9/15/09

Mô hình nguồn mở trong một số lĩnh vực ngoài phần mềm.

Gần đây có một số bài báo về hai sản phẩm mới: Thiết kế xe ôtô cho tương laiHệ điều hành nguồn mở cho máy ảnh. Nhưng ý tưởng chính đằng sau các sản phẩm đó chưa được rõ ràng.

Phong trào Phần mềm nguồn mở không chỉ liên quan đến phần mềm máy tính. Nó tạo nên một mô hình (hoặc triết lý, tư tưởng, nguyên tắc, phương pháp luận, …) nguồn mở chi phối ở các mức độ khác nhau toàn bộ quá trình thiết kế, xây dựng, phân phối một sản phẩm. Về đại thể, một sản phẩm nguồn mở là do một cộng đồng tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng (một phần hay toàn bộ) và cho phép người khác tự do sử dụng phần đóng góp của mình.

Hiện tại, những sản phẩm nguồn mở thường là sản phẩm chất xám (phần mềm, thông tin, ….) hoặc là phần chất xám trong sản phẩm đó (ý tưởng, thiết kế, phần mềm điều khiển, …).

Sản phẩm nguồn mở có thể là (một số ví dụ và còn nữa):

  • Truyền thông nguồn mở: điển hình là phong trào viết blog hiện nay. Ngoài ra còn có các diễn đàn (forum), các bảng tin (messageboard). Tất cả thông tin của blog, diễn đàn, bảng tin đều do cộng đồng tự nguyện đóng góp và chia sẻ cho mọi người cùng sử dụng.

  • Tình báo nguồn mở (Open source intelligence): phương pháp tìm kiếm, chọn lọc, phân tích các nguồn tin công khai để tạo nên các nguồn tin tình báo có giá trị. Đây là một ngành tình báo quan trọng, có tổ chức chặt chẽ (xem thêm).

  • Chính trị nguồn mở (Open Politics): phương pháp tiến hành các hoạt động chính trị sử dụng các phương tiện Internet như blog, email, poll (thăm dò ý kiến) để tăng cường giao lưu giữa các tổ chức chính trị và đội ngũ quần chúng ủng hộ. Tổng thống Mỹ Obama đã sử dụng xuất sắc phương pháp này trong kỳ bầu cử vừa qua. Một biến thể khác là dùng các phương tiện trên để quần chúng tham gia rộng rãi vào quá trình xây dựng một chính sách.

  • Giáo dục nguồn mở: bộ giáo trình mở (OpenCourseWare) đồ sộ của học viện công nghệ Massachusetts đưa công khai, miễn phí lên mạng Internet và từ điển bách khoa Wikipedia là các ví dụ.

  • Văn hóa nguồn mở: ví dụ điển hình nhất là các bản dịch truyện của cộng đồng mạng Việt nam gần đây (Harry Porter, Tru tiên, ….) hoặc các website thư viện do cộng đồng người đọc bỏ công gõ truyện đóng góp (Vietnam Thư quán, Nhạn môn quan, …).

  • Sản phẩm nguồn mở: trong một post trước đã giới thiệu notebook nguồn mở: thiết kế của laptop OpenBook được công khai để mọi người tham gia góp ý, sửa và sử dụng. Hãng chế tạo điện thoại smartphone Openmoko còn nguồn mở hóa cả thiết kế phần cứng lẫn phần mềm điện thoại của hãng. Và cả hai sản phẩm oto, máy ảnh đã nêu ở phần đầu bài này.

  • Y học nguồn mở: xem ví dụ

  • Còn nữa … (hỏi cụ Gúc).


Dự án xe ôtô tương lai:

Dự án C,mm,n (phát âm là 'common') là một dự án nguồn mở xây dựng một giải pháp tổng thể về phương tiện di chuyển cá nhân bền vững (sustainable personal mobility) cho tương lai. Về cơ bản nó là một kiểu xe chạy điện nhưng không phải chỉ có thiết kế xe mà cả hệ thống trạm nạp, điều khiển, tín hiệu, ...Ai cũng có thể tham gia dự án này, đóng góp các ý tưởng, phương án, thiết kế; sửa đổi, bổ xung những kết quả đã có hoặc tối thiểu là nhận xét, góp ý và sử dụng miễn phí các kết quả của dự án đúng như một dự án phần mềm nguồn mở. Các công trình đóng góp vào dự án cũng được cấp phép sử dụng theo một giấy phép nguồn mở.

Hiện dự án đã đạt tới phiên bản C,mm,n car 2.0. Nội dung cụ thể xem tại đây.

Máy ảnh Frankencamera

Máy ảnh Frankencamera là một trong hai dự án con của dự án Camera, một dự án chung của trường đại học Stanford và các công ty Nokia, Adobe Systems, Kodak, Hewlett-Packard, Walt Disney.

Dự án Camera là một dự án về công nghệ chụp ảnh bằng máy tính (computational photography), tức là chụp ảnh, quay video bằng máy ảnh có máy tính bên trong (có thể tạm gọi là máy tính chụp ảnh). Công nghệ ảnh máy tính dùng các phần mềm bên trong máy ảnh điều khiển quá trình chụp, nhằm tăng cường và mở rộng khả năng của công nghệ ảnh số hóa (digital photography). Máy ảnh loại computational photography chụp ra được những bức ảnh mà máy ảnh số bình thường (digital camera) không thể chụp được.

frankencamera 2 0 2 sshbal



Phần cứng của máy ảnh Frankencamera lắp tạp nham từ linh kiện của nhiều loại máy ảnh khác nhau: bo mạch chính của Texas Instruments có các bộ xử lý chung và xử lý ảnh, một màn hình LCD nhỏ, chạy hệ điều hành Linux; chip chụp ảnh lấy của điện thoại Nokia N95, ống kính thì của Canon,... tất cả đều có thể điều khiển bằng phần mềm được.

Mục tiêu của dự án là xây dựng một nền tảng phần mềm (platform) nguồn mở cho việc chụp ảnh và quay video. Vì là nguồn mở nên ai cũng có thể lập trình các tính năng mình thích dưới dạng phần mềm bổ xung (add-ons), tải vào máy cho chạy để chụp ra những bức ảnh mong muốn. Người dùng bình thường cũng có thể kết nối máy ảnh kiểu này vào Internet, chọn phần mềm bổ xung cần thiết tải về máy rồi chụp.

Những ai đã dùng trình duyệt nguồn mở Firefox đều rất quen thuộc với kho tính năng bổ xung add-ons và extensions kiểu này. Có điều đây là máy ảnh.

Nếu không dùng Photoshop, sẽ phải bố trí sân khấu, dàn đèn, máy ảnh, … rất đắt tiền và công phu để đạt được những hiệu ứng tương tự. Tương tự, máy tính chụp ảnh hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong nghệ thuật nhiếp ảnh vì:

  • Chỉ dùng những máy ảnh rẻ tiền chụp được các bức ảnh cao cấp, thậm chí có những tính năng mà máy ảnh thường không thể đạt được.

  • Cho phép người chụp tự trang bị tính năng cần thiết cho máy ảnh bằng các phần mềm tải về từ Internet.


Và cuộc cách mạng đó là dựa trên mô hình nguồn mở!

1 comment:

Từ một bản chiến lược ICT bị lọt ra ngoài « ZXC232-Phần mềm nguồn mở – Linux said...

[...] Đây chính là kiểu “chính trị nguồn mở” đã nói trong bài này. [...]