xuất (Manufacturing)


Lập kế hoạch và theo dõi sản xuất


5- Quản lý đơn hàng (Order Management)


Quản lý các công đoạn lập bảng chào giá, quản lý các đơn đặt hàng, xuất hóa đơn và thu tiền. Môđun này tích hợp chặt chẽ với quản lý vật tư và quản lý khách hàng.


6- Quản lý tài chính (Financial Management)


Chương trình kế toán nội bộ doanh nghiệp

7- Quản lý dự án (Projects)

Quản lý các dự án sản xuất, kinh doanh và các công việc trong doanh nghiệp

Song song và tích hợp với chương trình ERP là chương trình Quản lý Khách hàng (Customer Relationship Management - CRM). Chương trình này có 3 môđun là Quản lý bán hàng (Sales), Quản lý dịch vụ (Service) và Thương mại điện tử (eCommerce).

Compiere gồm 3 phiên bản: Community Edition (miễn phí), Standard Edition (25USD/1user/1năm) và Professional Edition (50USD/1user/1năm).

Sự bất đồng giữa cộng đồng nguồn mở và ban lãnh đạo công ty Compiere dẫn đến hình thành dự án nguồn mở Adempiere năm 2006, một nhánh tách ra từ Compiere. Đây là một dự án bao gồm cả ba hệ phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning), Quản lý Khách hàng (Customer Relationship Management) và Quản lý Hệ thống Cung cấp ( Supply Chain Management). Chi tiết xem thêm tại đây.

Giới thiệu về phần mềm nguồn đóng mySAP xem tại đây.



4/8/08

Các biến môi trường của x-unikey

Để x-unikey hoạt động được, có ba biến môi trường (environment variable) phải có giá trị đúng:

  1. LANG=en_US.UTF-8 (hoặc vi_VN.UTF-8 tùy theo bản x-unikey đã build).

  2. XMODIFIERS=@im=unikey

  3. GTK_IM_MODULE=xim


Kiểm tra các biến này bằng cách gõ lệnh env hoặc các lệnh echo $LANG, echo $XMODIFIERS, echo $GTK_IM_MODULE trong terminal.
Nếu có biến có giá trị không đúng như trên, đặt lại bằng cách thêm các dòng sau:
export LANG=en_US.UTF-8 (hoặc vi_VN.UTF-8 tùy theo bản x-unikey đã build).
export XMODIFIERS=@im=unikey
export GTK_IM_MODULE=xim

vào file /etc/profile (chung cho mọi user) hoặc file /home/<username>/.bash_profile.

Tuy nhiên có điều hơi lạ về cú pháp các lệnh export trên. Có những trường hợp export XMODIFIERS="@im=unikey" hoặc export GTK_IM_MODULE="xim" (vế bên phải đặt trong dấu ngoặc kép) cho kết quả đúng: echo $XMODIFIERS cho kết quả là @im=unikey. Nhưng cũng có trường hợp kết quả lại là "@im=unikey" (vẫn trong dấu ngoặc kép) và khi đó x-unikey không gõ được. Phải bỏ dấu ngoặc kép trong lệnh export thì x-unikey mới chạy. Tóm lại là phải làm sao cho kết quả của các lệnh echo không có dấu ngoặc kép.
Ngoài ra, khi LANG=vi_VN.UTF-8 như một số bản x-unikey build sẵn quy định thì trước đó phải cài gói locales-vi.

Tiếng Việt trong Linux vẫn là điều rắc rối nhất khi cài một bản Linux mới!!!

4/4/08

Máy chủ tý hon trong thế giới Linux

Khi bước chân vào thế giới Linux, ta biết rằng có các hệ Linux Hồi giáo, Linux Thiên chúa giáo, Linux Quỷ Sa tăng, Linux dành cho người lập trình, Linux chuyên về sinh học, v.v...Cũng chẳng có gì cản trở việc sẽ ra đời một bộ Linux Nghệ an với bộ từ điển, giao diện, .... gồm toàn từ đặc trưng của xứ Nghệ. Ta cũng biết rằng đại đa số siêu máy chủ lớn nhất thế giới chạy Linux. Bài này xin giới thiệu một máy chủ tý hon trong thế giới Linux.

Tuần vừa qua, Plat'Home, một công ty Nhật chuyên về dòng máy chủ Linux siêu nhỏ (MicroServer), vừa giới thiệu vào thị trường Mỹ một sản phẩm mới: máy chủ Linux siêu nhỏ OpenBlockS với các đặc điểm chính sau:

  1. Kích thước: 114,5mm x 81mm x 38mm, trọng lượng 255g (nằm gọn trong lòng bàn tay).

  2. Không có quạt làm mát: thiết kế tối ưu để tỏa nhiệt qua vỏ nhôm, có thể làm việc trong môi trường đến 40 độ C.

  3. Không có ổ cứng. Chỉ có bộ nhớ ROM 16MB và khe cắm card Compact Flash. (và cổng cắm ổ cứng IDE ngoài nếu cần)

  4. Do hai đặc điểm trên, máy không có các bộ phận cơ khí chuyển động. Do vậy ít bị hỏng hóc hơn.

  5. Cài sẵn hệ điều hành SSD/Linux trên ROM. Có thể cài các hệ Linux khác như NetBSD và Debian.

  6. Trên hệ SSD/Linux đã cấu hình sẵn các máy chủ sau:



  • DHCP server, DNS server

  • FTP server, HTTP server

  • Mail server, Telnet server

  • Firewall


Máy chủ OpenBlockS đã được sử dụng tại viện Nghiên cứu quốc gia Thực phẩm và Nông nghiệp Nhật. Viện có 100 chi nhánh trong toàn nước Nhật, dùng 90 máy OpenBlockS để theo dõi tình trạng của 400 máy tính của viện trong toàn quốc.

Các hệ điều hành Windows, Linux nhỏ gọn chạy trên điện thoại di động và thiết bị cầm tay là chuyện bình thường. Nhưng máy chủ nhỏ như thế này thì thật là lạ!!!

Chi tiết xem thêm tại đây.

Hình bên ngoàiBên trongj Mặt trước