2/21/09

Chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm 24 tỷ USD nếu chuyển sang các công nghệ IT mới.

Study: Federal Gov't Can Save Billions in IT Spending (PC World)



  • Posted on Fri Feb 20, 2009 5:40PM EST


(Phỏng dịch, các đoạn in nghiêng là lời người dịch)



Một nghiên cứu chung mới công bố của MeriTalk (cộng đồng mạng chuyên về IT và chính sách công), Red Hat (công ty phần mềm nguồn mở) và DLT Solutions (công ty giá trị gia tăng cho các sản phẩm Red Hat) cho rằng chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm được 23,6 tỷ USD trong 3 năm nếu chuyển sang dùng 3 công nghệ IT mới là: phần mềm nguồn mở (open-source software), công nghệ ảo hoá (virtualization) và công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) hoặc công nghệ phần mềm như dịch vụ (software-as-a-service).

"Sau nhiều năm bùng nổ về ngân sách, các nhà quản lý IT của chính quyền liên bang đang đối mặt với thách thức mới: ngân sách bị co hẹp lại" bản nghiên cứu viết. "Với viễn cảnh kinh tế suy thoái và bộ máy lãnh đạo mới được bổ nhiệm, các cơ quan chính phủ bắt buộc phải làm nhiều hơn với ngân sách ít hơn."

Các tác giả của bản nghiên cứu đã khảo sát 30 cơ quan chính phủ cấp liên bang (bộ và cơ quan ngang bộ) với giả thiết là các cơ quan đó sẽ bắt đầu áp dụng các công nghệ mới nói trên từ đầu. Thay cho việc mua các phần mềm nguồn đóng mới, dùng phần mềm nguồn mở sẽ tiết kiệm được 3,7 tỷ USD. Không mua các máy chủ mới mà dùng công nghệ ảo hoá sẽ tiết kiệm 13,3 tỷ USD. Dùng công nghệ điện toán đám mây sẽ tiết kiệm được 6,6 tỷ USD không phải mua các phần cứng và phần mềm.

Các con số trên dựa trên ngân sách liên bang và các kết quả nghiên cứu khác về tài nguyên tin học chính phủ. Tổng ngân sách dành cho IT trong ba năm 2007, 2008 và 2009 của 30 cơ quan trên là 60 tỷ USD, số tiền tiết kiệm được là 23,6 tỷ USD, 39,3% ngân sách!. Báo cáo nghiên cứu này có thể tải về từ đây.

Một ví dụ cho việc tiết kiệm nhờ dùng phần mềm nguồn mở là:

  • Không quân Mỹ tiết kiệm được 467 triệu USD.

  • Kho bạc Mỹ tiết kiệm được 251 triệu USD.

  • Bộ Cựu chiến binh Mỹ tiết kiệm được 174 triệu USD.


(trong báo cáo có bảng kê chi tiết từng bộ)

Số tiền tiết kiệm được dùng làm gì?. Báo cáo đề nghị:

  • 3,7 tỷ tiết kiệm do dùng PMNM: mua cho mỗi công chức một smartphone và laptop mới.

  • 13,3 tỷ tiết kiệm do dùng công nghệ ảo hoá: bằng toàn bộ ngân sách liên bang dành cho năng lượng trong năm tài khoá 2007.

  • 6,6 tỷ tiết kiệm do dùng điện toán đám mây/phần mềm như dịch vụ: đảm bảo lương cho 107.000 công chức trong năm 2009.


Phản ứng của Microsoft?

Nghiên cứu hình như giả thiết hơi nhiều về số tiền tiết kiệm được. Susie Adams, CTO của Microsoft Federal nói. "Nghiên cứu này đã cố đơn giản hoá một vấn đề rất phức tạp".

Microsoft đồng ý rằng các cơ quan chính phủ có thể tiết kiệm khi dùng điện toán đám mây và ảo hoá (vì những sản phẩm này Microsoft cũng có) nhưng còn phần mềm nguồn mở thì "đó chỉ là một mô hình kinh doanh khác" (just another business model) Adam nói. "Các cơ quan nên tìm hiểu kỹ về toàn bộ chi phí trước khi quyết định dùng phần mềm nguồn mở"

"Trong thế giới hiện nay, đặc biệt là trong chính phủ, chúng ta thực sự đang thấy một môi trường hỗn hợp phần mềm nguồn mở và đóng," Adam nói. "Chúng tôi tin rằng điều chúng ta nên làm là tạo ra những phần mềm tương tác tốt hơn trong môi trường hỗn hợp đó. Chúng tôi cam kết sẽ làm như vậy."

Qua những phát biểu trên có thể thấy:

  • Microsoft thừa nhận rằng PMNM hiện đang được sử dụng, nhất là trong hệ thống IT của chính phủ, đến mức tạo nên một môi trường IT hỗn hợp phải tính đến, không thể phủ nhận được. Trang 4 của báo cáo trên cũng xác nhận rằng hiện một số cơ quan chính phủ Mỹ đang dùng PMNM. Microsoft cũng không chê tính năng của PMNM mà chỉ doạ rằng dùng nó có thể tốn đấy, không rẻ đâu.

  • Khi đã chấp nhận điều đó, Microsoft đang cố gắng để các sản phẩm của mình tương tác tốt hơn với PMNM: cung cấp các số liệu kỹ thuật về các giao thức cho các nhóm PMNM, liên kết với các công ty nguồn mở như Novell và gần đây là Red Hat để đảm bảo tính tương tác đó.


Phản ứng của các quan chức chính phủ:

Nghiên cứu này có thể còn gây nhiều tranh cãi, nhưng thông điệp lớn nhất mà nó phát ra là các cơ quan chính phủ nên tìm những phương tiện mới để tiết kiệm ngân sách IT, Peter Tseronis, phó giám đốc thông tin của bộ Năng lượng Mỹ phát biểu. Nghiên cứu này cùng với cuộc thảo luận đang diễn ra về ngân sách IT liên bang trên site MeriTalk.com cho thấy nhu cầu của các cơ quan chính phủ tìm kiếm một phương thức làm việc mới và suy nghĩ một cách chiến lược về các khoản đầu tư IT dài hạn.

Tseronis hy vọng rằng các cơ quan chính phủ sẽ làm việc phối hợp với nhau, không tạo nên những "đám mây cô lập" của riêng từng cơ quan. "Chia sẻ các dịch vụ phải là mục tiêu chính."

Thu nhận của người dịch:

  1. PMNM đã đạt tới trình độ có thể khuyến nghị cho chính phủ Mỹ dùng đại trà được và hiện cũng đang được dùng trong một số cơ quan chính phủ. Vậy thì tại Việt nam với trình độ tổ chức, năng suất công tác, áp lực công việc, .... như hiện nay chắc chắn là cũng đáp ứng được.

  2. Ba hướng công nghệ mới nên quan tâm như đã nêu trong báo cáo. Ảo hoá trước đây đã có một bài giới thiệu trên blog này nhưng tác giả cũng không nghĩ là nó hiệu quả đến thế. Điện toán đám mây (hoặc phần mềm như dịch vụ) là một công cụ đáng chú ý để bắt buộc thống nhất hoá, tập trung hoá cải tiến các quy trình nghiệp vụ còn lung tung trong các hệ thống hiện nay.

  3. Những gợi ý nêu lên từ bài này rất đáng chú ý cho việc triển khai một hệ thống IT thống nhất, nhanh và hiệu quả trong một đơn vị có nhiều bộ phận rải rác nhiều nơi với trình độ IT khác nhau.

No comments: