1/3/09

Đòn quyết định của Chính phủ về phần mềm nguồn mở.

Kết thúc năm 2008 đầy khó khăn và chào đón năm 2009 đầy bất trắc, Chính phủ đã có một đòn quyết định về phần mềm nguồn mở bằng chỉ thị số  07 /2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 của bộ Thông tin - Truyền thông với thái độ kiên quyết và chỉ tiêu định lượng rõ ràng:

1- Chỉ thị này liên quan đến việc ứng dụng các phần mềm nguồn mở đã có trong Danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước (gồm các phần mềm: văn phòng OpenOffice, thư điện tử trên máy trạm Mozilla ThunderBird, trình duyệt web Mozilla FireFox và bộ gõ tiếng Việt Unikey). Danh mục này mở và sẽ còn tiếp tục bổ xung.

2- Chỉ thị bao trùm toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước dưới hình thức hơi vòng vo một chút: ".... chỉ thị cho: Các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là Bộ, ngành) và các Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh, thành phố). (tất nhiên, bộ TT-TT chỉ có thể ra lệnh cho các đơn vị thuộc ngành dọc)

tuy nhiên yêu cầu cụ thể và định lượng thì bao gồm tất cả hệ thống quản lý nhà nước:

" Chậm nhất đến ngày 31/12/2009, đảm bảo 70% máy trạm trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố được cài đặt, 70% cán bộ, nhân viên được tập huân, hướng dẫn sử dụng, trong đó tối thiểu 40% cán bộ, nhân viên sử dụng các phần mềm nêu trên trong công việc.

Có kế hoạch để từng bước nâng dần số văn bản, tài liệu, thông tin trao đổi trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố được soạn thảo, xử lý bằng các phần mềm nêu trên; đảm bảo đến ngày 31/12/2010 hầu hết cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố sử dụng các phần mềm nêu trên trong công việc."

Chỉ thị này có lẽ là chỉ thị thứ hai của Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (sau chỉ thị về đội mũ bảo hiểm) có tính cách đột phá, phạm vi rộng. Có đạt được hiệu quả như việc đội mũ bảo hiểm không thì còn phải chờ hồi sau sẽ rõ. Tuy nhiên, có mấy điểm thấy ngay:

1- Giọng điệu kiên quyết, rõ ràng, có chỉ tiêu định lượng, có thời hạn hoàn thành, có cá nhân chịu trách nhiệm.
Chỉ thị này không đột ngột. Nó là một cột mốc của một quá trình bắt đầu từ:

  • Quyết định số 235/2004/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án tổng thể về Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008,

  • Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg quy định phải " Ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở",

  • Quyết định số 08/2007 của Bộ TT-TT ban hành ngày 24/12/2007, những cơ quan, tổ chức khi sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sẽ phải ưu tiên ứng dụng các sản phẩm phần mềm nguồn mở

  • và một quy định sắp ban hành của bộ TT-TT yêu cầu phải dành tối thiểu 10% ngân sách IT cho phần mềm nguồn mở.


2- Việc lựa chọn 4 phần mềm nói trên là đúng và khôn khéo, đảm bảo thành công, đặc biệt là OpenOffice. Những ai đã từng dùng OpenOffice đều thấy rằng trong lĩnh vực quản lý nhà nước (chủ yếu là soạn văn bản, bảng tính đơn giản) thì mang tiền đi mua Microsoft Office là một việc làm lãng phí và vô trách nhiệm đến chừng nào. Thà mua Windows nghe còn có lý hơn, mặc dù trong hệ thống hành chính văn phòng, dùng Windows cũng là lãng phí.

3- Trong năm 2008, các hoạt động bảo vệ bản quyền tại Việt nam diễn ra khá nhộn nhịp. Hoạt động thanh tra bản quyền diễn ra suôt năm với nhịp độ chưa từng có, lần đầu tiên các cơ quan chính phủ ký hợp tác bảo vệ bản quyền với BSA, tổ chức chuyên về bảo vệ bản quyền nước ngoài, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ thăm Việt nam cũng bày tỏ quan ngại về vi phạm bản quyền,...Tính "tự giác" của chúng ta tôn trọng các cam kết quốc tế lúc gia nhập WTO cộng với sức ép bên ngoài có lẽ là một trong những nguyên nhân ra đời chỉ thị này. Chủ trương này giúp chúng ta có thế mạnh "đối trọng" để thương thuyết trong những phi vụ mua bản quyền phần mềm, không để cho bất cứ nhà cung cấp độc quyền nào áp đặt.

Trước đây, với hệ thống Viễn thông - Internet, Việt nam đã là một trong những nước đi đầu trên thế giới tiến vào công nghệ mũi nhọn mà kết quả thì ngày nay chị quét rác cũng có mobile phone, Internet lan khắp hang cùng ngõ hẻm.

Trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, Đảng là người đi đầu trong việc ứng dụng phần mềm nguồn mở với chủ trương dùng Linux trên cả máy trạm và máy chủ. Với chỉ thị này, sau Hà lan có lẽ Việt nam là nước thứ hai quyết định dùng phần mềm nguồn mở trong hệ thống quản lý nhà nước.

Chúng ta có quyền tự hào về điều đó!

Khi mà ứng dụng Công nghệ Thông tin còn yếu, chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở càng sớm càng tốt, tránh được những hậu quả phải khắc phục khi căn bệnh "nghiện Windows" đã tràn lan. Chung sống hài hoà giữa phần mềm nguồn mở và nguồn đóng, sử dụng chúng một cách hợp lý, tiết kiệm là chủ trương đúng đắn nhất hiện nay.

Bước tiếp theo rất nên làm và hoàn toàn khả thi là dùng Linux trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước (phối hợp với một hàm lượng nhỏ Windows trong thời kỳ chuyển tiếp).

Đối với các cán bộ triển khai, các fan của phần mềm nguồn mở, chỉ thị này đúng là cây gậy họ đang cần. Cám ơn Mr. Lê Doãn Hợp!

Ở trên toàn là mầu hồng, pha thêm tý xám vào cho nó cân bằng:

1- Bắt dân đội mũ bảo hiểm thì dễ, bắt chính đội ngũ công chức của mình tuân theo một chủ trương thống nhất, thay đổi thói quen thì ??? Liệu bộ TT-TT có thể "chỉ thị" cho các bộ, ngành, tỉnh, thành phố khác không? Đây là chủ trương chung của Chính phủ hay sáng kiến riêng của bộ TT-TT?


2- Trích: " d) Các doanh nghiệp phần mềm, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT: Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ phần mềm nói chung và PMNM nói riêng cho các cơ quan nhà nước theo hướng coi phần mềm như là dịch vụ (SaaS)". Tay chuyên viên nào chấp bút đoạn này chắc không hiểu điều mình viết!

3- Có ý kiến nói unikey không thực sự mở?

4 comments:

tainhi said...

nghe mùi phong trào ?

XelNaga said...

haizz, liệu có thực hiện được ko đây

comandos06 said...

Chỉ thấy chính phủ ta nói dùng phần mềm mã nguồn mở nhưng lại khồng thấy nói dùng hệ điều hành gì nhỉ !!!
Mình thấy các công ty hay các doanh nghiệp đều công bố cái nayg !!!

Thiên đường phía trước said...

Tôi hoàn toàn nhất trí với qui định của Thủ tướng chính phủ và mong sao sớm đưa vào thực hiện. Để làm tốt điều này đòi hỏi trước tiên ở những người có trách nhiệm, có kiến thức về CNTT đi trước 1 bước mở đường soi sáng cho những tầng lớp sau. Thực tế cho thấy 4 phần mềm mở qui định dùng trên là hết sức đúng đắn, và cơ bản tình hình chung trong mọi cơ quan nhà nước mới sử dụng những chức năng rất thông thường của các phần mềm bản quyền như MS OFFICE, VietKey, các phần mềm duyệt Mail,IE. Do vậy nếu mua quả là tốn kém và vung phí, trong khi các phần mềm nguồn mở đảm bảo tốt yêu cầu người sử dụng. Quan trọng nhất là thay đổi thói quen người dùng, chỉ có lớp trẻ là dễ dàng. Tôi hô hào đất nước ta phải trẻ lại, tình giấc mộng mỵ say sưa về những điều nhỏ bé đã làm được, hãy cập nhật tin tức, đổi mới bản thân, đổi mới tư duy, đổi mới phong cách, lề lối, thói quen làm việc. Đổi mới, đổi mới, đổi mới...