4/25/09

Kubuntu 9.04 (Jaunty Jackalope)

Kubuntu 9.04 (và các bản khác của dòng Ubuntu: Ubuntu, Xubuntu, ...) vừa chính thức ra đời ngày 23/4/2009. Dưới đây là vài nét điểm nhanh.

Tên mã của phiên bản 9.04 là Jaunty Jackalope. Jackalope theo wikipedia là một con vật tưởng tượng giống một con thỏ có sừng nai, không dịch sang tiếng Việt được.

Tải về tại http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/ubuntu-releases/kubuntu/jaunty/

Cài đặt: cài đặt cũng thông thường như Kubuntu 8.10. Cách biểu diễn các partition màu mè nhưng khó nhìn so với trước đây và với một số hệ Linux khác. Hiện đã chính thức hỗ trợ hệ thống file ext4 (xem bài Các hệ thống file nhật ký của Linux trên blog này).

Kubuntu 9.04 dùng KDE 4.2 có cải tiến và nhuyễn hơn bản 4.0. Tuy nhiên, khởi động  khá chậm, kể cả trên máy cấu hình cao.  Bản Kubuntu 8.10 với KDE 4.0 bị kêu nhiều nên phải ra bản Kubuntu 8.04.2 dùng KDE 3.5. Trang download giới thiệu cả hai bản Kubuntu 9.04 và 8.04.2:

  • Kubuntu 9.04 - Featuring the cutting edge KDE 4 and maintained until 2010

  • Kubuntu 8.04 - Featuring the mature KDE 3 and maintained until October 2009


Trên máy notebook Dell Inspiron 700m, nhận biết và cài wifi tốt. Nhưng trên một máy để bản, không nhận được card LAN onboard, phải cài card rời.

Trong bản 9.04 này, kho phần mềm của FPT đã được chính thức đưa vào danh sách các kho của Ubuntu. Trong KPackageKit -> Settings -> Edit Software Sources -> Download from, chọn Other rồi cuốn xuống dưới cùng ở mục Vietnam chọn kho này. Tốc độ download khá nhanh.

KPackageKit được dùng thay cho Adept Manager để quản lý các gói phần mềm. Phần mềm này đẹp nhưng thiếu nhiều tính năng so với Adept Manager. Ví dụ: không cho biết tổng dung lượng tải về, không hiển thị chi tiết quá trình tải từng gói, không có dấu hiệu báo gói bị BREAK, v.v... Chắc phải đợi các phiên bản sau.

Kiểu quản lý kho phần mềm vẫn theo cũ: mỗi lần chỉ chọn một kho, nếu kho đó đứt phải chọn lại kho khác bằng tay. Cách quản lý kho theo mirror list của Mandriva có vẻ tốt và tin cậy hơn về lý thuyết, tuy thực tế thì không được như vậy.

Đặc biệt trong các bản K/Ubuntu trước có gói k/ubuntu-restricted-extras cài toàn bộ các gói không nguồn mở như flashplayer, java, msttcorefonts, multimedia codecs, unrar, ...rất tiện. Trong bản 9.04 vẫn thấy có gói đó nhưng dung lượng có 4,9KB, cài xong chẳng thấy có tác dụng gì. Các gói trên phải cài riêng rẽ.

Gõ tiếng Việt vẫn dùng được x-unikey:

  1. Tải file x-unikey-0.92.i386.ubuntu.deb (844,1KB) tại đây.

  2. Nhấn vào file đó để cài.

  3. Mở thư mục Home của user đang login (/home/<username> ) bằng Dolphin. Nhấn vào menu View, chọn Show Hidden Files.

  4. Nhấn vào file ẩn .profile để mở file đó bằng Kate. Copy ba lệnh dưới đây rồi paste vào cuối file:

    • export LANG=en_US.UTF-8
      export XMODIFIERS=”@im=unikey”
      export GTK_IM_MODULE=xim



  5. Tạo shortcut cho unikey tự khởi động trong thư mục ẩn Home/.kde/Autostart.


Đã thử gõ được tiếng Việt trong Firefox, KMail, OpenOffice (trước khi gõ vào một ô của Calc vẫn phải nhấn F2 để tránh lỗi mất chữ).Chưa biết khi gõ nhiểu thì có gặp lỗi gì không.

Đã thử cài scim nhưng trục trặc chưa dùng được, cần tìm hiểu thêm.

OpenOffice hiện đã là bản 3.0.1, một tiến bộ muộn màng của Ubuntu.

System Settings khá hơn bản 8.10, bổ xung thêm một số mục dùng được nhưng vẫn kém System Settings của KDE3 (không có mục quản lý các partition, phần network cũng thiếu một số tính năng, ...). Muốn mount tự động một partition phải sửa trực tiếp file /etc/fstab.

Giao diện KDE4 thì đương nhiên đẹp, font chữ hiển thị đẹp hơn OpenSUSE nhưng chưa bẳng Mandriva. Power Management tốt hơn Mandriva. Tuy nhiên để nguyên chế độ mặc định thì KDE4 chạy hơi chậm.

Khi mở trình chơi nhạc Amarok lần đầu, nó sẽ đề nghị cài thêm một số gói để hỗ trợ MP3, flash,... Tuy nhiên để chạy multimedia trên Firefox tốt nhất là cài thêm smplayer và mozilla-mplayer. Trình Media Player nên dùng là SMPlayer, hỗ trợ nhiều codecs và giao diện cũng khá.

No comments: