11/26/07

Tổ chức dữ liệu khi cài Kubuntu

Trong Windows, mỗi user có một thư mục C:\Documents and Settings\<username> trong đó có thư mục MyDocuments và các thư mục chứa mọi thứ settings ta đã đặt cho Windows và các phần mềm ứng dụng (font màn hình, ảnh nền, toolbar, v.v...)Trong Kubuntu, thư mục tương tự là /home/<username> (vd: /home/nvhung). Các file và thư mục con chứa settings được đặt dưới dạng thư mục ẩn (đầu tên file, thư mục có dấu chấm). Muốn xem các file, thư mục này vào Dolphin -> View -> Show Hidden Files.
Để tránh công việc thiết lập lại các settings (font màn hình, ảnh nến, cài đặt mạng, các settings của OpenOffice, các extensions của Firefox,...) một công việc rất mất thì giờ khi cài lại Kubuntu, nên làm như sau:
1- Khi cài Kubuntu lần đầu tiên, chia phần ổ cài Kubuntu thành 3 ổ (partition): một ổ cài Kubuntu (tối thiểu 4GB) mount vào thư mục gốc /, một ổ chứa dữ liệu dung lượng tùy chọn (đủ chứa các settings và các file dữ liệu) mount vào /home, ổ này bắt buộc phải format dạng ext3 và một ổ swap chứa bộ nhớ ảo thường có dung lượng gấp đôi lượng RAM của máy. (tương tự cách chia ổ C, D của Windows, xem chi tiết trong tài liệu "Cài đặt Kubuntu 7.10").
2- Khi cài lại Kubuntu ở các lần cài sau, chia ổ đúng như trên (dung lượng có thể thay đổi). Khi cài xong, khai báo username đúng như username đã dùng trong lần cài trước. Khi log in vào theo tên username, toàn bộ màn hình, các settings y nguyên như trước không phải khai báo lại. Chỉ cần cài bổ xung các phần mềm ngoài (ví dụ x-unikey) là dùng được ngay.trong môi trường quen thuộc cũ. Trong Windows để đạt được điều đó, cách làm phức tạp hơn nhiều.
3- Nếu như có chương trình nào bị trục trặc do lỗi của settings, xóa thư mục settings của chương trình đó trong thư mục /home/<username> đi để chương trình tự tạo lại thư mục settings mới (vd: /home/nvhung/.mozilla/firefox).
4- Ngoài ra, nếu vẫn dùng song song Windows và Kubuntu, có thể dùng chung My Documents của Windows. Để truy cập nhanh vào thư mục này, trong màn hình Desktop nhấn phím phải chuột tạo một Link to Location (shortcut) đến thư mục My Documents (cách tạo link xem tài liệu "Cài đặt Kubuntu 7.10"). Kéo thả link đó vào /home/<username> và vào panel. Trong OpenOffice, vào Tools -> Options, ở mục Paths-MyDocument khai đường dẫn đến MyDocuments. Các phần mềm khác làm tương tự. Như vậy các file dữ liệu (doc, xls, mp3, v.v....) đều chứa chung trong một thư mục, khi làm việc trong Windows hay Kubuntu đều truy cập được.

11/20/07

Chuyển mã font trong Kubuntu (update 1/2009)

Rất may là trong Kubuntu 7.10, bộ OpenOffice 2.3 đọc được font VNI, font TCVN3 thì vẫn bị lỗi chữ "ư".
Gõ tiếng Việt kiểu telex dùng font VNI hoặc font TCVN3 trong OpenOffice Writer được bình thường.
Bộ gõ x-unikey không có chức năng chuyển mã font. Tôi đã tìm hiểu được cách chuyển mã dùng chức năng chuyển mã của Unikey for Windows chạy trong Kubuntu. Đồng thời cũng khắc phục được lỗi chữ "ư" khi chuyển sang font unicode.
Tài liệu hướng dẫn có tại site www.mediafire.com/zxc232

UPDATE (1/2009): Hiện nay đã có công cụ chuyển mã font rất hay và đơn giản hơn cả cách chuyển mã bằng clipboard của unikey for Windows. Đó là extension OvniConv .
Cài vào OpenOffice, mở file cần chuyển mã rồi nhấn vào menu Tools - Add-Ons - Convert to Unicode, văn bản sẽ tự động chuyển mã các đoạn font TCVN, VNI sang Unicode, các đoạn đã là unicode thì giữ nguyên!

11/19/07

Phần mềm quản lý dự án OpenProj

Trong Kubuntu hiện có vài phần mềm quản lý dự án nguồn mở: KPlato (KDE), Planner (GNOME), GanttProject (Java). Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của các phần mềm này là không đọc được trực tiếp file dự án mpp của Microsoft Project.
Tôi mới thử sơ bộ phần mềm OpenProj (http://openproj.org) viết bằng Java.
Ưu điểm:
1- Đọc được file mpp. Đã thử mở một file MS Project có 3200 task, dung lượng 3MB. File mở tốt với đầy đủ các thông tin.
2- Có các tính năng cơ bản như MS Project, giao diện và từ ngữ khá giống MS Project, đủ dùng cho trình độ quản lý dự án bây giờ.
Nhược điểm:
1- Giao diện Java nên không đẹp và đơn giản (vd: các gant chart chỉ có một kiểu). Nhận được font chữ unicode tiếng Việt nhưng hiển thị xấu. Chạy hơi chậm.
2- Không save được thành dạng file mpp. Nếu soạn hoặc sửa file dự án bằng OpenProject muốn đọc lại được trong MS Project phái save as thành file xml. Một file mpp 3MB chuyển sang dạng xml có kích thước là 35MB.
Dù sao thì với hai ưu điểm nói trên, phần mềm này là một bước đột phá trong việc chung sống giữa Kubuntu và Windows trong lĩnh vực quản lý dự án. Xin giới thiệu để mọi người cùng tìm hiểu thêm.
Ngoài ra còn một phần mềm quản lý dự án nữa viết bằng java chạy trên Kubuntu và đọc được các file MS Project là IP Desktop (www.webintellisys.com). Tuy nhiên phần mềm này phải mua với giá 300USD (cho dùng thử 30 ngày).

11/15/07

Kubuntu 7.10: Cài đặt máy in Canon LBP 1120, 1210, 2900,... và HP 1020

UPDATE 24/3/2009: xem hướng dẫn chi tiết cho K/Ubuntu 8.10 tại đây.


MANDRIVA 2008: CÀI MÁY IN CANON LBP-1120, 1210, 2900, 3000, 3200, 3210, 3300, 3500, 5000, 5100, 5300 dùng CAPT driver

xem hướng dẫn cho Mandriva 2009.0 tại đây.


Hỗ trợ phần cứng thường là điểm yếu của các hệ Linux so với Windows. Các driver phần cứng trong Linux chia làm hai loại:
1- Các driver nguồn mở. Các driver này thường chỉ có cho những thiết bị phần cứng tương đối phổ thông, đảm bảo được các tính năng cơ bản. Do bí mật thương mại, các nhà sản xuất phần cứng không công bố hết các đặc điểm kỹ thuật, do vậy driver nguồn mở không khai thác hết được các đặc tính cao cấp, đặc thù của thiết bị.
2- Các driver Linux nguồn đóng của nhà sản xuất. Driver loại này tốt hơn loại nguồn mở, nhưng do không tuân thủ giấy phép nguồn mở (không công bố mã nguồn) nên mặc định không được cài sẵn trong Kubuntu. Người dùng tự cài (ví dụ qua Restricted Drivers trong System Settings).
Ví dụ về hai loại driver nói trên là driver cho các card màn hình của NVIDIA. Vấn đề này đã trình bày chi tiết trong các tài liệu công bố trên blog này.

So với phiên bản 6.10, bản Kubuntu 7.10 hỗ trợ phần cứng khá hơn rất nhiều và với đà này chắc chắn sẽ ngày càng hoàn thiện. Khi cài máy in cần lưu ý các điểm sau:
1- Các file driver máy in trong Kubuntu có đuôi file là ppd và nằm trong thư mục /usr/share/ppd. Trong đó, thư mục con openprinting chứa các driver nguồn mở. Các máy in nằm trong thư mục này được liệt kê sẵn để chọn khi ta cài máy in theo Printer Wizard của mục Printers trong System Settings.
2- Nếu không thấy có tên máy in trong danh sách, nhấn nút Other, chuyển đến các thư mục con của /usr/share/ppd để tìm driver (Ví dụ máy in HP1020 nằm trong thư mục /usr/share/ppd/foo2zjs).
3- Nếu vẫn không tìm được driver có sẵn trên máy, phải tìm đến site của nhà sản xuất hoặc search trên Internet. Ví dụ các loại máy in Canon LBP 1120, 1210, 2900, 3000, 3200, 3210, 3300, 3600, 5000 có driver (Canon CAPT Printer Driver for Linux) dạng deb tại site Canon. Sau khi tải về, cài hai file đó rồi làm theo hướng dẫn tại đây. Với Kubuntu 7.10 chỉ cần làm theo bước 3 là được.

CẬP NHẬT 1/7/2008: trong gói driver tải về, có file hướng dẫn cài từng bước. Xem post cài máy in Canon trong Mandriva để biết cách đọc file này.
Trang hỗ trợ máy in trong Kubuntu tại đây. Lưu ý là dữ liệu trong trang này nhiều khi không được cập nhật (Ví dụ với máy in LBP 2900). Do đó tốt nhất là search trên Internet.

UPDATE (16/2/2008): Tải file “Cai dat may in Canon LBP.pdf” mới nhất tại các kho dữ liệu Windows LiveSavefile .

11/7/07

Tìm kiếm file và thư mục trong Kubuntu Gutsy 7.10

Trong các phiên bản Kubuntu trước, việc tìm kiếm file và thư mục được thực hiện bằng chương trình KFind, cách nhập từ cần tìm có hơi khác Windows và không tìm được trong nội dung các file MS Office.

Trong bản Kubuntu 7.10, chương trình tìm kiếm mặc định là Strigi. Chương trình này khá tồi, sử dụng phức tạp, cũng không tim được nội dung các file MS Office.

Tuy nhiên, có thể cài đặt Google Desktop, một công cụ tìm kiếm rất mạnh, cài đặt đơn giản, tìm được trong nội dung các file MS Office và đồng thời lại là công cụ sao lưu tự động các file.

Tài liệu "Tìm kiếm trong Kubuntu 7.10.pdf" trình bày cách sử dụng KFind, cách cài đặt, cấu hình và sử dụng Google Desktop.

Có thể tải tài liệu này tại:

1- Site http://www.mediamax.com/zxc232
2- Site http://savefile.com/projects/1064804


UDATE: mục tìm kiếm bằng KFind và Google Desktop đã được đưa vào tài liệu "Sử dụng Kubuntu Gutsy Gibbon phần 2" tải về từ kho dữ liệu Mediafire.