3/1/10

Bệnh viện Mắt Trung ương và phần mềm nguồn mở

Hôm vừa rồi, đưa người nhà đi khám ở bệnh viện Mắt Trung ương (phố Bà Triệu, Hà nội), tôi nhận thấy bệnh viện đã đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân bằng phần mềm nguồn mở.

Khi mua phiếu khám ở dưới nhà, tên tuổi bệnh nhân, số thứ tự khám, số hiệu phòng khám được nhập vào máy tính chuyển vào mạng. Khi lên tới phòng khám, bác sỹ vào mạng đã có sẵn các dữ liệu trên, khi khám xong chỉ việc kê đơn hoặc chỉ định điều trị tiếp cũng trên máy tính và in ra đơn thuốc cho bệnh nhân.

Điều đặc biệt ở đây là các máy tính trong phòng khám cài Ubuntu, có lẽ là Ubuntu 9.04 vì biểu tượng của scim-unikey vẫn hiện được trên panel. Phần mềm ứng dụng hình như chạy trên nền web (web based). Đây là một cố gắng rất đáng hoan nghênh của ngành y trong tin học hóa. Phần mềm ứng dụng chạy trên web là một hướng rất nên làm vì:

1- Xây dựng, cài đặt, quản lý, nâng cấp, sửa chữa và bảo trì làm tập trung trên máy chủ. Nhanh và thống nhất, đỡ rất nhiều công so với dùng kiểu client - server, cài phần mềm client cho từng máy.

2- Đặc biệt là với các môi trường hỗn hợp máy trạm Windows và Linux thì đây là giải pháp hợp lý. Bất kể máy cài hệ điều hành gì, chỉ cần có trình duyệt là dùng được phần mềm ứng dụng trên mạng. Một hệ thống email (ví dụ Zimbra), dùng webmail là Zimbra client vừa nhiều tính năng, vừa dễ phổ biến thống nhất hơn là đi cài POP hoặc IMAP cho Outlook, Outlook Express, Thunderbird, KMail, Evolution, ... trên từng máy.

3- Hướng lập trình web based là một hướng hiện đại, phù hợp với việc nâng cấp-mở rộng, sử dụng môi trường điện toán đám mây sau này, truy cập được từ mọi nơi có Internet (kèm theo các giải pháp bảo mật phù hợp).

4- Với các phần mềm ứng dụng trên mạng dùng nền Windows đã có, khó chuyển sang web based, hướng này có lẽ là một giải pháp khả thi nên tham khảo.

Tuy nhiên quan sát bác sỹ làm việc một lúc thì thấy có hai lỗi:

1- Bộ gõ tiếng Việt scim-unikey hay bị mất tiếng Việt, nhất là khi chuyển cửa sổ. Vị bác sỹ lại loay hoay dùng chuột kích vào thanh menu của scim-unikey để bật tắt tiếng Việt mới gõ tiếp được. Lỗi này tôi có nói ở đây.

2- Một số trường nhập liệu có thể làm nhanh hơn, tránh phải gõ và không nhầm (ví dụ: nên có danh mục tên thuốc tự động xổ xuống để chọn).

Nhìn chung thì thời gian khám không lâu, nhưng thời gian loay hoay với máy tính khá nhiều. Với những môi trường công việc bận rộn, cần tốc độ nhanh như phòng khám, tốc độ và tiện nghi của phần mềm là điều nên cải tiến.

Dù sao thì việc mạnh dạn ứng dụng PMNM cũng rất đáng hoan nghênh rồi. Nhưng nếu không liên tục cải tiến, sửa lỗi thì rất dễ phản tác dụng.

Điều hay ho thấy ngay là bệnh nhân có được những đơn thuốc in ra rất rõ ràng, tránh phải đọc và luận cái thứ "chữ bác sỹ" khủng khiếp đã thành truyền thống.

Không hiểu ở các bệnh viện khác thì thế nào? Ai biết xin chia sẻ lên đây.

No comments: