3/8/10

Dọn dẹp Ubuntu (và các bản Linux khác)


Dọn dẹp Ubuntu (và các bản Linux khác)


(Dưới đây lấy ví dụ cho Ubuntu và cũng có  thể áp dụng cho các bản Linux khác)


Sau một hồi cài thêm, gỡ bỏ, cập nhật phần mềm và cả trong quá trình sử dụng bình thường, trong Ubuntu xuất hiện nhiều rác.



I. Bleachbit


Bleachbit là một chương trình dọn dẹp được khá nhiều loại rác. Sau khi cài đặt từ kho phần mềm của Ubuntu, nó xuất hiện trong menu Applications → System Tools dưới hai tên: Bleachbit và Bleachbit (as root).


Nếu chạy Bleachbit theo quyền của một user thường, sẽ chỉ xóa được những dữ liệu cá nhân của user đó: các dữ liệu của Firefox, OpenOffice, GIMP, Flash, Adobe Reader,.... Một số mục trong phần System nhưng nằm ở thư mục Home của user cũng xóa được.


Đặc biệt trong phần Firefox có mục Vacuum dùng để giảm phân mảnh cơ sở dữ liệu của Firefox, làm cho trình duyệt chạy nhanh hơn sau một thời gian sử dụng. Firefox có đến 10 cơ sở dữ liệu SQLite chứa các loại dữ liệu khác nhau. Ngoài cách dùng Bleachbit, còn có thể dùng add-ons SpeedyFox để dọn (xem thêm tại đây).


Để dọn các phần thuộc về hệ thống, phải chạy Bleachbit (as root). Sau khi nhập password, màn hình Bleachbit cũng tương tự như trên (không có các mục liên quan đến user như Firefox, OpenOffice, KDE, ...), trong đó:


APT: gồm các mục con:





  • clean để xóa tất cả các file cài đặt, cập nhật đã tải về từ Internet còn lưu trong thư mục /var/cache/apt/archives. Lệnh thực hiện là sudo apt-get clean. Những file này khá lớn, giải phóng được nhiều dung lượng ổ cứng.




  • autoremove để xóa các file “mồ côi – orphan” không có phần mềm nào cần đến nó. Lệnh thực hiện là sudo apt-get autoremove.




  • Autoclean: như clean nhưng chỉ xóa những file có version cũ, để lại file mới nhất.




System: có mấy mục đáng chú ý:





  • Cache: xóa dữ liệu trong thư mục ẩn /root/.cache




  • Broken desktop files: xóa các menu của các chương trình đã xóa và liên kết đến các loại file của chương trình đó.




  • Free disk space: ghi đè dữ liệu rỗng lên vùng các file đã xóa.




  • Localizations: xóa tất cả các loại file ngôn ngữ không cần thiết, chỉ để lại các file ngôn ngữ đã chọn trong Edit → Preferences → Languages.




  • Temporary Files: các file tạm lưu trong /tmp.




Sau khi đánh dấu chọn các mục cần thiết, nhấn nút Preview để xem trước danh sách các file sẽ xóa (xem hình trên) rồi nhấn nút Delete để xóa.


Bleachbit dùng được cả cho Windows, Mandriva, Fedora, OpenSUSE, ..., tải về tại đây.



II. Wajig


Wajig là chương trình không chỉ để dọn dẹp các file thừa khi cài đặt, gỡ bỏ mà còn để cài đặt, chữa lỗi cài đặt, cập nhật, xem danh sách file, v.v... khá nhiều việc xung quanh việc cài và gỡ phần mềm.


Wajig có trong kho phần mềm của Ubuntu. Sau khi cài, nhấn Alt+F2 rồi chạy lệnh gjig. Màn hình như sau:



Mỗi nút trên màn hình ứng với một lệnh, khi nhấn sẽ có một cửa sổ terminal hiện lên thực hiện lệnh đó. Di con trỏ vào từng nút sẽ có mô tả lệnh xuất hiện.



III. Gỡ bỏ các Linux kernel cũ


Ubuntu 9.10 khi mới cài có nhân Linux version 2.6.31-14, trên boot menu dòng lệnh tương ứng là Ubuntu, Linux 2.6.31-14 generic.


Sau nhiều lần cập nhật, cho đến nay phiên bản nhân là 2.6.31-20, mỗi lần cập nhật, nhân cũ không bị xóa, vẫn có một giòng lệnh trên boot menu. Nếu nhân mới có gì trục trặc, vẫn có thể chọn khởi động vào một trong các nhân cũ đã hoạt động tốt.


Nếu phiên bản nhân mới nhất hoạt động tốt trên máy của bạn, có thể xóa các nhân cũ đi như sau:





  • Vào menu System → Adminstration → Synaptic Package Manager




  • Trong màn hình của Synaptic, gõ vào ô Quick Search từ “kernel”, nhấn tiếp vào từ Package ở cột Package để xếp thứ tự gói theo abc rồi tìm và đánh dấu Mark for Complete removal tất cả các gói linux-headers-2.6.31.x, linux-headers-2.6.31.x-generic, linux-image-2.6.31-x, linux-image-2.6.31-x-generic với x=14-19 đã cài, chỉ để lại các gói mới nhất 2.6.31-20. Gỡ bỏ các gói này giải phóng được khoảng 600-900MB ổ cứng.




  • Sau đó khởi động lại, trên boot menu sẽ chỉ còn hai hàng ứng với phiên bản nhân mới nhất.




2 comments:

AFW12 said...

Ubuntu có phải thương xuyên dọc file rác và khóa registry hỏng hoặc không dùng đến không. Nhiều thứ trên U sau khi gỡ bỏ tôi thấy dung lượng được trả lại không bằng dung lượng bị mất khi cài chương trinh. Có lẽ trên U các chương trinh cũng khó gỡ bỏ triệt để như trên Win nếu không có phần mềm uninstall chuyên biệt. U sau một hai tháng dùng thì dần dần tốc độ chạy lại giảm không hiểu vì sao. Đã dùng qua ba phiên bản rồi mà chưa thấy có cải thiện chuyện này.

zxc232 said...

Trong Linux, khi cài một phần mềm, các gói phụ thuộc (dependents) cũng được cài theo thì phần mềm mới làm việc được.
Nhưng khi gỡ bỏ phần mềm, các gói phụ thuộc không bị gỡ. Vì vậy mới có sự chênh lệch dung lượng như bạn thấy.
Các gói phụ thuộc đó giờ không còn phần mềm nào cần đến nó nữa sẽ trở thành gói mồ côi (orphans), dùng hai phần mềm đã nêu trong bài để gỡ hoặc dùng lệnh sudo apt-get autoremove.
Gỡ như vậy là triệt để, không cần trình uninstall.
Tôi dùng Linux cũng lâu, không thấy bị chạy chậm lại.