12/10/09

Từ một bản chiến lược ICT bị lọt ra ngoài


Từ một bản chiến lược ICT bị lọt ra ngoài.


(Trên giấy tờ, Anh có vẻ là nước kiên quyết đưa PMNM vào ứng dụng nhất như đã nói ở đâyở đây. Tuy nhiên cuộc chiến vẫn đang tiếp tục).


Chính phủ Anh (do đảng Lao động nắm giữ) đang chuẩn bị một bản chiến lược Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT - Information and Communication Technologies) cho hệ thống quản lý nhà nước trong thế kỷ 21. Bản dự thảo chưa được công bố nhưng đã lọt ra ngoài. Đảng Bảo thủ đối lập nắm ngay lấy cơ hội, thành lập website “ Make IT better” kể tội các chính phủ của đảng Lao động tiêu tốn tiền vào các dự án IT thất bại và công bố dự thảo chiến lược nói trên để mọi người góp ý, demo cho một cách làm chính sách mới.


Trong website trên, đảng Bảo thủ cho rằng: “ Từ năm 1997, các bộ trưởng của đảng Lao động đã tiêu xấp xỉ 100 nghìn tỷ bảng Anh (nguyên văn £100 billion, 1 billion ở Mỹ là 10 9 - một tỷ, ở Anh là 10 12 - một nghìn tỷ, không hiểu ở đây dùng theo nghĩa nào?) vào các dự án tin học, nhiều hơn bất kỳ nước châu Âu nào khác. Một nghiên cứu gần đây kết luận rằng 70% các dự án tin học là thất bại - nghĩa là hàng chục nghìn tỷ bảng Anh lãng phí vào các hệ thống từ siêu máy tính NHS 20 nghìn tỷ tai họa cho đến hệ thống Home Office được quản lý rất tồi.


Chúng tôi (đảng Bảo thủ) nghĩ có một cách tốt hơn. Không những có thể xây dựng một tầm nhìn về tin học quản lý nhà nước đổi mới hơn, nhiều tham vọng hơn và hiệu quả hơn, chúng tôi còn cho rằng có thể theo đuổi một cách làm chính sách hoàn toàn khác. Thay cho cách làm chính sách đóng kín (trong nội bộ chính phủ) mà bản báo cáo chiến lược này là một điển hình, chúng tôi muốn công khai hóa quá trình làm chính sách, cho phép mọi người đóng góp ý kiến chính sách nên như thế nào. Trong thời kỳ hậu-quan liêu hiện nay, chúng tôi tin rằng việc nhiều người tham gia hợp tác thiết kế sẽ giúp chúng tôi làm ra những chính sách tốt hơn - và điều đó nên được bắt đầu ngay từ bây giờ.


Chính vì vậy mà trên website trên, đảng Bảo thủ công bố toàn văn dự thảo chiến lược ICT của đảng Lao động để “ chúng tôi muốn nghe ý kiến của các bạn và chúng tôi sẽ trả lời vài tuần sau đó”.


Về mặt này (phương pháp làm chính sách mở), tư bản Anh già cỗi có vẻ chậm hơn “con rồng châu Á” Việt nam. Nghị quyết 71/2006/QH11 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 đều đã quy định phải đăng các dự thảo văn bản pháp luật lên website chính phủ để mọi người góp ý. Mặc dù có những chập chững khôi hài kiểu thế này, nhưng cũng có những cái như thế này đáng để xem.


Đây chính là kiểu "chính trị nguồn mở" đã nói trong bài này.


Dự thảo chiến lược nhận xét về tình hình hiện tại: “ Năm 2004, Chính phủ đã chính thức tuyên bố sẽ dùng phần mềm nguồn mở (PMNM) cho những dịch vụ hành chính công khi chúng có hiệu quả nhất (it gave the best value for money). Tuy nhiên có nhiều rào cản cho việc ứng dụng rộng rãi PMNM. PMNM và thị trường IT của nó còn chưa đủ độ chín, không có các sản phẩm đủ cạnh tranh để dễ dàng đưa vào các giải pháp tin học quản lý tổ chức.


Các nhà cung cấp phần mềm thương mại (COTS - commercial of-the-shelf) thường không rõ ràng về hệ thống cung cấp và các điều khoản khi ký hợp đồng với Chính phủ và từ chối xem Chính phủ như một thực thể duy nhất (ví dụ: mỗi bộ là một khách hàng riêng biệt, giá tính như với một khách hàng mới và phần mềm không thể đưa từ bộ này sang bộ khác ). Điều đó làm cho việc so sánh với PMNM rất khó khăn. Ngoài ra, các cán bộ IT của Chính phủ có kỹ năng giới hạn (chỉ quen Windows chẳng hạn ) và thói quen tránh rủi ro (khi quyết định dùng PMNM lạ lẫm ) đã hạn chế việc chấp nhận PMNM và không tạo ra thách thức cho các nhà cung cấp về giải pháp công nghệ.”


Để khắc phục những điều nói trên, chiến lược mới chủ trương: “ Chiến lược về Phần mềm Nguồn mở, Chuẩn mở và Tái sử dụng đã được công bố tháng 2/2009. Nó nói rằng Chính phủ sẽ tích cực và nghiêm chỉnh xem xét các giải pháp nguồn mở cùng với các giải pháp nguồn đóng khi quyết định trang bị phần mềm. Ngoài ra, trong những trường hợp có thể, Chính phủ sẽ tránh để bị trói buộc vào các phần mềm nguồn đóng. Đặc biệt, sẽ tính đến các chi phí từ bỏ phần mềm, mời thầu lại và xây dựng lại ứng dụng trong các quyết định mua phần mềm và sẽ yêu cầu các nhà thầu chào những phần mềm thương mại nêu rõ nếu đang dùng mà thôi không dùng nữa thì phải làm thế nào.


Chiến lược bao gồm một kế hoạch hành động là một chương trình tích cực đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa PMNM và phần mềm thương mại. Nó cũng bao gồm những hành động đảm bảo là Chính phủ sẽ sử dụng các chuẩn mở trong các tiêu chuẩn kỹ thuật mua sắm và sẽ yêu cầu các giải pháp tuân theo chuẩn mở. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ dùng các chuẩn văn bản mở như ODF, PDF và OOXML. Trong đám mây điện toán Chính phủ (G-Cloud) sẽ có kho các ứng dụng quản lý nhà nước (Government Application Store, G-AS), kho này lưu các mã nguồn mở và các giải pháp đang dùng để có thể dùng lại cho toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước.


Tất cả những điều nói trên mới chỉ trên lời nói. Có lẽ phải khoảng 5 năm nữa mới biết được thực tế như thế nào. Tuy nhiên nó cũng khẳng định một điều: xu thế dùng PMNM là không cưỡng lại được . Đối với nước ta, ứng dụng tin học còn thô sơ, năng suất lao động thấp, nhịp độ công việc chậm, đây là thời cơ ứng dụng PMNM càng sớm càng tốt. Nếu để chậm, cái giá phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều.




No comments: