12/23/07

Phần mềm nguồn mở và khả năng ứng dụng

Bài viết giới thiệu chung về phần mềm nguồn mở và khả năng ứng dụng ở nước ta:
























PHẦN MỀM NGUỒN MỞ VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG



Giới thiệu chung


Bài viết này giới thiệu các khái niệm cơ bản về phần mềm nguồn mở (PMNM), các đặc điểm, xu hướng phát triển, kinh nghiệm ứng dụng và khả năng ứng dụng tại nước ta.


Đối tượng nhằm đến là những người sử dụng máy tính bình thường, các cấp lãnh đạo có liên quan đến ứng dụng tin học. Do đó các khái niệm, thuật ngữ cố gắng trình bày một cách dễ hiểu nhất (đôi khi có thể không chính xác, chặt chẽ như cần phải có). Các vấn đề nêu dưới đây có tính chất khái niệm, giới thiệu chung. Có thể tìm hiểu chi tiết, cách làm cụ thể qua ví dụ tại website Opera nêu dưới đây hoặc tại rất nhiều website hướng dẫn trên Internet.


Phần mềm nguồn mở không phải là cái gì cao siêu, khó học, khó ứng dụng. Người có trình độ máy tính trung bình với những tài liệu hướng dẫn chi tiết bằng tiếng Việt tại đây, hoàn toàn có thể tự cài đặt, học sử dụng trong vòng một vài ngày cho các nhu cầu văn phòng thông thường, thay thế được Windows.


Trong hơn nửa năm qua, tại văn phòng tập đoàn Vinashin đã thí điểm cài đặt bộ phần mềm Linux Kubuntu trên hơn 1/3 số máy tính cá nhân có kết nối vào mạng chung. Đến nay có thể thấy rằng về cơ bản, hoàn toàn có thể dùng phần mềm nguồn mở trong tin học văn phòng (kể cả trong giao dịch quốc tế) thay thế cho Windows và MS Office.


Ngoài phần mềm trên máy tính cá nhân, phần mềm nguồn mở cũng có đầy đủ các loại dành cho máy chủ, các ứng dụng nghiệp vụ (lớn như ERP, chuyên nghiệp như chế bản, xử lý ảnh,...), các tiện ích (ghost, quét virus, mã hóa,....). Tất cả đều có trên Internet.


Các hướng dẫn cài đặt, sử dụng cụ thể bằng tiếng Việt cũng như kinh nghiệm được nêu trong địa chỉ Opera nói trên. Phần mềm có thể download từ Internet hoặc liên hệ với Trung tâm Tin học.



Tại sao nên dùng phần mềm nguồn mở


(Chi tiết về các điều dưới đây xem ở phần sau)




  1. Ứng dụng phần mềm nguồn mở là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ và cũng là một trào lưu đang phát triển rất mạnh trên thế giới.

  2. Phần mềm nguồn mở thường miễn phí hoặc có phí hỗ trợ thấp hơn phần mềm bản quyền cũng loại nhiều. Có những phần mềm nguồn mở (đặc biệt là phần mềm máy chủ) có tính năng, độ tin cậy cao hơn phần mềm nguồn đóng và được sử dụng phổ biến hơn (ví dụ các phần mềm Mail server, Web server).

  3. Phần mềm nguồn mở kiểm soát được nội dung (trực tiếp hoặc gián tiếp) do đó đảm bảo an ninh máy tính. Virus và spyware hầu như không có nên cũng tránh được bị ăn cắp dữ liệu, hỏng dữ liệu và gián đoạn công việc khi phải diệt virus, cài lại máy.

  4. Dùng phần mềm nguồn mở ở quy mô lớn sẽ tạo thế độc lập tự chủ cho quốc gia, tránh bị lệ thuộc vào những nhà cung cấp phần mềm độc quyền, tạo cơ sở thương lượng đàm phán về giá.


Phần mềm nguồn mở là gì?


Khi lập một phần mềm máy tính, người lập trình đầu tiên phải viết một chương trình nguồn (hoặc mã nguồn - source code). Chương trình nguồn được viết bằng một trong các ngôn ngữ lập trình (C, Java, Fortran, v.v....) gồm các lệnh tạo nên nội dung chương trình mà mọi người đã học ngôn ngữ lập trình đó đều hiểu được.


Ví dụ:              y=x+a


Go to 115


Đoạn chương trình trên gồm hai lệnh: đầu tiên tính biểu thức y=x+a sau đó chuyển đến thực hiện lệnh số 115.


Sau đó chương trình nguồn được dịch (compile) sang ngôn ngữ máy (mã máy – binary code) là ngôn ngữ mà máy tính đọc hiểu và thực hiện được (nhưng người thì nói chung là không hiểu). Chương trình dưới dạng mã máy được cài lên ổ cứng máy tính để máy đọc và thực hiện các lệnh theo yêu cầu.


Phần mềm nguồn mở (open source software) là những phần mềm được công bố cả mã nguồn và mã máy cho mọi người tự do: sử dụng, cho hoặc bán lại, tìm hiểu nội dung, thay đổi, cải tiến.


Một tên gọi khác là Phần mềm tự do (Free sofware, có đôi chút phân biệt trong khái niệm) là phần mềm phải công bố kèm mã nguồn mà mọi người dùng có thể:




  • dùng phần mềm cho bất kỳ mục đích gì (Tự do 0)

  • tìm hiểu xem phần mềm làm việc như thế nào và sửa đổi nó phù hợp với nhu cầu của người dùng (đọc và sửa mã nguồn rồi biên dịch lại ra mã máy để chạy). Nghĩa là người dùng điều khiển phần mềm chứ không phải phần mềm điều khiển người dùng. (Tự do 1)

  • phân phối lại để giúp người khác cũng được sử dụng (Tự do 2).

  • cải tiến phần mềm và công bố sự cải tiến đó công khai sao cho mọi người đều có thể sử dụng (Tự do 3).


Tuy nhiên, sự tự do nói trên cũng phải tuân theo một số điều kiện nhất định. Mỗi phần mềm nguồn mở được công bố kèm theo một giấy phép sử dụng (license). Có hàng chục loại giấy phép phần mềm nguồn mở khác nhau, tuân thủ các điều kiện cơ bản trên và khác nhau về các quy định chi tiết. Một trong các loại giấy phép phổ biến nhất là GPL (GNU General Public License).


Đại đa số phần mềm nguồn mở là miễn phí. Tuy nhiên, cũng có những phần mở có thu phí dưới các hình thức khác nhau (phí hỗ trợ, nâng cấp, ....) nhưng đều rẻ hơn phần mềm nguồn đóng rất nhiều.


Phần mềm nguồn đóng là những phần mềm chỉ được công bố dưới dạng mã máy (có thể miễn phí như Acrobat Reader hoặc có thu phí như Windows). Do đó người sử dụng chỉ có thể dùng phần mềm đúng như nó có, không thể tìm hiểu nội dung, sửa đổi, cải tiến gì được. Ngoài ra, các giấy phép phần mềm nguồn đóng quy định chặt chẽ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng (vd: chỉ được cài trên một máy, ....).



Tóm tắt lịch sử và hiện trạng


Phần mềm nguồn mở đầu tiên được công bố năm 1977 là hệ điều hành Unix BSD có thu phí tượng trưng. Phong trào phần mềm nguồn mở thực sự phát triển từ khi công bố hệ điều hành Linux đầu tiên tổ hợp phần nhân của Linus Torvads và hệ điều hành Unix GNU của Stallman vào năm 1991. Như vậy lịch sử phần mềm nguồn mở mới chỉ chưa đầy 20 năm.


Cho đến nay, phần mềm nguồn mở đã và đang trở thành một phong trào phát triển cực kỳ mạnh mẽ, có ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực:




  • Hệ điều hành các máy chủ, từ cỡ lớn nhất (vd: mainframe System z của IBM chạy hệ điều hành SUSE Linux Enterprise Server) cho đến những loại máy chủ thông dụng nhất ( máy chủ web Apache, máy chủ email Qmail,... ).

  • Các loại ứng dụng từ chuyên biệt như quản trị doanh nghiệp ERP (OpenBravo),  cơ sở dữ liệu cỡ lớn Oracle, đến phổ thông như phần mềm văn phòng (OpenOffice) v.v.....


Trước đây khoảng 5 năm, phần mềm nguồn mở còn rất khó học, khó sử dụng. Hiện nay, phần mềm nguồn mở đã phát triển đủ độ chín, có thể học cài đặt, sử dụng trên máy để bàn rất nhanh, không khó khăn gì.


Ban đầu, phần mềm nguồn mở là một phong trào tự phát, các nhà lập trình làm việc tự nguyện ngoài giờ (và hiện cũng vẫn thế). Đến nay, phần mềm nguồn mở đã lớn mạnh, thực sự đang là một cuộc cách mạng lôi cuốn được các công ty tin học lớn hàng đầu thế giới như IBM, Oracle, Dell, Intel, ... (nhấn vào tên các công ty để biết thêm nội dung) tham gia ở những mức độ, quy mô khác nhau.


Một vài hàng tin ngắn dưới đây cho thấy quy mô ứng dụng phần mềm nguồn mở trong thực tế:




  1. Quốc hội Pháp đang bắt đầu một cuộc cách mạng của riêng mình: chuyển từ Windows sang phần mềm nguồn mở. Khi Quốc hội họp vào tháng 6/2007 tới, các nghị sỹ sẽ làm việc trên 1154 máy tính chạy Ubuntu Linux. (13-3-2007)
    (Nguồn: http://desktoplinux.com/news/NS6755477184.html )

  2. Ba công ty Brazin đang tiến hành khai triển các máy tính chạy Linux cho chương trình "Máy tính dành cho mọi người" của chính phủ Brazin. Dự kiến hàng tháng sẽ giao 10,000 máy, 50,000 máy đã được giao. Công ty không nói rõ tổng số máy sẽ giao là bao nhiêu. (13-2-2007)
    (nguồn: http://www.desktoplinux.com/news/NS8553667891.html )

  3. Tại triển lãm Giải pháp Linux Paris 30-1-2007, Hãng chế tạo ôtô lớn thứ hai châu Âu Peugeot Citroen đã ký với công ty phần mềm Novell hợp đồng khai triển 20,000 bộ Novell SUSE Linux cho máy tính cá nhân và 2,500 bộ phần mềm SUSE Linux Enterprise dành cho máy chủ.
    (nguồn: http://www.desktoplinux.com/news/NS9524633069.html )

  4. Hãng tin Bloomberg báo cáo rằng Linux đã chính thức thắng trên 14,000 máy tính của chính quyền bang Munich, Ðức sau một quá trình xem xét dài trong đó Microsoft đã giảm giá và đích thân Tổng Giám đốc Microsoft Steve Balmer đi vận động. (14-6-2004)
    (nguồn: http://www.desktoplinux.com/news/NS7137390752.html )

  5. HSBC, một ngân hàng lớn của Anh có 125 triệu khách hàng toàn cầu, 9,500 văn phòng với 284,000 nhân viên tại 76 nước, đã quyết định chuẩn hóa hệ thống Linux theo một hệ SUSE Linux  (ngoài hạ tầng Windows, HSBC có khoảng vài nghìn máy chủ Linux). (13-3-2007)


(nguồn: http://www.eweek.com/article2/0,1895,2103557,00.asp )




  1. Hà lan thống nhất dùng phần mềm nguồn mở:Chính phủ Hà lan đã đặt ra thời hạn cuối cùng là tháng 4/2008, tất cả các cơ quan chính phủ phải bắt đầu sử dụng phần mềm nguồn mở. Những đơn vị nào dùng phần mềm bản quyền phải có luận chứng trình duyệt.


(nguồn: AP


http://ap.google.com/article/ALeqM5gK-b7SFzG8QLvOOlfdt_cPMnFmwD8TGNLJ80 )


Như vậy có thể thấy rằng phần mềm nguồn mở đang được sử dụng trong một phạm vi rất rộng (từ hành chính, sản xuất, ngân hàng đến đại chúng) tại các quốc gia tiến tiến nhất. Không có lý gì tại Việt nam với niềm tự hào về trí thông minh dân tộc và trình độ phát triển còn thấp lại không thể ứng dụng được.


Tại Việt nam, phần mềm nguồn mở được coi là một hướng chiến lược trong phát triển tin học quốc gia. Tóm tắt một vài sự kiện gần đây:




  • Ngày 2/3/2004 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235/2004/QĐ-TTg phê duyệt Dự án tổng thể "Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004- 2008" (http://www.mic.gov.vn/details_law.asp?Lawdoc_ID=100323 )

  • QUYẾT ĐỊNH của Thủ tướng Chính phủ số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2006 “Quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước” nêu rõ “ Ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở...”. (http://home.vnpost.vn/Portals/0/Vanban/Phapluat/181178176.doc)

  • Từ năm 2008, hơn 20 000 máy tính của các cơ quan Đảng sẽ chuyển sang dùng, hệ điều hành máy chủ và máy trạm là Linux, bộ phần mềm văn phòng mã nguồn mở OpenOffice (http://vietnamnet.vn/cntt/2007/10/752147/.)

  • Đến lượt ngành giáo dục bỏ Microsoft Office


ICTnews- Tất cả máy tính để bàn của ngành giáo dục cả nước sẽ chuyển sang sử dụng phần mềm văn phòng nguồn mở OpenOffice vào năm tới, coi đó là một chỉ tiêu thi đua.


Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng trên cả nước khai thác và sử dụng bộ phần mềm văn phòng OpenOffice trong quản lý và giảng dạy.


Trong công văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định phần mềm OpenOffice với các môđul soạn thảo văn phòng (Writer), bảng tính điện tử (Spreasheet), đồ hoạ (Draw), trình chiếu (Presentation) và cơ sở dữ liệu (Base) hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu sử dụng trong công tác giảng dạy, tương đương với Microsoft Office. Việc mua bản quyền phần mềm Microsoft Office của Microsoft sẽ do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) làm đầu mối, các đơn vị không được tự mua phần mềm này.


Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc cài đặt OpenOffice dự kiến sẽ bắt đầu triển khai đồng loạt trong toàn ngành giáo dục trong năm 2008. Để "ốp" các đơn vị trong ngành thực hiện, ông Ngọc nói sẽ đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc sử dụng phần mềm OpenOffice là chỉ tiêu thi đua trong ngành.


Ngoài OpenOffice, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng sử dụng bộ gõ tiếng Việt mã nguồn mở Unikey và trình duyệt nguồn mở FireFox trong công tác giảng dạy.


Hiện nay, toàn bộ các máy tính của các cơ quan Đảng đã được chuyển sang dùng bộ phần mềm văn phòng Open Office. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá OpenOffice và dự kiến sẽ có hướng dẫn việc dùng Open Office trong các cơ quan nhà nước.


(nguồn: http://www.ictnews.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=7656&ChannelID=4# )



Một vài đặc điểm của phần mềm nguồn mở


Xây dựng một phần mềm nguồn mở gần giống như lắp đồ chơi Lego. Trên Internet có rất nhiều gói phần mềm linh kiện miễn phí mà bạn có thể tùy ý lựa chọn và lắp ráp ra bất kỳ phần mềm nào tùy thích. Thậm chí, có thể lấy nguyên một hệ điều hành, thêm bớt sửa chữa theo ý mình, đặt một tên khác (một hệ điều hành Linux Vinashin chẳng hạn). Cũng có thể chọn lấy những “đồ chơi” đã lắp sẵn là các phần mềm ứng dụng, tải về cài lên máy để dùng. Linh kiện Lego thì không thay đổi được, còn các “linh kiện” phần mềm có thể tháo ra xem, thay đổi, sửa chữa tùy thích nếu bạn có đủ trình độ. Tóm lại là hoàn toàn tự do và miễn phí, bạn chỉ phải tuân theo giấy phép nguồn mở đi kèm phần mềm đó. Khi viết một phần mềm nguồn mở, bạn đã kế thừa công sức, trí tuệ của cả tập thể phần mềm nguồn mở trên toàn thế giới.


Trên site http://sourceforge.net/ , một site lớn lưu trữ các dự án PMNM, hiện có 163,582 dự án phần mềm đăng ký với 1,739,131 user. Riêng số hệ điều hành Linux được theo dõi trên site DistroWatch.com là 365 bộ.


Việc công khai mã nguồn là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính trong sạch, an ninh cho phần mềm nguồn mở. Vì bất cứ ai cũng có thể xem được mã nguồn nên cũng không ai có thể cài các đoạn mã độc (ăn cắp dữ liệu, virus, tạo cổng hậu,...) mà không bị phát hiện. Cẩn thận hơn, có thể rà soát lại từng dòng mã nguồn, sau đó tự biên dịch sang mã máy để dùng. Đây là một ưu thế của phần mềm nguồn mở trong các lĩnh vực nhạy cảm về an ninh. Khi dùng các phần mềm mã đóng, ta chỉ có một chỗ dựa duy nhất là tin tưởng vào hãng viết ra phần mềm đó. Trước đây vài năm, ở Mỹ rộ lên tin đồn là Microsoft có để cổng hậu trong Windows theo yêu cầu của FBI. Mặc dù Microsoft ra sức thanh minh nhưng điều đó không thể có kiểm chứng độc lập. Một nghiên cứu về ứng dụng phần mềm nguồn mở trong quân sự xem tại đây .


Một trong những khía cạnh an ninh và tiện dụngnổi bật của phần mềm nguồn mở hiện nay là nó hầu như không có virus và phần mềm gián điệp (spyware). Một nghiên cứu gần đây cho thấy hiện có khoảng 60.000 virus Windows (trong đó có vài trăm virus có sức tàn phá lớn), và khoảng 40 virus Linux (không có virus nào có sức tàn phá lớn). Một trong những lý do là những kẻ viết virus chưa tập trung vào Linux là môi trường còn ít phổ biến, nhưng đó không phải là lý do chủ yếu. Thiết kế an ninh tốt của các hệ Unix, Linux và nhiều lý do khác làm cho việc viết virus cho nó rất khó và cũng khó lan truyền, chi tiết xem thêm tại đây. Nếu như trước đây, virus Windows chỉ xóa file, làm hỏng hệ điều hành thì ngày nay các phần mềm gián điệp ăn cắp mật khẩu và thông tin gửi về cho chủ, tạo các cổng hậu trong máy cho người khác thâm nhập, điều khiển máy tính của bạn từ xa đang là mối lo cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong thời buổi cạnh tranh hiện nay. Trên các hệ Linux hiện cũng có  chương trình chống virus nhưng chủ yếu là virus Windows để tránh lây nhiễm khi giao tiếp sang máy Windows.


Khi bắt buộc phải trả phí bản quyền thì phần mềm nguồn đóng tạo ra nhiều lãng phí. Mặc dù chỉ cần soạn văn bản dùng WinWord là đủ nhưng bạn buộc phải mua cả bộ MS Office. Chỉ cần duyệt và sửa bản vẽ đôi chút mà mua AutoCAD 4000USD là điều khó chấp nhận được. Nhất định đòi dùng Windows Vista sẽ kéo theo chi phí nâng cấp máy lớn.


Phần mềm nguồn mở tạo cơ hội cho người sử dụng chọn đúng cái mình cần và hơn cái mình cần mà không mất một khoản phí nào. Để soạn văn bản có thể dùng các phần mềm ít tính năng như Abiword, Kword cho đến bộ OpenOffice hoàn chỉnh. Hệ điều hành Ubuntu có từ những bản dùng cho máy cũ, cấu hình thấp Xubuntu, đến bản đẹp cho máy mạnh Ubuntu có đồ họa 3 chiều và cả bản dành cho máy chủ Ubuntu Server. Bản Kubuntu (dùng nền đồ họa KDE) được chọn vì giao diện đẹp nhưng không cần máy cấu hình cao, giống Windows nên người dùng dễ làm quen, kết nối vào mạng Windows dễ dàng.


So với các phần mềm Windows, phần mềm nguồn mở có ba nhược điểm chính(tạm thời):




  1. Trong một số lĩnh vực phần mềm nguồn mở chưa có được nhiều tính năng cao cấp tinh vi như phần mềm Windows ( ví dụ: phần mềm CAD như AutoCAD và xử lý ảnh như Photoshop). Điều này sẽ được khắc phục trong một tương lai gần vì hiện nay phong trào phần mềm nguồn mở đang phát triển rất mạnh.

  2. Số người am hiểu phần mềm nguồn mở còn ít, do đó việc học hỏi, hỗ trợ sử dụng còn khó khăn nhất là với các phần mềm máy chủ.

  3. Việc hỗ trợ các phần cứng chưa phong phú, đầy đủ như Windows. Tuy nhiên ở phạm vi công tác văn phòng hiện nay, vấn đề này giải quyết được. Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy việc hỗ trợ phần cứng của Linux cũng đang tiến rất nhanh trong thời gian gần đây.


Một vài kinh nghiệm triển khai phần mềm nguồn mở


Trước hết, cần phải nhấn mạnh đến quan điểm chiến lược: chung sống giữa phần mềm nguồn đóng và phần mềm nguồn mở trên cơ sở lựa chọnphù hợp với những đặc điểm, điều kiện và nhu cầu cụ thể. Mỗi loại phần mềm, thậm chí mỗi bộ phần mềm cụ thể có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Trong từng trường hợp cụ thể cần cân nhắc: những điểm mạnh đó có thật cần đến không và ngược lại những điểm yếu có ảnh hưởng gì đến công việc không?.


Chọn phần mềm, nhất là những phần mềm phải mua bản quyền cần dựa trên nhu cầu công việc cụ thể, không phải dựa trên những tính năng rất hay ho mà chẳng bao giờ dùng đến hoặc không thể dùng được trong thực tế do trình độ tổ chức quản lý hiện nay và trong một tương lai gần. Đây là một vấn đề tâm lý rất khó khắc phục, hậu quả của một thời kỳ dùng “chùa” phần mềm kéo dài. (Một trong những ví dụ tương tự là chọn điện thoại di động).


Có hai quan niệm sai lầm cần được khắc phục:




  1. Phần mềm nguồn mở khó học, khó cài đặt và sử dụng: hiện nay phần mềm nguồn mở đã phát triển đủ độ chín để người sử dụng bình thường theo tài liệu hướng dẫn chi tiết hoàn toàn có thể tự cài đặt và sử dụng dễ dàng trong một vài ngày. Thay vì nghe nói, nghi ngờ, .... tốt nhất bạn hãy bỏ ra một vài giờ để tự kiểm chứng.

  2. Ứng dụng trong phần mềm nguồn mở ít, không bằng Windows: ngược lại, hầu như trong mọi lĩnh vực ứng dụng (từ hệ điều hành cho siêu máy tính cho đến phần mềm kết nối điện thoại di động Nokia,...) đều có các phần mềm nguồn mở có sẵn trên Internet. Chỉ cần biết tìm kiếm đúng cách là có thể tự cài, thử dùng được ngay và tuyệt đại đa số là miễn phí. Thậm chí nếu cần có thể cài trực tiếp một số ứng dụng Windows (kể cả trò chơi) lên Linux.


Tin học văn phòng là một trong những lĩnh vực mà phần mềm nguồn mở hoàn toàn có thể thay thế được phần mềm Microsoft. Các nhu cầu của tin học văn phòng: soạn thảo văn bản, bảng tính, bản trình diễn; duyệt web, thư điện tử, lịch công tác cá nhân, xem video, nghe nhạc, xem và sửa bản vẽ CAD, xem và sửa file pdf,... hoàn toàn có thể thực hiện được trên bộ phần mềm Linux Kubuntu với hầu hết các tính năng tương tự như trên Windows XP và MS Office. Các dạng dữ liệu dùng chung, trao đổi được với các phần mềm Windows. Đặc biệt hầu như không phải đào tạo gì, chỉ hướng dẫn qua ban đầu, người dùng có thể tự tìm hiểu sử dụng được trong vòng vài ngày vì giao diện và cách hoạt động khá giống Windows. Các máy trạm Kubuntu hoạt động tốt trong một mạng Windows, truy cập và chia sẻ được các tài nguyên mạng với các máy Windows. Kubuntu chung sống tốt với WindowXP: cài ngay trên máy đã có WinXP sẽ có boot menu để thích khởi động hệ điều hành nào cũng được, dùng chung MyDocuments và chung các tài liệu của MS Office.


Các hệ Linux hỗ trợ toàn phần (full support) mã font Unicode do đó tiếng Việt gõ được cả trong các trường như Subject của email. Từ Kubuntu 7.10, font VNI cũng hiển thị và gõ được tiếng Việt trong OpenOffice . Font ABC cũ (.VnTime, .VnArial,...) không dùng được vì bị lỗi chữ “ư” nhưng có thể chuyển mã font sang unicode dễ dàng bằng cách chuyển mã qua clipboard dùng Unikey for Windows (xem ở đây).


Bộ OpenOffice là một bộ phần mềm văn phòng có các tính năng không thua kém gì MS Office và hoàn toàn có thể thay thế MS Office trong công tác văn phòng (OpenOffice có bản chạy trên Windows và Linux). OpenOffice mở được các file MS Office đã có, có thể đặt chế độ cho nó lưu lại các file mới là file MS Office, mang sang WinWord chẳng hạn mở ra bình thường, tóm lại là chung sống tốt với MS Office.


Một số vấn đề tồn tại và hướng giải quyết:




  1. Các bộ phần mềm ứng dụng dùng chung chạy trên mạng (Quản lý Kế hoạch công tác, Kế toán, Nhân sự, Dự án....) sẽ được xây dựng theo dạng dùng giao diện web (web-based). Điều này vừa phù hợp với xu hướng viết phần mềm hiện đại vừa cho phép truy cập ứng dụng từ cả hai loại máy trạm chạy Windows và Linux.

  2. Việc xem, sửa các file dự án viết bằng MS Project sẽ dùng OpenProj. Đây là một PMNM đọc được các file mpp, có các tính năng cơ bản giống MS Project. Tuy giao diện chưa đẹp và sử dụng không tiện bằng nhưng đủ dùng trong thực tế.

  3. Các phần mềm máy chủ sẽ được thiết kế, cài đặt lại trên cơ sở hỗn hợp Linux – Windows trong một mạng. Điều đó tạo cơ sở cho việc tự do lựa chọn các phần mềm ứng dụng chạy trên mạng sau này.

  4. Trong mỗi phòng, nhóm làm việc sẽ bố trí 1-2 máy Windows XP (nhưng dùng OpenOffice) có trang bị MS Project, AutoCAD có bản quyền chủ yếu phục vụ cho các công việc chuyển đổi định dạng file nếu cần.

  5. Một số phần mềm Windows (AutoCAD 2000, ...) có thể cài chạy trực tiếp trong Kubuntu thông qua phần mềm mô phỏng Windows wine.


Có hai việc khó khăn nhất khi triển khai PMNM: tâm lý ngại khó, ngại thay đổi của người sử dụng và thiếu một đội ngũ kỹ thuật lành nghề, ngay cả ở các công ty tin học lớn. Microsoft đã rất thành công trong việc “gây nghiện” cho toàn thế giới. “Cai nghiện” phần mềm là một công việc khó khăn chẳng kém gì cai nghiện ma túy. Vì vậy yếu tố then chốt là quyết tâm của lãnh đạo phải rất cao và có một đội ngũ kỹ thuật giỏi.


Việc cài đặt máy phải được hoạch định rất tỷ mỷ. Hệ thống an ninh của Linux không cho phép người sử dụng tự sửa đổi can thiệp vào hệ thống và người sử dụng nói chung cũng chưa biết gì nhiều để tự sửa. Các tài liệu hướng dẫn phải rõ ràng, tránh tối đa việc dùng dòng lệnh. Hiện nay, Linux đã phát triển qua giai đoạn phải phối hợp giao diện đồ họa với dòng lệnh của Windows 3.1 trước đây, tuyệt đại đa số công việc cài đặt dùng giao diện đồ họa được như Windows XP.


Những nghiên cứu tìm hiểu cho thấy: để phục vụ cho nhu cầu thực tế của Vinashin trong một tương lai gần, các phần mềm máy chủ nguồn mở hoàn toàn đáp ứng được. Trên hệ thống sẽ chỉ có các máy chủ Windows chạy những phần mềm đặc biệt chỉ chạy được trên Windows.


Cần chú ý là trong thời gian gần đây, phần mềm nguồn mở phát triển rất nhanh. Nếu so tính năng và tiện ích của Kubuntu 6.06 (ra đời tháng 6/2006) với 7.10 (tháng 10/2007) đã thấy nhiều tiến bộ vượt bậc. Vì vậy, những trục trặc, thiếu sót tạm thời chắc chắn sẽ được giải quyết trong một tương lai gần.



PHỤ LỤC:


BÁO CHÍ NÓI VỀ BẢN QUYỀN PHẦN MỀM


Báo VietnamNet (http://vietnamnet.vn/cntt/2006/07/593227/ )


Ưu tiên các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở!


15:04' 20/07/2006 (GMT+7)


Đó là một trong số những quy định được nêu trong Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Trưởng ban chỉ đạo chương trình Công nghệ Thông tin Quốc gia) ký ngày 17/7/2006. Quyết định này quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.


Theo quyết định, các cơ quan, tổ chức khi sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước hoặc vốn vay ưu đãi của tín dụng đầu tư và phát triển của Nhà nước (gọi tắt là nguồn vốn ngân sách) để đầu tư, mua sắm, thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển CNTT (gọi tắt là dự án CNTT), phải ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm CNTT được sản xuất trong nước (gọi là sản phẩm CNTT). Đặc biệt, phải ưu tiên mua sắm,sử dụng các sản phẩm phầm mềm mã nguồn mở, do các doanh nghiệp trong nước khai thác, cung cấp.


-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Báo An ninh thế giới cuối tháng (15/01/2007)


http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/khoahoc-vanminh/2007/1/51638.cand


Bản quyền phần mềm trong sân chơi mới: Không thể nóng vội


Các chuyên gia CNTT đều có chung nhận định rằng, cần đến vai trò của Chính phủ trong việc điều phối, chủ trì đàm phán với Microsoft và các hãng bản quyền khác chứ không nên để các bộ, ngành và các "ông doanh nghiệp lớn" tự ý thực hiện mua bán để có thể mua được phần mềm với chi phí hợp lý cho phạm vi lớn, tránh lãng phí.


.............................


Về phía các DN lớn, cũng đã bắt đầu rục rịch quan tâm đến BQPM. Bộ Tài chính trở thành cơ quan Chính phủ đầu tiên dùng phần mềm có bản quyền đầy đủ trong toàn bộ hệ thống CNTT khi ký thỏa thuận với Microsoft để sở hữu vĩnh viễn 15.000 giấy phép sử dụng Office 2003 (mua từng đợt trong vòng 3 năm) với nội dung không đề cập đến một mức giá thành cụ thể nào.



Tiếp theo là Vietcombank ký thỏa thuận dùng 4.000 bản Office của Microsoft thông qua nhà phân phối của Hãng này tại Việt Nam là FPT (được biết hợp đồng này trị giá 3 triệu USD). Gần đây nhất, đến lượt mình, FPT tay phải bán cho tay trái với thỏa thuận ký với Microsoft cho phép FPT được sử dụng phần mềm máy trạm có bản quyền trên 4.500 máy tính để bàn và các máy tính xách tay trong toàn bộ hệ thống CNTT của công ty này từ tháng 10/2006 đến tháng 10/2009 (Được biết giá trị của thỏa thuận này là 1 triệu USD).


Đánh giá về các động thái này, bên cạnh ý nghĩa chứng minh ý thức về bản quyền của VN đã tăng lên, thì nhiều chuyên gia CNTT đưa ra nhận định rằng: đó là những hoạt động mang tính "đánh bóng thương hiệu" và không đứng trên quan điểm toàn cục dẫn đến giảm sức mạnh đàm phán về phương diện quốc gia.


Một chuyên gia CNTT còn lớn tiếng chỉ trích rằng: Việc 3 đơn vị nêu trên bỏ tiền ra mua BQPM chỉ thể hiện sự tính toán cá nhân ích kỷ của họ. Họ có tiền thì đứng ra mua, vậy thì các cơ quan, bộ, ngành, DN khác thì sao? Sự lãng phí kiểu "trưởng giả học làm sang" này còn chưa tính đến những khoản "hoa hồng" về tay kẻ trung gian là các đại lý phần mềm. Đơn giản, họ chèo kéo bán được cho các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp nhiều phần mềm bao nhiêu thì doanh số, lợi nhuận và hoa hồng của họ cũng nhờ đó mà tăng bấy nhiêu!--PageBreak--


Không vi phạm không có nghĩa là "mua gấp"


Theo các chuyên gia, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không đồng nghĩa với việc bỏ tiền ồ ạt ra để mua khi mà vẫn có những lời giải khác. Nếu chọn cách mua bản quyền phần mềm Microsoft để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền, chúng ta sẽ tốn một khoản chi phí khổng lồ. Hiện số máy tính đang sử dụng của chúng ta là khoảng từ 4-5 triệu chiếc, tính mức tăng trưởng 25%/năm, trong vòng 5 năm tới sẽ có khoảng 6 triệu PC mới sẽ được sử dụng, nghĩa là ta sẽ phải trả bản quyền khoảng 3 tỷ USD (6 triệu x 500 USD). Đó là chỉ tính những phần mềm thông dụng nhất.


Theo một tính toán khác của một cơ quan chức năng về CNTT, nếu Chính phủ mua bản quyền cho các cơ quan Nhà nước sẽ tốn khoảng 1 tỷ USD cho 1 hợp đồng giá trị 3 năm.


Trên quan điểm này, các chuyên gia CNTT đều có chung nhận định rằng, cần đến vai trò của Chính phủ trong việc điều phối, chủ trì đàm phán với Microsoft và các hãng bản quyền khác chứ không nên để các bộ, ngành và các "ông doanh nghiệp lớn" tự ý thực hiện mua bán để có thể mua được phần mềm với chi phí hợp lý cho phạm vi lớn, tránh lãng phí.


Một trong những biện pháp được giới CNTT đặt ra vừa là để tạo sức mạnh cho ngành CNPM Việt Nam, vừa để có ưu thế "đối trọng" cho chúng ta trên bàn đàm phán thương thảo về giá PM thương phẩm với các hãng phần mềm nước ngoài chính là Phần mềm nguồn mở. Một báo cáo mới đây của giới CNTT nhấn mạnh rằng: Cần phải có lộ trình cụ thể. Không có nước nào trên thế giới vừa vào WTO là có thể xóa bỏ được vi phạm BQPM bằng cách mua. Việc chúng ta cam kết về tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ khi gia nhập sân chơi lớn không đồng nghĩa với việc ta phải "mua gấp" toàn bộ phần mềm với giá mà nền kinh tế và thu nhập quốc dân của chúng ta chưa chịu nổi. Rất nhiều hãng CNTT lớn nước ngoài như Intel, IBM, HP, SUN… đang ủng hộ Việt Nam và các nước đang phát triển phát triển Phần mềm nguồn mở.


Theo đó xu hướng chung trên thế giới với nền tảng phần mềm nguồn mở với chuẩn mở là Webservice, Web 2.0 tích hợp các ứng dụng trên nền Web sẽ tạo cơ hội cho người sử dụng có thể "miễn phí" sử dụng các phần mềm tiện dụng thông thường tương đương với Office. Chẳng hạn từ tháng 10 năm nay, Google đã cung cấp dịch vụ dùng miễn phí công cụ văn phòng Google Docs trực tuyến tại địa chỉ cho phép người sử dụng có thể soạn thảo văn bản trực tuyến tại Google mà có thể không cần đến Word trong vài thao tác cần thiết khi soạn thảo nhanh trên máy không cài Office.


Tại Việt Nam, Dự án tổng thể "Ứng dụng và phát triển Phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008" đang được thực hiện. Thực tế, cộng đồng CNTT Việt Nam đã tiếp cận và tham gia cộng đồng mã nguồn mở và đã có những sản phẩm phục vụ cộng đồng cũng như các ứng dụng cụ thể tại Văn phòng TW Đảng, Ngân hàng Sacombank, ACB, Đề án 112…


Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu khái niệm "miễn phí" ở đây, không phải là "miễn phí vô tư". Theo ông Nguyễn Chí Công- Ban đề án 112 trước đây, tuy không mất chi phí bản quyền nhưng phần mềm nguồn mở vẫn cần đến chi phí cho dịch vụ kỹ thuật, chi phí đầu tư cho người sử dụng để họ có thể nắm bắt công nghệ, hiểu biết và tự tin vận hành, sau đó có thể tích hợp với các sản phẩm bên ngoài và tự phát triển những sản phẩm đặc thù. Cũng liên quan đến hướng phát triển phần mềm nguồn mở, hầu hết các giới chức CNTT đều chung ý kiến rằng, phát triển phần mềm nguồn mở không phải là để triệt tiêu phần mềm thương phẩm, và vì vậy cũng không thể vội vàng.


Hàn Phi



Báo Lao động


Bảo hộ quyền tác giả chương trình máy tính: Tăng tốn kém, thêm cơ hội


Lao Động số 44 Ngày 26/02/2007


(LĐ) - Để thực hiện cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), VN vừa vất vả trong chống vi phạm, vừa cần khoản kinh phí khổng lồ để mua bản quyền. Nhưng mặt khác, đây sẽ là cơ hội nếu công nghiệp phần mềm VN biết tận dụng để phát triển. Ngày 22.2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/2007/CT-TTg. Với chỉ thị này, Chính phủ VN thể hiện cam kết mạnh mẽ các chuẩn mực về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời cũng khẳng định bước hội nhập sâu của VN với cạnh tranh quốc tế và WTO. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán hóc búa cho toàn bộ hệ thống hành chính VN.



Bài toán hai mặt

Trên thực tế, đây chỉ là bước cụ thể hoá những gì VN đã cam kết. Theo tinh thần Chỉ thị 04/2007/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu: Tất cả các bộ, ngành liên quan đều phải tuân thủ các quy định về SHTT đối với chương trình máy tính (sau đây gọi tắt là bản quyền phần mềm - BQPM); các cơ quan pháp luật phải tăng cường công tác bảo vệ quyền SHTT, xử lý những vi phạm trong công tác sử dụng, lưu hành, XNK... Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo bố trí dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) để thực hiện việc mua BQPM hợp pháp...

Như vậy, VN phải đồng thời thực hiện bài toán hai mặt cực kỳ nan giải là: Chống vi phạm BQPM và phép toán kinh tế với khoản kinh phí khổng lồ dành cho việc mua BQPM... Theo thống kê mới nhất của nhiều tổ chức PM thì tỉ lệ vi phạm BQPM tại VN cao nhất - nhì thế giới (hơn 90%).
Tuy nhiên, cái khó của chống vi phạm BQPM là ngoài ý thức pháp luật; hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, hoặc chưa đủ mạnh thì có nguyên nhân từ chính các nhà sản xuất PM.
Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới đã tố cáo các nhà sản xuất PM độc quyền công nghệ, đẩy giá bán BQPM lên quá cao.
Mặt khác, chính các nhà sản xuất cũng "đầu độc" bằng cách tạo kẽ hở kỹ thuật để người dùng có thể bẻ khoá và dùng trộm PM.
Theo các chuyên gia, đây thực chất là phương pháp "gây nghiện" và dần bắt người dùng lệ thuộc PM. Từ đó, bóp chết đối thủ cạnh tranh trong sản xuất, cung cấp PM tương tự và gặt hái tiền BQPM với giá cắt cổ.
Chính điều này buộc VN và nhiều quốc gia trên thế giới đối mặt với vấn đề tài chính khi mua BQPM. Hiện nay tại VN, dù không công bố, song các chuyên gia khẳng định: Bộ Tài chính, hàng loạt các ngân hàng... đã phải bỏ ra khoản tiền khổng lồ để có được bộ QBPM của Microsoft. Gần đây nhất, VMS MobiFone cũng phải bỏ ra hơn 5 tỉ đồng để có được BQPM cho khoảng 1.000 máy tính.
Theo các chuyên gia, nếu toàn bộ hệ thống hành chính tại VN mua BQPM thì đó là một núi tiền lên tới hàng trăm triệu USD. Bên cạnh đó, đối với những DN, đơn vị nhỏ thì phương án này là không thể thực hiện nổi.

Nguồn mở - con đường mở cho CNTT VN

Với bài toán hai mặt trên, vấn đề BQPM đang tạo sức ép cực lớn lên toàn bộ hệ thống hành chính của VN. Vậy đâu là con đường mở cho vấn đề BQPM tại VN?

Trong một diễn đàn về hội nhập WTO, bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội - cho rằng: Đây là thách thức, song cũng là cơ hội cho CNTT tại VN.

Cụ thể, VN có thể học tập quốc gia khác là tạo những PM nguồn mở (NM) có khả năng thay thế những PM lệ thuộc. Điều đó giúp VN phá thế độc quyền của các nhà sản xuất PM; hoặc buộc họ phải giảm giá bán PM.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã mạnh tay ứng dụng PMNM trong hệ thống hành chính nhà nước. Điều đó không chỉ giúp họ tự chủ, phổ cập tin học đến người dân (bởi PMNM dùng ngôn ngữ bản địa), mà còn ép các nhà sản xuất PM bán giá phải chăng; đồng thời tạo điều kiện cho công nghiệp PM trong nước.

Liệu VN có đủ khả năng thực hiện biện pháp này? Câu trả lời là VN hoàn toàn có thể và rất cần thiết áp dụng các biện pháp đó. Trên thực tế, tại VN đã có thời kỳ phong trào xây dựng PMNM nở nộ.

Cũng đã không ít các PMNM được tạo ra có thể thay thế hoặc thay thế cơ bản những PM lệ thuộc. Thậm chí việc áp dụng PMNM còn được phê duyệt và đưa vào dự án "Ứng dụng và phát triển PMNM ở VN giai đoạn 2004 - 2008"...

Tuy nhiên, do không có sự chỉ đạo thống nhất, sản phẩm làm ra chẳng thể phổ biến; bên cạnh đó là do đã bị "gây nghiện" nên PMNM của VN đã không được triển khai và áp dụng.

Phát biểu tại diễn đàn về PMNM, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Mạnh Hải từng khẳng định: Vấn đề PMNM không phải là giải pháp, công nghệ, chính sách mà vấn đề chính nằm ở việc triển khai và thực hiện".

Cùng với quan điểm này, tiến sĩ Mai Anh - Chủ tịch Hội Tin học viễn thông HN - cũng kiến nghị: Cấp độ quốc gia nên ủng hộ những PM của riêng VN. Cần đưa PMNM vào nhà trường, để thanh niên, học sinh, sinh viên làm quen với việc tự lập trình, chứ không dựa vào các công cụ có sẵn.

Theo số đông các chuyên gia: Cùng với việc VN hoàn toàn có thể xây dựng những PM cho riêng mình, việc phát triển PMNM còn giúp VN vừa tránh những vi phạm ngoài ý muốn, đặc biệt còn tạo điều kiện cho công nghiệp PM tại VN phát triển.

Theo tính toán, nếu phát triển PMNM cho riêng mình thì mỗi năm, VN có thể tạo thêm 3.000 việc làm mới trong ngành CNTT; tăng doanh thu của ngành này thêm 750 triệu USD...



Các chuyên gia kiến nghị: VN cần phát triển PMNM để vừa thực hiện cam kết quốc tế, phù hợp với quy luật hội nhập, cạnh tranh; vừa giúp VN tự chủ về các chương trình PM; đặc biệt là giảm thiểu gánh nặng tiền BQPM và thúc đẩy công nghiệp PM trong nước phát triển.

Phạm Anh - Lê Minh







No comments: