12/30/07

Các đại công ty tin học và phần mềm nguồn mở

CÁC ĐẠI CÔNG TY TIN HỌC VÀ PHẦN MỀM NGUỒN MỞ


zxc232


Phong trào phần mềm nguồn mở ban đầu chỉ là “thú chơi” nghiệp dư của một số lập trình viên nay đã phát triển thành một trào lưu lớn, lôi cuốn cả các đại công ty tin học vào cuộc. Tìm hiểu tình hình này cũng là một cách để:





  1. Thấy được sức mạnh, tính nghiêm chỉnh và tương lai của phần mềm nguồn mở.




  2. Hiểu được rằng phần mềm nguồn mở không chỉ giới hạn ở máy tính để bàn. Thực tế nó phát huy sức mạnh đầu tiên ở các máy chủ và các ứng dụng cỡ lớn do các ưu điểm vốn có của nó.




Bài viết này sử dụng các tư liệu Internet. Nhấn vào các link để xem chi tiết.



I.SUN MICROSYSTEMS


Sun, cũng giống như IBM, là một công ty sản xuất cả phần cứng lẫn phần mềm, có những đóng góp rất lớn cho phong trào phần mềm nguồn mở. Sun là công ty đã nguồn mở hóa các sản phẩm của mình nhiều nhất so với bất kỳ công ty nào khác, mà lại toàn là những sản phẩm lớn, chủ yếu nhất của Sun.


Hệ điều hành Solaris của Sun là một hệ điều hành Unix mạnh. Từ cuối năm 2006, Solaris được chuyển thành hệ điều hành nguồn mở trong dự án OpenSolaris với hơn 60.000 thành viên tham gia, trong đó có 2000 người làm việc ăn lương của Sun. Theo Sun, Solaris có nhiều ứng dụng hơn bất kỳ hệ điều hành nguồn mở nào khác (khoảng 6000 ứng dụng).


Bộ phần mềm văn phòng StarOffice của Sun cũng được chuyển thành phần mềm nguồn mở với tên OpenOffice từ tháng 7/2000 (Sun tiếp tục bán StarOffice như phiên bản thương mại của OpenOffice với giá 70USD).


Từ tháng 11/2006, công nghệ Java nổi tiếng của Sun cũng trở thành sản phẩm nguồn mở.


Ngay cả bộ vi xử lý UltraSPARC 64bit của Sun cũng được nguồn mở hóa trong dự án OpenSPARC từ tháng 12/2005. Sun cung cấp thiết kế, mã nguồn bộ lệnh, các phần mềm công cụ,... của UltraSPARC theo giấy phép phần mềm nguồn mở GPL. Đây là một loại vi xử lý mạnh dành cho server và workstation.


Có thể nói Sun là một công ty kỳ lạ, “say mê” mở toang mọi bí mật thương mại của mình ra cho tất cả mọi người.



II. IBM


IBM hỗ trợ phần mềm nguồn mở cả trong ba lĩnh vực phần cứng, phần mềm và dịch vụ.


Về phần cứng, IBM có các dòng máy chủ chạy Linux:





  • Các siêu máy tính (supercomputer): trong danh sách Top500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới tháng 11/2007, hai vị trí hàng đầu thuộc về siêu máy tính BlueGene/L của IBM. Siêu máy tính này chạy hệ điều hành hỗn hợp CNK/SLES 9 (SUSE Linux Enterprise Server 9) và SLES 9. Đáng chú ý là trong danh sách Top500, số siêu máy tính chạy Linux chiếm 85,20%.




  • Các máy chủ cỡ lớn (mainframe server) thuộc họ IBM System z chạy các hệ điều hành Linux (SUSE) và các giải pháp ứng dụng Linux.




  • Các dòng máy chủ khác của IBM cũng hỗ trợ Linux: IBM System x, System i, System p, BladeCenter, System Cluster và hệ thống lưu trữ mạng System Storage. Hai bản Linux được IBM chính thức hỗ trợ là RedHat và Novell SUSE.




Về phần mềm, IBM hỗ trợ phần mềm nguồn mở ở những mặt sau:





  • IBM có một Trung tâm Công nghệ Linux với hơn 600 kỹ sư phần mềm làm việc cho hơn 100 dự án phần mềm nguồn mở.




  • Hơn 500 phần mềm của IBM chạy trên nền Linux. Trong đó có hầu hết các sản phẩm lớn của IBM như:








    • Phần mềm cơ sở dữ liệu cỡ lớn DB2 và Informix. Đây là những phần mềm cơ sở dữ liệu ngang tầm với Oracle và SQL Server.




    • Họ phần mềm làm việc cộng tác Lotus (trong đó có bộ phần mềm văn phòng Lotus Symphony dựa trên nền OpenOffice),




    • Công cụ phát triển phần mềm Rational. Đây là bộ công cụ rất mạnh cho mọi giai đoạn từ A đến Z của quá trình phát triển phần mềm.




    • Phần mềm quản lý hạ tầng nghiệp vụ Tivoli. Phần mềm này quản lý một loạt hạ tầng mạng nghiệp vụ: quản lý ứng dụng, lỗi, các dịch vụ, cấu hình máy, an ninh,...




    • Phần mềm máy chủ ứng dụng WebSphere.








  • Một số phần mềm của IBM có phiên bản nguồn mở (Community Edition), ví dụ WebSphere hoặc dựa trên một phần mềm nguồn mở, ví dụ Lotus Symphony. IBM có riêng một loại giấy phép phần mềm nguồn mở.




Về dịch vụ, IBM cung cấp một loạt dịch vụ liên quan đến Linux: thiết kế, lên kế hoạch, triển khai, hỗ trợ, quản lý các hệ thống Linux mới hoặc chuyển từ các hệ thống khác sang Linux.



III.ORACLE


Oracle là một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới. Các sản phẩm chính của công ty gồm: hệ quản trị cơ sở dữ liệu Oracle (đứng đầu thế giới về thị phần), các phần mềm trung gian (midleware): máy chủ ứng dụng (Application Server), quản lý quá trình nghiệp vụ (Business Process Management), quản lý nội dung (Content Management),..., các bộ phần mềm ứng dụng (Oracle E-Business Suite, ...).


Các phần mềm của Oracle đều là những sản phẩm lớn, đắt tiền chủ yếu phục vụ cho các khách hàng lớn.


Theo Oracle: “Hiện nay, nhiều khách hàng đang sử dụng Oracle cùng với các công nghệ nguồn mở trong những môi trường cực kỳ quan trọng ( mission-critical environments) và thu được những lợi ích do chi phí thấp, dễ quản lý, tính sẵn sàng và độ tin cậy cao cùng với các ưu điểm về tốc độ và khả năng mở rộng”.


Theo một báo cáo của hãng Gartner, năm 2006 Linux là hệ điều hành tăng trưởng nhanh nhất (67%) trong thị trường các hệ quản trị cơ sở dữ liệu. Trong thị trường CSDL trên nền Linux, Oracle chiếm 82,6%.


Các phần mềm khác của Oracle cũng đang được xây dựng để chạy trên nền Linux.


Oracle có riêng một dịch vụ hỗ trợ Linux gọi là Oracle Unbreakable Linux chỉ sau 9 tháng triển khai đã có hơn 1500 khách hàng lớn: Mitshubishi, Nissan,...Bộ Linux của Oracle (Oracle Enterprise Linux) dựa trên nền RedHat. Gần đây, phần mềm Veritas Data Center của Symantec đã được xác nhận là chạy tốt trên nền hệ điều hành này.



IV.NOVELL


Novell là hãng phần mềm một thời nổi tiếng với hệ điều hành mạng Novell Netware. Nay sản phẩm chính của hãng là hệ Linux SUSE với các bộ SUSE Linux Enterprise Server 10SUSE Linux Enterprise Desktop 10 .


Cũng như một số các hãng kinh doanh phần mềm nguồn mở khác (Sun, IBM, RedHat,...), ngoài các sản phẩm Linux thương mại như hai hệ điều hành trên, Novell có một hệ điều hành nguồn mở OpenSUSE miễn phí dành cho cộng đồng.


Novell có một thỏa thuận riêng với Microsoft đảm bảo tính tương tác, kết nối giữa các sản phẩm Linux và Windows trong các môi trường mạng hỗn hợp. Vì vậy, SUSE thường được các tổ chức lớn (ngân hàng HSBC – 9.500 chi nhánh, 284.000 nhân viên tại 76 nước, 125 triệu khách hàng; nhà cung cấp sản phẩm văn phòng Office Depot – 15,5 tỷ USD doanh số, 52.000 nhân viên, chi nhánh tại 43 nước; ....) chọn.



V.DELL


Dell là một trong ba nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới. Năm 2007, Dell cũng là hãng máy tính lớn đầu tiên chính thức cài đặt, hỗ trợ hệ điều hành Linux Ubuntu trên một số loại máy tính để bàn và xách tay của hãng.


Theo Dell: “Ưu điểm của phần mềm nguồn mở là tin cậy hơn, linh hoạt hơn, cập nhật và sửa lỗi nhanh hơn, chi phí thấp hơn [Windows]. Hơn nữa, nếu bạn là chuyên gia lập trình, bạn có thể tinh chỉnh, sửa đổi mã nguồn để điều chỉnh hoàn toàn phần mềm làm đúng những điều bạn muốn. Nhược điểm của phần mềm nguồn mở là một số phần mềm cần phải có hiểu biết thêm hoặc sâu mới dùng được và hệ điều hành nguồn mở có thể không tương thích với các ứng dụng và phần cứng như Windows”.


Các máy tính của Dell cũng hỗ trợ các hệ Linux RedHat, Novell SUSE, Oracle Linux.



VI.Hewlett-Packard (HP)


HP là nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới. HP rất tích cực hỗ trợ phong trào phần mềm nguồn mở.


Hiện tại, HP có hơn 2.500 kỹ sư lập trình chuyên về Linux và phần mềm nguồn mở, 6.500 nhân viên trên toàn cầu chuyên cung cấp các dịch vụ về Linux và phần mềm nguồn mở và hơn 200 sản phẩm có phần mềm nguồn mở.


HP cũng là nhà bảo trợ cho nhiều tổ chức nguồn mở cũng như nhiều dự án nguồn mở lớn.


HP đã cung cấp hơn 1.200 driver máy in nguồn mở, hơn 200 gói phần mềm nguồn mở các loại khác.


HP cũng trực tiếp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, đào tạo về Linux và phần mềm nguồn mở.








private:stream Page 1 of 5




No comments: