10/22/09

Đám mây điện toán Ubuntu


ĐÁM MÂY ĐIỆN TOÁN CỦA UBUNTU.


Trong một post trước, tôi trình bày quan niệm đám mây điện toán dưới góc nhìn của người sử dụng. Toàn bộ Internet như một máy tính mainframe khổng lồ, cung cấp đủ thứ dịch vụ: tin tức, phim ảnh, kho dữ liệu, nơi cho thuê máy tính để chạy ứng dụng, phần mềm kế toán, v.v. và v.v Người dùng chỉ việc mở trình duyệt, gõ địa chỉ là có được dịch vụ mình cần.


Trong một post khác, có một câu này đáng chú ý: “ đám mây điện toán là yếu tố then chốt để làm phim nhanh hơn và hiệu quả hơn, cho phép DreamWorks có được năng lực máy tính phù hợp lúc ổn định cũng như lúc cao điểm , giảm yêu cầu nhân vi xử lý (core) từ 21.000 xuống 16.000


Trường hợp này khác với trên, không liên quan gì đến Internet và là một công cụ sản xuất của doanh nghiệp, có khả năng điều chỉnh công suất tính toán theo yêu cầu. Đó là cái mà Ubuntu đang nhắm vào bắt đầu từ phiên bản 9.04. Ta thử lướt qua xem nó là cái gì.


Hiện tại, hướng phát triển công nghệ đám mây điện toán của Ubuntu gồm ba thành phần:





  1. Hệ điều hành máy chủ Ubuntu trong đám mây điện toán Amazon EC2




  2. Đám mây điện toán Ubuntu dùng cho các tổ chức (Ubuntu Enterprise Cloud)




  3. Dịch vụ UbuntuOne.




Dịch vụ UbuntuOne là một dịch vụ phần mềm (Software as a Service - SaaS), hiện tại mới chỉ là dịch vụ lưu trữ và đồng bộ file tương tự như Dropbox, được tích hợp vào Ubuntu 9.10 sắp công bố. Sau này nó được mở rộng thế nào thì chưa rõ.


Hai mục 1-2 đi theo hướng IaaS (Infrastructure as a Service - dịch vụ hạ tầng).


Amazon EC2 là một dịch vụ cho thuê máy chủ ảo trên Internet hiện đang hoạt động. Khách hàng thông qua một giao diện web, tự tạo và khởi động các máy chủ ảo có cấu hình theo yêu cầu, cài đặt các phần mềm mình cần, chạy các ứng dụng rồi tắt máy và trả tiền thuê theo giờ. Để làm được như vậy, các hệ điều hành máy chủ trong đám mây phải hỗ trợ một loạt các tính năng từ cụm máy chủ (cluster) cho đến phần mềm ảo hóa. Hệ điều hành Ubuntu Server Edition được xây dựng theo hướng đó để chạy trên các máy chủ của Amazon EC2.


Ubuntu Enterprise Cloud là một bộ phần mềm gồm nhiều thành phần để tạo nên các đám mây điện toán riêng (private cloud). Nếu như hiện nay, hạ tầng của các tổ chức gồm các phòng máy chủ (server farm) liên kết với nhau bằng các loại mạng LAN, WAN,... thì Ubuntu Enterprise Cloud vẫn giữ nguyên hạ tầng đó nhưng biến chúng thành một đám mây điện toán để nâng cao tính năng, tận dụng được năng lực tính toán như trường hợp DreamWorks nói ở trên.


Như vậy, đám mây điện toán Ubuntu là một đám mây điện toán của riêng từng tổ chức, hoạt động sau tường lửa, khác với đám mây công cộng Amazon hoạt động trên Internet (public cloud). Nhưng khi cần, nó có thể mở rộng ra sử dụng cả các đám mây công cộng tạo thành một đám mây hỗn hợp (hybrid cloud). Sơ đồ như hình sau:



Trong hình trên, đám mây điện toán gồm các máy chủ (mô tả bằng các khối vuông) liên kết với nhau bằng các loại mạng thông thường (LAN, WAN, VPN và cả Internet). Người dùng thông qua một giao diện web của phần mềm điều khiển đám mây (Cloud Controller – CLC) để sử dụng các dịch vụ do đám mây cung cấp.


Kiến trúc đám mây điện toán của Ubuntu dựa trên kiến trúc phần mềm nguồn mở Eucalyptus gồm 5 thành phần chính sau:





  1. Bộ điều khiển đám mây (Cloud Controller): người dùng dùng phần mềm này để giao tiếp với đám mây và sử dụng các dịch vụ của nó.




  2. Bộ điều khiển lưu trữ (Wallrus Storage Controller): nơi lưu ảnh các máy ảo có thể khởi tạo và lưu dữ liệu. Có vai trò tương tự như máy chủ file.




  3. Bộ điều khiển các thiết bị lưu trữ ảo ( Elastic Block Storage Controller): để tạo các partition của ổ cứng ảo, sau đó format, mount vào một thư mục nào đó để sử dụng.




  4. Bộ điều khiển các cụm máy chủ (Cluster Controller): khi người sử dụng ra lệnh khởi tạo một máy chủ ảo, lệnh được Cloud Controller chuyển cho Cluster Controller. Căn cứ trên thông tin về trạng thái đang hoạt động của các máy chủ vật lý, Cluster Controller sẽ quyết định cho tạo máy chủ ảo trên máy nào và chuyển lệnh cho bộ quản lý máy chủ đó (Node Controller). Cluster Controller cũng quản lý các liên kết mạng với máy chủ ảo.




  5. Bộ điều khiển máy chủ vật lý (Node Controller): bộ điều khiển này chạy trên từng máy chủ vật lý trong đám mây. Nó quản lý các thông tin cần thiết của máy chủ vật lý đó (dung lượng ổ cứng, kiểu và số lượng các bộ vi xử lý, bộ nhớ, các máy chủ ảo đang chạy trên đó,...). Khi có lệnh từ Cluster Controller khởi tạo máy chủ ảo, Node Controller sẽ:








    • Xác thực người sử dụng.




    • Tải file ảnh máy chủ ảo từ Wallrus Storage Controller về




    • Tạo các card mạng ảo cần thiết.




    • Khởi tạo máy ảo yêu cầu.






Tóm lại, hiện nay đám mây điện toán đã lan vào đến các phòng máy chủ. Ưu nhược điểm của nó ta sẽ bàn sau.



No comments: