5/15/09

Điện toán đám mây (cloud computing)

Định viết một bài về ổ cứng ảo, nghĩ lan man sang cái này.

Có một quy luật triết học nói rằng mọi sự trên đời phát triển theo vòng xoáy trôn ốc. Sự việc phát triển đến một mức nào đó thì lặp lại những cái trước đó nhưng ở một trình độ cao hơn. Điều đó cũng đúng với máy tính.
Thời kỳ bình minh của điện toán, mọi thứ xoay quanh vài cái mainframe (bây giờ dịch là siêu máy tính). Tất cả mọi thứ: bộ xử lý, bộ nhớ, ổ cứng, phần mềm đều nằm trên đó. Xung quanh mỗi mainframe có hàng chục cái gọi là terminal chỉ gồm màn hình, bàn phím (chưa có cả chuột). Mỗi user dùng bàn phím màn hình đó truy cập vào mainframe, chạy các phần mềm trên đó cho công việc của mình, dùng chung bộ xử lý, bộ nhớ, phần mềm, ... và mọi thứ khác từ một nơi cấp phát tập trung.
Bây giờ mọi thứ có vẻ sắp quay về thời kỳ đó. Internet đã tạo nên một cái mainframe khổng lồ gồm hàng ngàn máy chủ kết nối với nhau chứa đựng sức mạnh xử lý, bộ nhớ, ổ cứng và phần mềm. Các máy tính cá nhân rồi ra sẽ chỉ còn dùng để chạy trình duyệt, cài phần mềm tối thiểu và ổ cứng cũng tối thiểu. Nối máy vào Internet, mở trình duyệt ra là có thể soạn văn bản, bảng tính (bằng Google Docs và Zoho Writer chẳng hạn), soạn xong lưu ngay vào ổ cứng máy chủ, yên tâm rằng mọi việc quét virus, sao lưu, bảo trì cho phần mềm luôn luôn sẵn sàng có người khác lo. Mua bán cũng qua trình duyệt, thậm chí ngồi nhà làm việc qua trình duyệt luôn. Còn mỗi một cái phải quan tâm là Bookmarks (hoặc Favorites).
Hiện tại thì tốc độ Internet còn chập chờn và chưa đủ nhanh, điểm kết nối còn chưa đủ rộng, phần mềm trên Internet cũng chưa có tính năng bằng phần mềm cài trên máy để bàn. Nhưng cứ theo đà này, máy tính cá nhân rồi sẽ teo lại chỉ còn là bàn phím, màn hình, chuột với một cái case bé xíu lắp ngay sau lưng màn hình là đủ để chạy trình duyệt web. Giống cái terminal ngày xưa nhưng hiện đại hơn. Các nhà sản xuất phần mềm sẽ không còn bán các bộ phần mềm đóng gói cho từng cá nhân mà cài lên máy chủ Internet rồi bán dịch vụ sử dụng cho người dùng. Game online là một dạng dịch vụ như thế.

Một xu hướng rõ ràng là không cưỡng lại được, chỉ có điều nó đến nhanh hay chậm mà thôi.

Nhưng lúc đó, dân tin học làm gì? Máy tính chỉ còn như cái TV, ít hỏng và cũng chẳng cần cài đặt. Phần mềm "tây" đầy trên Internet, mua thẻ rồi dùng như học ngoại ngữ online bây giờ, học sử dụng cũng qua web. Cái thị trường rộng lớn mà vố số "kỹ sư tin học" với trình độ cao nhất là biết cài Windows, MS Office hiện đang lĩnh lương sống được sẽ không còn nữa.

Nghĩ cho cùng nó cũng giống như chuyện sát nhập tỉnh, thừa ra khối thứ từ lãnh đạo đến ôtô. Đáng lo không?

Nhưng có nhanh chắc cũng phải 10-20 năm nữa. Khi nào thấy Internet wifi cao tốc miễn phí khắp hang cùng ngõ hẻm lo cũng vừa.

5 comments:

Petit Prince said...

Bài viết hay, chúc mừng.

Hệ điều hành Google Chrome và các bước tiến dần đến điện toán đám mây « Phần mềm nguồn mở – Linux said...

[...] nữa tiến dần đến thời đại điện toán đám mây đã được trình bày trong một post trước. Dưới đây điểm qua vài bước, tất cả đều xoay quanh việc vào Internet không [...]

gOS-một bản Linux nhẹ và đẹp « Phần mềm nguồn mở – Linux said...

[...] hành + trình duyệt web để hướng vào điện toán đám mây như đã nói trong một post trước. Posted in Linux. Thẻ: gOS. Leave a Comment [...]

Đám mây điện toán Ubuntu « ZXC232-Phần mềm nguồn mở – Linux said...

[...] một post trước, tôi trình bày quan niệm đám mây điện toán dưới [...]

ZXC232-Phần mềm nguồn mở – Linux said...

[...] — zxc232 Trong một post trước về Điện toán đám mây tôi có dự [...]