3/2/10

Phần mềm nguồn mở là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản!?


Phần mềm nguồn mở là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản!


Trong một vài post trước đây ( [1], [2]) ta đã biết việc ứng dụng phần mềm nguồn mở hiện đang là một vũ khí chính trị để các đảng Anh, Ấn tấn công nhau về khả năng quản lý và sử dụng công quỹ: không biết dùng PMNM là kém và lãng phí công quỹ.


Ngược lại gần đây một nhóm vận động hành lang (lobby) Mỹ đã “nâng quan điểm” đẩy vấn đề lên một mức độ nghiêm trọng hơn: dùng phần mềm nguồn mở là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản (enemies of capitalism)!.


The Guardian, một trong những tờ báo nổi tiếng của Anh mới đây đã cho đăng một bài báo với tiêu đề giật mình “ Khi sử dụng phần mềm nguồn mở làm cho bạn trở thành kẻ thù của nhà nước”. Bài báo đó cho biết gần đây Liên minh quyền sở hữu trí tuệ quốc tế IIPA (International Intellectual Property Alliance), một tổ chức lobby gồm các tổ chức như RIAA ( Recording Industry Association of America- Hiệp hội công nghiệp ghi âm Mỹ), MPAA (Motion Picture Association of America- Hiệp hội các nhà sản xuất phim Mỹ) đã yêu cầu chính phủ Mỹ đưa các nước như Ấn độ, Bradin, Inđônêxia vào “ Danh sách theo dõi đặc biệt 301 - Special 301 watchlist” vì các nước đó sử dụng phần mềm nguồn mở! Danh sách 301 là một bản báo cáo về việc “thực hiện đầy đủ và hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ” trên toàn cầu. Việc bị đặt trong danh sách này có nghĩa là bị chính phủ Mỹ xem như “kẻ thù của chủ nghĩa tư bản” do không tôn trọng đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ và Mỹ sẽ gây các áp lực thương mại để buộc các chính phủ đó phải thay đổi hành vi.


Lý do để IIPA đưa ra yêu cầu nói trên là vì các nước đó đã dám sử dụng hoặc khuyến khích sử dụng phần mềm nguồn mở trong các cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước và như vậy đe dọa nền công nghiệp phần mềm và phá giá quyền sở hữu trí tuệ. Trong văn bản của IIPA gửi đại diện thương mại Mỹ có viết:


“ Chính sách của chính phủ Indonesia làm yếu nền công nghiệp phần mềm và phá hoại hiệu quả dài hạn của nền công nghiệp đó bằng cách tạo nên một sự ưa thích giả tạo đối với các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm nguồn mở, làm cho nhiều công ty ( phần mềm nguồn đóng) không thâm nhập được thị trường chính phủ.”


Tuy vậy, những người yêu PMNM không việc gì phải lo lắng. Vận động hành lang (lobby) là một hoạt động chính trị được chính thức công nhận ở Mỹ và châu Âu, có luật lệ hẳn hoi (ví dụ Lobbying Disclosure Act) . Các tổ chức lobby phải đăng ký, có báo cáo hàng năm và được dùng các phương tiện, hình thức hợp pháp để vận động chính giới thông qua những văn bản pháp lý có lợi cho mục tiêu của mình. Mới đây, các vụ kiện có liên quan đến Việt nam như vụ kiện bán phá giá cá basa hoặc vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam cũng bị phê phán là chúng ta đã không biết sử dụng hệ thống lobby của Mỹ. Báo Hà nội mới vừa rồi còn đặt vấn đề công nhận lobby tại Việt nam nữa!


Vì vậy, lobby không có nghĩa là đã thành công. Và có nhóm lobby theo chiều này thì cũng có nhóm lobby theo chiều ngược lại. Cuối năm 2009, hơn 70 công ty, viện nghiên cứu và cộng đồng PMNM đã thành lập một tổ chức lobby gọi là “Phần mềm nguồn mở cho nước Mỹ - Open Source for America – OSFA) để vận động cho việc dùng PMNM trong chính quyền Mỹ. Tổ chức này bao gồm các công ty lớn như Google, AMD, Oracle, Canonical, …, các trường đại học như trường đại học tổng hợp Bắc Carolina, đại học tổng hợp Oregon, …các cộng đồng như GNOME Foundation, Linux Foundation, ... có mục đích:





  • Giúp thay đổi các chính sách và thực tiễn để chính phủ liên bang sử dụng PMNM tốt hơn.




  • Phối hợp các cộng đồng nguồn mở hợp tác với chính phủ về các yêu cầu công nghệ.




  • Nâng cao nhận thức và tạo nên sự hiểu biết của các lãnh đạo liên bang về giá trị và thực tế của PMNM.




Đáp lại các lý lẽ trên, McNealy, chủ tịch của Sun Microsystems nói: ” Nếu suy nghĩ như vậy thì phần mềm nguồn đóng tương đương với một nền kinh tế chỉ huy bởi những nhà độc tài ( Bill Gate chẳng hạn – zxc232), trong khi phần mềm nguồn mở có mọi sự lựa chọn là nền kinh tế thị trường với nhiều người chơi cạnh tranh nhau.”


Như đã đưa tin, không hiểu IIPA nói thế nào với việc gần đây website Nhà trắng chuyển sang dùng nguồn mở, quân đội Mỹ tăng cường dùng PMNMchính phủ Anh đưa ra hẳn các chính sách dùng PMNM trong chính phủ, v.v...? Có đưa các nước đó vào danh sách 301 không?


Cuộc đấu tranh còn chưa kết thúc nhưng cũng có thể thấy ngay là PMNM đã lớn mạnh đến thế nào thì mới xảy ra cuộc đấu tranh đó. Trước đây khoảng 10 năm, Microsoft còn cười khẩy coi PMNM chỉ như một căn bệnh ung thư thôi.



2 comments:

congtu said...

Thang dien viet bay viet ba

congtu said...

thang dien