4/16/09

Điểm qua vài hệ Linux gần đây

Kubuntu 8.04.2


Kubuntu 8.04.2 là bản cập nhật của 8.04 KDE3, với lời thừa nhận rằng:" bản Kubuntu 8.10 KDE4 hiện chưa thích hợp cho mọi người dùng". Nhóm Kubuntu có vẻ trầy trật với KDE4, ngay bản Jaunty sắp tới cũng có một phiên bản remix dùng KDE3.

Bản này cập nhật hơn 200 mục, nhẹ, ổn định, gõ tiếng Việt được bằng x-unikey-0.9.2. Không có gì mới hay nổi bật so với 8.04.

Update 28/4/09: bộ gõ unikey có một nhược điểm là khi gõ trên web (blog, gmail, ...) không gõ nhanh được.

PCLinuxOS 2009


Sau gần hai năm (PCLinuxOS 2007 ra tháng 5/2007) đến nay PCLinuxOS mới ra được phiên bản mới: PCLinuxOS 2009.1 KDE3 và GNOME. Một hiện tượng đáng ngạc nhiên là mặc dù cập nhật chậm như thế nhưng trong hai năm qua, PCLinuxOS luôn nằm trong TOP10 của site DistroWatch, chứng tỏ sự quan tâm đến nó không giảm.

Trong thời gian đó, nội bộ nhóm phát triển có nhiều mâu thuẫn. Một bộ phận bỏ nhóm đi nơi khác. Như đã nhận xét trong một post trước, mô hình kinh doanh yếu của PCLinuxOS đã thể hiện rõ trong thời gian vừa qua.

Hai bản PCLinuxOS KDE3 và GNOME 2009.1 vẫn giữ nguyên được các ưu điểm cũ: thừa kế tính năng dễ dùng của Mandriva, cài sẵn các gói non-free và các phần mềm ứng dụng tương đối đầy đủ (trừ bản GNOME không có OpenOffice!), giao diện độc đáo và đẹp. Gõ tiếng Việt trên bản KDE3 vẫn dùng được x-unikey-0.9.2 ổn định không lỗi như x-unikey-1.0.4. Gõ tiếng Việt trên bản GNOME dùng scim với file vi-telex-locdt.mim.

PCLinuxOS chú ý đến những tiểu tiết sử dụng của người dùng Windows. Ví dụ trong bản KDE, nhấn phím phải chuột vào một thư mục có lệnh zip thư mục đó.

Tóm lại nếu muốn có một bản Linux đẹp để dùng (không phải để nghịch), cài đặt đơn giản thì nên chọn PCLinuxOS.

Nhược điểm lớn nhất là hai bản này chạy không thoát và nhanh như phiên bản cũ, nhất là trên các máy cấu hình thấp. Mô hình kinh doanh yếu tạo cảm giác không yên tâm.

openSUSE 11.1 (GNOME)


SUSE là một cây đại thụ trong làng Linux (bắt đầu năm 1996). Công ty hiện đang kinh doanh SUSE là Novell, một trong hai công ty Linux thành công nhất cho đến nay (công ty kia là RedHat). Chỉ đến năm 2005, theo mô hình Fedora của RedHat, Novell mới lập dự án openSUSE cho cộng đồng nguồn mở rộng rãi tham gia. Bản openSUSE nguồn mở miễn phí, luôn tích hợp các công nghệ và phần mềm mới nhất để làm con chuột thí nghiệm cho Novell lấy ý kiến từ người dùng, rút kinh nghiệm xây dựng bản SUSE Enterprise Linux bán cho các khách hàng doanh nghiệp.

Quá trình cài đặt và cấu hình openSUSE phức tạp và hoành tráng hơn các bản Linux phổ biến khác nhiều. Trong mỗi bước thực hiện, có nhiều những options, những thông số, những khái niệm để lựa chọn. Thực ra, những cái đó trong các bản Linux khác cũng có nhưng thường được ẩn đi theo những lựa chọn mặc định.Vì vậy nếu định tìm hiểu hơi sâu về Linux dùng openSUSE rất có ích.

Toàn bộ quá trình cài đặt và cấu hình dựa trên một công cụ trung tâm là YaST (Yes another Setup Tool). YaST có cả hai loại giao diện: giao diện đồ hoạ trên nền KDE hoặc Gnome và giao diện đơn giản chạy trên nền terminal (kiểu như giao diện các chương trình chạy trên nền DOS).

Control Center của openSUSE có lẽ là phong phú đầy đủ nhất trong các bản Linux. Trong đó có cả những tính năng mà chỉ do quan hệ với Microsoft mới có như Windows Domain Member. Dễ dùng thì không bằng Mandriva vì các mục cấu hình không ở dạng wizard như Mandriva nhưng số lượng mục cấu hình nhiều hơn (Ví dụ có các mục /etc/sysconfig Editor, Kernel Settings chắc không mấy user thường dám thử) và chi tiết hơn (ví dụ các Network Services).

Trình quản lý phần mềm (Software Manager) có vẻ chặt chẽ bài bản nhưng cũng phức tạp, rắc rối hơn các bản Linux khác. Mỗi lần chạy, nó đều tự động kết nối và kiểm tra lại danh sách các gói phần mềm hiện có trong các kho, hơi lâu nhưng cẩn thận (các bản Linux khác, phần này thường không tự động). Khi có xung đột, nó đưa ra ba bốn lựa chọn chắc sẽ làm cho user thường hoa mắt. Đặc biệt nó kiểm tra rất kỹ chữ ký số của các gói phần mềm, thấy lạ là hỏi. Quá trình cài đặt hiện lên màn hình thành bốn năm bước, cho cảm giác rất cẩn thận.openSUSE dùng dạng đóng gói file cài đặt là rpm.

Khi update phần mềm, các file tải về đều có tên delta RPM. Theo suy đoán thì có lẽ đây là các bản vá (patch) vào các gói đã có. Nếu đúng vậy thì dung lượng tải về sẽ nhỏ hơn là tải toàn bộ gói mới như phần lớn các bản Linux hiện đang dùng.

Tuy thế cũng vẫn có những lỗi khó hiểu. Khi lần đầu tìm cài thêm FreeFont, ta phải cài thêm cả đống phần mềm khác mà không hiểu tại sao. Chắc là trong cách thiết lập dependencies có lỗi. Mandriva cũng có lỗi kiểu này: thỉnh thoảng sau khi gỡ một phần mềm nào đó, nó hiện lên thông báo một danh sách dài các phần mềm không cần nữa và bảo ta dùng urpme --auto-orphans gỡ đi, nhưng nếu nghe theo là đi luôn, phải cài lại từ đầu. Về quản lý phần mềm, đến nay có lẽ Kubuntu với trình Adept Manager vẫn là hay và tiện nhất.

Khi định chạy một file mp3 lần đầu tiên trong trình duyệt Firefox, openSUSE sẽ dẫn người dùng qua 5-6 màn hình với những lời giải thích rất kỹ lưỡng về codecs để cuối cùng yêu cầu cài gói codecs-gnome (tương tự như ubuntu-restricted-extras). Dân kỹ thuật ham hiểu biết sẽ thích nhưng người dùng thường thì choáng váng. Tuy vậy, chỉ có những công ty kinh doanh lớn, lâu đời mới làm tỷ mỷ được như vậy.

Tiếng Việt trong bản Gnome gõ được bằng scim (cài gói m17n rồi add thêm file vi-telex-locdt.mim vào thư mục /usr/share/m17n). Tuy nhiên thỉnh thoảng lại bị mất tiếng Việt phải Ctrl+Shift bật lại tiếng Việt mới gõ tiếp được.

Giao diện của openSUSE chân phương, không màu mè. Nhược điểm lớn nhất là menu chính (Computer). Menu này theo kiểu kick-off mới nếu không quen hơi khó dùng và phải nhấn chuột nhiều lần mới tới được chỗ cần. Một số bản Linux khác cho phép chuyển về kiểu menu cũ nhưng openSUSE thì không. Phải remove menu đó đi rồi chọn add  Traditional Main Menu vào panel.

Các phần mềm ứng dụng cũng tương tự như các bản Gnome khác. Riêng OpenOffice là bản riêng của Novell dựa theo bản OpenOffice nguồn mở của Sun, hình như hỗ trợ tốt VBA macro và các dịnh dạng file của MS Office 2007 hơn bản gốc.

Sau khi cài openSUSE lên một máy notebook Dell Inspiron 700m (cấu hình khá thấp) chạy vẫn tốt. Nhưng sau lần update đầu tiên, không khởi động được vào màn hình đồ hoạ nữa.

Cũng một lần dùng Boot Loader của Control Center để sửa Boot Menu, khi khởi động lại, máy báo "Error No Operating System" tức là MBR bị lỗi. May mà dùng cách trong post "Sửa một số lỗi Linux 1" cứu lại được.

Những nhận xét trên đều dựa trên kinh nghiệm mới dùng openSUSE lần đầu được hai ba ngày. Nếu đã tương đối thạo Linux thì cũng nên thử cho biết. Nếu mới làm quen thì không nên.

2 comments:

idealsexpress said...

hay nhưng nếu bạn cho link download cho các phiên bản đó thì hay hơn nữa

zxc232 said...

Hỏi cụ Gúc là ra hết thôi mà