9/29/09

Chăm sóc ổ cứng trong Linux

1- Xem thông tin ổ cứng:
Dùng quyền root chạy lệnh lshw trong terminal cho thông tin đầy đủ nhất: trong máy có bao nhiêu ổ, thông số từng cái, mỗi ổ có bao nhiêu patition (trong lệnh này, các partition được gọi là volume), ... Tuy nhiên, giao diện dòng lệnh hơi khó xem.
Trong Mandriva Control Center có phần Hardware, nhưng thông tin về ổ cứng không chi tiết đến mức từng partition như lệnh lshw. Phải vào mục Local disk mới có thông tin chi tiết về các partition dưới dạng đồ họa, trực quan.
Trong Ubuntu có thể cài gparted ( chạy từ Administration → Partition Manager) để xem thông tin về các partition.(và làm các việc khác nữa xem phần dưới)

Ký hiệu hay dùng nhất của các partition thường là /dev/sda1, /dev/sda2, …. Nếu có một ổ cứng thứ hai thì các partition trên đó là /dev/sdb1, ….
2- Tạo mới, xóa, sửa dung lượng, di chuyển, format các partition:
Trong Mandriva có sẵn công cụ để làm các việc trên (Mandriva Control Center -> Local disk). Tuy nhiên, công cụ đầy đủ và mạnh nhất để làm các việc trên là gparted (cài được cả trong GNOME và KDE). Có những việc (format, move partition, …) Mandriva Control Center không làm được nhưng gparted làm được. Linux Mint có cài sẵn gparted, Ubuntu hình như là không, phải tự cài.
Trong Linux cũng có các lệnh fdisksfdisk như của DOS nhưng không thật thành thạo thì không nên dùng.
3- Mount và umount các partition:
Mandriva Control Center -> Local disk cho phép xem các partion đã mount vào thư mục nào, thay đổi thư mục mount, mount tạm thời để xem nội dung (không ghi vào file fstab), mount tự động khi khởi động máy tính (ghi thành lệnh vào file /etc/fstab). Tóm lại là đầy đủ cho việc mount, umount các partition.
Ubuntu không có công cụ tương tự. Gparted có thể umount nhưng không mount được. Tuy nhiên có thể cài phần mềm pysdm (có trong kho phần mềm) để quản lý việc mount và umount (ghi được vào file fstab) tuy không trực quan bằng Mandriva. Sau khi cài, phần mềm này xuất hiện trong nhóm menu Administration với tên là Storage Device Manager.
CHÚ Ý: các partition Windows (ntfs, fat?) khi chạy trong Windows không shutdown mềm (mất điện bất thình lình, tắt máy cưỡng bức bằng cách giữ nút Power) sẽ bị đánh dấu là “dirty”, Linux sẽ không mount các partition dirty đó. Vì vậy:

  • Nếu chạy chung Windows và Linux trên một máy, khi thấy hiện tượng Linux không mount được các partition Windows thì phải khởi động lại Windows, rồi shutdown mềm (bằng lệnh shutdown trong menu). Sau đó khởi động vào Linux mới mount được.

  • Nếu dùng ổ cứng ngoài format NTFS nối vào Windows cũng phải shutdown mềm rồi mới tháo ổ. Nếu không, cắm ổ đó sang Linux sẽ không mount được.


4- Kiểm tra và theo dõi sức khỏe ổ bằng SMART.
Công nghệ S.M.A.R.T (Self-Monitoring, Analysis, and Reporting Technology - tự theo dõi, phân tích và báo cáo) là công nghệ theo dõi khoảng vài chục chỉ số để dự đoán trước các hư hỏng vật lý có thể có của ổ cứng. Các ổ cứng hiện nay đều hỗ trợ công nghệ này và để sử dụng trước hết nó phải được kích hoạt từ BIOS Setup.
Phần mềm Linux hỗ trợ công nghệ này là GsmartControl cài từ kho phần mềm hoặc tải về từ đây. Trước đó cần cài các gói phần mềm smartmontools có trong kho phần mềm. Vì smartmontools gửi các cảnh báo đi bằng email nên khi cài, nó yêu cầu cài thêm một số phần mềm gửi email như mailx, postfix (chỉ một cũng đủ không hiểu sao lại yêu cầu cài cả ba).

smartcontrol


GsmartControl cho phép kích hoạt SMART, test ổ cứng theo hai chế độ: Short self-test và Extended self-test, đưa ra báo cáo chi tiết.
Muốn chạy trình thường trú (daemon) để theo dõi ổ xem ở đây.

5- Kiểm tra, sửa lỗi “phần mềm” của ổ cứng.

SMART nói ở trên theo dõi các lỗi vật lý của ổ cứng. Các lỗi thuộc về phần mềm (boot sector, master boot record, bảng partition, …) dùng các công cụ khác để kiểm tra và khắc phục.
Kiểm tra tính tương thích của hệ thống file:
Trong Windows có các lệnh scandiskchkdsk để kiểm tra lỗi không tương thích của hệ thống file trên ổ cứng. Lệnh tương tự trong Linux là fsck (file system check).
fsck được đặt lịch tự động chạy kiểm tra các partition sau 25-30 lần mount (thường là bằng với số lần khởi động máy tính). Vì vậy thỉnh thoảng ta thấy Linux khởi động lâu hơn thường lệ là do fsck đang làm việc.
Khi Linux khởi động, nếu nó nghi ngờ partition nào có vấn đề, fsck cũng được tự động chạy để kiểm tra.
Người dùng có thể chạy fsck để kiểm tra như sau:

  • Khởi động máy tính bằng một đĩa cài Linux có chế độ Live CD (bản Linux nào cũng được, không nhất thiết phải cùng với bản đang cài trên ổ cứng).

  • Trong chế độ chạy Linux Live CD, mở terminal rồi chạy lệnh
    fsck -y -p -c /dev/sda3
    trong đó /dev/sda3 là partition cần kiểm tra (hoặc sda2, sda5, … tùy theo tình hình cụ thể của ổ cứng), -y là đồng ý với mọi câu hỏi mà lệnh có thể hỏi, -p: tự động sửa lỗi, -c: kiểm tra và đánh dấu các bad blocks. Còn nhiều option khác, gõ lệnh man fsck để xem.


Cập nhật: cũng có thể kiểm tra bằng trình gparted. Mở gparted, nhấn phím phải chuột vào partition cần kiểm tra (nếu partition đang mount thì umount trước) rồi chọn Check. Nếu cần kiểm tra partition cài Linux (đã mount vào /) thì boot máy bằng đĩa Linux có gparted, chạy gparted rồi kiểm tra.

Chú ý: không được kiểm tra các partition đang mount, hỏng dữ liệu.

Kiểm tra, sửa chữa các thứ khác:

  • Chữa bảng partitions bị hỏng, khôi phục các partitions bị mất.

  • Khôi phục lại boot sector của FAT32/NTFS từ bản backup.

  • Tạo lại (rebuild) boot sector FAT12/FAT16/FAT32/NTFS.

  • Chữa bảng FAT bị hỏng.

  • Chữa Master File Table (MFT) từ bản mirror.

  • Tìm các SuperBlock backup của ext2/ext3.

  • Khôi phục các file bị xoá ở các partitions FAT, NTFS và ext2.

  • Copy file từ các partitions FAT, NTFS, ext2/ext3 đã bị xoá.


dùng công cụ teskdisk như đã giới thiệu ở đây.

Undelete file đã xóa trong ext3

Có người thì khẳng định là hệ thống file ext3 không undelete được, người thì lại nói được.

Có một dự án đang xây dựng một công cụ undelete cho hệ thống file ext3 là ext3grep nhưng cách làm khá phức tạp, xem chi tiết tại đây.

Một công cụ khác (R-Linux) để undelete các file ext2/ext3/ext4 nhưng chạy trên Windows xem tại đây.  là một phần mềm khác chạy trên Windows cũng khôi phục được các file ext2/ext3/ext4 bị xóa.

Các công cụ này tôi cũng chưa dùng bao giờ.

Khôi phục boot menu bị mất (ví dụ sau khi cài lại Windows) theo cách đã nêu ở đây.

9/28/09

Tự động đổi ảnh nền màn hình trong GNOME

Trong KDE đã có sẵn các chế độ ảnh nền màn hình (wallpaper): a/ Ảnh tĩnh (chỉ chọn một ảnh cố định), b/Ảnh động dưới dạng slideshow (tự động thay ảnh trong các thư mục chọn trước sau một khoảng thời gian nào đó). Nhấn phím phải chuột vào desktop, chọn Desktop Settings để đặt các chế độ trên. KDE 4.2 trở xuống có thời gian tối thiểu thay ảnh là 1 phút, KDE 4.3 cho phép chọn nhỏ hơn đến mức giây.

Trong GNOME, mặc định chỉ có chế độ ảnh tĩnh: nhấn phím phải chuột vào desktop, chọn Change Desktop Background rồi chọn ảnh. Tuy nhiên có thể cài thêm một trong hai phần mềm sau (có sẵn trong kho phần mềm) để chạy ảnh theo chế độ slideshow:

  • Drapes: sau khi cài, chạy từ dòng lệnh hoặc menu, một icon hình màn hình sẽ xuất hiện trên System Tray của panel. Nhấn phim phải chuột vào đó, rồi nhấn Preferences để đặt các settings: cho tự khởi động cùng máy tính, chọn khoảng thời gian thay ảnh (min là 5 phút), chọn thư mục có ảnh. Nhược điểm là thông số min=5 phút nói trên, hơi lâu. Nếu muốn chủ động đổi ảnh thì nhấn chuột vào biểu tượng nói trên.

  • Wallpaper-tray: sau khi cài, nhấn phím phải chuột vào panel, chọn add to panel rồi tìm wallpaper tray trong danh sách để add, biểu tượng sẽ xuất hiện trên panel. Công cụ này cho phép add các folder chứa ảnh nền tiện hơn cái trên và thời gian chuyển ảnh ngắn hơn (min=1phút, thậm chí có thể đặt min=0,5 phút chẳng hạn). Nhược điểm là sau khi đặt các settings rồi, nhiều khi không thể gọi lại màn hình để sửa và cũng không biết file cấu hình nằm đâu. Tôi chót đặt min=0,1 phút, ảnh thay rất nhanh nhưng tốn CPU mà không tim được cách nào để chỉnh lại.

9/22/09

Mã độc nguồn mở!

Why malware writers are turning to open source



Nick Heath - 2009/09/21 11:19:02

Những kẻ viết mã độc (malware) đang nguồn mở hóa sản phẩm của mình để cải tiến nó tốt hơn.

Bằng cách cho người khác truy cập tự do vào mã nguồn của các loại mã độc (malware) chuyên ăn trộm thông tin cá nhân và thông tin tài chính, các tác giả của những mã độc đó hy vọng sẽ mở rộng được tính năng của nó so với các loại trojan thông thường.

Theo Candid Wuest, nhà nghiên cứu của Symantec, khoảng 10% thị trường trojan hiện nay được nguồn mở hóa. Việc chuyển sang mô hình nguồn mở cho phép các kẻ tội phạm bổ xung được tính năng cho các mã độc của chúng.

"Ưu điểm là có nhiều người tham gia vào phát triển một mã độc hơn là chỉ có tác giả, nếu người đó chuyên về mã hóa, họ sẽ bổ xung tính năng mã hóa (để tránh bị các chương trình diệt virus phát hiện), kẻ chuyên về video streaming có thể bổ xung tính năng streaming từ xa," Wuest nói.

Việc nguồn mở hóa các trojan bắt đầu từ năm 1999 khi nhóm Dead Cow công bố mã nguồn của trojan Back Orifice. Gần đây, những tác giả của Limbo Trojan cũng công bố mã nguồn để đẩy nhanh việc sử dụng nó bởi những kẻ lừa đảo trên mạng.

Sau khi ra đời năm 2007, Limbo Trojan trở thành trojan được sử dụng rộng rãi nhất thế giới nhưng tới năm 2008 thì mất ngôi vị đó sau khi Zeus Trojan tinh vi hơn xuất hiện. Trở thành trojan thống trị trên thị trường đem lại cho tác giả của chúng rất nhiều tiền: các máy bị nhiễm và các thông tin cá nhân, tài chính mà trojan đánh cắp được trị giá hàng triệu đô la trên thị trường đen. Limbo Trojan trước đây được bán cho những kẻ lừa đảo trên mạng với giá 350USD, trong khi Zeus Trojan hiện nay có giá từ 1000 đến 3000USD.

Tuy nhiên người đứng đầu bộ phận công nghệ mới của hãng an ninh mạng RSA là Uri Rivner cho biết việc nguồn mở hóa không cứu vãn được vị trí suy đồi của Limbo Trojan.

"Chúng chuyển sang mô hình kinh doanh hệt như các dự án phần mềm nguồn mở khác: cho không phiên bản cơ bản, bán phiên bản tiên tiến hơn hoặc dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp hoặc dịch vụ cá biệt hóa theo yêu cầu khách hàng. Lúc mới nguồn mở hóa thì đó là tin nóng, nhưng từ đó "khách hàng" ngừng mua nó. Nó không còn là trojan tốt nhất nữa, nhưng vì nó là phần mềm nguồn mở nên những kẻ tội phạm trên mạng có thể thử dùng nó như công cụ đầu tay"

Tính phổ biến của Limbo tiếp tục giảm mặc dù có nhiều tính năng mới được bổ xung cho phép kẻ tội phạm có thể thêm các trường phụ vào mã PIN để đánh lừa các website của ngân hàng, thu thập danh sách các phím đã gõ và các file đã lưu trên máy tính bị nhiễm trojan.

Và trong khi việc nguồn mở hóa không mang lại may mắn cho Limbo, nó còn tạo ra thêm vấn đề cho những kẻ lừa đảo trên mạng: các công ty an ninh mạng cũng có mã nguồn của nó.

Đại đa số trojan lây nhiễm bằng con đường download: nó tự động được tải về máy khi bạn mở một website đã nhiễm độc, hoặc một thông báo của một mạng xã hội thúc dục mọi người tải về một bản cập nhật an ninh nhưng thực ra đó là một trojan.
Các phương pháp lây nhiễm đó tỏ ra hiệu quả hơn các kỹ thuật trước đây như gửi một email có link đến file đã nhiễm hoặc có file đính kèm chứa trojan.
Các nhà phân tích của RSA nói phương pháp mới đã tăng số lần lây nhiễm theo cấp số nhân: tháng 8/2008 hãng chỉ phát hiện được 613 lần lây nhiễm, tháng 8/2009 là 19.102

9/21/09

Thiết kế kiến trúc hệ thống mở

Đọc hai bài báo gần đây (bài 1bài 2) cũng thấy mừng cho ngành Công nghệ Thông tin nước nhà bắt đầu đi vào nề nếp. Đây cũng là vấn đề tôi ấp ủ nhưng chưa làm được, xả ra trên blog vậy.

Cách đây khoảng 3 năm, đặt vấn đề với FIS về “Thiết kế kiến trúc hệ thống” theo một framework có sẵn còn thấy ngơ ngác, đưa cho cái link TOGAF thì tấm tắc khen hay. Vậy mà bây giờ đã có người đỗ chứng chỉ! Tuy nhiên đây là một công việc khá khó, khối lượng lớn, một người e rằng quá ít.

Ngay cả việc bộ Ngoại giao giao cho Microsoft thiết kế kiến trúc chuẩn cũng là việc đáng bàn. Nhưng cái đó để sau.

Vậy thì “Kiến trúc hệ thống” tạm dịch từ “Enterprise Architecture” là cái gì?

Khi xây một cái nhà, bước đầu tiên là thiết kế kiến trúc (nếu cả một khu nhà lớn thì trước đó còn có cả quy hoạch nữa). Thiết kế kiến trúc xong mới đến thiết kế xây dựng, thiết kế thi công và thiết kế hoàn công nữa.

Xây một hệ thống thông tin lớn cũng vậy. Kiến trúc của một tổ chức được định nghĩa theo ISO/IEC 42010:2007 là:

“Tổ chức cơ bản của một hệ thống thể hiện trong các bộ phận cấu thành, quan hệ giữa các bộ phận với nhau và với môi trường ngoài và trong các nguyên tắc chỉ đạo việc thiết kế và phát triển các bộ phận đó”


"The fundamental organization of a system, embodied in its components, their relationships to each other and the environment, and the principles governing its design and evolution."


Kiến trúc hệ thống đại thể có các hạng mục lớn sau:


  1. Kiến trúc nghiệp vụ (Business Architecture): xác định chiến lược hoạt động của tổ chức, cách quản lý, hệ thống tổ chức và các hoạt động nghiệp vụ chính.

  2. Kiến trúc ứng dụng (Application Architecture): là bản thiết kế (đến mức nào?) các ứng dụng, tương tác giữa chúng với nhau và quan hệ của chúng với các hoạt động nghiệp vụ chính của tổ chức.

  3. Kiến trúc dữ liệu (Data Architecture): mô tả cấu trúc các kho dữ liệu logic và vật lý của tổ chức và các tài nguyên dùng quản lý dữ liệu.

  4. Kiến trúc công nghệ (Technology Architecture): mô tả hạ tầng phần mềm để khai triển các ứng dụng quan trọng, cốt lõi của hệ thống.



Mục 1 là trách nhiệm các nhà lãnh đạo, mục 2 và 3 có khi được gọi chung là Kiến trúc hệ thống thông tin (Information System Architecture).

Khối lượng công việc thiết kế như trên rất lớn và rất phức tạp. Vì vậy cần phải có một quy trình thiết kế tiêu chuẩn và vô số công cụ hỗ trợ gọi chung là Phương pháp kiến trúc (Achitecture Framework).

Phương pháp kiến trúc là một công cụ dùng để phát triển các kiến trúc bao gồm:


  • một phương pháp thiết kế hệ thống thông tin gồm nhiều bộ phận có tương tác với nhau

  • một bộ các công cụ thiết kế và một từ điển thuật ngữ thống nhất.

  • một danh sách các tiêu chuẩn nên dùng

  • một danh sách các sản phẩm thoả mãn chuẩn có thể dùng để xây dựng nên các bộ phận của hệ thống thông tin.



Nói nôm na nó là bản hướng dẫn từng bước thiết kế kiến trúc như thế nào.

Cái framework này rất quan trọng để có được một thiết kế đúng, hợp lý, thống nhất chung cho toàn hệ thống. Vì vậy chính phủ một số nước cũng như các bộ quốc phòng Anh, Mỹ và thậm chí NATO đều ban hành framework chuẩn cho hệ thống của mình (xem thêm). Các công ty và các loại tổ chức khác thì có thể chọn một trong các frameworks phổ biến để áp dụng.

TOGAF (The Open Group Architecture Framework) là một framework do tổ chức Open Group xây dựng. Open Group là một consortium độc lập với công nghệ và nhà cung cấp có mục tiêu hỗ trợ truy cập thông tin tích hợp bên trong và giữa các tổ chức dựa trên các chuẩn mở và tính tương tác toàn cầu (The Open Group is a vendor- and technology-neutral consortium, whose vision of Boundaryless Information Flow™ will enable access to integrated information within and between enterprises based on open standards and global interoperability.) Thành viên của Open Group có các đại công ty như HP, IBM, HSBC, các trường, viện, và các tổ chức, cá nhân khác.

Phiên bản 1 của TOGAF ra đời năm 1995 trên cơ sở framework TAFIM của bộ quốc phòng Mỹ. Phiên bản 9 là mới nhất hiện nay. Tài liệu được công bố công khai trên mạng và có thể tải về dùng nội bộ miễn phí (dùng thương mại, thiết kế kiếm tiền thì phải trả tiền).

Mỗi bản TOGAF là một tài liệu dài cỡ 300 trang mô tả rất chi tiết các khái niệm, các bước thiết kế cụ thể, các tiêu chuẩn, form mẫu, các công cụ hỗ trợ. Xem thoáng qua thì rất hay và rất thích nhưng hiểu được thì … chết liền, mất khá nhiều thời gian và nơ ron thần kinh mà cũng chưa chắc đã hiểu, chưa nói đến ứng dụng!

Điểm hay của TOGAF là nó vô tư (độc lập với công nghệ và nhà cung cấp, dựa trên các chuẩn mở), tài liệu rất chi tiết, có diễn đàn hỗ trợ, nói tóm lại là nó mở. Ai đã từng làm thiết kế đều biết cửa ăn hoa hồng dễ nhất là trói thiết kế vào sản phẩm.

Bởi vậy, tôi mới thấy băn khoăn về cái thiết kế của bộ Ngoại giao. Có nên tin vào tính vô tư của Microsoft hay không?

9/17/09

Hãng phim DreamWorks dùng đám mây điện toán của Red Hat để giảm chi phí làm phim.

DreamWorks uses Red Hat cloud to cut filmmaking costs


spacer.gif By Pam Derringer, News Contributor
10 Sep 2009 | SearchEnterpriseLinux.com spacer.gif

zxc232 lược dịch



(Làm phim hoạt hình tốn công suất máy tính dễ sợ. Xem thêm về Hollywood dùng Linux tại đây)

Công ty phần mềm nguồn mở Red Hat đang thảo luận với hãng phim DreamWorks về việc dùng đám mây điện toán chạy trên Red Hat Linux để sản xuất bộ phim hoạt hình nổi, ba chiều đầu tiên trên thế giới trong năm nay.

Đám mây điện toán của Red Hat cùng với các phần mềm dựng phim mới nhất sẽ giúp dựng bộ phim hoạt hình “Cuộc chiến giữa các con quỷ và người ngoài hành tinh” có những cảnh hoàng tráng như cảnh sụp đổ của cầu treo Cổng Vàng tại San Francisco.

Các hiệu ứng đặc biệt sẽ làm cho dự án phim này tốn đến 40 triệu giờ công, chi phí gấp 8 lần bộ phim Shrek nổi tiếng và hoàn thành trong 2 năm.

Linh hoạt hơn.

Điện toán đám mây là yếu tố then chốt để làm phim nhanh hơn và hiệu quả hơn, cho phép DreamWorks có được năng lực máy tính phù hợp lúc ổn định cũng như lúc cao điểm, giảm yêu cầu nhân vi xử lý (core) từ 21.000 xuống 16.000. Điện toán đám mây cung cấp dịch vụ linh hoạt hơn các dàn máy chủ, cho phép chia nhỏ các đoạn phim gửi đồng thời cho 40 nhân xử lý, tự động hóa được một số công việc trước đây phải làm thủ công, giảm thời gian quay vòng từ 4 giờ xuống còn vài phút.

Ứng dụng ảo hóa trong đám mây điện toán cũng cho phép DreamWorks xử lý tách biệt các công việc, đo lường được mức độ sử dụng tài nguyên tính toán và kiểm tra được trạng thái từng việc, do đó giảm thời gian dựng phim.

Cơ sở máy tính của DreamWorks là một mạng lưới máy chủ xây dựng đã 10 năm gồm hơn 20.000 nhân vi xử lý phân bổ trong 4 trung tâm dữ liệu nối với nhau bằng hơn 20.000 km cáp đôi gigabit (trừ trung tâm đặt tại Bangalor, Ấn độ). Mặc dù vậy, DreamWorks luôn phải đối mặt với những “thách thức khó chịu” về thiếu băng thông và mật độ I/O cao khi chuyển dữ liệu vào ra mạng lưới điện toán của họ.

Red Hat đã giải quyết được các khó khăn đó bằng việc ảo hóa nhân hệ điều hành, quản lý ảo hóa, phối hợp các ứng dụng và tạo các lớp đám mây trừu tượng (kernel virtualization, virtualization management, the application orchestration and cloud abstraction layers).

9/15/09

Mô hình nguồn mở trong một số lĩnh vực ngoài phần mềm.

Gần đây có một số bài báo về hai sản phẩm mới: Thiết kế xe ôtô cho tương laiHệ điều hành nguồn mở cho máy ảnh. Nhưng ý tưởng chính đằng sau các sản phẩm đó chưa được rõ ràng.

Phong trào Phần mềm nguồn mở không chỉ liên quan đến phần mềm máy tính. Nó tạo nên một mô hình (hoặc triết lý, tư tưởng, nguyên tắc, phương pháp luận, …) nguồn mở chi phối ở các mức độ khác nhau toàn bộ quá trình thiết kế, xây dựng, phân phối một sản phẩm. Về đại thể, một sản phẩm nguồn mở là do một cộng đồng tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng (một phần hay toàn bộ) và cho phép người khác tự do sử dụng phần đóng góp của mình.

Hiện tại, những sản phẩm nguồn mở thường là sản phẩm chất xám (phần mềm, thông tin, ….) hoặc là phần chất xám trong sản phẩm đó (ý tưởng, thiết kế, phần mềm điều khiển, …).

Sản phẩm nguồn mở có thể là (một số ví dụ và còn nữa):

  • Truyền thông nguồn mở: điển hình là phong trào viết blog hiện nay. Ngoài ra còn có các diễn đàn (forum), các bảng tin (messageboard). Tất cả thông tin của blog, diễn đàn, bảng tin đều do cộng đồng tự nguyện đóng góp và chia sẻ cho mọi người cùng sử dụng.

  • Tình báo nguồn mở (Open source intelligence): phương pháp tìm kiếm, chọn lọc, phân tích các nguồn tin công khai để tạo nên các nguồn tin tình báo có giá trị. Đây là một ngành tình báo quan trọng, có tổ chức chặt chẽ (xem thêm).

  • Chính trị nguồn mở (Open Politics): phương pháp tiến hành các hoạt động chính trị sử dụng các phương tiện Internet như blog, email, poll (thăm dò ý kiến) để tăng cường giao lưu giữa các tổ chức chính trị và đội ngũ quần chúng ủng hộ. Tổng thống Mỹ Obama đã sử dụng xuất sắc phương pháp này trong kỳ bầu cử vừa qua. Một biến thể khác là dùng các phương tiện trên để quần chúng tham gia rộng rãi vào quá trình xây dựng một chính sách.

  • Giáo dục nguồn mở: bộ giáo trình mở (OpenCourseWare) đồ sộ của học viện công nghệ Massachusetts đưa công khai, miễn phí lên mạng Internet và từ điển bách khoa Wikipedia là các ví dụ.

  • Văn hóa nguồn mở: ví dụ điển hình nhất là các bản dịch truyện của cộng đồng mạng Việt nam gần đây (Harry Porter, Tru tiên, ….) hoặc các website thư viện do cộng đồng người đọc bỏ công gõ truyện đóng góp (Vietnam Thư quán, Nhạn môn quan, …).

  • Sản phẩm nguồn mở: trong một post trước đã giới thiệu notebook nguồn mở: thiết kế của laptop OpenBook được công khai để mọi người tham gia góp ý, sửa và sử dụng. Hãng chế tạo điện thoại smartphone Openmoko còn nguồn mở hóa cả thiết kế phần cứng lẫn phần mềm điện thoại của hãng. Và cả hai sản phẩm oto, máy ảnh đã nêu ở phần đầu bài này.

  • Y học nguồn mở: xem ví dụ

  • Còn nữa … (hỏi cụ Gúc).


Dự án xe ôtô tương lai:

Dự án C,mm,n (phát âm là 'common') là một dự án nguồn mở xây dựng một giải pháp tổng thể về phương tiện di chuyển cá nhân bền vững (sustainable personal mobility) cho tương lai. Về cơ bản nó là một kiểu xe chạy điện nhưng không phải chỉ có thiết kế xe mà cả hệ thống trạm nạp, điều khiển, tín hiệu, ...Ai cũng có thể tham gia dự án này, đóng góp các ý tưởng, phương án, thiết kế; sửa đổi, bổ xung những kết quả đã có hoặc tối thiểu là nhận xét, góp ý và sử dụng miễn phí các kết quả của dự án đúng như một dự án phần mềm nguồn mở. Các công trình đóng góp vào dự án cũng được cấp phép sử dụng theo một giấy phép nguồn mở.

Hiện dự án đã đạt tới phiên bản C,mm,n car 2.0. Nội dung cụ thể xem tại đây.

Máy ảnh Frankencamera

Máy ảnh Frankencamera là một trong hai dự án con của dự án Camera, một dự án chung của trường đại học Stanford và các công ty Nokia, Adobe Systems, Kodak, Hewlett-Packard, Walt Disney.

Dự án Camera là một dự án về công nghệ chụp ảnh bằng máy tính (computational photography), tức là chụp ảnh, quay video bằng máy ảnh có máy tính bên trong (có thể tạm gọi là máy tính chụp ảnh). Công nghệ ảnh máy tính dùng các phần mềm bên trong máy ảnh điều khiển quá trình chụp, nhằm tăng cường và mở rộng khả năng của công nghệ ảnh số hóa (digital photography). Máy ảnh loại computational photography chụp ra được những bức ảnh mà máy ảnh số bình thường (digital camera) không thể chụp được.

frankencamera 2 0 2 sshbal



Phần cứng của máy ảnh Frankencamera lắp tạp nham từ linh kiện của nhiều loại máy ảnh khác nhau: bo mạch chính của Texas Instruments có các bộ xử lý chung và xử lý ảnh, một màn hình LCD nhỏ, chạy hệ điều hành Linux; chip chụp ảnh lấy của điện thoại Nokia N95, ống kính thì của Canon,... tất cả đều có thể điều khiển bằng phần mềm được.

Mục tiêu của dự án là xây dựng một nền tảng phần mềm (platform) nguồn mở cho việc chụp ảnh và quay video. Vì là nguồn mở nên ai cũng có thể lập trình các tính năng mình thích dưới dạng phần mềm bổ xung (add-ons), tải vào máy cho chạy để chụp ra những bức ảnh mong muốn. Người dùng bình thường cũng có thể kết nối máy ảnh kiểu này vào Internet, chọn phần mềm bổ xung cần thiết tải về máy rồi chụp.

Những ai đã dùng trình duyệt nguồn mở Firefox đều rất quen thuộc với kho tính năng bổ xung add-ons và extensions kiểu này. Có điều đây là máy ảnh.

Nếu không dùng Photoshop, sẽ phải bố trí sân khấu, dàn đèn, máy ảnh, … rất đắt tiền và công phu để đạt được những hiệu ứng tương tự. Tương tự, máy tính chụp ảnh hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong nghệ thuật nhiếp ảnh vì:

  • Chỉ dùng những máy ảnh rẻ tiền chụp được các bức ảnh cao cấp, thậm chí có những tính năng mà máy ảnh thường không thể đạt được.

  • Cho phép người chụp tự trang bị tính năng cần thiết cho máy ảnh bằng các phần mềm tải về từ Internet.


Và cuộc cách mạng đó là dựa trên mô hình nguồn mở!

9/12/09

Microsoft ủng hộ phong trào phần mềm nguồn mở bằng ....tiền!

Năm 2001, trả lời phỏng vấn báo Chicago Sun-Times, Tổng giám đốc Steve Balmer của Microsoft còn gọi Linux là một căn bệnh ung thư. Từ đó đến nay, đã có những bước thay đổi lớn như đã nêu trong bài Microsoft đang chuyển sang phần mềm nguồn mở!!! và bài Microsoft mở cửa cho cộng đồng nguồn mở.

Trong các bài viết đó, tôi đã nhận xét :
"Nếu nhìn lại lịch sử thì Microsoft luôn là người đi sau. Họ không phải là người viết ra DOS, giao diện đô họa kiểu Windows là sáng kiến của Apple, phần mềm soạn văn bản WordPerfect và bảng tính Lotus 1-2-3 ra đời trước Word, Excel, trình duyệt web đầu tiên là Netscape, hệ điều hành mạng Novell Netware có trước WinNT, v.v…. Nhưng Microsoft lại có khả năng bắt chước và kiếm tiền cực giỏi trên những cái mà những người khai sáng thất bại về mặt kinh doanh."

"Như vậy, với khả năng kinh doanh siêu đẳng, Microsoft chấp nhận Linux ở những nơi không cưỡng lại được (thị trường máy chủ) và đang đi bán Linux Server; tận dụng phong trào nguồn mở: cung cấp tài liệu để cải tiến phần mềm nguồn mở và hỗ trợ cộng đồng nguồn mở để …. sử dụng công nghệ Microsoft và chạy được trên Windows. Tóm lại, mèo trắng, mèo đen gì cũng được miễn là bắt được chuột trong ngôi nhà ở Redmond."

Trong một báo cáo gần đây gửi Ủy ban Chứng khoán châu Âu, Microsoft đã chính thức liệt kê Red Hat và Ubuntu như các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực máy tính để bàn.

Ngày 10/9/2009, Microsoft tuyên bố thành lập quỹ CodePlex (CodePlex Foundation - codeplex.org). với các thông tin ban đầu như sau:

Quỹ CodePlex là một quỹ phi lợi nhuận thành lập với nhiệm vụ hỗ trợ việc trao đổi mã nguồn và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các công ty phần mềm và cộng đồng phần mềm nguồn mở (The CodePlex Foundation, a non-profit foundation formed with the mission of enabling the exchange of code and understanding among software companies and open source communities).

Quỹ CodePlex được tạo nên như một diễn đàn trong đó cộng đồng nguồn mở và cộng đồng các nhà lập trình (nguồn đóng) có thể đi cùng với nhau nhằm mục tiêu chung tăng cường sự tham gia vào các dự án nguồn mở. Quỹ CodePlex sẽ bổ xung vào hàng ngũ các quỹ và tổ chức phần mềm nguồn mở hiện có (ví dụ Mozilla Foundation, Gnome Foundation - zxc232) tạo nên một diễn đàn trong đó một nhóm rộng rãi các thành viên gồm các công ty phần mềm và cộng đồng nguồn mở có thể thiết lập các thực tiễn tốt nhất và các hiểu biết được chia sẻ. Phần vốn ban đầu của quỹ sẽ do công ty Microsoft tài trợ. (the CodePlex Foundation was created as a forum in which open source communities and the software development community can come together with the shared goal of increasing participation in open source community projects. The CodePlex Foundation will complement existing open source foundations and organizations, providing a forum in which best practices and shared understanding can be established by a broad group of participants, both software companies and open source communities. Initial funding for the Foundation comes from Microsoft Corporation.)

Thông báo trên cũng khằng định Microsoft không phải nhà tài trợ độc quyền cho quỹ. Mọi cá nhân, tổ chức khác có thể tham gia quỹ này dưới các hình thức: nhà tài trợ (sponsors), đóng góp dự án, tham gia hội đồng cố vấn. Trong những tháng tiếp theo, sẽ hoàn thiện cơ cấu tổ chức và xem xét các dự án phần mềm nguồn mở được tài trợ.

Cũng cần phân biệt quỹ CodePlex (codeplex.org) và site CodePlex.com. CodePlex.com (cũng của Microsoft) hình thành năm 2006 là site lưu trữ các dự án nguồn mở (tương tự như SourceForge.net) và hiện đã có hơn 10.000 dự án (tất nhiên là đều chạy trên nền Windows).

Một điểm khác biệt nữa giữa quỹ CodePlex và các quỹ nguồn mở hiện có như Mozilla Foundation, Gnome Foudation, ... là các quỹ nguồn mở tập trung vào một sản phẩm cụ thể, một lĩnh vực hẹp. CodePlex có tham vọng bao trùm một phạm vi dự án rộng hơn, không cạnh tranh với các quỹ hiện có và luôn lưu ý đến các giấy phép sử dụng và nhu cầu bảo vệ tài sản tri thức của các công ty phần mềm thương mại (with the licensing and intellectual property needs of commercial software companies in mind).

Có thể hình dung quá trình hoạt động tiếp theo của quỹ như sau: dù có ai tham gia thêm đi nữa, Microsoft với tiềm lực tài chính khổng lồ vẫn sẽ là nhà tài trợ hàng đầu và nắm quyền chi phối quỹ. Vì vậy các dự án nguồn mở được quỹ tài trợ sẽ là các dự án chạy trên nền Windows hoặc bổ xung tính năng cho các sản phẩm Windows. Để làm được như vậy, nếu cần thiết, Microsoft sẽ nguồn mở hóa một số tài liệu kỹ thuật cần thiết như gần đây họ đã làm với dự án Samba.

Như vậy về bản chất, CodePlex là một công cụ kinh doanh mới của Microsoft khai thác mô hình phát triển phần mềm nguồn mở. Bỏ ra một số tiền nhỏ để tài trợ cho các dự án, huy động được một đội ngũ lập trình lớn để phát triển các phần mềm cho Windows với chi phí chắc chắn là thấp hơn thuê lập trình viên chính thức trong biên chế và đông đảo hơn số lượng lập trình viên chính thức hiện có. Các dự án phần mềm nguồn mở của quỹ này sẽ góp phần củng cố nền tảng Windows mạnh hơn.

Nếu khôn ngoan hơn thì đại đa số dự án chạy trên Windows hoặc dùng công nghệ của Microsoft. Nhưng cũng có một vài dự án cross-platform hoặc thậm chí chạy trên Linux!

Quỹ này không vô tư như các quỹ phần mềm nguồn mở và là một bằng chứng cho khả năng kinh doanh siêu việt của Microsoft như đã nói ở trên. Nhận thấy mô hình phát triển phần mềm nguồn mở có lợi là sử dụng luôn!

Ta hãy chờ xem những dự báo trên có đúng không?

9/11/09

Yahoo Messenger for Linux và các kiểu chat khác (udapted 12/9/09)

Yahoo Messenger có khá đông người dùng và phổ biến ở Việt nam. Khởi đầu chỉ có text chat, nay Yahoo Messenger đã có cả video\voice chat, tương tự như Skype.
Trên Linux có bản Yahoo Messenger for Linux 1.0.4 từ năm 2005 khá cũ và hình như đã ngừng phát triển. Tuy nhiên để dùng Yahoo Messenger trên Linux có nhiều cách.
Gyachi
Gyachi là bản Yahoo Messenger for Linux do cộng đồng nguồn mở phát triển. Nhánh hiện nay phát triển nhất của Gyachi là GYachE Improved (tên gói phần mềm vẫn là gyachi), phiên bản mới nhất là 1.2.2 ra ngày 22/7/2009.
Trong kho phần mềm của Linux Mint, phiên bản mới nhất là gyachi 1.2.1.. Trong kho của Ubuntu 9.04 không có phần mềm này. Bản cài đặt gyachi 1.2.2 tải về tại đây (cũng dùng cho Linux Mint). Mandriva có bản cũ hơn là 1.1.59.
Sau khi cài, tên phần mềm GYachE Improved xuất hiện trong menu ở mục Internet. Màn hình như sau:


GyachiTính năng khá đầy đủ, Options phong phú như trong hình. Hỗ trợ cả video/voice chat. Nhược điểm là giao diện không đẹp.

Kopete và Pidgin
Kopete và Pidgin là hai phần mềm instant messenger phổ biến trên Linux. Kopete viết cho KDE, Pidgin cho GNOME nhưng cài sang môi trường khác vẫn dùng được. Ngoài Yahoo Messenger, hai phần mềm này còn dùng chat được trên khoảng một tá dịch vụ khác (MSN, Google Talk, ICQ, IRC, v.v...).
Pidgin hiện tại chỉ hỗ trợ text chat, không có video/voice chat.
Kopete có video/voice chat, màn hình đẹp nhưng hiện tại bản Kopete 0.70.90 for KDE 4.3.1 cũng gặp lỗi không nhận biết được các nick Yahoo khác đang online, do đó không chat được. Theo các thông tin trên mạng, gần đây Yahoo có thay đổi gì đó trong protocol đăng nhập mà Kopete chưa kịp sửa.

CẬP NHẬT (12/9/09): Sửa lỗi nói trên của Kopete: máy chủ mặc định scs.msg.yahoo.com có lỗi kết nối. Sửa như sau: vào Settings > Configure > Accounts , nhấn chọn account Yahoo rồi nhấn nút Modify. Trong màn hình con, chọn tab Account Preferences, đánh dấu chọn mục Override default server information rồi khai lại địa chỉ máy chủ là một trong ba địa chỉ sau:

(1) cs101.msg.mud.yahoo.com
(2) cs102.msg.mud.yahoo.com
(3) cn.scs.msg.yahoo.com

Tôi dùng địa chỉ thứ ba thì kết nối tốt, các Friends đều nhận được.

9/9/09

Skype for Linux (cập nhật 29/9/09)

Skype là dịch vụ điện thoại Internet miễn phí phổ biến nhất hiện nay. Thường xuyên trên mạng này có khoảng 10 triệu người online
Skype có bản cài cho Linux, tải về tại đây. (cho Debian, Ubuntu, Fedora và OpenSUSE). Riêng bản cài cho Mandriva tải về tại đây hoặc tại đây, bản này được convert từ bản dành cho Ubuntu 8.10 và cài tốt trên Mandriva 2009. Theo kinh nghiệm của tôi, các phần mềm nhỏ dùng alien convert từ bản dùng cho Ubuntu (deb sang rpm) thường cài được trên Mandriva, trong khi các bản rpm dùng cho Red Hat lại không cài được.
Bản mới nhất là Skype 2.1 beta có một tính năng mới thuận tiện cho chạy trên Linux là hỗ trợ Pulse Audio, soud server hiện được dùng phổ biến trong các bản Linux, do đó phần âm thanh không phải cấu hình. Các phiên bản Skype trước 2.1 có thể hơi rắc rối khi cấu hình âm.

Dịch vụ cơ bản của Skype là gọi miễn phí điện thoại qua Internet + chat giữa hai máy tính và hai người có account đăng ký với Skype. Nếu có webcam, hai bên có thể nhìn thấy nhau.


snapshot1(Nhấn vào hình để xem bản lớn hơn)


Phần cấu hình và test sound, video nằm trong màn hình Options như trong hình trên. Không có wizard hướng dẫn test như bản Skype for Windows nhưng cũng không cần thiết. Webcam hiện được hỗ trợ khá tốt trong Linux nhưng cũng có thể gặp trục trặc. Tôi đã thử, webcam Tako 10 thì Skype nhận tốt, nhưng Tako 01 thì không. Kể cả webcam hàng hiệu Logitec, đôi khi cũng phải cắm đi cắm lại.
Chất lượng tiếng và hình phụ thuộc vào chất lượng đường truyền Internet. Nếu đường truyền tốt, tiếng và hình chấp nhận được tuy có hơi trễ và đôi lúc ngắt đoạn.
Các dịch vụ trả phí của Skype: gọi tới điện thoại di động, cố định và ngược lại, gửi tin nhắn SMS, voice mail, chuyển tiếp cuộc gọi, v.v...
Skype có cả bản cài trên các mobile phone nhưng tôi chưa thử. Hai mobile phone cài Skype có thể gọi quốc tế cho nhau (?) với cước Internet nội.
Với những tính năng trên, Skype hiện là kẻ thù của các hãng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và di động.
Ngoài Skype, còn có EkigaLinphone cũng là phần mềm điện thoại trên Internet (VoIP) + chat có video.
Ekiga mặc dù viết cho GNOME nhưng được cài sẵn trên Mandriva KDE và các bản Linux khác. Tính năng tương tự Skype, chỉ có chất lượng chưa thử nên không rõ. Nhược điểm thấy ngay là Ekiga chỉ chạy được trên Linux, không có bản chạy trên Windows. Ekiga for Windows tải về tại đây. Cách cài đặt xem tại đây.
Linphone cũng như Ekiga, dựa trên giao thức SIP (Session Initiation Protocol ), một chuẩn mở về thoại trên Internet. Linphone chạy được trên Linux và Windows XP. Linphone có trong các kho phần mềm của Ubuntu, Mandriva, Linux Mint, ... cài đặt dễ dàng.
Cũng như Skype, phần dịch vụ cơ bản (thoại + chat giữa hai máy tính) là miễn phí. Người sử dụng cần có một account SIP đăng ký (miễn phí) với một dịch vụ nào đó. Địa chỉ để gọi có dạng (ví dụ) sip:zxc232@ekiga.net.
Nếu hay gọi điện thoại qua Internet, ngoài Skype có thêm Ekiga hoặc Linphone để dự phòng cũng không phải là thừa.

9/8/09

Phần mềm chứng khoán nhanh nhất thế giới chạy trên Linux

Phần mềm chứng khoán nhanh nhất thế giới chạy trên Linux

Steven J. Vaughan-Nichols

zxc232 lược dịch



(Các thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới đã và đang chuyển sang nền Linux như đã giới thiệu trong một số post trước đây (ví dụ). Một trong những lý do là tốc độ: tính bằng miligiây! Bài báo này giới thiệu một phần mềm chứng khoán nhanh nhất hiện nay chạy trên Red Hat Enterprise Linux. Những link trong bài có nhiều thông tin nếu muốn tìm hiểu thêm - ND)

Thời kỳ buôn chứng khoán tính bằng ngày qua lâu rồi. Hiện nay, các nhà buôn lanh lợi kiếm tiền bằng cách vượt trước đối thủ vài mili giây. Để làm được điều đó, bạn thực sự cần đến các phần mềm chứng khoán nhanh chạy trên nền Linux.

Tập đoàn Deutsche Borse có phần mềm chứng khoán riêng Xetra cash exchange để quản lý sàn chứng khoán Quốc tế (International Securities Exchange ) tại New York, cũng như sàn Eurex tại châu Âu. Xetra stock exchange platform cũng được dùng tại sàn chứng khoán Ailen, Thượng hải và sàn chứng khoán năng lượng châu Âu, v.v.. Cuối năm nay, một thế hệ mới của Xetra sẽ được công bố dùng IBM WebSphere MQ Low Latency Messaging và Linux để trở thành một phần mềm chứng khoán nhanh nhất thế giới (phiên bản hiện tại chạy trên Windows Server 2003 và Sun Solaris 10).

Nhanh đến mức nào? Một đại diện của Deutsche Borse nói rằng phần mềm chứng khoán chạy trên Linux của họ “dễ dàng thực hiện trên một triệu lệnh giao dịch trong một giây, làm cho ngay cả sản chứng khoán NewYork hùng mạnh cũng trở thành một chú lùn”

Tốc độ không chỉ là để nhanh. Người phát ngôn của Deutsche Borse nói với tôi: “ Vì thị trường tài chính đang trong quá trình hồi phục, các sàn chứng khoán trên toàn cầu – 161 sàn tất cả – phải chiến đấu khốc liệt để thắng và giữ được khách hàng bằng cách cung cấp cho khách những thứ họ cần nhất: giao dịch nhanh nhất, an toàn nhất và tin cậy nhất có thể. Điều đó dẫn đến cuộc “chạy đua vũ trang” về công nghệ giữa các sàn, nơi các thuật toán máy tính xử lý hàng trăm nghìn cổ phiếu trong một lệnh giao dịch chỉ tính bằng một phần của giây”.

“Tốc độ là tối cần thiết với những giao dịch như thế. Một phần của giây có thể mang lại những khoản lãi hoặc lỗ khổng lồ của nhà đầu tư. Những giao dịch trước đây tính bằng phút hoặc giây thì nay được xử lý trong vài phần nghìn, phần triệu giây. Những phần mềm nhanh nhất sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất”.

Như một bài báo gần đây trên tờ New York Times đã chỉ ra, cái cách giao dịch tần số cao đó "cho phép các nhà buôn chứng khoán chuyển đi hàng triệu lệnh với tốc độ ánh sáng "

Khía cạnh may rủi của kiểu giao dịch cao tốc đó là bạn có thể kiếm được hàng tỷ. Tờ Thời báo NewYork dẫn lời Joseph M. Mecane của sàn chứng khoán New York Stock Exchange Euronext , một sàn cũng dựa trên nền Linux, “Đó là cuộc chạy đua vũ trang về công nghệ, điều phân biệt kẻ thắng người thua là ai chạy nhanh hơn”.

Nếu bạn chạy sau trong cuộc đua đó, bạn sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Như người phát ngôn của Deutsche Borse đã chỉ ra :” những sàn nào thua trong cuộc chạy đua tốc độ, sự cố sẽ trở thành thảm họa như sàn chứng khoán London đã gặp trong tháng 9 vừa qua khi một trục trặc của phần mềm chạy trên Windows của họ làm ngưng trệ giao dịch trong 7 giờ, dẫn đến những tổn thất khổng lồ cho các công ty niêm yết trên sàn, cho các nhà đầu tư và cho chính bản thân sàn.”

Điều đúng cho các sàn cũng đúng cho nhà đầu tư. Nếu bạn không phải nhà đầu tư dài hạn, chỉ lướt sóng, bạn sẽ nhanh chóng bị thua các nhà đầu tư dùng phương pháp mua bán nhanh trên những sàn cao tốc.

Sàn chứng khoán London (LSE) đã rời bỏ Windows (bài này có 294 comments tranh luận sôi nổi, nên xem - ND) nhưng không nói sẽ chuyển sang cái gì. Nếu Linux là tốt cho Deutsche Borse, cho sàn chứng khoán NewYork và cho sàn Chicago Mercantile Exchange, tôi nghĩ nó cũng đủ tốt cho LSE.

Hệ thống mới của Deutsche Borse sẽ là xương sống cho các sàn dùng phần mềm Xetra. Sàn chứng khoán Quốc tế của Deutsche Borse sẽ là sàn đầu tiên chuyển sang hệ thống mới và các sản khác dùng Xetra sẽ nhanh chóng theo sau.

Hệ thống chủ yếu dựa trên Red Hat Enterprise Linux. Bộ phần mềm MQ Low Latency Messaging của IBM cũng đóng một vai trò quan trọng.

9/6/09

Cài máy in Canon trong Madriva 2009.1 và Ubuntu 9.04

Khi cài máy in Canon LBP 2900 trong Mandriva 2009.1 và Ubuntu 9.04 theo các hướng dẫn tại đâytại đây thì có vài trục trặc nhỏ:

  1. Với Mandriva 2009.1: Phải bật máy in trước khi bật máy tính mới in được.

  2. Với Ubuntu 9.04: trước khi in, mở terminal chạy lệnh sudo /etc/init.d/ccpd restart mới in được.


Không rõ các máy in Canon khác dùng CAPT driver có bị như vậy không? Các hướng dẫn nói trên viết cho trường hợp máy in LBP 1210 (cũng dùng CAPT driver) với các phiên bản trước của Mandriva và Ubuntu không thấy có lỗi này.

9/4/09

Tủ áo của Linux

8 Great Alternative Desktop Managers For Linux


Nov. 17th, 2008 By Damien Oh
Lược dịch Zxc232 (chữ nghiêng là lời người dịch)

Trong một post trước đã giới thiệu hai bộ áo thông dụng nhất của Linux: KDE và GNOME. KDE4 (bản mới nhất là 4.3 vừa ra đời) là bộ áo dạ hội, lộng lẫy, màu sắc và cũng lỉnh kỉnh nhiều phụ tùng. Một trong những tính năng hay của KDE4, nhất là ở bản 4.3, là notification (thông báo): di chuột vào đâu cũng có màn hình thông báo xuất hiện, mạng bị đứt hay nối lại đều có thông báo nhanh với đầy đủ thông tin. KDE3 và GNOME là bộ áo đi làm, đủ tính năng và chạy nhanh trên các máy tính thông dụng hiện thời.

Nhưng nếu máy cấu hình yếu hoặc muốn nhanh hơn thì hãy thử một trong các bộ áo dưới đây.

1. XFCE


xfce- desktop manager linux

Xfce là môi trường đồ họa nhẹ cho các hệ điều hành kiểu unix. Nó nhằm vào mục tiêu nhẹ và nhanh nhưng vẫn đủ trực quan và dễ sử dụng. Xfce viết bằng bộ công cụ GTK2+ cũng như GNOME, vì vậy ai quen GNOME sẽ thấy Xfce thân thuộc.

Xfce có điểm hay là tùy biến được toàn bộ như KDE và GNOME. Toàn bộ gói Xfce được chia thành nhiều dự án cho từng phần khác nhau của màn hình desktop. Vì vậy có thể cài đặt toàn bộ hoặc chỉ cài những phần tùy chọn và tùy biến theo ý thích.

Các bản Linux phổ biến hầu như đều có một phiên bản riêng dùng Xfce, ví dụ Xubuntu. Bản Xubuntu 9.04 chạy nhanh và cũng khá đẹp.

2. Enlightenment


enlightenment linux

Enlightenment là bản đồ họa desktop nhẹ mà tôi thích nhất. Nó có tính cách mạng, nhìn hấp dẫn và cực dễ dùng. Trong khi hầu hết các bản đồ họa desktop khác bỏ các hiệu ứng đồ họa để giảm yêu cầu về phần cứng, Enlightenment làm ngược lại. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy nó có thể chạy trơn tru, đẹp đẽ ngay cả trên các máy cấu hình thấp.

Khi lần đầu log in vào, bạn sẽ ngạc nhiên vì không thấy menubar, panel hoặc icon trên màn hình, tất cả chỉ có một màn hình màu đen và một pager ở đáy màn hình. Kích vào chỗ bất kỳ trên màn hình sẽ có menu xuất hiện. Di chuyển chuột hoặc cuộn bánh xe sẽ thấy các cửa sổ đã thu nhỏ trong pager hiện lên với hiệu ứng đồ họa. Lúc đầu giao diện kiểu này hơi khó dùng nhưng nếu bạn đã quen thì sẽ không muốn dùng các loại đồ họa desktop khác nữa.

3. FVWM-Crystal


fvwm-crystal

Nếu bạn thích các eye-candy, bạn sẽ thích FVWM-Crystal. FVWM-Crystal dựa trên trình quản lý cửa sổ FVWM. Nó giữ nguyên tính linh hoạt và khả năng tùy biến cao của FVWM, bổ xung nhiều cải tiến vào giao diện. Kết quả là có một giao diện đẹp, các cửa sổ nửa trong suốt và nhiều eye-candy.

Trong số các bản đồ họa desktop, FVWM-Crystal có tốc độ nhanh nhất khi khởi động hoặc mở ứng dụng. Nó tích hợp tốt với XMMS, XMMS2, MPD, Quod Libet và cdcd. Nếu bạn tìm một bản đồ họa desktop đẹp có thể link với music server dễ dàng thì FVWM-Crystal đúng là cái bạn cần.

4. LXDE


LXDE

Là một người đã có kinh nghiệm với GNOME và KDE, tôi thấy LXDE rất dễ dùng. Lý do là vì LXDE là phiên bản nhẹ của GNOME và KDE tổ hợp với nhau. Đáy màn hình có panel giống KDE và giao diện thì theo kiểu GNOME nên không có gì mới phải học. Nếu bạn có máy tính cấu hình yếu và không muốn xa rời KDE hoặc GNOME thì LXDE là lựa chọn tốt.

Ai muốn xem LXDE có các hiệu ứng Compiz, cửa sổ bay tá lả có thể thử bản Linux Knoppix.

5. IceWM


icewm

IceWM đơn giản và có khả năng tùy biến cao (mới nhìn thì xấu). Tất cả các thiết lập lưu trong một file text đặt trong thư mục home của user nên dễ cấu hình và sửa.

Nếu thích một giao diện giống Windows 95, có thể tạo nó trên IceWM. Cũng có thể dùng các theme khác để làm nó giống Windows Vista, Mac OS hoặc bất kỳ thứ gì bạn muốn.

6. Fluxbox


fluxbox

Fluxbox là môi trường đồ họa cực tiểu vì nó hỗ trợ tối thiểu đồ họa và chỉ có một taskbar. Muốn cho hiện menu thì kích phím phải chuột. Giao diện có thể thay bằng các theme khác được, phần lớn settings đặt trong các file text có thể sửa dễ dàng.

7. Window Maker


windowmaker

Window Maker là một trong số ít bản đồ họa desktop có công cụ đồ họa để cấu hình các thiết lập hệ thống. Công cụ đó (Wprefs) dễ dùng, tránh việc sửa file cấu hình và giúp cho user (dù là người mới hay đã có kinh nghiệm) dễ dàng cấu hình và chỉnh sửa được các thiết lập hệ thống.

Cũng như Fluxbox, Window Maker là bản đồ họa desktop tối thiểu. Trên cả màn hình chỉ có 4 icons trong đó một cái để mở terminal, một cái để chạy Wprefs. Nhấn phím phải chuột, menu chính sẽ xuất hiện.

8. AfterStep


afterstep

Ban đầu dựa trên giao diện NeXTStep, AfterStep là một bản đồ họa desktop nhất quán, thoáng và đẹp có thể chạy trên các máy cấu hình thấp. Cũng như các bản đồ họa desktop nhẹ khác, nó nhanh, ổn định, dễ dùng và dễ cấu hình.

Ngoài những cái nêu trên, còn nhiều nữa. Xem thêm tại đây.

Cài đặt:

Để dễ phổ biến (lưu được trong một đĩa CD), các bản Linux gốc chỉ có một môi trường đồ họa (Ubuntu dùng GNOME, Kubuntu dùng KDE, Xubuntu dùng Xfce, v.v.....). Có thể cài thêm các bản đồ họa desktop khác mà không ảnh hưởng gì đến bản gốc cả, trừ việc menu có thể nhiều chương trình hơn. Nếu có sẵn trong kho phần mềm (thường là dưới dạng meta package) thì cài dễ nhất. Kho của Mandriva có nhiều graphical desktop nhất. Còn nếu không phải hỏi cụ Gúc tìm đến site gốc tải về cài.

KDE 4.3 có thể cài lên Ubuntu theo các hướng dẫn ở đây. hoặc ở đây.


Sau khi cài xong, log out ra rồi chọn theo hướng dẫn ở đây.

9/1/09

Không quân Úc đào tạo phi công bằng thiết bị nguồn mở

Không quân Úc chi 1,7 triệu USD cho thiết bị mô phỏng bay dùng Linux


Đăng trên itnews.com.au
By Munir Kotadia
Aug 31, 2009 6:08 AM
Tags: defence | linux | opteron | flight | simulator

Nền đồ họa cũng là nguồn mở


Lực lượng quốc phòng Úc (The Australian Defence Force-ADF) đã tiết lộ thiết bị mô phỏng bay mới nhất chạy trên cụm máy chủ (clusters) dùng bộ xử lý Operon của AMD, hệ điều hành Suse Linux và một môi trường đồ họa nguồn mở.

Thiết bị này tạo nên một thế giới ảo cho phép các phi công trải nghiệm các tình huống chiến đấu thực mà không phải rời mặt đất.

Greg Combet, bộ trưởng Quân lực, Vật tư và Khoa học Quốc phòng nói thiết bị mới sẽ tạo ra "những kinh nghiệm thực và ảo cho các phi công và nhân viên điều hành bay".

"Bằng cách tái tạo các hoàn cảnh thực tế trong một môi trường ảo, thiết bị cho phép diễn tập và đánh giá các hoạt động không chiến với chi phí giảm đi rất nhiều và không đặt các phi công vào những tình huống nguy hiểm"

Người phát ngôn bộ Quốc phòng cho biết thiết bị sẽ khởi động trong 30 giây, dùng cụm máy chủ Opteron 2218 4 lõi, card màn hình nVidia Quadro FX 5600G. Các bộ mô phỏng bay và khí động học chạy trên nhiều máy chủ dùng bộ xử lý Opteron 8 lõi.

Tất cả các máy chủ trong cụm (cluster) chạy hệ điều hành Suse Linux. Khác với các cụm máy chủ Linux truyền thống tập trung vào thông lượng dữ liệu, cụm máy chủ này chú trọng đến tốc độ đáp ứng theo thời gian thực bằng cách dùng các tính năng của nhân Linux như khóa bộ nhớ (memory locking), lập lịch thời gian thực (real-time scheduling) và truyền dữ liệu có độ trễ thấp (low-delay communication).

Phần mềm quan sát được viết trong OpenGL dùng các engine đồ họa nguồn mở và đóng, dựa rất nhiều vào các chương trình OpenGL Shader Language để tạo các hiệu ứng như các đám mây, khói và cây cối.