8/28/09

Những ai hay chống Linux nhất?

Nếu bạn chỉ vọc Linux cho riêng mình thì thôi. Nếu bạn lại muốn phổ biến tuyên truyền điều mình ham thích thì dưới đây là những đối tượng bạn nên tránh.

Chống lại Linux mạnh nhất, kiên quyết nhất lại chính là dân tin học. Các giám đốc công ty tin học lớn nhỏ, các "chuyên gia" tin học kỳ cựu, các "cử nhân" tin học vất vả mãi mới tốt nghiệp được đều nhìn Linux với con mắt đầy căm thù, hằn học và sợ hãi.

Vì Linux đe dọa cái cần câu cơm của họ! Điều đó hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được.

Và sự chống đối của họ thường có hiệu quả cao đối với những người ngoại đạo do cái "mác" mà họ có và những lời lẽ "uyên bác" đầy những từ ngữ kỹ thuật. Tôi đã từng được đọc những bản tư vấn chống lại opensource của các "chuyên gia" VNPT thuộc loại này, từng được nhận những cái bĩu môi khinh bỉ kèm theo những lời vàng ngọc của các cây đại thụ trong hội Tin học đất nước và thủ đô!. Những chuyên gia của văn phòng đại diện Microsoft thì phản ứng khá hơn nhưng cũng là nông nổi.
Tất cả đều có một điểm chung là không ai hiểu gì về Linux, opensource cả! Trước nguy cơ đe dọa, họ vội vã thu góp các thông tin thậm chí chỉ là nghe thoáng qua không thèm hỏi lại cụ Gúc nữa để tung ra phản công.

Và những lý lẽ của họ thật khôi hài!

Trong hàng ngũ những người sử dụng, chống Linux hăng nhất là những người trước đây bắt buộc phải học Windows, trầy trật mãi mới tạm biết sử dụng, tiếng Anh cũng không thạo. Bây giờ lại phải chuyển qua Linux thì thật kinh hoàng! Thuộc loại này thường là lớp cán bộ già và cũng có cả cán bộ trẻ nhưng IQ thấp (chú ý là tôi không vơ đũa cả nắm, "thường là" thôi nhé).

Cán bộ già mà chống thì thật đáng sợ vì thường có chức, có quyền, học hàm, học vị đầy người, ăn nói có gang có thép. Những ý kiến quý báu như thế này : "Kubuntu không dùng giao dịch quốc tế được", "Phần mềm nguồn mở rất kém an toàn, chẳng có ai chịu trách nhiệm cả", "Thì giờ đi học Linux để làm những cái cần thiết hơn" v.v. và v.v không phải là hiếm. Đụng phải đối tượng này, bạn là nhân viên dưới quyền có thể thân bại, danh liệt.

Trước đây dùng Windows, nếu gặp lỗi hoặc không biết làm thì tự biết là mình kém không dám đổ cho ai. Nhưng nếu dùng Linux, bất kỳ trục trặc lớn nhỏ là đổ hết lên đầu Linux, khi kiểm tra ra mới biết là không thạo sử dụng máy tính nói chung, nếu dùng Windows thì cũng trục trặc như thế. Đường Internet đứt, không vào được mạng, tại Ubuntu; bảng tính sai kết quả do chính công thức sai, cũng tại Ubuntu nốt. Thậm chí máy in chưa bật, không in ra được cũng tại Ubuntu luôn cho tiện!

Có những cán bộ già vẫn mang đầy hoài niệm về thời trẻ oai hùng là học sinh chuyên toán mà bây giờ cũng nhìn Linux đầy ngần ngại. Chẳng ai chống được tuổi tác và ông Trời!
Khác với lớp người trên, những người này chống không phải vì sợ mất cần câu cơm mà xuất phát từ bản năng "tiết kiệm năng lượng" hay nói một cách thô thiển là bản năng "lười" của con người. Đối với một số người là ám ảnh của ký ức đầy gian khổ của thời buộc phải học Windows nữa. Đang yên ổn, chẳng ai muốn thay đổi.
Nhưng các cụ đã dạy rằng "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe" mà nhiều người không chịu theo.

Nhưng cũng có một phần là do thiếu thông tin.
Chính bản thân tôi ban đầu lao vào Linux là do "ham của lạ". Chỉ sau này tìm hiểu kỹ hơn mới giật mình là trước đây mình ngu quá. Ngay bộ ngoại giao Mỹ mà còn cho rằng "Dùng Firefox tốn kém lắm" thì còn trách ai được. Trên các phương tiện truyền thông chỉ lơ thơ vài ba tin. Ngay cái site "Phần mềm tự do nguồn mở" của bộ Khoa học Công nghệ có nội dung thật đáng thất vọng.
Lớp người tiếp thu nhanh nhất là lớp trẻ có chỉ số IQ khá, tư duy thoáng và cởi mở, không ngại những cái mới nói chung (trừ loại có IQ thấp, lười và mua bằng ra nhé). Để tự tìm hiểu và sử dụng được Linux cho những nhu cầu thông thường, lớp người này thường chỉ cần mất vài ngày. Và đấy là lực lượng bạn nên dựa vào nếu muốn tuyên truyền phổ biến về Linux.
Chia sẻ những kinh nghiệm trên để bạn tránh, không phải để bi quan. Nếu như gần đây chính Microsoft còn phải công khai nhìn nhận sự đe dọa của Linux thì không ai có thể cản bánh xe lịch sử được. Bạn không phải Đông Ki sốt mà là Kim Ngọc của một trào lưu mới.

6 comments:

Joe said...

Buồn là vẫn còn nhiều "chuyên gia kì cựu",các "lãnh đạo sáng suốt đầy kinh nghiệm",các nhân viên nhanh nhảu che giấu khả năng hạn chế của mình bằng cách đổ tội cho PMNM!

Phoenix said...

Bài viết cực kì chuẩn xác, nhất là phần các cán bộ già - cựu học sinh chuyên toán.
Nếu ai cũng giữ cái quan điểm này thì bao giờ PMNM mới phát triển nổi.

Anonymous said...

Có lẽ người chống Linux mạnh nhất phải kể đến Quảng "nổ" vì nếu ai cũng dùng Linux thì BKAV chỉ còn nước vứt vào xọt rác. Bác Quảng có vẻ tự hào về thành tích phát hiện tin tặc (kể cả vụ không có phận sự gì như máy chủ Hàn Quốc và Mĩ) nhưng chứng tỏ bác vẫn chưa đạt đỉnh khi "không" phát hiện ra ai đánh trang BVN.

zxc232 said...

Một trong những điểm tôi khoái nhất khi dùng Linux hiện nay chính là cái vụ virus này. Khỏi phải loay hoay cài mấy cái antivirus bẻ khóa, đỡ tốn CPU, dùng USB vô tư, xem mail, mở file yên tâm,... về tâm lý thoải mái hẳn. Cẩn thận hơn ví dụ trong Mandriva dựng tường lửa, chỉnh Security Level về mức Secure, hễ có nghi ngờ là nhận được mail cảnh báo!
Sau này thì chưa biết, trước mắt cứ sướng cái đã!
Còn những người chống Linux cũng nên thông cảm với họ. Ai bị giật mất cái cần câu cơm mà chả phải lồng lên.

Hà Hữu Nguyên said...

Tôi cũng đã chuyển 99% thời gian làm việc với Linux rồi. Sở dĩ Win vẫn còn hữu ích là vì livemesh cho phép kiểm soát desktop của máy Win trên cơ quan (vượt qua mọi loại firewall). Có một điều tôi tin (nhưng hơi run khi nói) đó là chính phủ vẫn chưa thích làm mạnh chuyện chuyến sang Linux như Brazin hay New Zealand (bài của zxc232) bởi khi ấy bọn tin tặc chẳng có cách nào ăn trộm passwd email của các GS HC, PT thuộc BVN như vừa rồi. Mọi người dùng Win thì có lợi cho các anh 25 hơn. Không biết có đúng không, nhưng tôi sẽ phải khuyên mọi người dần dần dùng Linux. Dân chủ là cái gì to tát, nhưng an toàn là cái rất gần gũi.

zxc232 said...

Chính phủ VN có quyết tâm cao về PMNM, mời bạn xem bài này :
http://wp.me/p2VXH-5i . "Đòn quyết định của Chính phủ về PMNM"
Điều đó là dễ hiểu vì PMNM giúp tạo đối trọng và giữ được tư thế khi đàm phán với Bill Gate.