3/5/10

Một bước tiến của phần mềm nguồn mở trong ngành giáo dục Việt nam


Một bước tiến của phần mềm nguồn mở trong ngành giáo dục Việt nam.


Ngày 1/3/2010, bộ Giáo dục Đào tạo vừa ban hành thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT, có hiệu lực áp dụng bắt đầu từ 15/4/2010, “ Quy định vê sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục ”.


(Toàn văn thông tư xem tại đây).


Như vậy sau các tổ chức Đảng, mà theo thông tin báo chí thì cũng đang ứng dụng rất mạnh PMNM, ngành GDĐT là ngành đầu tiên chính thức hưởng ứng chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyên thông về đẩy mạnh sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước .


Điều 4 “ Định dạng chuẩn tài liệu mở trong giao dịch điện tử” của thông tư quy định “ áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7978:2009 về định dạng tài liệu mở ODF (Open Document Format) cho các ứng dụng văn phòng


Cách viết này không rõ ràng, có thể gây hiểu lầm tương tự như quy định trước kia về font unicode. Khái niệm “giao dịch điện tử” không được định nghĩa sẽ được hiểu là điều 4 chỉ được áp dụng cho các tài liệu có luân chuyển trên mạng, gửi kèm email, v.v... Còn nếu tài liệu không giao dịch, chỉ lưu trên máy cá nhân rồi in ra thì dùng chuẩn gì cũng được hoặc lúc cần chuyển đi thì convert thêm một bản theo chuẩn. Về lý thì không sao, nhưng thực tế sẽ dẫn đến tồn tại hai chuẩn, rất phức tạp, giống như ba loại font hiện thời.


Vì vậy trong tên điều 4, cụm từ “giao dịch điện tử” nên đổi thành “tài liệu điện tử” và quy định rõ chế độ xử lý với các tài liệu cũ không theo chuẩn này.


Mặc dù vậy, việc quy định chuẩn tài liệu Việt nam là ODF và việc ngành giáo dục áp dụng chuẩn này cũng là một quyết định mạnh bạo:





  • Trong hai chuẩn quốc tế ISO/IEC cạnh tranh là ODF (Open Document Format, được Sun, IBM, Google, … hậu thuẫn và là chuẩn mặc định trong OpenOffice) và OOXML (Open Office XML, do Microsoft đề xướng, tích hợp một phần từ Microsoft Office 2007 trở đi), Việt nam đã chọn ODF cùng với một loạt các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức khác (xem chi tiết tại đây). Một số nước khác lại chấp nhận chuẩn OOXML.




  • Toàn bộ các tài liệu cũ soạn bằng Microsoft Office là phi chuẩn VN. Các tài liệu mới soạn bằng các bộ Microsoft Office cũng là phi chuẩn VN (các loại file .doc, .xls, .ppt, docx, xlsx, pptx, …). Chỉ có các bộ Microsoft Office 2007 SP2 và Microsoft Office 2010 có thể save được tài liệu dưới dạng ODF.




Điều 5 của thông tư đưa ra danh sách các PMNM được “ yêu cầu sử dụng chính thức để dạy học và sử dụng trong công tác văn phòng của các cơ sở giáo dục ”. Danh sách đó gồm: bộ phần mềm văn phòng OpenOffice, bộ gõ tiếng Việt Unikey, trình duyệt web Firefox, trình thư điện tử máy trạm Thunderbird và hệ điều hành trên nền Linux. (tôi nhấn mạnh).


Đoạn “yêu cầu sử dụng chính thức” nói trên đã là một bước tiến mạnh hơn chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT của bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên thời hạn nói trong điều 17 lại chỉ nhắc đến OpenOffice, Unikey và Firefox?


Về OpenOffice thì có một băn khoăn nhỏ như tôi đã nói ở đây: cách viết công thức toán của OpenOffice hơi phức tạp đối với giáo viên tiểu học và phải cài extension hỗ trợ. Bộ KOffice 2.x có phần mềm KFormula viết công thức dễ hơn nhiều, nên tìm hiểu để tích hợp với OpenOffice (soạn công thức bằng KFormula rồi copy hoặc chèn vào OpenOffice, nếu được).


Về hệ điều hành Linux không nên để mơ hồ như vậy, khó cho các đơn vị triển khai và cũng khó cho hỗ trợ tập trung:





  • Hoặc là nên chỉ định hẳn Ubuntu (như trong thông tư số 41/2009/TT-BTTTT của bộ Thông tin và Truyền thông). Các biến thể của Ubuntu (Xubuntu cho máy cấu hình thấp, Edubuntu cho giáo dục, Ubuntu Netbook Remix cho netbook) hoàn toàn có thể thay được danh mục lộn xộn trong mục 2 phụ lục danh mục các PMNM khuyến khích.




  • Hoặc bộ đầu tư xây dựng hẳn một bản Vinalinux dành cho giáo dục dựa trên nền Ubuntu theo kiểu ở đây hoặc ở đây. và đây nữa. Nghe “xây dựng” thì hơi kinh nhưng chỉnh trang Ubuntu, bổ xung những cái cần, thêm giao diện tiếng Việt, cài sẵn bộ gõ, cấu hình sẵn các phần mềm,… rồi dùng Remastersys để tạo đĩa cài đặt, soạn đầy đủ tài liệu hướng dẫn tiếng Việt có lẽ không khó lắm.




Dù sao thì “môi trường chính sách” về PMNM của bộ GDĐT như vậy cũng là nhất trong các bộ ngành hiện nay rồi (và cũng do đặc thù, chuyển sang PMNM trong giáo dục ở các nước khác cũng đi đầu và dễ hơn). Nhưng từ môi trường chính sách sang đến kết quả thực hiện cụ thể còn cả một chặng đường dài.


Ngày xưa, bác Quách Tuấn Ngọc đã rất nhạy bén, kịp thời và thành công với phần mềm soạn văn bản BKED. Bây giờ tuy có tuổi nhưng những việc làm trên chứng tỏ bác vẫn còn nhạy bén với cái mới. Chúc bác và quý bộ thành công trên một con đường khá chông gai.


P/s: mấy cái link kho phần mềm của bộ, openDNS không nhận được cái nào.



No comments: