3/19/08

Giới thiệu PCLinuxOS 2007

PCLinuxOS (PCLinux Operating System, dưới đây gọi tắt là PCLOS) là một hệ Linux mới được bắt đầu xây dựng năm 2003, nhanh chóng chiếm được sự quan tâm chung. Trên site DistroWatch.com, hệ này luôn đứng trong top 4 hệ Linux được chú ý căn cứ vào số hit của website (cùng với Ubuntu, OpenSUSE và Mint).
Bài viết này giới thiệu sơ bộ vể PCLinuxOS 2007 và so sánh ngắn gọn với (K)Ubuntu.


1.Giới thiệu chung


PCLinuxOS(PCLinux Operating System, dưới đây gọi tắt là PCLOS) là một hệ Linux mới được bắt đầu xây dựng năm 2003, nhanh chóng chiếm được sự quan tâm chung. Trên site DistroWatch.com, hệ này luôn đứng trong top 4 hệ Linuxđược chú ý căn cứ vào số hit của website (cùng với Ubuntu, OpenSUSE và Mint).


Các hệ Linux nổi tiếng gần đây đều phát triển theo hướng thân thiện với người dùng. Với slogan "Radically Simple - Đơn giản một cách cơ bản", PCLOS đặc biệt chú trọng đến định hướng này, có lẽ còn hơn cả Ubuntu.


PCLOS nhằm tới người dùng tại nhà. Tuy nhiên, nó cũng có thể dùng tốt trong môi trường cơ quan, doanh nghiệp.


Lịch sử ra đời PCLOS có thể xem tại đây.


Những điều nêu dưới đây chỉ là rất sơ bộ, dựa trên kinh nghiệm ngắn dùng PCLOS, có thể có những điều sai, thiếu hoặc chưa chính xác.


2.Mô hình kinh doanh


Mô hình kinh doanh có lẽ là điểm yếu của PCLOS so với Ubuntu, OpenSUSE hoặc Fedora. Công ty chỉ gồm "một nhóm rất nhỏ những người tình nguyện làm việc với những tài nguyên rất giới hạn. Không có nhà triệu phú hoặc công ty đỡ đầu nào" như thông báo trên website. Nguồn thu từ tiền cho tặng hảo tâm, bán quyền truy cập đến server hạng nhất (Premium server) và bán các máy tính cũ cài PCLOS với giá 95USD. Hiện có 14 người làm việc trong nhóm phát triển và khoảng 14 người nữa tham gia thêm từ bên ngoài.


Hy vọng là những thành công bước đầu rất đáng kể của PCLOS sẽ thu hút các nhà đầu tư để có một mô hình kinh doanh mạnh hơn. Sức sống lâu dài và mạnh mẽ của một hệ Linux là điểm cơ bản để hệ đó có thể bước chân vào môi trường các cơ quan, doanh nghiệp.


3.Cài đặt


Đĩa cài đặt PCLOS chỉ gồm 1 đĩa CD và có thể chạy theo chế độ LiveCD. Ngay trong quá trình boot máy từ CD, đã xuất hiện một số hướng dẫn (wizard) cài đặt cơ bản (ví dụ: thiết lập kết nối mạng). OpenSUSE không có chế độ LiveCD, còn (K)Ubuntu phải biết trước cách thiết lập mạng để làm bằng tay sau khi boot xong.


Nếu muốn cài đặt, nhấn vào biểu tượng Install trên Desktop. PCLOS sẽ hướng dẫn qua từng bước cài đặt (có cả chế độ cài lên USB). Nội dung các bước tương tự (K)Ubuntu, nhưng giao diện chi tiết và thân thiện hơn (ví dụ mục chọn Partitions). Quá trình cài cũng nhanh hơn (K)Ubuntu (khoảng 20 phút). Khi cài xong, PCLOS chiếm khoảng 2GB ổ cứng.


Cũng như (K)Ubuntu, PCLOS nhận biết được Windows có sẵn trên ổ cứng, tạo một menu khởi động Windows và tự động mount các partitions của Windows vào các thư mục con của /mnt. Khác với Ubuntu, PCLOS chỉ mount các partitions NTFS ở chế độ chỉ đọc (read-only). Muốn mount ở chế độ đọc-ghi phải cài ntfs-3g và sửa lại file /etc/fstab.


4.Phần mềm ứng dụng


PCLinux OS tích hợp sẵn hầu hết các ứng dụng cơ bản theo một quan điểm có vẻ thoáng hơn (K)Ubuntu: một số phần mềm non-free như Flashplayer, driver của card màn hình ATI, NVIDIA cũng được cài sẵn (nhưng không cài win32codecs và DVD decryption do luật Mỹ cấm, người dùng phải tự cài như đối với Ubuntu). Điều này đơn giản cho người dùng, cài xong là gần như dùng được ngay. Trình duyệt web là Firefox, duyệt file (và web) là Konqueror, thư điện tử là Thunderbird, bộ Office là OpenOffice. Các trình ứng dụng và tiện ích khác cũng phong phú hơn (K)Ubuntu.


Trình quản lý phần mềm là Synaptic (như Ubuntu) có vẻ không hay bằng Adept Manager trong Kubuntu. Các phần mềm chia làm bốn loại: main, extra, nonfree và kde và tổng số gói phần mềm có trong các kho là 7712 (ít hơn Ubuntu: 23000). Đây cũng là một nhược điểm so với Ubuntu: search ví dụ từ "mobile" sẽ không thấy có phần mềm KMobileTools. Tất nhiên những phần mềm không có có thể tìm ở nơi khác (kho của Mandriva hoặc Internet).


Phần lớn các kho phần mềm đều có tốc độ tải về rất chậm.


PCLOS hiện có 18 địa chỉ server phần mềm trên thế giới, ít hơn và cũng không bài bản được như (K)Ubuntu (Ubuntu có server riêng cho nhiều nước, khu vực trong đó có Việt nam).


5.Giao diện


PCLOS dùng môi trường đồ họa KDE, do đó hình thức giao diện giống Kubuntu và giống Windows hơn là Gnome. Điểm đặc biệt của PCLOS là giao diện rất đẹp từ cách chọn ảnh nền, các icon, các màn hình splash, ... Nền màn hình rất sáng, kể cả với những theme màu đen.


Do dùng KDE nên bố trí màn hình và các menu hệ thống rất giống Windows, làm quen nhanh.


PCLOS có một chức năng nhận biết được các font của Windows đã cài trước đó và import toàn bộ sang Linux bằng một cú nhấn chuột. Cơ chế cài font của PCLOS cũng khác với (K)Ubuntu, không chỉ đơn giản copy fonts vào thư mục /usr/share/fonts mà có một quá trình convert gì đó. Có lẽ vì thế nên font màn hình của PCLOS đều hiển thị rõ và đẹp dù chọn font gì.


Trong PCLOS đã cài sẵn các phần mềm Beryl, Compiz để tạo hiệu ứng màn hình. Nếu máy có cấu hình đủ mạnh, có thể bật các hiệu ứng này một cách dễ dàng.


6.Tiếng Việt


Bộ gõ tiếng Việt dùng được trong PCLOS là x-unikey, phải dịch và cài từ nguồn (xem bài viết Gõ tiếng Việt trong PCLinuxOS 2007trên blog này). Trong mọi ứng dụng (OpenOffice, ứng dụng web như Gmail, Zoho, instant messaging Kopete...) đều gõ được tiếng Việt, trừ trong OpenOffice Calc trước khi gõ phải nhấn F2.


7.Các tiện ích cấu hình.


Các tiện ích cấu hình là điểm mạnh nhất của PCLOS và theo đúng định hướng thân thiện với người dùng. Cũng như Kubuntu, PCLOS có hai Control Center: một của PCLOS và một của KDE. Đặc điểm chung của PCLOS Control Center:





  • Chia ra nhiều hạng mục chi tiết và có rất nhiều hướng dẫn từng bước (wizard) rất tiện cho người sử dụng.




  • Trong quá trình cấu hình, những phần mềm thiếu sẽ được tự động tải từ Internet về cài.




  • Các tiện ích để thiết lập các chế độ làm việc trong môi trường mạng có khá nhiều. Ví dụ có cả hướng dẫn cài máy thành một máy chủ PDC, BDC của mạng Windows. Riêng phần Network & Internet có tới 11 mục khác nhau.




Khi cài ví dụ máy in HP Laser 1020, PCLOS nhận biết ngay máy in này và báo còn thiếu file firmware phải tải về, nhưng sau đó báo lỗi là không tải được, phải copy file này từ nơi khác vào thư mục /usr/share/foo2zjx/firmware. Trong Kubuntu, phải biết trước là máy in này có driver nằm trong thư mục foo2zjx, trỏ đến đó mới cài được nhưng vẫn thiếu firmware. Nếu tắt máy in, bật lại là không dùng được.


Tiện ích cấu hình của PCLOS dễ dùng, chi tiết và hơn hẳn (K)Ubuntu.


8.Tốc độ


PCLOS có vẻ nhẹ và mở các ứng dụng nhanh hơn Kubuntu là hệ cũng dùng KDE.


9.Kết luận


Cho những nhu cầu thông thường, PCLOS nhanh, nhẹ, đẹp, dễ cài đặt, cấu hình và nói chung là thân thiện với người dùng hơn (K)Ubuntu.


Hai nhược điểm lớn nhất hiện thời là mô hình kinh doanh yếu và kho phần mềm ít hơn (K)Ubuntu. Với đà thành công như hiện nay, hy vọng là hai nhược điểm đó sẽ được khắc phục trong thời gian tới.


Kết luận này cũng chỉ dựa trên thử nghiệm trong một thời gian ngắn.

No comments: